Thứ Năm, 21/11/2024, 00:42 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng
Anh T là Bí thư chi bộ tổ dân phố, nơi tôi sinh hoạt. Anh hơn tôi mấy tuổi, tốt tính, năng nổ nên được mọi người quý mến. Là hàng xóm với nhau, thỉnh thoảng tôi và anh lại “ới nhau” uống trà, tâm sự chuyện “trong tổ, ngoài phường”.
Một lần uống trà gần đây, tôi chia sẻ cùng anh: “làm Bí thư chi bộ vất vả anh nhỉ”? Anh cười, nói: “vất vả gì đâu, trách nhiệm mà! Rồi giọng anh trầm hẳn xuống: “đôi khi hơi buồn nản chút thôi”. Tôi thắc mắc, hỏi: “anh buồn nản việc gì”? Tư lự một chút, anh thổ lộ: “chuyện sinh hoạt đảng viên hai chiều, ông ạ! Hôm vừa rồi sinh hoạt chi bộ, đảng số 91, có mặt 31, vắng hai phần ba, cuối buổi còn “già hai chục”, bởi một số người tự “rút sớm” không rõ lý do. Phiên họp chả khác phiên chợ chiều là mấy, ông nghĩ xem có buồn không”?
Nhấp ngụm trà, anh nói thêm: “đến nỗi đồng chí Phó Bí thư bực quá có ý kiến khá gay gắt, thậm chí chỉ thẳng tên một số người”. Cảm thông với anh, tôi nói: “thế thì đúng là buồn thật! Nhưng các anh có gửi giấy thông báo họp sớm không”? Anh khẳng định: “cấp ủy chúng tôi có 05 người, chia nhau tới từng gia đình đảng viên hai chiều, gửi giấy mời họp trước 05 ngày, không sót một ai”. Thấy lạ, tôi hỏi: “vậy, theo anh nguyên nhân và “nút thắt” ở đâu? Các anh không có cách gì sao”? Anh nói vẻ ngán ngẩm: “nút thắt” ở đâu thì tôi không biết, chúng tôi đã lường trước được tình hình nên chuẩn bị khá chu đáo, nhưng vẫn vắng nhiều quá. Có lần cấp ủy đã bàn, định viết giấy thông báo, rồi đề nghị Đảng ủy phường xác nhận chữ ký và đóng dấu để gửi tới các cấp ủy chủ quản, nhưng lại thấy rằng làm vậy e “căng quá”, bởi họ đều là “hàng xóm, láng giềng” với nhau cả, thế là lại thôi, rồi “đâu vẫn hoàn đấy”. Tôi hỏi thêm anh: “thế cuối năm họ có đến xin giấy nhận xét của cấp ủy chi bộ tổ dân phố theo quy định làm cơ sở cho tổng kết, bình xét đảng viên không? Tôi nhớ trước đây vẫn làm mà”! Anh nói: “Bây giờ vẫn có, nhưng không đầy đủ và cũng không vì thế mà chúng tôi nỡ “nặng nề” với họ”.
Câu chuyện về sinh hoạt đảng viên hai chiều cứ lởn vởn trong tôi suốt cả buổi sáng hôm ấy. Anh T nói không biết “nút thắt” ở đâu, nhưng thực ra anh biết khá rõ. Cần khẳng định, Quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú (Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Ban Chấp hành Trung ương) là nhằm tăng cường quản lý, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên và cũng là tạo mối liên hệ giữa họ với chi bộ nơi cư trú, trên thực tế cũng đã, đang phát huy tốt. Vậy mà, ở một vài nơi lại có tình trạng trên, thật đáng trách. Thiết nghĩ đã là quy định của Đảng thì mọi đảng viên và tổ chức đảng phải chấp hành nghiêm túc, tự giác. Trước hết, đó là nhiệm vụ, trách nhiệm, phẩm chất của đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng trực tiếp quản lý đảng viên.
Hẳn nhiên, đã biết “nút thắt” thì lo gì “cách gỡ”. Tôi nêu điều “tưởng nhỏ mà không nhỏ” này để chúng ta suy ngẫm và nếu có thể cùng tham gia “gỡ” theo cách phù hợp nhất.
HÀ ANH
“Nút thắt”,sinh hoạt đảng viên,hai chiều,Quy định số 213-QĐ/TW
“Tương thân, tương ái” - nét đẹp truyền thống văn hóa, niềm tự hào của dân tộc 21/10/2024
Câu chuyện trách nhiệm - đôi điều suy ngẫm 20/09/2024
“Đèn nhà ai, nhà nấy rạng” 18/03/2024
Câu chuyện nhỏ về “yêu, ghét” 03/11/2023
Đơn giản mà không đơn giản 10/07/2023
Tản mạn về chuyện lấy phiếu tín nhiệm 13/03/2023
Vạch áo cho người xem lưng 10/11/2022
Chuyện “Ngại… làm Bí thư chi bộ” 08/08/2022
Ngẫm về điều không được làm của đảng viên 03/02/2022
Chuyện đi cơ sở 09/09/2021