Thứ Năm, 21/11/2024, 00:23 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng
Yêu và ghét là trạng thái cảm xúc của con người, luôn tồn tại trong cuộc sống, ở môi trường nào cũng có. Đấy là lẽ thường, không có gì phải tranh luận, bàn cãi. Nhưng, cách ứng xử, thể hiện “yêu, ghét” như thế nào cho đúng, phù hợp với cương vị, hoàn cảnh của mỗi người lại là điều đáng suy ngẫm.
Về chuyện này, tôi nhớ một kỷ niệm trong chuyến đi công tác với anh T - thủ trưởng cũ của tôi và mấy cán bộ cùng cơ quan. Lần đó, trên chuyến xe đến đơn vị công tác mọi người chuyện trò rôm rả. Những “chuyện làng tôi”, “quê tôi” tiếp nối không dứt, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, nên cung đường dường như cũng ngắn lại. Dần dà, câu chuyện dẫn tới chủ đề “yêu, ghét” và nổ ra tranh luận giữa chúng tôi. Lúc đầu anh T chỉ nghe, ít tham gia, đến khi đó mới đột nhiên nói: “Vậy tôi hỏi các cậu, trong cơ quan ta, tôi yêu ai, ghét ai?”
Dừng lại giây lát, như để khuyến khích mọi người, anh nói thêm: “Các cậu cứ nói thẳng, đừng ngại”.
Có lẽ do anh hỏi bất chợt, mọi người chưa kịp nghĩ nên đều im lặng. Lát sau, B mới trả lời: “Chắc anh thể nào chả có, có điều không biểu hiện ra thôi”. Nghe vậy, anh T nói: “Ừ, cậu nói không sai, nhưng chưa đầy đủ. Còn A và K thì sao, ý kiến thế nào?”. Nghe anh hỏi lại, tôi đành trả lời: “Thật sự bọn em không biết”.
Anh T ôn tồn: “Các cậu không biết cũng phải, bởi thật ra trong cơ quan ta, tôi không yêu ai và cũng chẳng ghét ai. Có thể các cậu hồ nghi, nhưng tôi nói thật đấy, chí ít là không thể hiện điều đó ra bên ngoài. Đúng, đã là người thì ai chả có “yêu, ghét”, tôi cũng không phải ngoại lệ. Có điều ở cương vị chủ trì cơ quan, tôi luôn tự răn mình không được phép như vậy, vì sẽ gây bất lợi cho đại cục. Khi còn là cán bộ cấp dưới, tôi từng có bài học thấm thía về điều này”. Thấy mọi người không ai nói gì, anh giảng giải, tất nhiên, làm trái với lẽ thường bao giờ cũng khó, nhưng đã là người chủ trì cơ quan thì không thể khác, khó mấy cũng phải làm. Hơn thế, phải coi đó là nguyên tắc, để kiềm chế cảm xúc, như thế sẽ tốt cho công việc chung. Trên thực tế, cái gì cũng có tính hai mặt. Nếu yêu người này, ghét người kia, sẽ dễ nảy sinh đố kỵ, so bì, mọi người thiếu niềm tin vào người đứng đầu về tính khách quan, công tâm, thậm chí còn hiểu lầm là tạo phe cánh, lợi ích nhóm,... dẫn tới mất đoàn kết nội bộ. Trong quá trình công tác, khó có thể tránh khỏi cảm tình với người này, không bằng lòng với người kia về cách sống, quan hệ, ứng xử nhưng cần thấy đó là cá tính của mỗi người và không vì thế mà yêu hoặc ghét họ. Hoặc nếu có chăng nữa, cũng không được thể hiện điều đó ra bên ngoài trong quan hệ công tác. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, càng cần phải “đoạn tuyệt” với sự “yêu, ghét” vì nếu để nó chi phối thì nguy hại vô cùng. Tục ngữ có câu “Yêu nhau, yêu cả dáng đi/Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng”. Trong cuộc sống, có không ít trường hợp như vậy. Nhưng cần hiểu đó là lời nhắc nhở, cảnh báo chúng ta về sự “yêu, ghét” cực đoan, không đúng.
Thế rồi, anh T kết thúc bằng một câu hỏi: “Tôi nghĩ vậy, không biết đúng hay sai. Còn các cậu nghĩ sao?”
Còn nghĩ sao nữa, dường như mọi người trên xe cũng tán đồng. Với tôi, câu chuyện nhỏ về sự “yêu, ghét” mà anh T nói thật bổ ích, chí lý, nhưng ngẫm lại không khỏi giật mình. Thế mới biết, ở cương vị của anh, trong quan hệ, ứng xử,... có cái khó riêng, phải giữ gìn đủ thứ vì đại cục. Chẳng “sướng” như chúng tôi, cứ bộc lộ cảm xúc “yêu, ghét” một cách vô tư, thoải mái, dẫu có ảnh hưởng tiêu cực thì cũng chỉ ở mức tiểu cục.
HÀ ANH
Câu chuyện nhỏ về “yêu,ghét”,sinh hoạt tư tưởng
“Tương thân, tương ái” - nét đẹp truyền thống văn hóa, niềm tự hào của dân tộc 21/10/2024
Câu chuyện trách nhiệm - đôi điều suy ngẫm 20/09/2024
“Đèn nhà ai, nhà nấy rạng” 18/03/2024
Đơn giản mà không đơn giản 10/07/2023
Tản mạn về chuyện lấy phiếu tín nhiệm 13/03/2023
Vạch áo cho người xem lưng 10/11/2022
Chuyện “Ngại… làm Bí thư chi bộ” 08/08/2022
“Nút thắt” trong sinh hoạt đảng viên hai chiều 24/06/2022
Ngẫm về điều không được làm của đảng viên 03/02/2022
Chuyện đi cơ sở 09/09/2021