Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 24/05/2021, 08:24 (GMT+7)
Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống bộ đội

Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa quan trọng của công tác hậu cần nói chung, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm nói riêng đối với việc cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, những năm qua, toàn quân đã đẩy mạnh thực hiện công tác này bằng những nội dung, biện pháp thiết thực, phù hợp, thu được kết quả tích cực.

Những năm gần đây, do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, khiến việc sản xuất lương thực, thực phẩm ở một số địa phương gặp không ít khó khăn làm cho giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm hậu cần nói chung, công tác nuôi dưỡng bộ đội nói riêng. Trước tình hình đó, ngành Hậu cần Quân đội đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; huy động đông đảo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực. Từ nguồn vốn đầu tư của Bộ Quốc phòng, các đơn vị đã từng bước phát triển mở rộng sản xuất tập trung theo hướng có chiều sâu, bền vững, phong phú về nội dung, đa dạng về sản phẩm, khép kín từ sản xuất đến chế biến và sử dụng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội. Đẩy mạnh thi đua phát huy nội lực, triệt để tận dụng và cải tạo đất đai, ao hồ; chú trọng quy hoạch doanh trại chính quy gắn với tăng gia sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản) phù hợp với đặc điểm của đơn vị và địa bàn đóng quân.

Thành quả tăng gia của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 (Quân khu 3). Ảnh:quankhu3.vn

Trong quá trình triển khai, các phong trào thi đua: “Cải tạo đất, phủ màu xanh”, “Vườn rau kiểu mẫu”, “Vườn rau Thanh niên” và các hội thi tăng gia sản xuất thời kỳ giáp vụ,... được các đơn vị trong toàn quân hưởng ứng tích cực. Nhờ đó, toàn quân đã tự túc được 80% - 90% định lượng rau, củ, quả; 35% - 70% định lượng thịt, cá các loại,… bảo đảm nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng vào giữ vững và nâng cao đời sống bộ đội, nhất là thời điểm giáp vụ. Kết quả tăng gia sản xuất không chỉ trực tiếp cải thiện đời sống bộ đội, tạo nguồn thu cho đơn vị, mà còn giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về tính tích cực, chủ động trong thực hiện chức năng “Đội quân lao động sản xuất” của Quân đội ta, góp phần bình ổn giá cả thị trường, phát triển kinh tế địa bàn đóng quân. Song song với đó, các đơn vị tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm ngân sách, vật tư, tài sản, thời gian, công sức bộ đội, v.v.

Bên cạnh mặt tích cực đạt được, công tác tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm còn một số tồn tại, hạn chế: nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ chưa thật đầy đủ, có nơi, có lúc còn chạy theo phong trào; việc tổ chức thực hiện ở các đơn vị còn nhỏ lẻ là chủ yếu, khả năng tự túc giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa nhiều; cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo mùa vụ chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu thời điểm giáp vụ,... nên hiệu quả, chất lượng chưa cao.

Những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ khó lường; giá cả mặt hàng vật tư nông nghiệp, thực phẩm có xu hướng gia tăng, v.v. Trong khi đó, ngân sách bảo đảm quốc phòng có hạn. Vì vậy, cùng với thực hiện nhiệm vụ “chính trị trung tâm thường xuyên” là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan hậu cần trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, khắc phục triệt để những khuyết điểm, tồn tại những năm vừa qua. Tăng gia sản xuất là truyền thống của Quân đội; nội dung quan trọng thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất”, trong bất cứ hoàn cảnh nào Quân đội ta cũng phải tổ chức với hình thức phù hợp, hiệu quả. Theo đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết cấp trên về chủ trương, định hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thiết thực, hiệu quả, nhất là Chỉ thị số 10/CT-BQP, ngày 07/3/2011 của Bộ Quốc phòng về phát động phong trào toàn quân tích cực tăng gia sản xuất, chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm, bảo đảm ổn định đời sống bộ đội; Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác Hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, rà soát, ban hành quy chế lãnh đạo công tác lao động, tăng gia sản xuất; đưa nội dung, chỉ tiêu này vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, chuyên đề để tổ chức thực hiện. Ngành Hậu cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch tăng gia sản xuất từng năm và dài hạn; trong đó, xác định rõ cơ chế, phương thức tổ chức và nội dung, chỉ tiêu phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm địa bàn. Thực hiện tốt việc quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực doanh trại với tăng gia sản xuất; tổ chức tăng gia sản xuất đồng bộ ở các cấp, theo hướng tập trung, bền vững, khép kín, cơ bản, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, chuyển mạnh từ phát triển tăng gia sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, coi trọng hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm; kiên quyết khắc phục tình trạng tăng gia sản xuất manh mún, làm theo phong trào, thiếu tính kế hoạch và tư tưởng “nước sông, công lính”.

Hai là, tích cực huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện mô hình, phương thức tổ chức tăng gia sản xuất theo hướng tập trung, khép kín, bền vững, hiệu quả. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: tổ chức thật tốt việc tăng gia sản xuất, chế biến tập trung, nâng cao chất lượng, hiệu quả, vững chắc và toàn diện nhằm cải thiện đời sống bộ đội. Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các đơn vị đã tích cực, chủ động kết hợp nguồn kinh phí trên cấp với phát huy nội lực, đầu tư xây dựng được trên 650 trại chăn nuôi tập trung, 1.500 mô hình Vườn - Ao - Chuồng cấp tiểu đoàn, đại đội và tương đương, 51 công trình tăng gia sản xuất gắn với căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn thực phẩm và định lượng suất ăn của bộ đội. Phát huy kết quả đạt được, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần bám sát điều kiện thực tế, xây dựng phương thức tăng gia sản xuất phù hợp; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt, chăn nuôi với chế biến. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tăng gia sản xuất cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương gắn với bếp ăn tập trung, nhằm chủ động nguồn thực phẩm thường xuyên và dự trữ, đáp ứng nhu cầu khi có tình huống, kiên quyết không để ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn bộ đội, góp phần bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với đó, các đơn vị tích cực huy động nguồn lực đầu tư phát triển tăng gia sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ưu tiên đầu tư xây dựng các khu tăng gia tập trung, vườn chuyên canh trồng các loại rau cao cấp, các loại củ, quả có thể làm nguồn dự trữ dài ngày; xây dựng các trang trại sản xuất cây, con giống, chủ động bảo đảm nguồn giống để phát triển sản xuất. Đối với các đơn vị bộ đội địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng các khu tăng gia sản xuất gắn với căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương trong các khu vực phòng thủ, nhằm duy trì sản xuất tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cải thiện đời sống bộ đội, giữ ổn định kinh tế - xã hội địa phương; từng bước chuẩn bị vật chất hậu cần khu vực phòng thủ, sẵn sàng bảo đảm kịp thời cho các lực lượng tác chiến khi có tình huống. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến trong căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương tạo nguồn thực phẩm thường xuyên, sẵn sàng đáp ứng các tình huống đột xuất theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ.

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Do đặc thù nhiệm vụ, các đơn vị quân đội thường đóng quân ở nơi có địa hình, thời tiết khó khăn, khắc nghiệt, diện tích hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến tăng gia sản xuất. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, các đơn vị vừa tích cực tăng gia quanh bếp, trong doanh trại, vừa đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào phát triển mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ; chăn nuôi an toàn sinh học, tăng quy mô đàn lợn nái sinh sản, lợn thịt siêu nạc, phát triển đàn gia cầm, nuôi cá thâm canh; mở rộng diện tích cây ăn quả ngắn ngày để bảo đảm định lượng đưa vào bữa ăn bộ đội. Trong quá trình tăng gia sản xuất, các đơn vị chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; áp dụng các biện pháp xử lý môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi; tuyệt đối không dùng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia, tạo màu, bảo quản cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho bộ đội.

Cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Hậu cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm tăng gia sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu và thí điểm các mô hình phát triển chăn nuôi áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong lai, tạo con giống bảo đảm thích nghi với môi trường, phát triển nhanh, chất lượng dinh dưỡng cao đưa vào nuôi thịt, tăng khả năng tự túc thực phẩm và làm mô hình để nhân rộng trong toàn quân. Triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tham quan học tập, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ đạo và chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác này ở các đơn vị.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, thực hành tiết kiệm, tổ chức tốt việc tạo nguồn, tiếp phẩm tập trung, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội”1. Quán triệt tinh thần đó, cùng với đẩy mạnh tăng gia sản xuất, các cơ quan, đơn vị cần kết hợp chặt chẽ bảo đảm với quản lý, duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ công tác hậu cần, tài chính. Trước mắt, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý, sử dụng ngân sách, xăng dầu, điện, nước, doanh cụ; đẩy mạnh dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ, kết hợp giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị. Trong quá trình triển khai, các đơn vị triệt để thực hành tiết kiệm, quản lý chặt chẽ, bảo tồn và phát triển nguồn vốn đầu tư, sử dụng sản phẩm tăng gia sản xuất đúng mục đích. Chú trọng nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng chế biến bảo đảm cho bộ đội ăn đúng, đủ tiêu chuẩn định lượng, giàu dinh dưỡng. Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan Quân nhu các cấp trong tổ chức khảo sát nắm chắc giá cả thị trường khu vực đóng quân từng thời điểm, hạch toán đầy đủ, rõ ràng giá thành sản xuất, xác định giá sản phẩm tăng gia sản xuất, chế biến đưa vào ăn hợp lý, thấp hơn thị trường để giữ ổn định và cải thiện đời sống bộ đội.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất gắn với phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, phong trào “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” và phong trào Thi đua Quyết thắng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phong trào tăng gia sản xuất trong toàn quân không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống bộ đội.

Trung tướng VŨ HẢI SẢN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10 , Nxb CTQG, H. 2011, tr. 545.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước