Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:55 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nhà nước quản trị xã hội phản ánh quá trình vận dụng nền tảng tư tưởng của Đảng vào thực tiễn. Những khiếm khuyết của hoạt động quản trị xã hội luôn bị thế lực thù địch lợi dụng, thổi phồng, xuyên tạc; tạo cớ xây dựng “lý luận”, tập hợp lực lượng phê phán, xuyên tạc, phủ nhận: tính chính danh, tính ưu việt, tính khoa học và phát triển của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhân dân, đội ngũ quản trị cần nhận rõ những vướng mắc, nguy cơ khi triển khai lý luận vào thực tiễn để không bị mất phương hướng chính trị và đấu tranh phản bác hiệu quả luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Từ học thuyết của Mác, chủ nghĩa xã hội đã được V.I. Lênin và chính quyền Xô viết hiện thực hóa trên thực tiễn, xây dựng thành một chế độ, tạo ngọn cờ, khởi nguồn cho phong trào cộng sản quốc tế phát triển sâu, rộng. Tuy nhiên, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, một bộ phận lãnh đạo ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã chủ quan, duy ý chí, nôn nóng, cứng nhắc trong quản trị xã hội, khiến kinh tế trì trệ, suy thoái, xã hội bất ổn; cộng với sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, làm chế độ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nghiên cứu một cách khoa học, thấu đáo những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ này, Đảng ta khẳng định: đây là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học, cách mạng sâu sắc và triệt để; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam và vũ khí lý luận sắc bén cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân và các chính đảng của giai cấp công nhân trên thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Từ đó, Đảng ta đã kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng, vận dụng sáng tạo các học thuyết quản trị vào thực tế, giành nhiều thắng lợi, xây nên “vị thế, cơ đồ” như hôm nay.
Thành công đi liền với nguy cơ, thách thức. Bởi lẽ, những năm qua, các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” luôn đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng với tần suất ngày càng cao, tinh vi hơn, gắn với nhiều hoạt động xã hội. Biểu hiện cụ thể của quy trình đó là:
1. Thu thập những bất cập trong quản trị xã hội, xây dựng diễn đàn, phê phán chế độ, gây nhiễu nhận thức của nhân dân. Dựa vào các mâu thuẫn, bất cập trong quá trình Nhà nước triển khai các chế độ, chính sách, chúng cắt xén thông tin, xây dựng các bài viết ngắn, đưa lên diễn đàn phê phán gay gắt làm nóng vấn đề, đẩy cao mâu thuẫn; hoặc tổ chức hội thảo phân tích vòng vo, suy luận theo logic hình thức dạng quan hệ nhân - quả nhằm biến tấu sự việc theo hướng tiêu cực, vu khống, quy chụp, thổi phồng điểm yếu, biến không thành có, việc nhỏ thành to; đặt câu hỏi nghi ngờ nghiêng về mặt tiêu cực, nhất là những vấn đề nhạy cảm,... gây tâm lý hoài nghi, bức xúc cho đám đông, tạo sức lan tỏa cho tư tưởng tiêu cực, hủy hoại uy tín, vai trò các tổ chức, người lãnh đạo.
2. Tích cực “định hướng tư tưởng” mới cho người đọc bằng cách “thuê” các trí thức lưu vong, nhà khoa học, nhà văn, trí thức “trở cờ” xây dựng tuyến bài, dùng lôgic hình thức dẫn dắt vấn đề, hướng nguyên nhân chính của các bất cập trong quản trị xã hội là do nền tảng tư tưởng của Đảng đã lỗi thời, lạc hậu. Đáng chú ý, dựa vào một số mặt yếu kém của các cấp quản trị, như: tránh né hoặc giải quyết không thỏa đáng những bất cập trong lĩnh vực đất đai, tạo nên sự khiếu kiện kéo dài, chúng viết vệt bài, chùm bài phân tích nhiều tầng, nhiều góc độ nhưng đều quy về quan điểm, muốn giải quyết mâu thuẫn đất đai tận gốc thì phải hủy bỏ việc sở hữu đất đai toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý, chuyển sang sở hữu tư nhân. Hay như, dựa vào các vụ án tham nhũng, chúng có nhiều bài viết phê phán cán bộ, công tác cán bộ, thể chế, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng. Lợi dụng một số vụ án oan, sai hoặc kéo dài do lịch sử để lại, các phân tích của lực lượng “luật sư dân chủ” đều quy lỗi về thể chế, bộ máy tư pháp, v.v.
3. Xây dựng các hình ảnh đối lập làm hạt nhân tinh thần cho tư tưởng đối lập, như: (1). Hình ảnh các “anh hùng dân chủ”, không sợ ngục tù, đấu tranh cả ngoài đời và trong tù, hiên ngang trước vành móng ngựa. (2). Hình ảnh giới dân chủ “quần nâu, áo vải” sẵn sàng “lội bùn” vào thăm, giúp đồng bào bị lũ lụt, vùng sâu, vùng xa. (3). Hình ảnh một vài chính khách, nhân vật trong bộ máy công quyền các nước phương tây đi làm bằng xe buýt, sẵn sàng từ chức. Ngược với cán bộ Việt Nam “tham quyền, cố vị”, “quan liêu”, xa rời nhân dân, v.v..
Mục đích công kích của chúng nhằm bôi đen, xuyên tạc, rằng: “cán bộ Việt Nam không đủ phẩm chất, năng lực”, “tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều đi vào ngõ cụt”; những người đứng đầu Đảng, Nhà nước không đủ năng lực quản trị đất nước. Nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ hệ tư tưởng, đường lối của Đảng đã lạc hậu, không dùng được; “chế độ độc đảng” tạo nên sự lạm quyền và nguyên nhân của nạn tham nhũng. Và đề xuất, muốn diệt trừ tận gốc bất cập xã hội, nhất là giảm trừ tham nhũng, các vụ án oan sai, cần thay đổi toàn bộ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, phải đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, tư hữu đất đai, phát triển xã hội dân sự độc lập,... và thuyết phục nhân dân tin theo thể chế tự do, dân chủ, nhân quyền phương Tây.
Để không bị đánh lừa trước các thủ đoạn xảo quyệt, cần tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, với một số giải pháp sau:
Một là, làm rõ nguyên nhân của những bất cập trong quản trị, thực thi công vụ. Trước hết, cần làm rõ ba tầng lý luận và mối quan hệ là nền tảng tư tưởng, cương lĩnh chính trị và lý luận chuyên ngành. Xuất phát từ nền tảng tư tưởng (những lý luận cơ bản, cốt lõi), Đảng ta xây dựng cương lĩnh chính trị để xác lập vị trí, phương hướng cho đường lối cách mạng; đường lối chứa đựng quan điểm, tư duy, tầm nhìn để xây dựng lý luận chuyên biệt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng,… theo khung thời gian ngắn hạn, dài hạn. Từ đó phân tầng, lớp xây dựng nên các thiết chế quản trị xã hội, bao gồm: hệ thống văn bản pháp quy (luật, nghị định, thông tư…); hệ thống văn bản thực thi (quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án); hệ thống văn bản xây dựng lực lượng quản trị (quy định về tổ chức, biên chế, công tác cán bộ), nhằm biến lý luận thành hiện thực phục vụ dân sinh.
Lý luận thường có tính lạc hậu tương đối với thực tế; chế tài quản trị xã hội có thể không phù hợp với một số hoạt động; quá trình quản trị, thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án làm phát sinh những mâu thuẫn. Nguyên nhân chính là theo chuỗi hoạt động từ khái quát lý luận, xây dựng thể chế đến thực thi và giám sát công vụ, thì sự can thiệp của con người gia tăng về số lượt, thời gian; làm tăng sự chủ quan. Do dự báo, đánh giá tác động của môi trường bên trong, bên ngoài tổ chức không đầy đủ, chính xác, nên mỗi khâu, bước của quá trình quản trị có sự thiếu phù hợp với thực tế, phát sinh rủi ro, giảm hiệu quả thực thi. Đồng thời, nhận thức, tư duy của cán bộ các cấp (nhà quản trị) không đồng đều, đồng nhất, thậm chí khác nhau nên quá trình thực thi nhiệm vụ phát sinh những mâu thuẫn, bất cập. Với vai trò “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” trong các hoạt động vật chất, lý luận cơ bản (nền tảng tư tưởng của Đảng) luôn có mặt, chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động quản trị xã hội và bị phê phán. Nên, với mỗi mâu thuẫn, bất cập, cần phân tích rõ bản chất; nếu nguyên nhân lý luận chưa theo kịp sự phát triển của tiến trình lịch sử thì phải nghiên cứu phát triển, bổ sung, sửa đổi; từ tổ chức, con người thì tái cơ cấu, xây dựng nhân sự mới. Do đó, cần chỉ rõ nguyên nhân bất cập để người đọc, nghe không nhầm lẫn, xây dựng lòng tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, các cấp quản trị nắm chắc khâu lỗi, tỷ trọng mỗi khâu để có phương án khắc phục hiệu quả.
Hai là, xây dựng các tuyến bài mạnh và cơ sở dữ liệu viết bài ở các ngành, lĩnh vực thường xảy ra bất cập. Nền tảng tư tưởng muốn đứng vững, nhất thiết phải đối mặt trực tiếp với thực tế. Các bài đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nếu viết vòng vo, né tránh vấn đề, chỉ viện dẫn chủ trương chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, không giải thích rõ mối quan hệ giữa nền tảng tư tưởng và bất cập xã hội, sẽ thiếu sức thuyết phục, càng dễ bị chúng bôi nhọ, quần chúng nghi ngờ, giảm niềm tin. Vì vậy, cần phải tổng kết thực tiễn khách quan, khoa học; mỗi bất cập xã hội phải chỉ rõ nguyên nhân thuộc khâu nào; sai sót do vận dụng lý luận hay tại lý luận, hoặc do quá trình quản trị, tổ chức thực hiện. Bài bảo vệ nền tảng nên chia thành 03 phân khúc. (1). Phân khúc lõi, khẳng định những luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng bây giờ và sau này vẫn đúng; những luận điểm trước kia đúng, hiện nay không còn phù hợp cần bổ sung, phát triển; đào sâu, tìm ra những điểm mới, phương pháp vận dụng mới,… giải đáp kịp thời những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Số lượng bài không cần nhiều nhưng phải có sức thuyết phục cao, có thể in thành sách chuyên khảo. Tác giả phải là nhóm chuyên gia đa ngành, gồm: nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức có tư duy, khám phá mới, góc nhìn sinh động. (2). Phân khúc trung tâm, là hệ thống lý luận theo chuyên ngành, lĩnh vực; chỉ rõ vùng ảnh hưởng của học thuyết Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vùng vận dụng học thuyết Mác – Lênin gắn với các học thuyết khác vào phát triển ngành, lĩnh vực và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bài viết phải là ngọn cờ cho phát triển ngành theo giai đoạn; do nhóm các nhà khoa học kết hợp với nhà quản trị cấp chiến lược thực hiện. (3). Phân khúc phổ quát, tập trung chỉ rõ chuỗi nguyên nhân bất cập và tỷ trọng sai sót của từng khâu trong chuỗi; trách nhiệm của từng cấp quản trị trong vận dụng lý luận vào thực tiễn. Tác giả là người đứng đầu địa phương, ngành, nhất là nơi xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc thực hiện không thành công các chương trình, dự án, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, khi bất cập xã hội xảy ra được báo chí công bố, nhân dân thường hoài nghi, đồn đoán. Muốn nhanh chóng ổn định dư luận, định hướng tư tưởng thì cần có bài đấu tranh, bảo vệ kịp thời. Khi đó, cơ sở dữ liệu sẵn có gồm: chủ trương, chính sách, chế tài, văn bản hướng dẫn, các thông tin cụ thể về chương trình, dự án,… giúp người viết có góc nhìn khách quan, cụ thể; xây dựng được bài đấu tranh dày thông tin, sát thực tế, độ thuyết phục cao, nhất là hạn chế mâu thuẫn với kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Ba là, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và đẩy mạnh đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Mặt trái của kinh tế thị trường là kích thích chủ nghĩa cá nhân cực đoan, tính cơ hội, ích kỷ; làm tăng mâu thuẫn và xung đột giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng, tầng lớp,... chủ yếu do không đồng thuận về lợi ích trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, đội ngũ chuyên gia cần nắm chắc các khâu, quá trình: hoạch định chiến lược; xây dựng chương trình, dự án; lập kế hoạch, lộ trình thực hiện; xây dựng tổ chức, nhân sự và tư vấn, giám sát thực thi; nhất là hiểu rõ luận chứng kinh tế, kỹ thuật của dự án gây ra các mâu thuẫn, bất cập,... để cung cấp thông tin, bài viết kịp thời cho lực lượng đấu tranh. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo các cấp biện pháp xử lý khủng hoảng truyền thông, trấn an dư luận khi có vụ việc xảy ra.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, cần xây dựng, duy trì, phát triển các trang mạng hoặc chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống diễn biến hòa bình; được quản lý chung trong cả nước; làm địa chỉ tin cậy để người đọc, cán bộ, nhà khoa học, nhân dân tra cứu, dẫn nguồn bằng thiết bị di động,... xây dựng lòng tin, củng cố quan điểm trong thực hiện công vụ, quản trị xã hội. Đồng thời, đa dạng hóa các loại bài đấu tranh gồm: bài viết, hoạt động đối thoại, video ngắn hoặc phim theo chủ đề,... tập trung thông tin, giải thích vùng trách nhiệm, vùng tác động của nền tảng tư tưởng đến mỗi hình thức bất cập, mâu thuẫn trong quản trị xã hội để định hướng dư luận. Chỉ đạo các đơn vị truyền thông, mạng xã hội chính thống phải tái đăng tải và dẫn nguồn, chia sẻ, cộng với phần giải thích thêm cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực thông tin. Chắt lọc các bình luận cá nhân làm tư liệu nghiên cứu, hoặc tái đăng tải trên các trang mạng xã hội cùng với sự phân tích, bình luận củng cố thêm nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo nên vòng lặp truyền thông không ngừng mở rộng.
Bốn là, quản lý chặt chẽ hoạt động của các hội, nhóm, nhất là trên mạng xã hội và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Lực lượng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt, tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến, hoạt động của các hội, nhóm trong xã hội. Vạch trần việc gắn chính trị và các hoạt động thiện nguyện; lôi kéo nhân dân vào các hoạt động khác có hại cho sản xuất và cộng đồng. Nghiên cứu, tham mưu cho chính quyền, cơ quan chức năng theo dõi, quản lý, định hướng hoạt động cho các lực lượng này đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước; xác định rõ động cơ phản biện xã hội là xấu hay tốt; có biện pháp xử lý kịp thời, không lúng túng trong giải quyết dẫn đến nhiều mâu thuẫn, bất cập và càng dễ bị lợi dụng. Giải quyết tranh chấp kịp thời, không tranh luận kéo dài để nước ngoài lợi dụng can thiệp, gắn nhân quyền trên bàn đàm phán hợp tác quốc tế. Đồng thời, phân biệt rõ việc thực thi quyền làm chủ về: giới hạn quyền; thời gian, địa điểm thực hiện quyền,... để mọi công dân nhận thức đúng, không bị lợi dụng.
Đấu tranh, phản bác việc lợi dụng bất cập trong quản trị xã hội để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là công việc khó khăn, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp, ngành, của mọi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng; với nhiều hình thức, quy mô để tiếp tục khẳng định giá trị khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Thượng tá, ThS. NGUYỄN HỮU NGỌC, Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Nền tảng tư tưởng của Đảng,quản trị xã hội,nâng cao hiệu quả,giải pháp phòng chống,hành vi lợi dụng
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc