Thứ Hai, 25/11/2024, 07:34 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng
Trong chuyến công tác về một vùng quê Bắc Bộ vừa qua, vô tình tôi được chứng kiến câu chuyện giữa hai bác là cán bộ nghỉ hưu. Thấy tôi vào, hai bác rất vui vẻ. Sau lời thăm hỏi, câu chuyện lại được tiếp tục. Hai bác không để tôi đứng ngoài cuộc.
Một bác tỏ vẻ bức xúc:
- Anh biết không gần đây, một số người đã lạm dụng dân chủ, làm những việc chống Đảng, không thể chấp nhận được.
Khi tôi còn ngơ ngác, chưa hiểu “đầu cua, tai nheo” thì bác nói tiếp:
- Chắc anh biết “Kiến nghị 72” được tung trên mạng trong đợt lấy ý kiến nhân dân tham gia “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” vừa rồi. Thật lạ! Không hiểu nổi! Đấy, những người ký tên vào “Kiến nghị” ấy có người trước đây là cán bộ, đảng viên, giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước, họ nắm chắc, hiểu rõ về nguyên tắc của Đảng. Lúc đương chức, họ nhắc nhở cán bộ, đảng viên cấp dưới phải chấp hành nghiêm nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, ấy thế mà khi nghỉ công tác họ lại “nhanh quên” vậy.
Dừng giây lát, bác lại tiếp:
- Gần đây, lại còn có chuyện mấy đảng viên viết đơn xin ra khỏi Đảng. Điều lạ là những góp ý, đơn từ ấy lại được họ tung lên mạng in-tơ-nét trước khi nó đến nơi cần đến.
Như thể “gãi đúng chỗ ngứa”, bác còn lại tiếp lời:
- Lúc người ta tự nguyện viết đơn xin gia nhập hàng ngũ của Đảng, được tổ chức xem xét đủ điều kiện thì mới kết nạp. Khi ấy họ đã thề suốt đời trung thành với Đảng, chấp hành nghiêm nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Do vậy, khi anh ta không thực hiện đúng như thế, có nghĩa họ không còn là đảng viên của Đảng và là người không có lòng tự trọng.
- Những người như thế chấp làm gì hở ông? Bác lên tiếng trước đáp lời.
- Đã đành vậy, nhưng tôi cứ nghĩ là lại thấy tưng tức làm sao ấy - nhấp ngụm trà, bác cắt nghĩa:
- Đã là đảng viên thì phải chấp hành kỷ luật của Đảng. Đảng viên có thể có ý kiến khác, được quyền bảo lưu, nhưng khi đã thành nghị quyết, tuyệt đối không được truyền bá ý kiến cá nhân. Đảng viên bị kỷ luật, bị khai trừ là một nỗi ô nhục, để người khác biết chỉ có nước tìm chỗ “đất nẻ mà chui”. Ngay cả người thân của họ cũng xấu hổ chẳng dám nhìn ai. Ấy thế mà mấy đảng viên nọ không hiểu “quẳng” lòng tự trọng đi đâu mà còn xem đó là “thành tích”. Thật là lạ!
Câu chuyện của hai bác cán bộ hưu dường như chưa đến “hồi kết”, nhưng cũng đã rõ. Chia tay họ, lòng tôi trào dâng niềm vui xen lẫn niềm tin khôn tả. Vui và tin vì những người như hai bác “tuổi cao, trí cao” mà tôi gặp có nhiều lắm. Họ thực sự là những đảng viên trung kiên, một lòng theo Đảng và là chỗ dựa của chính quyền, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ và bà con khối xóm. Điều đó hoàn toàn trái ngược với một số ít cán bộ hưu thi thoảng tôi gặp, họ tuy “tuổi chưa cao mà đã lẫn” có thói quen lên mạng, hay quan tâm đến những thông tin “trái chiều”, rồi phát ngôn tùy tiện làm ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của Đảng.
Câu chuyện của hai bác đúng là “chuyện nhỏ mà ý nghĩa lớn”. Chuyến công tác của tôi tuy vất vả nhưng thật bổ ích.
NGUYỄN PHÚ HƯNG
“Tương thân, tương ái” - nét đẹp truyền thống văn hóa, niềm tự hào của dân tộc 21/10/2024
Câu chuyện trách nhiệm - đôi điều suy ngẫm 20/09/2024
“Đèn nhà ai, nhà nấy rạng” 18/03/2024
Câu chuyện nhỏ về “yêu, ghét” 03/11/2023
Đơn giản mà không đơn giản 10/07/2023
Tản mạn về chuyện lấy phiếu tín nhiệm 13/03/2023
Vạch áo cho người xem lưng 10/11/2022
Chuyện “Ngại… làm Bí thư chi bộ” 08/08/2022
“Nút thắt” trong sinh hoạt đảng viên hai chiều 24/06/2022
Ngẫm về điều không được làm của đảng viên 03/02/2022