Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng

QPTD -Thứ Hai, 19/11/2018, 08:24 (GMT+7)
Huấn luyện thay

Vừa rồi, tôi về quê ăn cỗ “mừng nhà mới” của cậu em. Khi mọi người đã tương đối đông đủ, chuẩn bị “vào mâm”, tôi chợt nhớ ra và nhắc: còn Bình (đứa em họ) chưa thấy đến. Mọi người bảo Bình đi làm ăn ở miền Nam mấy tháng nay rồi. Tôi hỏi còn thím ấy đâu mà sao cũng không thấy? Cậu em tôi nói: đi tập dân quân “thay” chồng rồi. Tôi ngạc nhiên: sao lại đi thay? Cậu em giãi bày: anh không biết thôi, “chuyện thường ngày ở huyện” ấy mà. Bởi vì đi huấn luyện dân quân bây giờ, tổng các khoản thu nhập cũng được hơn 200.000đ/ngày. Đang “ngày ba, tháng tám”, nhà nông rỗi việc nên đi tập thay để kiếm tiền chứ ở nhà cũng chẳng làm gì. Tôi hỏi: thế cán bộ dân quân họ cũng cho thím ấy đi tập thay à? Cậu em nói: em không biết nhưng chắc là phải cho thì người ta mới đi chứ!

Tôi thoáng buồn.

Ra về tôi cứ suy nghĩ mãi. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là chủ trương chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng chính trị, trình độ kỹ thuật, chiến thuật ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm nòng cốt thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Hiện nay, chúng ta đã có Luật Dân quân tự vệ, làm cơ sở để tổ chức thực hiện cho đúng và phát huy tốt vai trò của lực lượng này. Theo đó, người vào dân quân tự vệ phải được kết nạp, có đủ tiêu chuẩn về tuổi, sức khỏe, lý lịch, v.v. Trường hợp cô em tôi đâu phải là dân quân; tham gia huấn luyện liệu có bảo đảm chất lượng không? Có bảo đảm an toàn trong huấn luyện không? Nếu không may mất an toàn thì chế độ, chính sách giải quyết thế nào? Nếu phải huy động làm nhiệm vụ thì cô ấy có tham gia không? Có hoàn thành được nhiệm vụ không? Vân vân và vân vân.

Những năm qua, công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này, đáp ứng yêu cầu đề ra, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, thực sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở. Nhiều đơn vị dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng khác hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; nhiều chiến sĩ dân quân tự vệ dũng cảm chiến đấu bảo vệ xóm làng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu giúp nhân dân trong hỏa hoạn, bão lũ, v.v. Hiện tượng “huấn luyện thay” như cô em dâu họ tôi là không nhiều. Nhưng trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, huấn luyện dân quân tự vệ hằng năm chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nên rất cần được cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ quan quân sự cấp xã, cán bộ thôn đề cao trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời.

MẠNH DŨNG

Ý kiến bạn đọc (0)