Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 20/01/2023, 06:51 (GMT+7)
Nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản hiện nay

Năng lực tư duy lý luận là một phẩm chất đặc biệt quan trọng, cơ sở giúp cho giảng viên trẻ nhận thức đúng bản chất tri thức khoa học, giải đáp những vấn đề thực tiễn quân sự đặt ra; vận dụng sáng tạo tri thức lý luận khoa học vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực hiện các nhiệm vụ khác một cách có hiệu quả. Vì vậy, nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ là vấn đề quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Phạm vi bài viết bàn giải pháp nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản, xin trao đổi cùng bạn đọc.

Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị, quân sự cao nhất của Quân đội nhân dân Lào, được thành lập ngày 13/12/1996. Hằng năm, Học viện đào tạo hàng trăm học viên, thuộc nhiều đối tượng thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ diện Trung ương quản lý; các lớp đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; đào tạo sau đại học,… góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố nền quốc phòng Lào trong tình hình mới. Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của lực lượng giảng viên trẻ, những năm qua, Học viện luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ này, coi đó là một trong những giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giảng dạy ở Học viện.

Tuy nhiên, trước sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học và công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào có bước phát triển mới, song, năng lực tư duy lý luận của một bộ phận giảng viên trẻ có mặt chuyển biến chậm, làm cản trở khả năng nhận thức khoa học, kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động sư phạm,... đã ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ hoàn thành nhiệm của giảng viên trẻ và chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện. Để khắc phục những hạn chế trên, cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực tư duy lý luận cho giảng viên trẻ với một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ. Đây là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường hoạt động thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên trẻ nói riêng. Theo đó, Đảng ủy Học viện cần ban hành nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo giải quyết những khâu yếu, mặt yếu trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Hoạt động này nhằm đảm bảo tính định hướng chính trị đúng đắn, giúp cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Học viện, nhất là đối với các khoa giáo viên đề ra mục tiêu, phương hướng, yêu cầu, nội dung và biện pháp tiến hành các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ. Các cơ quan chức năng làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về các mặt công tác chuyên môn. Chủ động xây dựng kế hoạch và điều hành kế hoạch huấn luyện, nghiên cứu khoa học, tuyển dụng, bố trí sắp xếp và điều động nhân sự, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính phục vụ cho toàn bộ hoạt động của Học viện; tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trẻ tham gia tích cực vào hoạt động thực tiễn, qua đó nâng cao trình độ kiến thức, kinh nghiệm và năng lực tư duy lý luận trong môi trường quân sự. Các tổ chức quần chúng, đặc biệt là Đoàn Thanh niên hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, tỏ rõ vai trò trách nhiệm trong tập hợp, lôi cuốn các lực lượng tham gia và tổ chức tốt các hoạt động phong trào hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy dân chủ, tinh thần sáng tạo của giảng viên trẻ. Đối với các khoa và bộ môn - đơn vị trực tiếp quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ - là môi trường gần, có tác động trực tiếp tới quá trình nâng cao trình độ kiến thức, năng lực tư duy khoa học, phương pháp, tác phong sư phạm của giảng viên trẻ. Vì vậy, các khoa và bộ môn cần quản lý toàn diện mọi mặt công tác, nắm chắc chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ; đánh giá đúng trình độ, năng lực chuyên môn, sở trường, năng khiếu, mặt mạnh, mặt yếu của từng người. Chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung cụ thể để bồi dưỡng, nâng cao các phẩm chất cần thiết, trong đó có năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ.

Hai là, xây dựng môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ nâng cao năng lực tư duy lý luận. Điều kiện, môi trường nghiên cứu khoa học ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản nói chung, ở các khoa giáo viên nói riêng “vừa là cơ sở vừa là động lực thúc đẩy giảng viên trẻ tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và phát triển hoàn thiện phẩm chất nhân cách theo mục tiêu đào tạo”1. Thực hiện giải pháp này, đòi hỏi Học viện cần xây dựng bầu không khí giảng dạy và nghiên cứu khoa học dân chủ, khuyến khích sự tìm tòi, tranh luận, đối thoại, tôn trọng tính độc lập, tự chủ; hoạt động nghiên cứu tích cực, sáng tạo, chống áp đặt một chiều, định kiến, tạo môi trường thuận lợi cho từng giảng viên trẻ có động lực nâng cao năng lực tư duy lý luận của bản thân. Các khoa giáo viên đẩy mạnh các hình thức, như: tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông tin khoa học, sinh hoạt học thuật,... để giúp giảng viên trẻ nắm được tri thức cơ bản, những kinh nghiệm thực tiễn, thu lượm được tri thức mới, phương pháp mới, biết nhận xét, đánh giá các ý kiến khác nhau, bảo vệ ý kiến của mình với những luận cứ vững chắc. Từ đó, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ mở rộng tri thức, tìm tòi, phát hiện chân lý và tìm cách vận dụng chân lý khoa học vào thực tiễn, bồi dưỡng năng lực diễn đạt, phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, hình thành tư duy lý luận sắc sảo hơn cho đội ngũ giảng viên trẻ. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần thỏa đáng theo hướng phát huy tính tích cực của hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ. Bởi, theo Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản “công tác chích sách là việc làm rất quan trọng nếu thực hiện đúng và phù hợp sẽ thúc đẩy, khuyến khích con người tích cực tiến lên hoàn thành nhiệm vụ, ngược lại nếu thực hiện sai, không xứng đáng sẽ làm cho con người thiếu tích cực dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ”2.

Ba là, tích cực trao đổi phương pháp tư duy biện chứng duy vật qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tế ở đơn vị. Tư duy lý luận là đỉnh cao của quá trình nhận thức, mà hạt nhân của nó là phương pháp tư duy biện chứng duy vật. Mặt khác, rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng duy vật thông qua hoạt động thực tế ở đơn vị là giải pháp mang tính đặc thù của quá trình sư phạm quân sự. Khác với các trường đại học dân sự, Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản không đơn thuần cứ học hết lý thuyết là xong, mà quy trình, phương thức đào tạo gắn rất chặt giữa lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn quân sự để rèn luyện người cán bộ, sĩ quan thích ứng với điều kiện hoàn cảnh trong thời bình cũng như thời chiến, từ đó làm tăng khả năng sáng tạo tư duy lý luận của giảng viên trẻ. Vì vậy, để nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ, cần tích cực, chủ động trao đổi phương pháp tư duy biện chứng duy vật cho họ thông qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tế ở đơn vị cơ sở. Trong quá trình thực hiện cần tuân theo chỉ dẫn của V.I. Lênin “Nhận thức là sự tiến gần mãi mãi và vô tận của tư duy đến khách thể. Phản ánh của giới tự nhiên trong tư tưởng con người,... là trong quá trình vĩnh viễn của vận động, của sự nảy sinh mâu thuẫn và sự giải quyết những mâu thuẫn đó”3. Khi phương pháp tư duy biện chứng duy vật của họ được nâng cao, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trẻ khả năng tiếp thu các tri thức khoa học và nhận thức thực tiễn sư phạm quân sự được tốt hơn. Cứ như vậy, quá trình tương tác sư phạm sẽ làm chuyển biến, phát triển và hoàn thiện hơn về phẩm chất trí tuệ, năng lực tư duy lý luận, không chỉ cho người học, mà còn cho cả người dạy. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên trẻ cần tự giác, tích cực nghiên cứu khoa học, bởi hoạt động này vừa là yêu cầu, nhiệm vụ, đồng thời cũng là cơ hội để rèn luyện, nâng cao phương pháp tư duy biện chứng duy vật hướng vào sáng tạo tri thức mới. Đây cũng chính là dịp để năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ bộc lộ, tự khẳng định khi đã tích lũy được lượng tri thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn quân sự nhất định.

Bốn là, phát huy vai trò tự bồi dưỡng, tự rèn luyện, tự nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ. Giảng viên trẻ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của quá trình nâng cao năng lực tư duy lý luận của họ. Việc bồi dưỡng, rèn luyện tại các cơ sở đào tạo cũng như môi trường công tác giữ vai trò quan trọng, nhưng không thay thế được hoạt động tự học tập, tự rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy lý luận của bản thân giảng viên trẻ. Trái lại, việc tự bồi dưỡng, tự rèn luyện phương pháp, cách thức, thao tác tư duy của mỗi giảng viên trẻ lại giữ vai trò quyết định đến trình độ kiến thức và năng lực tư duy lý luận của họ. Yêu cầu cơ bản trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên trẻ là phải khơi dậy được tính tích cực, chủ động, tự giác tích lũy tri thức nguồn, kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện phương pháp tư duy khoa học để đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ người giảng viên trong Quân đội. Nội dung tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ phải toàn diện, cả những yếu tố mang tính định hướng chính trị của Quân đội, cả những yếu tố cấu thành năng lực tư duy lý luận và đặc biệt là phương pháp tư duy biện chứng duy vật được xem như nhân lõi của tư duy lý luận. Việc trau dồi phương pháp tư duy biện chứng duy vật chính là từng bước khắc phục bệnh kinh nghiệm, giáo điều, duy ý chí của đội ngũ giảng viên trẻ.

Thực tiễn luôn vận động không ngừng, do vậy, nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các giải pháp trên để nâng cao năng lực tư duy lý luận của giảng viên trẻ là nâng cao nhận thức của họ về mọi mặt cũng như sự hiểu biết về tri thức khoa học, phẩm chất và năng lực sư phạm, làm cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội nhân dân Lào và quốc gia trong thời kỳ mới.

Thiếu tá SÚC PHU VĂN SỤ LỊ NHẠ SẺNG, Nghiên cứu sinh Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
__________________

1 - Nghị quyết Đảng bộ Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản, lần thứ III, (ngày 13/11/2009), tr. 05.

2 - Cay Xỏn Phôm Vi Hản – “Sự nghệp đổi mới toàn diện, có nguyên tc ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào”, Tuyển chọn, Tập 3, Nxb CTQG, Viêng Chăn, 1997, tr. 57.

3 - V.I.Lênin Toàn tập, Tập 29,  Nxb CTQG, H. 2005, tr. 207 - 208.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.