Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Chủ Nhật, 31/07/2011, 03:04 (GMT+7)
Mấy vấn đề về đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong quân đội hiện nay
Những năm qua, công tác giáo dục chính trị (GDCT) tại đơn vị trong quân đội đã được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ với các biện pháp tích cực, có hiệu quả, nên đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

alt
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiểm tra một buổi học chính trị tại Sư đoàn 301, BTL Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Báo QĐND).
Nhận thức rõ vai trò to lớn của công tác GDCT, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp luôn đề cao trách nhiệm, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và đã có nhiều biện pháp tích cực; cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, cán bộ tuyên huấn các cấp đã phát huy tốt chức năng tham mưu, vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực hiện nghiêm quy chế, quy định; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện đưa công tác GDCT  tại đơn vị ngày càng đi vào nền nếp. Người chỉ huy các cấp đã quan tâm hơn đến công tác GDCT của đơn vị, chủ động bàn bạc, thống nhất với chính ủy, chính trị viên và chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai kế hoạch GDCT chặt chẽ, thống nhất và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động quan trọng này. Nhiều cán bộ quân sự, hậu cần, kỹ thuật đã tích cực tham gia vào một số hình thức GDCT ở đơn vị. Một số địa phương, đơn vị đã cụ thể hoá nội dung, chỉ tiêu GDCT thành các tiêu chí, yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý, rèn luyện đảng viên, đoàn viên, hội viên; đồng thời, gắn công tác GDCT với công tác thi đua - khen thưởng và xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện,v.v.

Về nội dung, các đơn vị luôn đặt trọng tâm công tác GDCT vào việc nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, truyền thống của dân tộc, của Đảng và quân đội, bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bởi vậy, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá... cán bộ, chiến sĩ quân đội ta vẫn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; tỏ rõ là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện thắng lợi mọi chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc ổn định chính trị, xã hội và phát triển đất nước.

Trên cơ sở đổi mới toàn diện, đồng bộ các hình thức GDCT, các đơn vị đã coi trọng toàn diện các khâu cơ bản của quá trình giáo dục; trong đó, tập trung đột phá vào những khâu quan trọng, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị. Các đơn vị luôn kết hợp chặt chẽ giữa GDCT cơ bản với giáo dục thường xuyên trong các nhiệm vụ; giữa giáo dục truyền thống, thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục, huấn luyện quân sự, rèn luyện kỷ luật và xây dựng nền nếp chính quy. Đồng thời, phát huy các thiết chế văn hoá ở đơn vị và các lực lượng, phương tiện tham gia GDCT.

Các cấp đã thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động của các tổ cán bộ giảng dạy chính trị theo đúng quy chế GDCT; tích cực tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp, tổ chức thông qua giảng mẫu, hội giảng, bình giảng, thi cán bộ giảng dạy chính trị, rút kinh nghiệm; tập trung khắc phục một số khâu yếu, mặt yếu, nhất là về trách nhiệm trong chuẩn bị bài giảng, phương pháp sư phạm, tính định hướng trong liên hệ, vận dụng vào thực tiễn. Các đơn vị cũng đã coi trọng hơn việc bồi dưỡng cán bộ cấp trung đội về năng lực, phương pháp tổ chức thảo luận ở tổ học tập chính trị. Việc phân cấp quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả GDCT được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế; coi trọng biện pháp quản lý các đối tượng học tập và tích cực tổ chức học bù, học vét, khắc phục hiện tượng bỏ nội dung, sót đối tượng, bảo đảm quân số tham gia học tập cao. Trong điều kiện bảo đảm của trên còn khó khăn, các đơn vị đã tiếp nhận, sử dụng kinh phí, vật tư GDCT đúng mục đích. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cơ sở đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tích cực đổi mới phương pháp, sáng tạo mô hình, đồ dùng dạy học, củng cố sổ sách, bồi dưỡng tập huấn, thi cán bộ giảng dạy chính trị..., góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác GDCT tại đơn vị.

Tuy nhiên, công tác GDCT tại các đơn vị quân đội vẫn còn một số hạn chế và  là một khâu yếu kéo dài. Việc cập nhật các chủ trương, chính sách và thông tin mới theo sự phát triển của thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và của đơn vị để bổ sung vào bài giảng chưa kịp thời. Các hình thức, phương pháp GDCT tuy đã có sự đổi mới, nhưng chất lượng, hiệu quả còn thấp, chưa thật sự phong phú, sinh động, hấp dẫn bộ đội. Việc sử dụng các mô hình, học cụ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động GDCT chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; các bài giảng điện tử còn ít, chất lượng còn hạn chế. Việc kết hợp công tác GDCT với công tác tư tưởng, giáo dục cơ bản với giáo dục theo nhiệm vụ, giáo dục thường xuyên, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, gắn với các phong trào thi đua và các cuộc vận động chưa thường xuyên, thiếu tính kế hoạch, sự đồng bộ và thống nhất. Một số đơn vị chưa chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy chính trị; trình độ của một bộ phận cán bộ giảng dạy chính trị còn hạn chế, phương pháp, kỹ năng sư phạm còn yếu; việc đánh giá kết quả GDCT vẫn còn biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đúng thực chất.        

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy chưa quan tâm đúng mức đến công tác GDCT; việc lãnh đạo phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong GDCT đạt hiệu quả chưa cao. Một số cơ quan chính trị (trực tiếp là cơ quan tuyên huấn) chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong tham mưu đề xuất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; chưa xác định được khâu đột phá để nâng cao chất lượng GDCT tại đơn vị. Một bộ phận cán bộ giảng dạy chính trị chưa thực sự tâm huyết, đề cao trách nhiệm, đầu tư về thời gian, công sức để nghiên cứu, sưu tầm, tìm tòi, sáng tạo trong chuẩn bị nội dung giảng dạy; tính nêu gương, mô phạm chưa cao; trình độ giảng dạy của cán bộ chính trị cấp đại đội, tiểu đoàn tuy có tiến bộ, song số khá, giỏi chưa nhiều, chưa vững chắc; năng lực nhận định, đánh giá tình hình và khả năng giải quyết những vấn đề nảy sinh về tư tưởng còn hạn chế. Trong lúc đó, cơ sở vật chất phục vụ học tập chính trị còn nhiều khó khăn; công tác bảo đảm kinh phí còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ GDCT; kinh phí cho tập huấn, bồi dưỡng, thi giáo viên, thực hành bài giảng của cán bộ giảng dạy và củng cố mô hình, sơ đồ hoá bài giảng chính trị chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra,v.v.

 Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ biến đổi phức tạp và khó lường. Đất nước ta có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN. Trước tình hình đó, công tác GDCT tại đơn vị trong quân đội phải quán triệt sâu sắc các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, nghị quyết của Đảng (trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9); tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Mọi hoạt động của công tác GDCT phải tập trung vào việc củng cố vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội; chủ động phát hiện và cương quyết đấu tranh với quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá; chủ động ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt những yêu cầu đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy; nâng cao năng lực tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan chính trị các cấp đối với công tác GDCT ở đơn vị. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải quán triệt, thực hiện đúng Quy chế, quy định về lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 124-CT/QUTW, ngày 31-3-2011 của Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới. Cùng với đó, các cấp ủy phải đưa việc lãnh đạo, tổ chức GDCT vào Quy chế, nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; vào kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy; khắc phục triệt để biểu hiện “giao khoán” cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị.

Cơ quan chính trị các cấp phải nâng cao năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy trong tổ chức thực hiện công tác GDCT tại đơn vị. Hằng năm, cơ quan chính trị phải có hướng dẫn cụ thể; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền, hoặc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải giải quyết kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDCT. Cùng với đó, cơ quan chính trị phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cùng cấp làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện thống nhất ở các cấp; mặt khác, tích cực giúp lãnh đạo, chỉ huy kiểm tra các đơn vị thực hiện nghiêm túc kế hoạch GDCT đã được phê duyệt. Cơ quan chính trị chủ động hướng dẫn các đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Quy chế GDCT đã ban hành, coi trọng đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, chỉ đạo điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến; khắc phục triệt để mọi biểu hiện thiếu trách nhiệm, coi nhẹ kiểm tra, đánh giá kết quả hoặc chạy theo thành tích, báo cáo không kịp thời, thiếu trung thực.

Hai là, đổi mới căn bản, toàn diện công tác GDCT ở đơn vị. Trên cơ sở quán triệt đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc quan điểm Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9 về GDCT; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và đơn vị; cùng với nội dung GDCT thường xuyên, các đơn vị cần tăng cường giáo dục nội dung bổ trợ, chú trọng thông tin định hướng, các nội dung, hình thức vận dụng ở cơ sở, mở rộng kiến thức hiểu biết cơ bản, phổ thông, phù hợp với đặc điểm và thời gian huấn luyện theo Luật Nghĩa vụ quân sự của từng đối tượng. Trong GDCT, cần hết sức coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước XHCN, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tinh thần đoàn kết; giáo dục pháp luật, kỷ luật, đạo đức, lối sống cho quân nhân; tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong mọi hoạt động và cuộc sống, tạo bước chuyển biến vững chắc về chất lượng chính trị trong toàn quân.

Cùng với đó, các cấp cần tích cực đổi mới các hình thức giáo dục chủ yếu; tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu (nhất là khâu chuẩn bị và thông qua giáo án, thảo luận ở tổ); tập trung đổi mới hình thức nâng cao chất lượng học tập chính trị cơ bản của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Trước mắt, thực hiện tốt việc thí điểm biên soạn tài liệu GDCT của chiến sĩ mới theo hướng đặt câu hỏi, trả lời từng vấn đề theo nội dung bài học, kết hợp chặt chẽ với hình thức, phương pháp thuyết trình… Trong quá trình lên lớp, nhất thiết phải có mô hình, biểu đồ trực quan minh họa; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục ngoại khoá, vận dụng tổng hợp, sáng tạo các hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục theo hướng cơ bản, hiện đại, phong phú, sinh động, hấp dẫn bộ đội, tạo cộng hưởng cho quá trình giáo dục, giúp người học dễ tiếp thu nội dung và vận dụng vào thực tiễn. 

