Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 13/07/2015, 15:56 (GMT+7)
Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội

Những năm qua, tiến trình cải cách tư pháp nói chung, trong Quân đội nói riêng được đẩy mạnh, đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, thời gian tới, Quân đội cần có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Quân ủy Trung ương về việc tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong Quân đội.
(Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 67-NQ/ĐUQSTƯ, ngày 08-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, trực tiếp là của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đưa công tác cải cách tư pháp đi vào chiều sâu, thiết thực, đạt mục tiêu, yêu cầu Chiến lược đề ra với nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, hệ thống các cơ quan tư pháp trong toàn quân được xây dựng theo hướng: tinh gọn, hiệu quả, đồng bộ và có mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, pháp lệnh, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực quân sự, quốc phòng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 được tiến hành chặt chẽ và có chất lượng tốt, nhất là tham gia có hiệu quả vào xây dựng các dự án luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp (trên các lĩnh vực: điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án,…) được chú trọng, bảo đảm cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu đề ra. Việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp từng bước được cải thiện, v.v. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp trong Quân đội được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, giảm đáng kể sai sót và không để lọt tội phạm. Đặc biệt, các bản án, quyết định của Tòa án quân sự bảo đảm thấu lý, đạt tình, đúng người, đúng tội, được thi hành đầy đủ, nghiêm túc, góp phần đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, tăng cường kỷ luật quân đội, pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, quân nhân, công nhân viên quốc phòng và công dân.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc cải cách tư pháp trong Quân đội còn tồn tại một số mặt hạn chế, bất cập. Nhận thức của cấp ủy, chỉ huy ở một số cơ quan, đơn vị đối với công tác này còn chưa triệt để, dẫn tới việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ còn chậm, thiếu kiên quyết; chất lượng hoạt động tư pháp có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh pháp lý, còn thiếu so với nhu cầu; trình độ, năng lực chuyên môn không đồng đều; cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn bất cập. Việc đầu tư trang, thiết bị, phương tiện, kinh phí, trụ sở làm việc của một số cơ quan tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, v.v.

Thời gian tới, công tác cải cách tư pháp trong Quân đội đặt ra những yêu cầu ngày càng cao; tình hình vi phạm kỷ luật và tội phạm trong lĩnh vực quốc phòng an - ninh tiếp tục diễn biến theo hướng tinh vi, phức tạp. Nghị quyết 67 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020 đã xác định mục tiêu: nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội mà trọng tâm là hoạt động xét xử, nhằm giữ nghiêm pháp luật Nhà nước, tăng cường kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội; đồng thời, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, danh dự, nhân phẩm của quân nhân, công nhân viên quốc phòng và của nhân dân; bảo vệ Đảng, chế độ và sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong khi đó, tổ chức biên chế các cơ quan tư pháp quân đội từ sau năm 2015 đến năm 2020 có xu hướng giảm (khoảng 82 đầu mối và 500 biên chế) so với hiện nay. Vì vậy, để đạt được mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020, toàn quân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các mặt công tác; trong đó, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc phương hướng, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra. Trong đó, tập trung làm rõ nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp trong Quân đội thời gian tới là: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động cùng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, các chế định bổ trợ tư pháp, chế độ giám sát, chất vấn tư pháp và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Đây là những vấn đề cơ bản, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nói chung, các cơ quan tư pháp nói riêng xây dựng kế hoạch và xác định lộ trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp phù hợp với khả năng, điều kiện của cơ quan, đơn vị mình. Vì thế, việc quán triệt phải được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng, tránh mọi biểu hiện của bệnh hình thức, đối phó, coi công tác này là việc riêng của cơ quan tư pháp, cán bộ tư pháp mà thiếu sự quan tâm sâu sát.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy và vai trò chủ động của cơ quan tư pháp các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này, bảo đảm cho Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực. Thực tiễn 10 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp cho thấy, nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chỉ huy thì nơi đó việc cải cách tư pháp có chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt yêu cầu đề ra và ngược lại. Vì vậy, cấp ủy và người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần coi đó là một nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, có tính khả thi cao. Đồng thời, coi trọng việc củng cố, kiện toàn bộ phận chỉ đạo cải cách tư pháp ở từng cấp, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, nhằm giúp cấp ủy cùng cấp theo dõi, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ này. Để việc lãnh đạo, chỉ đạo cải cách tư pháp đúng hướng và đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần bám sát chủ trương, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác tư pháp của Đảng, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, của Bộ Quốc phòng, tình hình thực tiễn của đơn vị và phát huy vai trò của cơ quan tư pháp các cấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp. Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi của công tác cải cách tư pháp; kiên quyết đổi mới mô hình, tổ chức cơ quan pháp luật; tích cực triển khai thực hiện các luật liên quan đến cải cách tư pháp đã ban hành, như: Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (năm 2014) và tham gia ý kiến hoàn thiện hệ thống các luật, nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự, v.v.

Ba là, tiếp tục bám sát quan điểm, nguyên tắc, quy trình xây dựng đội ngũ cán bộ của Quân ủy Trung ương và đặc thù của lĩnh vực tư pháp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020. Trong quá trình xây dựng, cần coi trọng ở tất cả các khâu, các bước, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, bảo đảm không bị hẫng hụt về nhân sự, thế hệ, nâng cao chất lượng, đủ về số lượng và phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng ngành trong hệ thống cơ quan tư pháp. Cấp ủy, chỉ huy cơ quan tư pháp các cấp cần làm tốt việc rà soát, nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ tư pháp cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tiến hành tố tụng để có chủ trương, giải pháp xây dựng phù hợp. Đồng thời, coi trọng xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cùng các kiến thức về chính trị, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ tư pháp; trong đó, ưu tiên cho các chức danh điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và chấp hành viên các cấp,… đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp trong tình hình mới.

Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, nhất là hoạt động điều tra, truy tố và xét xử,… bảo đảm hoạt động của cơ quan kiểm sát phải thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; hoạt động của tòa án phải thực hiện quyền tư pháp theo hướng: đổi mới phương thức xét xử từ thẩm vấn là chủ yếu sang tăng cường tranh tụng tại phiên tòa. Theo đó, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án phải được tiến hành chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ và đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không để oan, sai hoặc sót, lọt tội phạm, góp phần tăng cường kỷ luật, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Cùng với tuân thủ pháp luật, quá trình tố tụng phải thực hiện chính sách hình sự hướng thiện, nhân đạo và coi trọng công tác phòng ngừa.

Năm là, các cơ quan tư pháp trong Quân đội cần chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Trước hết, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong toàn quân. Coi trọng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời theo phạm vi, trách nhiệm những biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp và các quy định trong tố tụng. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện; nâng cấp, xây dựng mới trụ sở làm việc cùng các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các chức danh tư pháp, tạo thuận lợi cho các cơ quan, cán bộ tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, và trong xu thế hội nhập quốc tế, cần nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp, nhất là trong cung cấp thông tin, tương trợ tư pháp, trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm, hợp tác đào tạo cán bộ và nâng cao năng lực hoạt động của từng ngành.

Cải cách tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống chính trị, xã hội và trong duy trì kỷ luật, phòng, chống tội phạm, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chiến lược cải cách tư pháp trong toàn quân, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN KHÁNH, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước