Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:29 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nằm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông nói chung, người Mông vùng Tây Bắc nói riêng, nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã luôn đoàn kết, gắn bó, cộng đồng cùng các dân tộc anh em tích cực tham gia kháng chiến, bảo vệ căn cứ địa cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo thống kê, trên địa bàn 6 tỉnh Tây Bắc, dân tộc Mông có khoảng 82.980 hộ với 644.589 khẩu, chiếm 50% dân tộc Mông của cả nước. Họ sinh sống ở 6.119 bản, với 694 xã; trong đó, có 1.793 bản, 72 xã hoàn toàn là dân tộc Mông sinh sống. Do tập tục du canh, du cư, người Mông thường sống ở những vùng núi cao, hẻo lánh nơi biên cương, nên những bản làng của họ được xem như “phên giậu, thành trì” khẳng định chủ quyền và bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thông qua đường lối, chính sách đúng đắn, Đảng ta luôn quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của đồng bào, tạo sự bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc, nhất là bảo đảm các quyền và sự tiếp cận các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trên mọi mặt của đời sống, trong đó có người Mông ở vùng Tây Bắc. Điều đó được thể hiện rõ trong việc đảm bảo quyền con người của đồng bào dân tộc Mông trên các lĩnh vực, nổi bật là:
Trên lĩnh vực chính trị, các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây cho thấy, đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số nói chung, người Mông nói riêng luôn chiếm tỉ lệ cao, đạt từ 15,6% - 17,3%, trong khi người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,3% dân số cả nước. Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,3%; trong đó, đại biểu người dân tộc Mông là 9/22, chiếm 41% đại biểu người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc, chiếm 24% đại biểu là người dân tộc trên cả nước. Tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được bảo đảm hợp lý: cấp tỉnh 16,91%, cấp huyện 18,29%, cấp xã 22,18%. Bởi vậy, quyền tự do, dân chủ của đồng bào luôn được bảo đảm, được tham gia đóng góp ý kiến vào chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bà con và các hoạt động của chính quyền cơ sở.
Trên lĩnh vực kinh tế, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hằng năm, Nhà nước ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc miền núi lên tới 12,8% ngân sách bố trí cho nông nghiệp, nông thôn cả nước. Năm 2014, Chính phủ dành 5.300 tỷ đồng để thực hiện các chính sách: định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Ở vùng Tây Bắc, nhờ huy động được nhiều nguồn lực, kết hợp với các chương trình, mục tiêu quốc gia, nên cơ sở vật chất, hạ tầng đã có bước phát triển mới. Trung tâm dạy nghề của các huyện mở nhiều lớp dạy học miễn phí, trang bị cho đồng bào những kiến thức cơ bản về các nghề trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm đồ thủ công mỹ nghệ, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, tiêu thụ sản phẩm, v.v. Tiêu biểu, như: kỹ thuật trồng nấm sò ở thị trấn Đồng Văn và xã Phố Cáo (tỉnh Hà Giang); kỹ thuật nuôi trâu, bò đực giống, bò cái sinh sản, bò sữa và trâu, bò thịt ở huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai); nghề dát bạc ở huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), v.v. Nhiều địa phương còn khôi phục lại nghề dệt lanh truyền thống phục vụ du lịch để tăng thu nhập cho đồng bào. Nhờ đó, hộ nghèo toàn vùng bình quân giảm 3,91%/năm; riêng dân tộc Mông có tốc độ giảm nghèo cao nhất với 4,5% hộ dân có nhà kiên cố, 81,4% số hộ có nhà bán kiên cố, nhà tạm chỉ còn 14,1%, v.v.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đến nay, mạng lưới trường học đã phủ kín đến các thôn bản; chủ trương biên soạn sách giáo khoa bậc tiểu học cho đồng bào Mông và 5 dân tộc thiểu số khác đang được tiến hành, đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc về thực thi quyền con người trên lĩnh vực này. Năm 2015, tất cả các xã vùng đồng bào dân tộc Mông đều đạt chuẩn phổ cập tiểu học, có hơn 83% số phòng học được kiên cố hóa. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi của học sinh là 65,7%; trong đó, bậc tiểu học đạt 86,9%, trung học cơ sở đạt 65,4%, trung học phổ thông đạt 17,6%. Việc chăm sóc sức khỏe đối với đồng bào có nhiều bước tiến đáng kể cả về mạng lưới y tế đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, 100% xã có trạm y tế, 80% số bản có y tá và 40,5% đồng bào sử dụng bảo hiểm y tế; trên 90% số xã đồng bào dân tộc Mông sinh sống có đường giao thông đến trung tâm; 100% có bưu điện văn hóa xã; 30% số bản có điện, nước sạch và một số bản có Nhà văn hóa để sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mỗi bản đều có đội văn nghệ riêng, duy trì sinh hoạt văn hóa và phát huy giá trị về nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của dân tộc Mông. Đặc biệt, ngoài ăn Tết truyền thống của dân tộc mình, đồng bào Mông ở Mộc Châu (Sơn La) còn tổ chức đón Tết Độc lập (2-9) rất tưng bừng để ghi nhớ sâu sắc ngày được hoàn toàn giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, trở thành công dân của một đất nước độc lập.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc còn có những hạn chế, khó khăn. Công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân còn ít, hiệu quả chưa cao, dẫn đến nhiều người dân không biết quyền lợi được hưởng hoặc “vô tư” vi phạm pháp luật. Việc đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội chưa có tính bền vững. Còn một bộ phận người Mông ở Tây Bắc sống dưới mức nghèo khổ, tình trạng du canh, du cư, di dân tự do diễn biến rất phức tạp; đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ở một vài nơi chưa được cải thiện, dẫn đến “khoảng trống” trong quản lý tôn giáo để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, v.v.
Để khắc phục hạn chế trên, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; phạm vi bài viết xin đề xuất mấy vấn đề cơ bản sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để đồng bào hiểu rõ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân và bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Qua đó, cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, củng cố niềm tin, giúp đồng bào nhận thức được quyền, ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự bảo vệ quyền lợi của mình. Từ đó, có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, từng bước loại bỏ nhận thức sai và tự giác điều chỉnh hành vi nhằm hạn chế vi phạm quyền con người do thiếu hiểu biết; tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác; biết nhận diện và chống lại âm mưu, thủ đoạn kích động, gây tâm lý thù hằn, chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Là một trong những dân tộc ít bị mai một về bản sắc văn hóa truyền thống, nên các địa phương cần quan tâm bảo tồn giá trị văn hóa của người Mông, tạo điều kiện cho đồng bào phát huy những nét đẹp về văn hóa, nghệ thuật, phong tục, tập quán, nhất là trong dịp tổ chức các lễ hội, như: Nào Sồng, Gầu Tào hoặc chợ tình Sa Pa, gắn với phát triển du lịch. Đây vừa là một kênh tuyên truyền, vừa là hoạt động thực thi quyền con người của đồng bào Mông một cách hiệu quả nhất.
2. Các bộ, ngành cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến giảm nghèo bền vững cho vùng Tây Bắc. Các địa phương trong Vùng phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn lực của chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chương trình thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chương trình, dự án đầu tư khác trên địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ bán tự cung, tự cấp sang sản xuất thương mại; khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc một cách toàn diện cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, lao động, nhất là đào tạo nghề. Cùng với xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, kỹ thuật cho đồng bào, cần chú trọng quảng bá những sản phẩm của người Mông ở Tây Bắc, như: các loại quả (táo, dưa chuột), món ăn (thắng cố, mèn mén, cơm lam, rượu ngô), đồ dùng (vải lanh, đồ trang sức bằng bạc),... để thu hút khách tham quan du lịch và tạo điều kiện để đồng bào tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, giúp đồng bào tự vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững, làm chủ được cuộc sống.
3. Tăng cường công tác quản lý dân cư, chống di cư, dịch cư tự do. Di cư tự do là một yếu tố tác động xấu đến thực thi quyền con người, cần phải hạn chế và tiến tới xóa bỏ. Vấn nạn di cư, dịch cư tự do của người Mông do nhiều nguyên nhân. Đó có thể là đặc điểm vốn có của dân tộc không coi trọng yếu tố ổn định từ ngàn đời nay; cũng có thể do không có đất canh tác, phải đi tìm vùng đất tốt hơn để sản xuất; do âm mưu, thủ đoạn của các tổ chức phản động lưu vong xúi giục, lôi kéo, nhằm làm mất ổn định an ninh, chính trị, xã hội, v.v. Do đó, các địa phương cần nắm chắc biến động nhân khẩu, hộ khẩu, kịp thời phát hiện người dân di cư tự do, phân loại và có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, đặc biệt là già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa phương và những người từng di cư tự do đã trở về tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào khắc phục khó khăn trước mắt, tích cực phát triển sản xuất để có cuộc sống tốt hơn ngay trên chính mảnh đất đang sinh sống. Cùng với đó, phải kết hợp chặt chẽ với các biện pháp hành chính, kinh tế để đưa những trường hợp di cư tự do vào định cư ở các vùng dự án và các vùng kinh tế đã được quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, những khó khăn của đồng bào để lôi kéo, kích động, môi giới dân di cư tự do, v.v. Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm loại bỏ các văn bản luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người phù hợp với yếu tố địa lý, văn hóa đặc thù và nhận thức của đồng bào các dân tộc.
Các giải pháp trên là vấn đề cơ bản, các cấp, ngành, địa phương có thể tham khảo, vận dụng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm quyền con người của đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh Tây Bắc hiện nay. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và có vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
TS. TRƯƠNG THỊ THANH QUÝ, Trường Đại học Y Hà Nội
Quyền con người,dân tộc Mông,Tây Bắc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc