Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng

QPTD -Thứ Sáu, 20/09/2024, 14:32 (GMT+7)
Câu chuyện trách nhiệm - đôi điều suy ngẫm

Anh T là cục trưởng một cơ quan cấp bộ. Tuy không cùng cơ quan với nhau, nhưng do gần nhà, lại “tâm đầu, ý hợp” nên mặc dù tôi đã nghỉ hưu quan hệ giữa hai người vẫn khá thân tình.

Ngày nghỉ anh đến chơi, tôi rất mừng, nói vui: “Lâu rồi mới thấy rồng đến nhà tôm”. Anh cười dí dỏm: “Anh cứ hay nói ngược. Đã mấy lần định đến thăm anh, nhưng rồi lại việc nọ, việc kia nên hôm nay mới tới được, anh bỏ quá cho”.

Để biểu thị sự cảm thông với khách, tôi nhẹ nhàng: Nói vui vậy thôi, tôi biết mà. Với cương vị và đặc thù công việc của cơ quan anh khi nào mà chẳng bận. Tình hình cơ quan dạo này có gì mới không anh - Tôi hỏi. Anh thoáng nghĩ rồi nói: “Cũng bình thường anh ạ! Có vài cán bộ mới về, một số sắp tới nghỉ hưu”. Anh kể tên mấy người tôi biết rồi chia sẻ tiếp: “Chuyện thay đổi cán bộ cũ, mới cũng là bình thường mà anh! Cơ quan nào chả vậy. Như thế cũng cần thiết cho sự phát triển, nhưng điều tôi băn khoăn, lo lắng là trách nhiệm của cán bộ trong công việc. Thái độ làm việc cầm chừng, thiếu tích cực, tự giác, chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ là được, không có chí hướng phấn đấu, cống hiến cho cơ quan, đơn vị. Người sắp đến tuổi nghỉ đã đành, còn có cả cán bộ cấp phòng mới buồn chứ”. Tôi hơi bất ngờ:  “Có chuyện đó sao? Lâu nay tôi cứ tưởng cán bộ cơ quan cấp đó rồi thì đều say mê, tâm huyết với nghề! Tôi nhớ trước đây, ai mà được chọn về cơ quan anh nhận công tác thì mừng và tự hào không kể xiết. Sao nay lại có chuyện đó, lạ nhỉ”? Nghe tôi hỏi, anh cười đầy hàm ý rồi giãi bày: “Vâng, cơ bản là vậy, nhưng có một bộ phận không nhỏ không được như vậy. Trước đây, tuy cuộc sống khó khăn, nhưng mọi người đều chí thú, chăm chỉ làm việc, cả ngày chỉ lo chuyện công việc cơ quan, tới mức “thiếu trách nhiệm” với gia đình như có người vẫn thường nói vui. Cuộc sống của cán bộ hiện nay chịu nhiều áp lực hơn nên trách nhiệm với công việc vì thế cũng bị chi phối hơn… Phải chăng là vậy”? Nghe anh nói tôi thấy cũng rối như mớ bòng bong và chẳng biết anh đang trả lời hay đặt câu hỏi với tôi nữa.

Đột nhiên anh T chuyển thái độ: “Tôi không thật rõ nguyên nhân vì sao, nhưng dù có là gì chăng nữa thì cũng không thể bào chữa được sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên anh ạ! Bàng quan, thiếu tích cực, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm,… dạng nào cũng đều nguy hại. Ít thì tác động xấu đến môi trường làm việc, nhất là với cán bộ mới, cán bộ trẻ; nhiều thì ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng cơ quan”. Tôi hỏi: “Vậy theo anh phải làm gì để khắc phục?”. Anh nói: Tôi không biết! Cũng đã làm nhiều cách, như: giáo dục, nhắc nhở chung trong hội họp, giao ban và “gặp riêng” với những trường hợp cụ thể nhưng đáng tiếc tình hình chuyển biến vẫn chậm. Có lẽ vấn đề ở tổ chức chỉ một phần, mà ở sự tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên mới là chính yếu. Ai cũng có tự trọng và nó được biểu hiện rõ trong cuộc sống, công tác. Người tự trọng cao thì trách nhiệm với công việc sẽ cao, người chưa tỉnh thức được tự trọng thì trách nhiệm đương nhiên sẽ thấp. Người ta thường nói: “Không ai hiểu mình bằng chính mình” cho nên để hóa giải hiện tượng đáng quan ngại về trách nhiệm nêu trên nhất thiết phải do mỗi người, với cán bộ, đảng viên lại càng phải như vậy. Đó là sự tự trọng, là trách nhiệm cao cả thể hiện danh dự, nhân cách, phẩm chất của người cán bộ được nhân dân tin cậy giao phó.

Anh T nói chí lý, tôi thấy nhẹ lòng. Phải chăng anh đã chẩn đoán đúng bệnh, bốc thuốc đúng thang để chữa trị căn bệnh trầm kha này. Tất nhiên, kết quả ra sao còn phải chờ thời gian mới trả lời chính xác. Nhưng tôi có niềm tin ở anh, cũng như tin ở sự tự trọng của cán bộ, đảng viên vậy.

HÀ ANH

Ý kiến bạn đọc (0)