Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 28/10/2024, 10:17 (GMT+7)
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ thống những chuẩn mực, giá trị nhân cách cao đẹp của người quân nhân cách mạng, được kết tinh và tỏa sáng, tạo động lực mạnh mẽ thôi thúc cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường; sự chống phá của các thế lực thù địch, cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tổ chức tuyên thệ chiến sĩ mới ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre. Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, tận hiếu với Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; xây đắp nên hệ giá trị văn hóa tinh thần vô cùng cao đẹp - phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Phẩm chất cao đẹp đó được kết tinh từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, được lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ xây dựng, bồi đắp trong suốt chặng đường gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đây cũng là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, động lực mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, lập nên những chiến công hiển hách.

Nhận thức rõ giá trị nhân văn cao quý và vai trò quan trọng của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhờ đó, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trung thực, giản dị; luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; không quản ngại hy sinh, gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ. Tích cực học tập, rèn luyện; có tinh thần cầu thị, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ý thức kỷ luật tự giác, nghiêm minh; luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, yêu thương đồng chí, đồng đội; gắn bó máu thịt với nhân dân và có tinh thần đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, mạng xã hội,… cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, một số cán bộ, chiến sĩ còn thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, ngại tu dưỡng, rèn luyện, xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng dẫn đến vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, v.v. Những hiện tượng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, những hiện tượng đó được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ Quân đội, chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa Quân đội”, v.v.

Để phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng phát huy và tỏa sáng, bài viết xin trao đổi một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay:

Trước hết, tăng cường giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, vai trò quan trọng và những đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây là giải pháp rất quan trọng, giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; là yếu tố bảo đảm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng được vun đắp và tỏa sáng. Vì vậy, hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân,... làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ giá trị to lớn, vai trò quan trọng của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cũng như trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cao đẹp đó trong giai đoạn hiện nay. Để đạt hiệu quả, nội dung tuyên truyền, giáo dục cần sâu rộng, toàn diện, song phải có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng, người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới1. Đặc biệt, phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững những đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, như: có bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; có đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh; có văn hóa, tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; tích cực chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng, v.v.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể, như: sinh hoạt, học tập, trao đổi, tọa đàm, diễn đàn thanh niên, sân khấu hóa, phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, v.v. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với quản lý hành chính; làm tốt công tác bồi dưỡng, định hướng tư tưởng, hành động để bộ đội có đủ kỹ năng xử lý các tình huống nảy sinh trong tu dưỡng, rèn luyện theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, v.v.

Hai là, tăng cường xây dựng và củng cố tình đồng chí, đồng đội. Đồng chí, đồng đội là cách xưng hô thân thiết, thể hiện tình cảm đặc biệt, mối quan hệ gắn kết bền chặt, riêng có của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tình đồng chí, đồng đội cũng là một trong những chuẩn mực, giá trị nhân cách cao đẹp của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần nhận thức sâu sắc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng, củng cố và phát triển tình đồng chí, đồng đội; xây dựng bầu không khí dân chủ, lành mạnh, tốt đẹp trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, chiến sĩ luôn tôn trọng, tin tưởng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt. Thường xuyên phát huy và lan tỏa truyền thống: “nhường cơm, sẻ áo”, “sống chết có nhau”, “đồng cam, cộng khổ” trên tình thương yêu giai cấp,... có như vậy, “lúc lâm trận mới sẵn sàng xả thân vì đồng đội”, bảo đảm “còn người còn trận địa”, v.v. Xây dựng, củng cố tình đồng chí, đồng đội trên tinh thần trung thực, thẳng thắn, chân tình, tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, điều lệnh, điều lệ Quân đội và quy định của cơ quan, đơn vị.

Để tạo thành phong trào rộng khắp, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên tinh thần “7 dám”; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải thẳng thắn đấu tranh; mọi hành động đều xuất phát từ lợi ích của tập thể, không vụ lợi cá nhân; công tâm trong xử lý công việc; giải quyết hài hòa các mối quan hệ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; thường xuyên sâu sát, gần gũi, tôn trọng, đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, không phân biệt cấp bậc, chức vụ. Có như vậy mới xây dựng và lan tỏa sâu rộng hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ba là, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Kỷ luật là cội nguồn sức mạnh, yếu tố quan trọng làm lên chiến thắng vẻ vang của Quân đội. Kỷ luật của Quân đội ta là “tự giác, nghiêm minh”, vừa thể hiện tính “kỷ luật sắt” của đội quân chiến đấu, vừa mang tính tích cực, tự giác thực hiện của mỗi quân nhân. Vì vậy, cần xây dựng cho quân nhân có ý thức tự giác cao trong chấp hành pháp luật, kỷ luật; bởi nếu thực hiện tốt, các cơ quan, đơn vị sẽ tạo thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, có nền nếp chính quy, lối sống văn hóa, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trong ngày, trong tuần, thực hiện “giờ nào, việc đấy”; nắm và quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của quân nhân ở mọi lúc, mọi nơi,  nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Cùng với đề cao tính kỷ luật nghiêm minh, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải phát huy tinh thần dân chủ; thực hiện “quân lệnh như sơn”, song cũng phải thấu tình, đạt lý. Tập trung xây dựng cho đội ngũ cán bộ quản lý có phương pháp làm việc khoa học, tính kế hoạch, sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, thực sự là tấm gương sáng để cấp dưới noi theo. Giáo dục, rèn luyện cho bộ đội có bản lĩnh vững vàng, ý chí sắt đá, tác phong khẩn trương, nghiêm túc, có kiến thức, bản lĩnh và kỹ năng xử lý các tình huống; có sức chịu đựng khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bốn là, tăng cường củng cố mối quan hệ “gắn bó máu thịt” với nhân dân. Quân đội ta là Quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội đều là con, em của nhân dân. “Gắn bó máu thịt” với nhân dân là phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” - điều mà rất ít quân đội trên thế giới có thể làm được. Mối quan hệ này là mối quan hệ như người thân trong gia đình và trên thực tế nhân dân luôn yêu thương, đùm bọc, nuôi dưỡng, chở che bộ đội. Để “gắn bó máu thịt” với nhân dân, các cơ quan, đơn vị cần giáo dục, rèn luyện và xây dựng cho bộ đội có phong cách, lễ tiết, tác phong chuẩn mực; thực sự là người quân nhân có văn hóa, biết kính trọng người già, yêu mến trẻ em và tôn trọng phụ nữ; sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chịu đựng khó khăn, gian khổ để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân; phải tận hiếu với nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc với nhân dân, phải thực hiện nghiêm 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật; tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, ức hiếp nhân dân, v.v.

Giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay là việc làm thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thượng tá, TS. LÊ DUY THẮNG, Trường Sĩ quan Chính trị
___________________
        

1 - Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân thời kỳ mới; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.