Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 24/06/2019, 13:27 (GMT+7)
Góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên địa bàn Tây Bắc

Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, Tây Bắc là địa bàn trọng điểm mà chúng tập trung chống phá bằng những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, tìm các giải pháp để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tây Bắc1 có sự khởi sắc về mọi mặt: kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; quốc phòng - an ninh được tăng cường; tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương được củng cố, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Tây Bắc thực sự trở thành “phên giậu” vững chắc trên vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn cần quan tâm giải quyết. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, đẩy mạnh hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, giữa nhân dân với Quân đội và Công an, hòng gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên một số hoạt động chủ yếu là: (1). Chúng tập trung tuyên truyền thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”, kích động di cư tự do. Luận điệu của chúng là: quốc tế đã công nhận người Mông là một dân tộc chính thống, có tổ quốc riêng, nên người Mông phải đoàn kết, tôn vinh những người mới để đứng lên thành lập nhà nước riêng. Hiện nay, người Mông đã có quốc gia riêng ở Lào, Chính phủ Lào cũng không ngăn cấm người Mông Việt Nam ở các huyện biên giới sang cư trú; ở Lào đất đai rộng, người thưa, sang đó sẽ có cuộc sống đầy đủ, no ấm hơn nên hãy di cư đi theo tiếng gọi của dòng họ, của đất nước Mông tự do, v.v. (2). Một số đối tượng cư trú tại nước ngoài chỉ đạo các đối tượng phản động trên địa bàn lợi dụng mạng xã hội, xây dựng các video clip vu cáo cấp ủy, chính quyền địa phương đàn áp, vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, kích động đồng bào dùng vũ lực chống lại chính quyền các cấp; khiếu kiện, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp, v.v. (3). Núp bóng hoạt động tôn giáo để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, như: tuyên truyền, lôi kéo tín đồ, củng cố tổ chức; kích động di cư tự do, với các chiêu bài chúa sẽ về đón con dân của chúa, đi theo chúa sẽ được che chở, được cấp phát tiền, vật chất, sẽ có cuộc sống ấm no, tự do. Vì thế, trong hơn hai thập niên trở lại đây, số lượng đồng bào theo các tôn giáo tăng nhanh2 và nhiều cơ sở thờ tự được xây mới, nhất là Công giáo và Tin lành; trong đó, có khoảng 96% là người Mông theo đạo Tin lành. Đáng quan ngại là, xuất hiện nhiều tôn giáo mới, tà đạo hoạt động bất hợp pháp và hàng nghìn người Mông di cư khỏi địa phương, tình hình khiếu kiện tập thể có chiều hướng gia tăng, v.v.

Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tây Bắc. Để đấu tranh, ngăn ngừa, từng bước vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng, cần thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thực tiễn cho thấy, nhận thức của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về sự chống phá của các thế lực thù địch nói chung, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nói riêng còn hạn chế. Do đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về vấn đề này là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để thực hiện tốt, trước hết cần làm chuyển biến nhận thức trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, đặc biệt là thủ đoạn mới của chúng. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đội ngũ cán bộ các cấp xác định rõ trách nhiệm, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là việc bồi dưỡng, học tiếng nói, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc là một trong những yêu cầu bắt buộc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục đối với những người tiến hành công tác này. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào hiểu, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách về dân tộc, tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, sự ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nói riêng, v.v. Trong tuyên truyền, cần có phương pháp phù hợp, gần gũi, chia sẻ, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, kiên trì, nói đi đôi với làm để đồng bào hiểu, tin và ủng hộ; tuyệt đối tôn trọng phong tục, tập quán của từng dân tộc, tránh sơ hở, sai sót để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt (ban tuyên giáo, ban dân vận các tỉnh, huyện, cơ quan chính trị các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến bình,…), các cơ quan báo, đài, hoạt động văn hóa, văn nghệ, các đội công tác, v.v.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, sự chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy kinh tế Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, quan tâm xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; cải cách cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo mọi điều kiện thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, khai thác tiềm năng du lịch. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với người có công với cách mạng; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của đồng bào; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa tại các làng, bản, đấu tranh chống các biểu hiện mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Phát huy vai trò của các đoàn kinh tế - quốc phòng trên địa bàn tham gia xây dựng công trình dân sinh phục vụ sản xuất và đời sống; nghiên cứu, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm cho đồng bào các dân tộc, v.v. Qua đó, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa các ban chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Quân khu 2, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các tỉnh trên địa bàn để đấu tranh với quan điểm sai trái có hiệu quả cao. Với tư cách là cơ quan thường trực, việc phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả giữa các ban chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cơ sở quan trọng, giúp cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn Tây Bắc. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh ủy các tỉnh trên địa bàn cần xây dựng Quy chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, xác định rõ chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp đấu tranh; lực lượng, nội dung, phương pháp phối hợp; chế độ giao ban, hội ý, thông báo tình hình, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, v.v. Ban chỉ đạo các tỉnh, lực lượng vũ trang cần có kế hoạch phối hợp đấu tranh cụ thể trong từng năm, quý, tháng; thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Quân ủy Trung ương; phối hợp nắm tình hình về âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn, tập trung vào các “điểm nóng”; dự kiến các tình huống có thể xảy ra và cách xử trí; phân công lực lượng đấu tranh cụ thể, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng bên.

Bốn là, phát huy vai trò các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các đơn vị Quân đội, Công an đứng chân trên địa bàn Tây Bắc, với chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, phương tiện được trang bị là lực lượng quan trọng trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, các đơn vị Quân đội và Công an cần bám sát tình hình, xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống “diễn biến hòa bình”; chú trọng bồi dưỡng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát huy vai trò của lực lượng chức năng chuyên ngành (trinh sát, quân báo,…) đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận, xóa đói giảm nghèo, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào các dân tộc, v.v. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ, đội công tác, cử cán bộ Bộ đội Biên phòng giữ chức vụ trong cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới, tích cực tham gia, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Chú trọng xây dựng, phát huy đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, bồi dưỡng, rèn luyện cho họ có phong cách, tác phong công tác phù hợp, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, có sự am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán của đồng bào để “nghe được đồng bào nói, nói đồng bào nghe”.

Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên địa bàn Tây Bắc là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.

Đại tá, TS. LÊ THÀNH LONG, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2

____________

1 - Gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc; có 34 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là người Kinh, Thái, Tày, Mường, Dao, Nùng, Mông,… với dân số khoảng 7,63 triệu người.

2 - Đạo Phật có khoảng 125.000 tín đồ; Công giáo có gần 300.000 tín đồ và Tin lành có khoảng 138.000 tín đồ. Năm 2018 có 27 điểm tôn giáo xây dựng cơ sở vật chất mới, trong đó xây dựng mới 20 nhà thờ, nhà nguyện, 07 công trình phụ trợ, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.