Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 11/11/2024, 09:21 (GMT+7)
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát triển nguồn nhân lực nói chung, ngành Xây dựng của quốc gia nói riêng là một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một trong những vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công tác tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng.

Với các định hướng, chiến lược phát triển đất nước phù hợp, những năm qua, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực, nhiều đô thị của Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn mang tầm thế giới. Kết quả đó đã minh chứng sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, trong đó có ngành Xây dựng. Song, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là gánh nặng, áp lực cho đất nước nói chung ngành Xây dựng nói riêng, đòi hỏi phải có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản để phát triển nguồn nhân lực Ngành ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới1. Tuy nhiên, số lượng lao động trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật được đào tạo có xu hướng giảm, đội ngũ thợ bậc cao, lành nghề, chuyên biệt chậm được bổ sung; một bộ phận lao động chưa đáp ứng về yêu cầu, trình độ công nghệ cũng như tốc độ phát triển của Ngành. Cùng với đó, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nhu cầu xây dựng công trình quân sự, quốc phòng, nhà ở và nhà làm việc cho cán bộ, chiến sĩ cũng rất lớn. Trong khi đó, Quân đội đang tiến hành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, các doanh nghiệp Quân đội và lực lượng công binh phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, hoạt động phân tán trên nhiều tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế - xã hội kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn; tính chất nhiệm vụ phức tạp, nguy hiểm,... nên có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp, ngành, các lực lượng, trong đó có Quân đội cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nguồn tài chính và mở rộng hợp tác với các quốc gia, doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế để nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề cho người lao động, nhất là người lao động thuộc lĩnh vực xây dựng, v.v. Xuất phát từ những vấn đề trên, bài viết trao đổi một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trước hết, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh và ngược lại. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao của các ngành, lĩnh vực ngày càng lớn, nhất là ngành Xây dựng, đòi hỏi các cấp, ngành, doanh nghiệp, trong đó có Quân đội cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về xây dựng để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh và ngược lại. Chính vì vậy, các học viện, nhà trường, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội khi được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về xây dựng cần mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình và cơ cấu đào tạo, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nhân lực; trong đó, chú trọng đào tạo các nghề cơ bản, thông dụng. Với các nghề chất lượng cao, chuyên biệt, đặc thù, công nghệ xây dựng mới phải do các cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng chủ trì hoặc liên kết với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để thực hiện, bảo đảm nguồn nhân lực xây dựng có thể thiết kế, thi công các công trình dân sinh, công trình lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Do lĩnh vực xây dựng của Quân đội mang tính đặc thù và có tính bảo mật cao, nhất là các công trình quốc phòng, nên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Quân đội, nòng cốt là Binh chủng Công binh và Học viện Kỹ thuật quân sự phải bám sát nhiệm vụ, đối tượng để đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về xây dựng công trình quân sự, rà phá bom, mìn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình, v.v. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội cũng cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp thi công, xây dựng các công trình quân sự, nhà ở, nhà làm việc của bộ đội theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”; “yếu kém, hạn chế khâu nào bồi dưỡng khâu đó, đối tượng nào hạn chế thì tập trung vào đối tượng đó”; lấy “công trường làm thao trường”. Thường xuyên phân công cán bộ có kinh nghiệm thi công công trình đặc thù; bồi dưỡng, kèm cặp cán bộ trẻ, chưa có kinh nghiệm; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Quá trình bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề mới, khó, chưa thống nhất và kỹ năng khai thác, sử dụng các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật chuyên ngành xây dựng.

Hai là, xây dựng các trường nghề đạt chuẩn quốc gia hoặc các trường đại học, cao đẳng có các trung tâm dạy nghề đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, một thực trạng thường thấy là các ngành nghề của Việt Nam nói chung, ngành Xây dựng nói riêng đang rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” nên việc phát triển nguồn nhân lực về xây dựng là hết sức cần thiết. Vì vậy, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương quy hoạch, xây dựng mạng lưới các trường nghề theo hướng mở rộng quy mô đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực được đào tạo nghề của lĩnh vực xây dựng. Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực về xây dựng của các doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội, các trường nghề cần đào tạo nghề chất lượng cao, nghề chuyên biệt, đặc thù (lắp máy, hàn ống áp lực, thủy công, công trình ngầm, công trình công nghiệp, thi công cơ giới đặc thù,...) và công nghệ xây dựng mới (công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân). Để đạt được mục tiêu này, các trường cần xây dựng và chuẩn hóa chương trình, đào tạo, tài liệu bồi dưỡng nâng cao tay nghề, thợ bậc cao đạt chất lượng quốc gia, khu vực và quốc tế để thống nhất trong toàn bộ hệ thống các trường nghề; đồng thời, liên kết với các trường nghề trong khu vực và thế giới, thu hút chuyên gia giỏi, nhất là cho hệ thống trường nghề tại các địa phương.

Muốn có trò giỏi thì không thể thiếu thầy hay, vì vậy, các trường nghề cần tập trung xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, bảo đảm đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khoa học, nhất là về chuyên ngành Xây dựng. Cùng với đó, tổ chức đào tạo, trao đổi giáo viên, giảng viên với trường đạt chuẩn quốc tế, bởi việc này sẽ giúp đội ngũ giảng viên, giáo viên tại các trường nghề nói chung, trường nghề trong Quân đội nói riêng nâng cao kiến thức, trình độ, qua đó giúp người học nâng cao tay nghề và tính kỷ luật lao động. Mặt khác, việc mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút và sử dụng có hiệu quả tiềm năng của nước ngoài cũng sẽ giúp các đơn vị trong nước đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là với những chuyên ngành, nghề tiên tiến, mũi nhọn, công nghệ cao. Ngoài ra, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng cũng cần quan tâm đầu tư nâng cấp, bảo đảm cơ sở vật chất tại các trường nghề, sửa chữa và xây dựng thêm nhà xưởng thực hành, đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển đào tạo công nghệ thông tin, nhà và đô thị thông minh; có kế hoạch phát triển dài hạn phù hợp với xu hướng thực tế của xã hội trong thời kỳ hội nhập, đào tạo theo nhu cầu xã hội, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng.

Ba là, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng vào phục vụ trong Quân đội. Đặc điểm của các công trình quân sự, quốc phòng thường phải thi công ở địa hình rừng núi, địa chất không ổn định, dễ xảy ra sụt lún, sạt lở,... nên việc thi công rất phức tạp. Vì vậy, nguồn nhân lực trực tiếp xây dựng, thi công các công trình trong Quân đội đòi hỏi phải có tay nghề cao, trình độ kỹ thuật giỏi và có tính đặc thù, chuyên biệt. Trong khi các học viện, nhà trường Quân đội chưa bảo đảm đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cao để đào tạo lực lượng này thì việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng vào phục vụ trong Quân đội là cần thiết. Theo đó, Bộ Quốc phòng cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, lĩnh vực xây dựng nói riêng vào phục vụ trong Quân đội. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành chức năng có chính sách hỗ trợ, khuyến khích quân nhân xuất ngũ, người lao động học nghề về lĩnh vực xây dựng ở trình độ sơ cấp, lựa chọn danh mục nghề có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và có chế tài để các doanh nghiệp Quân đội sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo này. Sớm ban hành các chính sách cụ thể về vị trí việc làm về lĩnh vực xây dựng gắn với tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong quản lý xây dựng, thi công các công trình quân sự cũng như các công trình lưỡng dụng vừa phục vụ đời sống dân sinh, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Với mục tiêu đưa nguồn nhân lực ngành Xây dựng trở thành một trong những lợi thế quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó có Quân đội cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực xây dựng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

BÙI CHÍ HIẾU, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Đảng ủy Bộ Xây dựng
____________________
       

1 - Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW tại nhiệm vụ số 20; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2023 - 2030 và các năm tiếp theo”; “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.