Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 15/08/2013, 15:46 (GMT+7)
Một số giải pháp thu hút nhân tài phục vụ Quân đội

Nhân tài có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã đúc kết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Tuy nhiên, nhân tài không phải có sẵn, mà chủ yếu là do phát hiện, tuyển chọn, đào tạo công phu, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy, thực hiện tốt công tác này là giải pháp quan trọng để thu hút nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến chính sách giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) cán bộ, trọng dụng nhân tài. Người khẳng định: "Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"1. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi việc thực hiện tốt công tác “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ (ĐNCB) lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn…”2 phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là một chủ trương nhất quán, trực tiếp quyết định đến thành bại của cách mạng.

Đại tá Trần Viết Triền, Chính ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng thi Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự, giải đáp về hồ sơ tuyển sinh cho thí sinh. (Nguồn: qdnd.vn)

Kế thừa truyền thống của dân tộc, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Quân ủy Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ, xây dựng ĐNCB. Trong đó, đề ra những chủ trương, giải pháp toàn diện, đồng bộ để thu hút nhân tài, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ cán bộ, xây dựng ĐNCB Quân đội “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ cho nhiệm vụ QS,QP, bảo vệ Tổ quốc được xác định là giải pháp quan trọng3. Bởi vậy, trong gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã thu hút được đông đảo nhân tài của đất nước. Nhiều đồng chí đã tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những tướng lĩnh, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, sĩ quan cao cấp và có cống hiến to lớn trên mọi lĩnh vực quân sự, chính trị, khoa học xã hội nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật và y học quân sự… Qua đó, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để Quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Đồng thời, góp phần bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; lý luận, đường lối quân sự, chính trị của Đảng. Trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phần lớn các nhân tài quân sự chủ yếu được trải nghiệm trong thực tiễn phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên các chiến trường để rèn luyện và phát triển. Trong thời bình, họ được Quân đội phát hiện, tuyển chọn, giáo dục, đào tạo một cách có hệ thống tại các nhà trường; đồng thời, được bố trí, sử dụng theo sở trường, có chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện để khẳng định trên các lĩnh vực của nhiệm vụ QS,QP. Được tôi luyện trong môi trường Quân đội, họ là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng tốt; trình độ học vấn, tư duy khoa học và năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, thực hiện nhiệm vụ nổi trội; được quần chúng thừa nhận, tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tuy nhiên, việc thu hút các nhân tài trong xã hội phục vụ Quân đội vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, giáo dục để thu hút nhân tài vào phục vụ Quân đội chưa thường xuyên, sâu sắc; nội dung, biện pháp, hình thức tuyển chọn, đào tạo, sử dụng chưa phong phú; chưa tạo được môi trường thuận lợi để các nhân tài khẳng định mình… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là do còn những bất cập về cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đối với nhân tài phục vụ Quân đội.

Ngày nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới với những thời cơ, thách thức đan xen. Quân đội được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Do vậy, việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ, nhằm tăng cường thu hút nhân tài vào phục vụ trong Quân đội là một yêu cầu cơ bản, mang tính chiến lược và cấp thiết trong tình hình hiện nay. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Trước hết, thực hiện có hiệu quả công tác tuyển sinh quân sự (TSQS). Đây là điều kiện cơ bản để Quân đội chủ động lựa chọn được nguồn đào tạo cán bộ có chất lượng cao. Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nhân tài phục vụ Quân đội, công tác TSQS cần hướng tới thu hút được đông đảo các đối tượng trong xã hội có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi, nhất là số có học lực khá, giỏi. Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các nhà trường Quân đội (NTQĐ) có xu hướng giảm; những đối tượng năng lực học tập phổ thông loại giỏi trở lên tham gia TSQS còn ít, cá biệt có trường hợp thi đạt điểm cao nhưng không đến nhập học. Trong Quân đội, ở một số đơn vị, chỉ tiêu, chất lượng quân nhân dự thi vào các NTQĐ còn thấp; việc tổ chức ôn thi, lựa chọn nguồn còn chưa chặt chẽ… Để giải quyết được tình trạng này, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, quán triệt, nắm chắc các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn về công tác TSQS của Bộ Quốc phòng; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng, nhất là ĐNCB chủ trì các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng bộ các khâu, các bước trong TSQS; kiên quyết khắc phục tình trạng nắm không chắc các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của trên, thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch, tổ chức tạo nguồn, xét duyệt đối tượng TSQS, thực hiện không đúng quy trình, điều kiện, tiêu chí theo quy định; chất lượng tổ chức bồi dưỡng nguồn còn hạn chế... Để thu hút đông đảo các đối tượng trong và ngoài Quân đội tham gia TSQS, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và gia đình trong tuyên truyền, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để có nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên và bộ đội tham gia TSQS; kết hợp giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của trên với sự nỗ lực của các NTQĐ trong tổ chức thực hiện. Chỉ khi nào các cấp, các ngành thực sự quan tâm đến công tác TSQS; các NTQĐ có môi trường, điều kiện đăng ký và tổ chức thi tuyển thuận lợi, chặt chẽ; cơ sở vật chất bảo đảm tốt; có môi trường sư phạm quân sự khoa học, lành mạnh, học viên tốt nghiệp có trình độ tương xứng với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, có đầy đủ tiềm năng phát triển… thì lúc đó mới thu hút được đông đảo các đối tượng thi tuyển vào các NTQĐ. Vì thế, tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp cho các đối tượng trong xã hội là vấn đề cần được quan tâm trong TSQS. Để công tác này có hiệu quả thiết thực, các NTQĐ cần tập trung đầu tư kinh phí, lực lượng; đồng thời, nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức tiến hành theo hướng sinh động, phong phú, có sức thu hút cao theo một kế hoạch chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ, đảm bảo gây được ấn tượng tốt về các NTQĐ, nhất là về hình ảnh người sĩ quan Quân đội cho các thanh niên. Qua đó, làm cho họ tin tưởng vào tương lai phát triển khi lựa chọn tham gia TSQS và phục vụ lâu dài trong Quân đội.

Với cán bộ được lựa chọn cử đi đào tạo theo chức vụ hoặc theo học vấn (cán bộ trung đoàn, sư đoàn, lớp chiến dịch - chiến lược, hoàn thiện cao đẳng, đại học, sau đại học), các đơn vị cần thực hiện đúng chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về đối tượng, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng của ĐNCB, nhất là với ĐNCB chủ trì các cấp trong Quân đội. Vì thế, các đơn vị cần coi trọng khâu tuyển chọn đầu vào, theo hướng vừa đảm bảo về số lượng, chất lượng, vừa đúng với quy hoạch sử dụng cán bộ của trên và của đơn vị. Với những tài năng trẻ, cần xây dựng quy trình tạo nguồn hợp lý để sớm đưa đi đào tạo; gắn đào tạo với sử dụng, đáp ứng quy hoạch cán bộ chủ trì. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy cần khắc phục tình trạng tuyển sinh không đúng đối tượng, thiếu tiêu chí theo quy định… Với các đối tượng phải tổ chức thi tuyển đầu vào, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ ôn luyện; các NTQĐ cần tổ chức thi tuyển chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định. Cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Quốc phòng cần thường xuyên bám sát thực tiễn, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng những chủ trương, định hướng về tuyển chọn, đào tạo nhân tài cho Quân đội; xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý, hướng dẫn cơ quan, đơn vị và người trực tiếp làm công tác TSQS một cách thống nhất, cụ thể. Các NTQĐ cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị TSQS, nhất là trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn, bồi dưỡng lực lượng coi thi, chấm thi; rà soát, bổ sung các khâu, các bước của quy trình tuyển sinh; dự kiến biện pháp xử lý tình huống nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác TSQS. Chú ý đầu tư kinh phí, vật chất cho công tác TSQS theo hướng toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá những thành công, hạn chế và nguyên nhân, đề ra được những chủ trương, giải pháp khắc phục kịp thời.

Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng nhân tài. Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học; chủ động hoàn thiện cơ chế và thực hiện có hiệu quả việc bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo; tích cực xây dựng một số NTQĐ đủ điều kiện trở thành trường trọng điểm quốc gia và Quân đội. Ngoài việc làm tốt công tác TSQS, việc tạo nguồn, nâng cao chất lượng đào tạo nhân tài quân sự còn phụ thuộc nhiều yếu tố; trong đó, giáo dục đạo đức, xây dựng bản lĩnh và truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng năng lực, rèn luyện kỹ năng, phổ biến kinh nghiệm ở các NTQĐ là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Do vậy, Quân đội cần khẩn trương nghiên cứu, quy hoạch hệ thống nhà trường hợp lý, đủ sức đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới, không để dư thừa công năng, gây lãng phí, sẵn sàng đáp ứng cho nhiệm vụ phát triển khi cần thiết. Ngoài đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, các NTQĐ cần chú trọng xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; trọng tâm là nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học, phấn đấu đến năm 2020 đạt quy chuẩn của Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung GD-ĐT theo hướng chuẩn hóa, liên thông và hiện đại, hội nhập quốc tế; chủ động nghiên cứu việc tổ chức các lớp tài năng trẻ trong các NTQĐ; thực hiện tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, bố trí cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ luôn tâm huyết với nhiệm vụ, phát triển đúng hướng; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ thực sự có tài năng, nhất là tài năng trẻ, có chất lượng tốt. Chủ động luân chuyển, điều động cán bộ theo quy hoạch, đảm bảo thực hiện tốt việc kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, giữa GD-ĐT ở nhà trường với bồi dưỡng, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, tạo điều kiện để nhân tài được thử thách, trưởng thành vững chắc. Cùng với đó, cần kiên quyết loại trừ tư tưởng “lứa lớp”, “lão làng”, bè cánh, “chạy chức, chạy quyền”; đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ đức, đủ tài; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình, quy trình bồi dưỡng, đào tạo phù hợp với sở trường, thiên hướng phát triển của nhân tài.

Ba là, Đảng, Nhà nước và Quân đội cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài quân sự và ĐNCB Quân đội, đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ QS,QP, bảo vệ Tổ quốc và điều kiện phát triển của đất nước. Đây là vấn đề được các nhân tài và thanh niên rất quan tâm. Lao động của Quân đội là loại lao động đặc biệt; các hoạt động của bộ đội nói chung, của ĐNCB nói riêng thường diễn ra trong môi trường khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Trong khi đó, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với ĐNCB Quân đội có phần chưa thỏa đáng, đặc biệt là chính sách đối với nhân tài quân sự, nên chưa khơi dậy, phát huy, thu hút đông đảo nhân tài hiện có trong xã hội và bản thân Quân đội. Thực tế cho thấy, đa số nhân tài phục vụ trong Quân đội đều phát triển trở thành sĩ quan, nhưng bản thân họ và gia đình chưa được xã hội đãi ngộ, tôn vinh đúng mức; nhiều gia đình sĩ quan gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là về nhà ở, việc làm của vợ, con, điều kiện chăm sóc gia đình… Điều này tác động không nhỏ đến tư tưởng của thanh niên, học sinh và quân nhân. Vì vậy, để thu hút những nhân tài phục vụ lâu dài trong Quân đội, đề nghị Bộ Quốc phòng tích cực chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ; xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể và theo dõi, quản lý nhân tài quân sự một cách khoa học, xứng đáng với sự cống hiến của họ và phù hợp với sự phát triển của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhân tài nói chung, nhân tài quân sự nói riêng là “tài nguyên quý” của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu thực hiện các giải pháp phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cấp thiết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Vì vậy, công tác này đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, trước hết là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

 

Trung tướng NGUYỄN VĂN ĐỘNG
Cục trưởng Cục Cán bộ
_____________

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 273.

2 - ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 216.

3 - Gần đây là: Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW “Về công tác GD-ĐT trong tình hình mới”; Nghị quyết 618-NQ/ĐUQSTW “Về đào tạo cán bộ Quân đội ở nước ngoài đến năm 2020 và những năm tiếp theo” của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về xây dựng ĐNCB Quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, v.v.

TAG

nhân tài,

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.