Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng

QPTD -Thứ Hai, 13/03/2023, 08:34 (GMT+7)
Tản mạn về chuyện lấy phiếu tín nhiệm

Ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị (khóa XIII) ra Quy định số 96-QĐ/TW, về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Ban Chấp hành Trung ương bầu; chức danh đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu; chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương và các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm; đối với chức danh đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.

Đây là chủ trương đúng đắn và rất kịp thời trong tình hình hiện nay. Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ theo quy định không chỉ tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội, mà còn nhận được sự ủng hộ và củng cố niềm tin của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, đã góp phần đánh giá khách quan, chân thực uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp họ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; đồng thời, là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Mặt tích cực là vậy, nhưng bên cạnh đó cũng còn một số ý kiến băn khoăn, lo lắng, thậm chí hoài nghi về tính hiệu quả của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo quy định, tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm có 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Vậy, làm thế nào để trọng dụng, sử dụng được những người có đa số phiếu “tín nhiệm cao”, bố trí họ ở cương vị công tác cao hơn và cho từ chức, miễn nhiệm, chuyển công tác khác đối với những người có đa số phiếu “tín nhiệm thấp” mà không cần chờ đến hết nhiệm kỳ đại hội? Đành rằng, việc bố trí, sử dụng cán bộ đòi hỏi phải xem xét trên nhiều yếu tố, nhưng đặt vấn đề nêu trên không phải không có cơ sở. Bởi trước đây, khi triển khai thực hiện Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị (nay được thay thế bằng Quy định số 96-QĐ/TW), một số cấp có thẩm quyền đã giải quyết chưa thật thấu đáo vấn đề này. Rất ít trường hợp trong số những người có đa số phiếu “tín nhiệm cao” được bố trí ở cương vị công tác cao hơn ngay trong nhiệm kỳ đại hội đảng bộ và cũng không có nhiều trường hợp người có đa số phiếu “tín nhiệm thấp” được cho từ chức, miễn nhiệm. Điều đó có chăng mới chỉ được thực hiện sau khi có kết quả bầu cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp.

Thực ra, tại Điều 11 của Quy định số 96-QĐ/TW đã quy định rõ về việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Vấn đề quan trọng ở chỗ các cấp có thẩm quyền có nghiêm túc và kiên quyết thực hiện hay không mà thôi. Cuộc chống tham nhũng, tiêu cực hơn 10 năm qua đã và đang đạt kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc làm trong sạch Đảng, bộ máy Nhà nước và cả hệ thống chính trị, tạo niềm tin cho nhân dân. Những người chân chính, yêu nước, yêu chế độ luôn mong và hy vọng rằng phát huy tinh thần đó, việc lấy phiếu tín nhiệm, nhất là sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện đúng Quy định số 96-QĐ/TW trong thời gian tới. Chỉ như vậy, mới kịp thời phát hiện, trọng dụng được người hiền tài và phát hiện, thải loại kẻ “bất tài, kém đức” đang tại vị trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Thiết nghĩ, được như thế sẽ tốt biết bao, âu cũng là may mắn cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.

HÀ ANH

 

Ý kiến bạn đọc (0)