Đồng thời với coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục thường xuyên, giáo dục theo nhiệm vụ, các đơn vị cần thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt chính trị, tư tưởng, giáo dục thông qua tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, truyền thống, xem băng hình bổ trợ, thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào thi đua, các cuộc vận động; bám sát đơn vị, dự báo và định hướng tình hình tư tưởng của bộ đội, kịp thời nêu gương điển hình tiên tiến, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; chăm lo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, bầu không khí dân chủ, cởi mở, động viên tinh thần hăng say, thi đua học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Ngày chính trị - văn hoá - tinh thần; tăng cường hoạt động đối thoại giữa đại diện của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chuyên môn với cán bộ, chiến sĩ; mở rộng, phát huy hiệu quả của “Hòm thư góp ý” ở đơn vị cơ sở; tổ chức nhiều hình thức giao lưu văn hoá, hoạt động thể thao; đề cao vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức Ngày chính trị -văn hoá - tinh thần ở đơn vị.

Các đơn vị cần tiếp tục duy trì chặt chẽ, nền nếp chế độ thông báo chính trị - thời sự; đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; tập trung nâng cao trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện các chế độ của cán bộ; chủ động cập nhật nội dung và kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho bộ đội. Trong quá trình thực hiện những nội dung trên, các đơn vị cần đầu tư, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng công tác GDCT ở đơn vị, nhằm khắc phục triệt để những hạn chế kéo dài lâu nay.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy chính trị ở đơn vị. Trước những đòi hỏi mới của công tác GDCT, các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị cần tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ giảng dạy chính trị về năng lực tham mưu, tổ chức quản lý, phương pháp giảng dạy; duy trì chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả nền nếp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy chính trị theo phân cấp. Trước mắt, từng đơn vị cần chú ý khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về chất lượng chuẩn bị bài giảng, thông qua và phê duyệt bài giảng, tổ chức thảo luận ở tổ; kiên quyết chống "bệnh thành tích" trong báo cáo quân số và kết quả kiểm tra nhận thức chính trị của đơn vị. Đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị, cần tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng hoàn thiện về nhân cách; khắc phục khâu yếu, mặt yếu, những hạn chế kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng. Đặc biệt, các đơn vị phải đưa việc tổ chức thao giảng, bình giảng, thông qua giáo án, giảng mẫu đi vào nền nếp; coi trọng việc tập huấn, hội thi, hội thao giảng dạy chính trị giỏi ở các cấp gắn với hướng dẫn, định hướng thông qua làm mẫu, làm điểm, rút kinh nghiệm trong giảng dạy chính trị, sinh hoạt chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ chính trị. Hằng năm, phấn đấu có trên 75% cán bộ cấp cơ sở giảng dạy chính trị đạt khá trở lên.

Các đơn vị phải tăng cường rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy nhằm nâng cao năng lực, trình độ toàn diện của cán bộ và phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, để đội ngũ này thực sự tiêu biểu làm gương cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập, noi theo; đồng thời, tạo ra môi trường lành mạnh trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, các phương tiện trong công tác GDCT ở đơn vị. Để nâng cao chất lượng GDCT, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải phát huy được vai trò tích cực của các tổ chức quần chúng trong đơn vị, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, phối hợp cùng  cấp ủy, chính quyền các địa phương tham gia các hoạt động GDCT của đơn vị. Cùng với đó, cần chú trọng phát huy tốt vai trò của các thiết chế văn hóa: Nhà bảo tàng, Nhà truyền thống, Phòng Hồ Chí Minh; các phương tiện: pa-nô, áp phích, tranh tuyên truyền, cổ động, hệ thống loa truyền thanh nội bộ, băng đĩa hình truyền thống,... để nâng cao chất lượng GDCT.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành của địa phương trong GDCT cho lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thường trực. Đây là một nội dung quan trọng của công tác GDCT; bởi vậy, các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch GDCT cho lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thường trực bảo đảm sát hợp, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng tài liệu giáo dục chung với tài liệu do đơn vị tự biên soạn; vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp GDCT phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị; coi trọng kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả GDCT; chống mọi biểu hiện hình thức, chiếu lệ, tổ chức thiếu nghiêm túc, chặt chẽ.

Sáu là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác GDCT ở đơn vị. Các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí cho công tác GDCT tại đơn vị. Ngoài nguồn kinh phí do cấp trên bảo đảm, các đơn vị cần tích cực đầu tư thêm công sức của bộ đội và trích từ nguồn vốn tự có để xây dựng nơi học tập chính trị khang trang hơn; khắc phục triệt để tình trạng bộ đội phải học tập chính trị ngoài trời; chú ý trang bị thêm phương tiện kỹ thuật, vật chất phục vụ cho công tác GDCT..., đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN TUẤN DŨNG

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước