Thứ Năm, 21/11/2024, 00:41 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng
Anh K là thủ trưởng một cơ quan nghiên cứu chiến lược. Tôi với anh là bạn tâm giao - có thể nói vậy - bởi không chỉ khá hợp nhau về cách sống, sở thích, mà cả chuyện thời cuộc, “nhân tình thế thái”, v.v. Tuy cùng tuổi, nhưng anh còn công tác, tôi thì đã nghỉ hưu. Anh bận công việc, thi thoảng vào ngày nghỉ chúng tôi mới có dịp hàn huyên.
Sáng chủ nhật vừa rồi, thấy anh tưới cây cảnh ở tầng hai, tôi nói con trai mời anh sang nhà uống nước. Anh không nề hà, sang ngay. Bắt tay tôi, anh cười và hỏi thân tình: “Anh dạo này thế nào, khỏe không?”. Tôi cười đáp: “Ơn giời! Cũng bình thường anh ạ. Lâu quá không ngồi với anh, nhân có ấm trà sen, mời anh sang uống cho vui”. Chúng tôi chuyện trò vui vẻ, dần dà dẫn đến chuyện chú M, cấp phó của anh. Tôi hỏi: “À, chú M mới bổ nhiệm, làm việc thế nào anh?”. Anh nói: “Mới gì nữa anh, chú ấy bổ nhiệm được hơn một năm rồi, mà sao anh lại hỏi về chú ấy?”. Tôi đáp: “Chẳng là trước đây khi còn công tác, tôi có làm việc với chú ấy đôi lần, nên có biết sơ sơ”. Anh không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, nói với giọng trầm trầm: “Chuyện bổ nhiệm cán bộ cũng khó nói anh ạ, “dễ mà khó, khó mà dễ”. Tôi nghĩ, ở góc độ nào đó, cấp ủy các cấp như người thợ may. Thợ giỏi, may khéo thì áo “vừa” và đẹp, thợ vụng thì áo “chật” hoặc “rộng”; mà áo “chật” một chút còn đỡ, chứ áo “rộng” thì dở lắm, nguy hại lắm! Chú M, với cương vị hiện tại ví như mặc áo hơi “rộng”. Sợ tôi hiểu nhầm, anh nói thêm: “Việc này cũng không phải lỗi của cấp ủy, thời điểm đó không có ai hơn chú M nên bổ nhiệm chú ấy là hợp lẽ. Được cái, chú M cũng biết vậy, lại không bảo thủ, nên trong giải quyết công việc cũng ít trắc trở, chứ không như một số người đã vậy lại chủ quan, không “biết mình, biết người” còn khó và dở nữa”.
Qua anh nói, mới biết anh thật tế nhị, đánh giá cấp dưới thật khéo, “chê mà như không chê, chê mà rõ là chê”; đúng là “Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Thế rồi đột nhiên anh hỏi tôi: “Anh có biết anh B, thứ trưởng không?”. Tôi đáp: “Tôi biết, nhưng không nhiều lắm”. Anh liền nói: “Anh B là cấp trên trực tiếp của tôi, ở cương vị hiện tại anh B thuộc diện trẻ, nhưng có tầm tư duy chiến lược, nhạy bén, sắc sảo lắm, quả đúng là “tài không đợi tuổi”. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, anh B hiện mặc áo hơi “chật”. Nhân chuyện đó, tôi cười hỏi đùa anh: “Thế còn anh? Áo đang mặc “vừa” hay “chật”?. Anh cũng cười, chỉ tay vào tôi rồi nói: “Anh hỏi sóc thế ai mà trả lời được! Nói thật là áo tôi mặc hơi “rộng”, nên trong công việc cũng phải cố gắng nhiều, anh ạ!”. Anh khiêm nhường vậy thôi, chứ qua tiếp xúc và những thông tin về anh, tôi biết anh là người “có tâm, có tầm”; áo anh mặc chẳng những không “rộng” mà có lẽ còn hơi “chật”.
Chia tay anh, mà chuyện anh nói về chiếc áo thật là sâu sắc, cứ lởn vởn mãi trong tôi. Chợt nhiên tôi nhớ lời dạy của Bác Hồ: Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Thiết nghĩ, đại hội đảng các cấp đã cận kề; trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự đi trước một bước và cùng với chuẩn bị văn kiện là hai việc quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của đại hội. Những người yêu nước, yêu chế độ, có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, dân tộc đều mong và tin rằng: các cấp ủy Đảng thực sự là những người thợ may giỏi - theo cách nói của anh K - để may được những chiếc áo “vừa vặn” cho cán bộ. Âu cũng là cái phúc cho “muôn dân trăm họ”!
HÀ ANH
Chuyện chiếc áo
“Tương thân, tương ái” - nét đẹp truyền thống văn hóa, niềm tự hào của dân tộc 21/10/2024
Câu chuyện trách nhiệm - đôi điều suy ngẫm 20/09/2024
“Đèn nhà ai, nhà nấy rạng” 18/03/2024
Câu chuyện nhỏ về “yêu, ghét” 03/11/2023
Đơn giản mà không đơn giản 10/07/2023
Tản mạn về chuyện lấy phiếu tín nhiệm 13/03/2023
Vạch áo cho người xem lưng 10/11/2022
Chuyện “Ngại… làm Bí thư chi bộ” 08/08/2022
“Nút thắt” trong sinh hoạt đảng viên hai chiều 24/06/2022
Ngẫm về điều không được làm của đảng viên 03/02/2022