Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:29 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển, ven biển Đông Bắc của Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn. Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng trong xây dựng thế trận này là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Vùng biển và ven biển Đông Bắc - “phên giậu” của Tổ quốc có giá trị chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Vì thế, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân nói chung, thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển quan trọng này nói riêng sẽ trực tiếp góp phần bảo vệ an toàn địa bàn chiến lược miền Bắc và cả nước. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương,... đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp xây dựng thế trận đó và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi lên là, đã huy động được tiềm năng, thế mạnh (nhân lực, trí lực, vật lực, tài lực) vào tổ chức, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với xây dựng tiềm lực, lực lượng quốc phòng và thế trận an ninh nhân dân trên biển, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ, đấu tranh quốc phòng trên địa bàn; xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển địa phương, đất nước, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có tình huống xảy ra.
Tuy nhiên, nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở khu vực này chưa thật đầy đủ, sâu sắc; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền có mặt còn hạn chế; công tác tham mưu của một số cơ quan, ban, ngành chưa toàn diện, chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Cơ chế, quy chế phối hợp giữa các ngành, bộ phận chưa cụ thể, rõ ràng; chưa phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và toàn dân trong quá trình xây dựng. Để khắc phục một số hạn chế đó, đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả và sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:
1. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị các địa phương trên địa bàn. Đây là nhân tố quan trọng cấu thành sức mạnh tổng hợp, chủ thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức huy động, tập hợp, phân bổ, sử dụng,… nguồn lực tại chỗ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện - thành tố cốt lõi của thế trận quốc phòng toàn dân. Do vậy, phải tổ chức xây dựng các tổ chức này vững mạnh toàn diện; có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng, trọng tâm là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Có cơ chế phù hợp, phân cấp chặt chẽ, nhằm phát huy trách nhiệm, sự vào cuộc của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang,… trong quá trình xây dựng; gắn kết quả hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên địa bàn với trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đặc điểm địa bàn vùng biển, ven biển Đông Bắc khá phức tạp (gồm: biển, đảo, vùng ven biển tiếp giáp với đồng bằng, đô thị, rừng núi); tuyến đầu hứng chịu, đối mặt với tác động, thách thức an ninh cả bên trong và bên ngoài; nhiều lực lượng tham gia xây dựng thế trận quốc phòng với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, tính chất khác nhau; hoạt động xây dựng liên quan nhiều nguồn lực vật chất, tài chính, v.v. Điều đó, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, trực tiếp là hệ thống chính trị trên địa bàn nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch, dự toán, xây dựng, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra; đồng thời, phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội,… bảo đảm quá trình xây dựng, quản lý thế trận quốc phòng toàn dân đúng định hướng, chặt chẽ và đạt được mục đích đề ra, tránh thất thoát, lãng phí.
2. Thường xuyên củng cố và phát huy sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ vùng biển, ven biển Đông Bắc gồm các đơn vị: Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Bộ đội Biên phòng, các đơn vị chủ lực của Bộ đứng chân trên địa bàn. Đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trong đó có thế trận trên vùng biển, ven biển Đông Bắc vững chắc. Do đó, phải thường xuyên coi trọng xây dựng các cơ quan, đơn vị, nhất là xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Tiếp tục thực hiện ba đột phá: tổ chức, biên chế; huấn luyện, đào tạo; xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật; gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, công nghệ, kỹ thuật quân sự, cũng như đổi mới công tác bảo đảm hậu cần trên biển. Xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh, đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quân sự, quốc phòng (giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh,…). Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, huy động sức người, sức của ở địa phương cho sự nghiệp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Xây dựng các đơn vị dân quân tự vệ theo hướng gọn, mạnh, có tỷ lệ và cơ cấu hợp lý giữa lực lượng nòng cốt và rộng rãi, coi trọng xây dựng dân quân tự vệ biển, các hải đội dân quân thường trực. Cùng với đó, cần hết sức coi trọng và từng bước hoàn chỉnh thế bố trí lực lượng, thiết bị chiến trường,… phù hợp với các phương án bảo vệ trên vùng biển, ven biển quan trọng này. Quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương, vừa đảm bảo tính rộng khắp, tại chỗ, vừa tập trung có trọng điểm trên từng hướng, địa bàn, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
3. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thế trận. Đoàn kết là truyền thống quý báu và là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Vì thế, trong xây dựng thế trận, cần thực hiện tốt các biện pháp nhằm khơi dậy, phát huy, quy tụ mọi nguồn lực, giải phóng mọi tiềm năng, giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo, ý thức độc lập dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, củng cố lòng tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, trách nhiệm cao trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ biển, đảo quê hương. Có cơ chế khuyến khích phát triển tài năng, sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho gia đình, địa phương, đất nước. Huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân; phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Thực hiện có hiệu quả Quy chế Dân chủ cơ sở, thể chế hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thành quy chế, quy định để phát huy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, quản lý thế trận quốc phòng toàn dân; thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế, hỗ trợ lao động sản xuất, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân, các thành phần kinh tế, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ ngư trường truyền thống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
4. Huy động, phát huy tối đa sức mạnh các nguồn lực bên ngoài phục vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Các cấp, ngành, địa phương, lực lượng trên vùng biển, ven biển Đông Bắc phải đẩy mạnh hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, thiết lập các kênh thông tin đa chiều với các địa phương nước Bạn, nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài vào phục vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng,… với lực lượng chức năng nước Bạn, nhất là các hoạt động phối hợp tuần tra chung, cứu hộ, cứu nạn, thỏa thuận pháp lý giải quyết các vướng mắc, nảy sinh trên biển. Tăng cường hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới và ranh giới biển, làm cho nhân dân, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang các nước hiểu rõ lịch sử, địa lý, văn hóa; đường lối, chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng chính nghĩa, hòa bình, tự vệ, độc lập, tự chủ, không liên minh, liên kết; lập trường, thiện chí trong giải quyết những tranh chấp tài nguyên, chủ quyền biển, đảo; hiểu rõ những giá trị mà Việt Nam theo đuổi chính là giá trị tiến bộ của nhân loại, từ đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chính quyền địa phương các nước trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển quan trọng này.
5. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các thành phần, lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể, thành phần, lực lượng liên quan triển khai xây dựng, bảo đảm nhịp nhàng, ăn khớp, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo, chậm trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong cơ chế phối hợp cũng như phạm vi, khuôn khổ, phương thức, hình thức phối hợp, các yếu tố đảm bảo cho công tác phối hợp, như: văn bản pháp lý, cơ sở vật chất, tài chính, v.v. Ngoài ra, có thể thành lập cơ quan điều phối chung để phối hợp giữa các lực lượng. Theo đó, chủ trì tham mưu, phối hợp là lực lượng vũ trang, Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh trên địa bàn là cơ quan kiêm nhiệm phối hợp với các lực lượng.
Sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển không phải là phép cộng giản đơn, mà là sự thống nhất biện chứng của các yếu tố, lực lượng. Vì vậy, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển, ven biển Đông Bắc Tổ quốc là vấn đề cấp thiết, xin được trao đổi cùng bạn đọc.
Thượng tá, TS. CẢNH CHÍ CƯỜNG, Học viện Quốc phòng
Đông Bắc Tổ quốc,sức mạnh tổng hợp,thế trận quốc phòng toàn dân,vùng biển,ven biển
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc