Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 28/12/2021, 07:25 (GMT+7)
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển khu kinh tế - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc

Quán triệt, thực hiện Quyết định số 277/QĐ-TTg, ngày 31/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể Quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng Khu Kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển; Quyết định số 1391/QĐ-TTg, ngày 09/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng, phát triển các Khu Kinh tế - quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị định số 44/2009/NĐ-CP, ngày 07/5/2009 về xây dựng Khu Kinh tế - quốc phòng; bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển toàn diện các Khu Kinh tế - quốc phòng, đi vào thực chất, chiều sâu, ổn định, bền vững. Đến nay, toàn quân đã triển khai xây dựng 28 Khu Kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn. Các Khu Kinh tế - quốc phòng đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, góp phần tạo nên diện mạo, thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Đáng chú ý, thực hiện mục tiêu “an dân”, dựng “phên giậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc, các Đoàn Kinh tế - quốc phòng trực tiếp tổ chức nhiều mô hình sản xuất; làm dịch vụ 2 đầu; hỗ trợ giống, vốn và chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi cho các hộ dân, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn hộ gia đình đồng bào sinh sống trong vùng dự án. Giai đoạn 2010 - 2020, các Khu Kinh tế - quốc phòng đã xây dựng mới được trên 1.300 điểm dân cư tập trung, hỗ trợ ổn định đời sống cho hơn 98.000 hộ dân, khắc phục cơ bản tình trạng một số xã “trắng dân”, thưa dân chưa thành lập được đơn vị hành chính. Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như: giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế và các công trình thiết yếu phục vụ di dân, giãn dân, phát triển sản xuất. Việc kết hợp, lồng ghép các dự án xây dựng Khu Kinh tế - quốc phòng, nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng và Dự án Tăng cường Trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu Kinh tế - quốc phòng là sự kết hợp hoàn hảo trong việc giúp nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đây cũng là điểm sáng, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tạo diện mạo nông thôn mới trên dọc tuyến biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phối hợp triển khai quy hoạch Khu Kinh tế - quốc phòng giữa các đơn vị với địa phương chưa thật tốt, hiệu quả dự án đầu tư chưa cao; các mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án tuy có bước phát triển, nhưng còn chậm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao; trình độ dân trí không đồng đều, nhiều tập quán lạc hậu, hủ tục còn tồn tại. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tình trạng di, dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, vượt biên trái phép,… còn diễn biến phức tạp.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển các Khu Kinh tế - quốc phòng thực sự trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, hình thành thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo là vấn đề đặt ra cấp thiết, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần quyết liệt triển khai thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, phát huy kết quả, kinh nghiệm 10 năm thực hiện Quyết định số 1391/QĐ-TTg, ngày 09/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng, phát triển các Khu Kinh tế - quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Cục Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tham mưu cho Bộ Quốc phòng rà soát, chỉ đạo các đơn vị, địa phương bổ sung hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển Khu Kinh tế - quốc phòng giai đoạn 2021 - 2030 theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định. Trước mắt, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương và các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt các mục tiêu và tiến độ tại Quyết định số 49/QĐ-TTg, ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với khả năng bảo đảm của ngân sách Nhà nước; trong đó, ưu tiên triển khai xây dựng các Khu Kinh tế - quốc phòng: Trường Sa, Tây Nam Bộ. Chuẩn bị các yếu tố để kết thúc đầu tư xây dựng một số Khu Kinh tế - quốc phòng đã hoàn thành đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất phương án bàn giao lại địa bàn Khu Kinh tế - quốc phòng đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ cho chính quyền địa phương quản lý và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hai là, đẩy mạnh công tác hỗ trợ dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với nâng cao đời sống người dân. Các Đoàn Kinh tế - quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương vùng dự án, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện làm tốt công tác thống kê các hộ nghèo, khó khăn để có biện pháp hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất,... nâng cao đời sống cho người dân. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, ổn định dân cư trong Khu Kinh tế - quốc phòng gắn với quy hoạch dân cư của tỉnh, huyện; chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định, tạo quỹ đất để giao cho địa phương bảo đảm cho người dân. Các cơ quan, đơn vị tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình gắn chặt với đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân; thực hiện có hiệu quả các dự án lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhanh chóng tạo nên bộ mặt mới trong phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến biên giới, bảo đảm các bản, cụm bản được xây dựng có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, đất ở và đất sản xuất cho người dân.

Ba là, tổ chức lại các mô hình sản xuất tại các Khu Kinh tế - quốc phòng theo hướng: tập trung ưu tiên phát triển kinh tế hộ gia đình; đẩy mạnh hình thức dịch vụ 2 đầu giúp dân phát triển kinh tế (cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật,...) thông qua hoạt động trực tiếp của Đoàn Kinh tế - quốc phòng; tích cực giúp chính quyền địa phương tổ chức dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân tự vươn lên: xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, các Đoàn Kinh tế - quốc phòng có thể tổ chức các mô hình nhỏ, hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai bằng việc tổ chức mô hình các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã làm dịch vụ 2 đầu giúp dân. Kiên quyết không để đồng bào trong vùng dự án Khu Kinh tế - quốc phòng bị thiếu đói về mọi mặt; bảo đảm đủ diện tích đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; từng bước giúp dân thoát nghèo, nâng cao và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, ổn định phát triển cuộc sống. Chuẩn bị sẵn sàng mọi yếu tố để có thể chuyển giao nhiệm vụ và cơ sở vật chất cho chính quyền địa phương khi có yêu cầu. Tích cực triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bốn là, tăng cường nguồn lực tài chính và phối hợp chặt chẽ với địa phương lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xã hội trong xây dựng Khu Kinh tế - quốc phòng. Cục Kinh tế tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng tăng cường vốn đầu tư hằng năm cho hoạt động xây dựng Khu Kinh tế - quốc phòng; sắp xếp, ổn định dân cư, xóa đói, giảm nghèo bền vững, đảm bảo quy hoạch được thực hiện đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh cơ cấu lại vốn đầu tư, tập trung cho dân phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng doanh trại gắn với chuyển giao cho chính quyền cơ sở làm việc về sau. Nghiên cứu và xây dựng các chính sách phù hợp nhằm thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế tham gia thích hợp vào xây dựng các Khu Kinh tế - quốc phòng. Phát huy vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp Quân đội trong đầu tư, hỗ trợ các nguồn lực, làm nòng cốt giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đề xuất Chính phủ phương án sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất; đầu tư các tiểu dự án trong địa bàn Khu Kinh tế - quốc phòng, thông qua Đoàn Kinh tế - quốc phòng. Tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với xây dựng địa bàn Khu Kinh tế - quốc phòng; huy động hiệu quả hơn các nguồn lực của doanh nghiệp Quân đội tham gia hỗ trợ các huyện nghèo. Phối hợp với địa phương triển khai các mô hình hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu Kinh tế - quốc phòng 2021 - 2030.

Năm là, thống nhất tổ chức, biên chế, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn Kinh tế - quốc phòng và đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp quản lý địa bàn Khu Kinh tế - quốc phòng. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Đoàn Kinh tế - quốc phòng, Cục Kinh tế phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh tổ chức, biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các đơn vị này, bảo đảm phù hợp với Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ đủ khả năng làm chủ đầu tư dự án Khu Kinh tế - quốc phòng; giảm tối đa biên chế của khối cơ quan, tăng quân số cho các đơn vị, đội sản xuất. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ là người dân tộc ở địa phương, trí thức trẻ tình nguyện. Tập trung huấn luyện, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Đoàn Kinh tế - quốc phòng đủ năng lực, trình độ chuyên môn; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phối hợp các lực lượng tham gia thực hiện giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các Khu Kinh tế - quốc phòng theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng công tác xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc thông qua việc bố trí dân cư, huấn luyện quân nhân dự bị trong thế trận khu vực phòng thủ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá PHẠM TOÀN THẮNG, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.