Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:02 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trung đoàn tên lửa phòng không là đơn vị kỹ thuật chiến đấu, được trang bị các tổ hợp tên lửa đất đối không hiện đại, với quy trình bảo quản, bảo dưỡng, lắp ráp, sử dụng rất phức tạp. Do đó, thực hiện tốt công tác kỹ thuật là nội dung quan trọng, một trong những yếu tố quyết định khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của các đơn vị này.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ quân sự, nhất là phương tiện, phương thức tác chiến đường không của địch, đặt ra cho các đơn vị phòng không nói chung, trung đoàn tên lửa phòng không (gọi tắt là trung đoàn tên lửa) nói riêng những thách thức, yêu cầu mới rất cao. Trong quá trình xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến lên hiện đại, bên cạnh vũ khí, khí tài thế hệ cũ đã qua nhiều năm khai thác, sử dụng, các trung đoàn tên lửa được đầu tư trang bị một số loại vũ khí, khí tài thế hệ mới, cải tiến, hiện đại hóa. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho công tác kỹ thuật rất cao, nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đồng bộ lớn, đa dạng, phức tạp. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức và năng lực của lực lượng kỹ thuật cấp trung đoàn có mặt còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Tổ chức biên chế lực lượng kỹ thuật có nơi vừa thừa lại vừa thiếu, mất cân đối về chuyên ngành; trình độ tay nghề không đồng đều. Đáng chú ý là, các đơn vị sử dụng khí tài cải tiến biên chế lực lượng kỹ thuật về cơ bản vẫn giữ nguyên như khí tài cũ; số cán bộ, nhân viên kỹ thuật được đào tạo chuyển loại theo dự án cải tiến, đào tạo chuyển giao khí tài mới còn ít, thời gian đào tạo ngắn, việc khai thác làm chủ công nghệ mới còn ở mức độ nhất định. Trong khi đó, nguồn vật tư kỹ thuật phục vụ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, nhất là nhóm vật tư, phụ tùng đồng bộ theo khí tài còn thiếu và chưa chủ động về nguồn cung, gây nhiều khó khăn cho công tác kỹ thuật, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Từ thực tế đó, việc nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật ở các trung đoàn tên lửa là vấn đề đặt ra cấp thiết. Để khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt công tác quan trọng này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ bầu trời của Tổ quốc trong tình hình mới, cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết, tập trung kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ về số lượng, cân đối về chuyên ngành và có chất lượng cao, làm nòng cốt thực hiện công tác kỹ thuật theo phân cấp. Đây là nội dung then chốt, có ý nghĩa quyết định hiệu quả công tác kỹ thuật ở đơn vị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kỹ thuật và tiến trình hiện đại hóa Quân chủng. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy trung đoàn tên lửa cần phối hợp với các cơ quan cấp trên, rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật để có biện pháp kiện toàn lực lượng này theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cân đối, đồng bộ ở các cấp; xây dựng ngành kỹ thuật trung đoàn vững mạnh toàn diện. Trọng tâm, làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng; gắn quy hoạch, đào tạo với bố trí sử dụng. Các đơn vị được trang bị khí tài mới, cải tiến cần kết hợp chặt chẽ huấn luyện chuyển giao, khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài trang bị mới với “đồng hóa chuyên môn”, nhất là về ngoại ngữ và khả năng khai thác phần mềm ứng dụng công nghệ cao. Các đơn vị sử dụng khí tài cũ, cần phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao kèm cặp, bồi dưỡng nhân viên mới, đội ngũ kế cận. Coi trọng việc luân chuyển cán bộ, nhân viên kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là phục vụ chuyển loại khí tài; ưu tiên các vị trí trợ lý đầu ngành, kỹ thuật viên, tổ trưởng bảo đảm kỹ thuật ở các tiểu đoàn; tăng cường kỹ sư trẻ mới ra trường xuống cơ sở để trải nghiệm thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm. Chủ động rà soát, đề nghị cấp trên bổ sung các chức danh chuyên ngành còn thiếu, phù hợp với đặc trưng công nghệ của vũ khí, khí tài mới; có chế độ phù hợp đối với chuyên gia đầu ngành, thợ kỹ thuật có kỹ năng giỏi, tay nghề cao, v.v.
Cùng với đào tạo, bổ túc chuyên sâu, các trung đoàn cần duy trì nghiêm nền nếp, nâng cao chất lượng công tác tập huấn, huấn luyện kỹ thuật. Thực tế cho thấy, đây là “hướng” quan trọng để nâng cao năng lực, trình độ, nhất là kỹ năng, tay nghề cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở đơn vị. Quá trình tiến hành, cần bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện; kết hợp chặt chẽ đào tạo với đạo tạo lại, huấn luyện toàn diện với chuyên sâu; tích cực huấn luyện, bồi dưỡng theo hướng “Thạo cấp dưới, giỏi cấp mình, biết cấp trên”. Ưu tiên huấn luyện theo kíp bảo đảm kỹ thuật đồng bộ; thành lập các tổ bảo đảm kỹ thuật mũi nhọn, cơ động, nhằm thực hiện tốt phương thức bảo đảm kỹ thuật tại chỗ kết hợp với bảo đảm cơ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống. Trong điều kiện thời gian ngắn, cần lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng huấn luyện thực hành, đi sâu vào giải quyết những mặt hạn chế, nội dung khó, vấn đề bức xúc đang đặt ra trong công tác kỹ thuật ở đơn vị, như: phương pháp kiểm tra, quy vùng hỏng hóc khí tài; hiệu chỉnh tham số định kỳ; quy tắc an toàn trong kiểm tra, bảo quản đạn tên lửa; thao tác kiểm tra, lắp ráp đạn tên lửa; kỹ năng hiệp đồng toàn kíp trong kiểm tra, hiệu chỉnh khí tài và dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa, v.v. Để đạt hiệu quả cao, kết hợp chặt chẽ huấn luyện với thực hiện các chế độ công tác kỹ thuật; tận dụng thời gian mở máy chuẩn bị chiến đấu hằng ngày để huấn luyện thực hành các bài tham số định kỳ khí tài. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động hội thao, hội thi, diễn tập kỹ thuật, thi nâng bậc thợ, nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp, nhất là trình độ, năng lực chỉ huy, tổ chức bảo đảm kỹ thuật trong tác chiến.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng chính quy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật. Các trung đoàn tên lửa thường đóng quân phân tán, công tác bảo đảm, quản lý kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tạo sự chính quy, thống nhất, khoa học trong quản lý, chỉ đạo và bảo đảm kỹ thuật, cơ quan, ban chủ nhiệm kỹ thuật trung đoàn cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, văn bản hướng dẫn công tác kỹ thuật thường niên và văn kiện bảo đảm kỹ thuật tác chiến phù hợp với điều kiện của đơn vị. Trong đó, chú trọng chuẩn hóa hệ thống quy chế, quy định về phân cấp bảo đảm kỹ thuật; quy trình công nghệ trong bảo dưỡng, bảo quản, sửa chữa và nội quy nhà kho, trạm, xưởng, khu kỹ thuật, v.v. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp. Tích cực tham gia nghiên cứu hoàn thiện phương thức bảo đảm kỹ thuật cho các tổ hợp tên lửa thế hệ mới đã và sẽ được trang bị. Hằng năm, các trung đoàn thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm kê lúc 0 giờ ngày 01/01, bảo đảm đúng trình tự, tỷ mỷ, rõ ràng, phân cấp chất lượng chính xác; kịp thời báo cáo đề nghị thanh lý, xử lý trang bị kỹ thuật cấp 5; sắp xếp, bao gói, đăng ký, thống kê cụ thể; phân cấp, phân quyền quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật đến từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật,… giúp người chỉ huy nắm chắc số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật và vũ khí, trang bị được giao. Đồng thời, phối hợp với cơ quan cấp trên tham mưu, đề xuất đầu tư hoàn thiện phòng điều hành; bổ sung lý lịch, thẻ lô, thẻ đống quản lý vũ khí, trang bị, vật tư, đồng bộ; sắp xếp kho, khu kỹ thuật phù hợp, thuận lợi cho công tác kiểm tra, sẵn sàng bảo đảm kịp thời trong mọi tình huống.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, trọng tâm là tổ chức tốt việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trong điều kiện lực lượng kỹ thuật trung đoàn có hạn, nhu cầu bảo đảm lớn, yêu cầu cao, nên trung đoàn phải chủ động triển khai toàn diện các mặt bảo đảm theo phân cấp, hướng trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng làm chủ vũ khí, trang bị, duy trì hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị theo đúng quy định. Thực hiện mục tiêu đó, cần đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị đồng bộ với vũ khí, đạn trong biên chế của trung đoàn, nhất là thiết bị đo kiểm công nghệ mới, nâng cấp, đồng bộ xe công trình; thực hiện nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định. Trong bảo đảm kỹ thuật, phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu: khảo sát, đánh giá chất lượng khí tài; xây dựng kế hoạch; chuẩn bị vật tư, máy móc; huấn luyện kỹ thuật bổ sung theo nhiệm vụ; giao nhiệm vụ và tổ chức thực hiện,… bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, kịp thời. Trong đó, chú trọng chuẩn hóa chất lượng vật tư; kiểm tra, kiểm định thường xuyên hệ thống máy móc, giá thử khối đơn, các phương tiện đo,… có phương án thay thế khi phát sinh hư hỏng. Quá trình triển khai thực hiện cần tập trung cho các bộ phận ngoài trời, như: bệ phóng tên lửa, hệ thống anten thu phát, các cơ cấu chuyển động, rãnh trượt đạn tên lửa; các vị trí quan trọng (hệ thống các đầu cáp nối tín hiệu, chân các bảng mạch điện tử, linh kiện làm việc với điện áp cao) và phải sử dụng đúng chủng loại vật tư bảo quản đối với từng vị trí được bảo quản. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả theo phân cấp và tổ chức khắc phục kịp thời các khâu yếu, mặt yếu ở từng cấp.
Trước tình hình vật tư, linh kiện bảo đảm khan hiếm chưa đáp ứng nhu cầu bảo đảm kỹ thuật, các trung đoàn tên lửa cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong bảo đảm kỹ thuật. Trong đó, đi sâu nghiên cứu khai thác các nguồn vật tư tương đương trên thị trường; tính toán tần suất hỏng hóc của từng loại vật tư, nhất là các linh kiện quý hiếm, các bảng mạch điện tử; xây dựng quy trình bảo đảm kỹ thuật phù hợp cho từng trang bị, khí tài, v.v. Trên cơ sở đó, đề xuất cấp trên bổ sung, đảm bảo nguồn vật tư, linh kiện dự phòng; mua sắm các trang thiết bị máy móc hiện đại, như: các máy hiện sóng kiểm tra tín hiệu, máy sấy, máy hút ẩm, hệ thống điều hòa nhiệt độ,… đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Cùng với thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, các trung đoàn tên lửa cần trọng duy trì, đẩy mạnh các hoạt động hội thao, hội thi kỹ thuật các cấp; thực hiện tốt Cuộc vận động 50, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào Thi đua Quyết thắng. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tạo động lực, không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật ở cơ quan, đơn vị.
Nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật ở trung đoàn tên lửa phòng không là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định kết quả, hiệu suất chiến đấu của đơn vị. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp, đứng trước không ít khó khăn, thách thức, cần được tiếp tục nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của đơn vị, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.
Thiếu tá, ThS. NGUYỄN BÁ PHÚ
Công tác kỹ thuật,trung đoàn tên lửa
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc