Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 19/06/2012, 15:41 (GMT+7)
Trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp 1992 và hướng bổ sung, sửa đổi

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ. Trải qua 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, đất nước ta đã có bước phát triển khá nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế phát triển mới hiện nay, một số nội dung trong Hiến pháp 1992 cần phải được tiếp tục bổ sung, sửa đổi, nhất là vấn đề về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.

alt
Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 họp về tình hình tổng kết thi hành Hiến pháp ( Ảnh: Chinhphu.vn)

Hiến pháp 1992 là sự kế thừa và phát triển Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1946. Nó gắn liền với sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nội dung Hiến pháp 1992 quy định những vấn đề có tính nền tảng về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN), quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ… Trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), Hiến pháp 1992 khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân”. Ngay sau khi Hiến pháp 1992 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã kịp thời tổ chức quán triệt, phổ biến trong toàn quân, đặc biệt đã chú trọng làm rõ các vấn đề phát triển mới có liên quan đến quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng. Đồng thời, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra các nghị quyết chuyên đề về Chiến lược BVTQ; Chiến lược Biển; xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020… Trên cơ sở nội dung Hiến pháp 1992, Bộ Quốc phòng đã kiến nghị với Quốc hội và tham mưu cho Nhà nước xây dựng các văn bản pháp luật, cụ thể hóa nhiệm vụ BVTQ: Luật Quốc phòng (2005); Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Pháp lệnh Dân quân tự vệ (2004); Luật Biên giới quốc gia; Pháp lệnh Cảnh sát biển (2008)… Nhờ thực hiện tốt Hiến pháp 1992, nhận thức cũng như trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, các cấp, các ngành và nhân dân về nhiệm vụ BVTQ được nâng cao. Chúng ta đã chủ động giải quyết tốt các thách thức chủ yếu về quốc phòng, mà nổi bật là đã từng bước ngăn chặn, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chúng ta cũng đã và đang giải quyết hợp lý các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ biên giới, biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, v.v.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những biến đổi sâu sắc. Tình trạng tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc tiếp tục diễn biến phức tạp. Công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta đã và đang thu được nhiều thắng lợi to lớn. Các quan điểm cơ bản của Đảng ngày càng được phát triển và không ngừng hoàn thiện, nhất là các quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, trong đó, đặc biệt là vấn đề BVTQ. Từ khi có Hiến pháp 1992 đến nay, lĩnh vực BVTQ của đất nước đã có nhiều đổi mới cả về mặt lý luận và thực tiễn, mà biểu hiện tập trung nhất là các quan điểm, nội dung trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Đây là quá trình chuyển đổi về nhận thức từ tư duy quân sự là chủ yếu sang tư duy quốc phòng; từ xác định đối tượng cụ thể sang xác định đối tượng, đối tác linh hoạt hơn; từ xác định mục tiêu chủ yếu là bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ sang xác định mục tiêu cụ thể và toàn diện hơn: bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, công cuộc đổi mới, nền văn hóa, lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN… Điều đó cũng được Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời;...”1.

Tuy nhiên cho đến nay, một số nội dung Hiến pháp 1992 đã không còn phù hợp với xu thế phát triển mới của đất nước; do vậy, việc sửa đổi, bổ sung, phát triển Hiến pháp 1992 là việc làm quan trọng và cần thiết. Riêng lĩnh vực BVTQ trong Hiến pháp 1992, chúng tôi xin nêu và đề xuất về hướng tập trung bổ sung, sửa đổi một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, về trách nhiệm BVTQ, Điều 44 Hiến pháp 1992 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân…”. Tính đến thời điểm hiện nay, vấn đề này vẫn hoàn toàn đúng đắn; tuy nhiên, nội dung thể hiện còn chưa cụ thể, đòi hỏi cần được bổ sung, sửa đổi theo hướng cụ thể và rõ trách nhiệm hơn nữa. Trong đó, cụm từ “toàn dân” (nhân dân) trong xã hội được hiểu gồm nhiều tầng lớp, nhiều bộ phận xã hội: lãnh đạo, quản lý, điều hành và quần chúng nhân dân, mỗi bộ phận có chức trách, nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến trách nhiệm cũng khác nhau. Chính vì thế, chúng ta không thể cào bằng trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý với quần chúng nhân dân, mà cần sửa đổi, bổ sung là: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân…”.

Thứ hai, đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, các thế lực thù địch đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, với mục đích là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và “phi chính trị hóa” Quân đội. Trước thực tế đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định rõ hơn nữa về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam trong Điều 4 Hiến pháp 1992. Chúng ta cần chỉ rõ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng (trong Điều 4 Hiến pháp 1992) là: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt đối với sự nghiệp QP-AN, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam…”. Mặt khác, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và nếu có thể được thì chỉ rõ vai trò của Quân ủy Trung ương trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và đối với toàn xã hội trong lĩnh vực này.

Thứ ba, về vai trò của Nhà nước, Điều 103 Hiến pháp 1992 quy định: Chủ tịch nước “Thống lĩnh các LLVT nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh”. Theo từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, cụm từ “thống lĩnh” thực chất là: “chức quan võ thời xưa chỉ huy toàn bộ LLVT của một nước. Chỉ huy thống nhất LLVT trong một nước”. Thống lĩnh là chỉ huy, vậy Chủ tịch nước thực hiện quyền chỉ huy của mình đối với LLVT như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận. Tuy nhiên, cho đến nay, nội dung Điều 103 Hiến pháp 1992 chưa có quy định về cơ quan chỉ huy, đồng thời chưa có cơ chế chỉ huy trong cả thời bình và thời chiến. Vì vậy, khi sửa đổi Điều 103 Hiến pháp 1992, xác định Chủ tịch nước là thống lĩnh các LLVT thì cần phải chỉ rõ cơ quan và cơ chế chỉ huy của  Chủ tịch nước đối với LLVT. Còn về Chủ tịch Hội đồng QP-AN, Điều 103 Hiến pháp 1992 khẳng định:

Chủ tịch nước giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng QP-AN là hợp lý, nhưng tổ chức Hội đồng QP-AN thì phải tiếp tục nghiên cứu thêm. Bởi lẽ, Hội đồng QP-AN chỉ tổ chức ở Trung ương chứ không tổ chức ở các cấp, như vậy vấn đề đặt ra là các nghị quyết của Hội đồng QP-AN triển khai như thế nào, trong khi hiện nay chúng ta có quá nhiều hội đồng và chưa thống nhất. Khi sửa đổi nội dung này trong Hiến pháp 1992, chúng ta cần chỉ rõ Hội đồng QP-AN được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở thống nhất các hội đồng hiện nay: Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, Hội đồng giáo dục QP-AN…

Thứ tư, về chất lượng chính trị và nhiệm vụ của LLVT, Điều 45 Hiến pháp 1992 quy định: “Các LLVT nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ XHCN và những thành quả cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước”. Như vậy, về nội dung Điều 45 Hiến pháp 1992 cơ bản đã đầy đủ, nhưng, chúng ta cần bổ sung cho hoàn chỉnh hơn. Bởi, Đảng ta luôn xác định LLVT là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, chính vì vậy cần phải nêu rõ: Các LLVT phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân... Hơn nữa, LLVT không chỉ có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, nên cần bổ sung thêm: “…, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu,…”; trong bảo vệ chủ quyền thì cần quy định cụ thể: “… bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ,…” 1 như văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra.

Thứ năm, về phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia sự nghiệp BVTQ, Điều 48 Hiến pháp 1992 có nêu:

 “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân; giáo dục QP-AN cho toàn dân;…”. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta cơ bản đã phát huy được vai trò của nhân dân trong sự nghiệp BVTQ, song không phải lúc nào cũng huy động được 100% sức mạnh này. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, vấn đề cơ bản nhất là chưa có cơ chế hợp lý để huy động được sức mạnh lớn nhất từ nhân dân tham gia sự nghiệp BVTQ. Do vậy, Điều 48 Hiến pháp 1992 cần được bổ sung cơ chế hợp lý, nhằm huy động được sức mạnh cao nhất từ nhân dân phục vụ cho sự nghiệp BVTQ.

Công tác bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 là việc làm đặc biệt hệ trọng và cần thiết, đòi hỏi các tổ chức chính trị - xã hội, mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước cần phát huy trí tuệ, sáng tạo, góp phần thiết thực xây dựng “đạo luật gốc” tương xứng với tầm vóc phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Các nội dung nêu trên là những ý kiến đưa ra để trao đổi, mong bạn đọc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

 Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

                   

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.