Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:28 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Lý luận và thực tiễn chứng minh rằng, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trước mọi nguy cơ chiến tranh, đất nước phải có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh. Điều đó cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ thời bình.
Từ phân tích mối quan hệ giữa kinh tế với bạo lực, Ph. Ăng-ghen cho rằng: bạo lực không đơn thuần là một hành vi của ý chí, mà để thực hiện nó phải có các công cụ, trong đó công cụ hoàn hảo hơn sẽ thắng công cụ không hoàn hảo bằng. Điều đó cho thấy, thắng lợi của bạo lực phụ thuộc vào việc sản xuất vũ khí và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất, nghĩa là dựa vào “lực lượng kinh tế”, vào “tình hình kinh tế” và phương tiện vật chất mà bạo lực chi phối. Vì vậy, kinh tế quyết định bạo lực. Với ý nghĩa đó, Ph. Ăng-ghen kết luận: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”1. Phát triển luận điểm đó, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “trong chiến tranh hiện đại, tổ chức kinh tế có một ý nghĩa quyết định”2. Như vậy, theo các nhà kinh điển, kinh tế là nhân tố quyết định quy mô, tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang và phương thức tiến hành chiến tranh.
V.I. Lê-nin cho rằng, nếu kinh tế không được chuẩn bị từ trước, thì việc tiến hành chiến tranh chống xâm lược không thể giành được thắng lợi. Trong nhiều trường hợp, V.I. Lê-nin khẳng định: kinh tế có vai trò quyết định sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Theo đó, để chuẩn bị quốc phòng, ngăn chặn chiến tranh, phải “bắt đầu phát triển kinh tế”. Với nhận thức đó, sau Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin đã lãnh đạo thành công việc khôi phục nền kinh tế nước Nga, khẩn trương chuẩn bị kinh tế quân sự để tiến hành chiến tranh vệ quốc, góp phần đập tan mưu đồ xâm lược, thôn tính của CNĐQ đối với nước Nga Xô viết, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN đầu tiên trên thế giới.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do nhận thức và đánh giá đúng vai trò của kinh tế và chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự (TLKTQS), Đảng ta đã đề ra và tổ chức thực hiện đường lối: “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Với đường lối đó, ngay trong điều kiện kháng chiến, chúng ta đã xây dựng nhiều cơ sở sản xuất quốc phòng để sản xuất vũ khí, phương tiện vật chất khác; đồng thời, huy động tối đa tiềm lực kinh tế để tăng cường thực lực quốc phòng. Thực chất đây là quá trình chuẩn bị TLKTQS cho kháng chiến trường kỳ.
Khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết định, Quân đội ta cần xây dựng một số đại đoàn chủ lực mạnh để mở các chiến dịch nhằm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thì mọi nguồn lực cho nhu cầu kháng chiến sẽ khó đáp ứng nếu chỉ dựa vào đóng góp của nhân dân. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải tạo bước phát triển nhảy vọt về khả năng bảo đảm kinh tế cho kháng chiến. Để đáp ứng nhu cầu này, các ngành kinh tế, nhất là công nghiệp, nông nghiệp phải sản xuất nhiều vũ khí, trang bị cung cấp cho lực lượng vũ trang và nhiều sản phẩm thiết yếu khác cho tiêu dùng xã hội. Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, kết hợp chiến đấu với sản xuất, vừa đánh giặc vừa tăng gia sản xuất, chúng ta đã dập tắt nạn đói, từng bước ổn định đời sống nhân dân, động viên mọi nguồn lực cho kháng chiến. Sự sáng tạo và thành công của đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” nói chung, chuẩn bị TLKTQS giai đoạn 1945 - 1954 nói riêng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi, giữ vững độc lập dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để bảo đảm kinh tế cho kháng chiến, tại Hội nghị Trung ương 11 (khóa III), Đảng ta chủ trương: chuyển hướng nền kinh tế và tăng cường quốc phòng cho kịp với sự phát triển tình hình theo hướng kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam, tích cực phát triển kinh tế theo từng vùng chiến lược, làm cho từng vùng có khả năng tự giải quyết phần lớn nhu cầu ăn, mặc, ở, học tập, bảo vệ sức khỏe, tiêu dùng thiết yếu, phục vụ sản xuất, xây dựng và chiến đấu. Nhờ thực hiện có hiệu quả chủ trương này, dù bị chiến tranh phá hoại của Mỹ tàn phá nặng nề, nhưng kinh tế miền Bắc không chỉ đứng vững mà còn phát triển nhiều mặt; vừa đáp ứng yêu cầu đánh thắng chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc, vừa chi viện với mức độ ngày càng cao cho miền Nam; xây dựng và tăng cường tiềm lực mọi mặt, góp phần ổn định đời sống, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.
Như vậy, việc chuẩn bị TLKTQS được Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức đúng ngay từ đầu và trong suốt quá trình cách mạng. Dù trong thời chiến hay thời bình, chúng ta cũng luôn chủ động chuẩn bị TLKTQS. Sự nhất quán đó được khẳng định trong các văn kiện và thực tiễn giải quyết hài hòa, linh hoạt mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta.
Hiện nay, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta; khi có thời cơ sẽ tiến hành chiến tranh xâm lược. Vì thế, việc chuẩn bị TLKTQS vẫn phải là mối quan tâm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân. Đại hội XI của Đảng chủ trương: “Phát triển KT-XH đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH và trên từng địa bàn”3. Điều đó cho thấy, chúng ta đã nhận thức đúng, toàn diện, sâu sắc và biện chứng hơn vai trò của kinh tế và chuẩn bị TLKTQS trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ hiện nay.
CNH,HĐH là nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt thời kỳ quá độ lên CNXH; là con đường tất yếu để nước ta thoát nghèo và nguy cơ tụt hậu, giữ vững ổn định xã hội. Đó còn là tiền đề nâng cao TLKTQS. Để có TLKTQS mạnh, chúng ta vừa đẩy mạnh CNH,HĐH, vừa củng cố và hoàn thiện các yếu tố của CNXH với từng bước tích lũy tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là khoa học và công nghệ quân sự, trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang, khi cần có thể nhanh chóng huy động và chuyển hóa thành thực lực quốc phòng.
Để đất nước không bị động, bất ngờ, sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống thì việc chuẩn bị TLKTQS cần được thực hiện ngay từ thời bình. Theo đó, chúng ta cần thống nhất nhận thức và thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, chuẩn bị TLKTQS là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Bản chất của chuẩn bị TLKTQS là sự gắn kết quá trình xây dựng, phát triển KT-XH với tăng cường sức mạnh quốc phòng thành một thể thống nhất, thúc đẩy nhau phát triển. Mục đích chuẩn bị TLKTQS là tạo môi trường hòa bình, ổn định và sức mạnh răn đe, ngăn chặn từ xa nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ. Nếu TLKTQS được chuẩn bị tốt, có hiệu quả ngay trong thời bình, sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp để xây dựng và BVTQ; ngược lại, không thể có sức mạnh thật sự, mà còn phát sinh sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nước ta.
Hai là, chuẩn bị TLKTQS trong thời bình là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật. Ở nước ta hiện nay, để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và BVTQ, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, chúng ta không coi nhẹ nhiệm vụ chuẩn bị TLKTQS. Trong bối cảnh còn giai cấp và đấu tranh giai cấp, còn mưu đồ xâm lược, nhất là khi cuộc chạy đua vũ trang ngày càng được đẩy mạnh, thì chuẩn bị TLKTQS ngay từ thời bình để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quốc phòng, chiến tranh khi cần thiết là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật, góp phần bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững.
Ba là, chuẩn bị TLKTQS chỉ được thực hiện có hiệu quả cao trên cơ sở nền kinh tế độc lập, tự chủ; bởi TLKTQS mạnh được biểu hiện ở chỗ sức mạnh đó dựa trên nền tảng của nền kinh tế độc lập, tự chủ. Vì vậy, chúng ta phải từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, theo hướng: “Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc”4.
Bốn là, nội dung cốt lõi trong chuẩn bị TLKTQS là xây dựng công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại. “Công nghiệp quốc phòng là một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh; là bộ phận của công nghiệp quốc gia”5, là ngành công nghiệp đặc thù hoạt động công ích, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị, vật tư và sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, công nghiệp quốc phòng còn “tham gia phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện CNH,HĐH đất nước”6. Vì vậy, “Mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng công nghiệp quốc phòng và nâng cao khả năng bảo đảm của công nghiệp quốc phòng”7 là chủ trương xây dựng công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại. Đây là vấn đề chiến lược nảy sinh từ nhu cầu xây dựng và BVTQ, một nội dung cốt lõi trong chuẩn bị TLKTQS.
Năm là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là phương thức hiệu quả để chuẩn bị TLKTQS. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nghệ thuật liên kết các nhân tố không đồng nhất, các hoạt động tuân theo các quy luật khác nhau nhằm tạo thế, tạo lực, tạo thời để giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Đó còn là kết hợp các lực lượng, cả nội lực và ngoại lực, cả vũ trang và phi vũ trang để chuẩn bị TLKTQS. Vì vậy, để chuẩn bị TLKTQS phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH cũng như của từng chuyên ngành.
Sáu là, trong quá trình chuẩn bị TLKTQS, phải thực hiện hài hòa giữa yêu cầu xây dựng và BVTQ. Một trong các yếu tố phát triển bền vững là quá trình phát triển kinh tế phải thực hiện đồng thời yêu cầu kinh tế và quốc phòng, lồng ghép yêu cầu quốc phòng vào hoạt động kinh tế. Cho nên, trong quá trình phát triển KT-XH phải thực hiện cả hai yêu cầu, vừa thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa tạo TLKTQS ngay trong quá trình đó. Vì vậy, phải lồng ghép yêu cầu quốc phòng trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng bảo đảm cân đối, hài hòa giữa nhu cầu quốc phòng và khả năng kinh tế, sao cho vừa phục vụ đời sống xã hội, vừa có lợi cho quốc phòng, sẵn sàng huy động cho nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.
Bảy là, từng bước xây dựng TLKTQS ngay trong chiến lược, chính sách phát triển các ngành kinh tế trọng yếu. Để mỗi bước phát triển kinh tế là điều kiện tăng cường TLKTQS thì trong chiến lược và chính sách phát triển các ngành kinh tế trọng yếu, nhất là các ngành liên quan đến sản xuất quân sự và công nghiệp quốc phòng, phải có ý thức chủ động tạo ra TLKTQS và bố trí TLKTQS ấy trong thế chiến lược hợp lý để vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH vừa tăng cường sức mạnh quốc phòng. Do đó, chuẩn bị TLKTQS phải lựa chọn hình thức, biện pháp phù hợp với thực lực nền kinh tế, giảm bớt chi phí quốc phòng.
Thực hiện đồng bộ các nội dung trên sẽ góp phần chuẩn bị tốt TLKTQS ngay từ thời bình, tạo thuận lợi giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển bền vững; đồng thời, sẵn sàng chuyển TLKTQS thành thực lực quốc phòng, khi phải tiến hành các hoạt động quân sự, hoặc buộc phải tiến hành chiến tranh BVTQ.
Đại tá, TS. TRẦN ĐĂNG BỘ
Viện KHXHNVQS, Bộ Quốc phòng
1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 235.
2 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 34, Nxb Tiến Bộ, M. 1976, tr. 260.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 82.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 180.
5, 6 - Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - LuậtQuốc phòng, số 39/2005/QH11, ngày 14-6-2005, Điều 3.
7 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 138.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc