Thứ Sáu, 22/11/2024, 18:30 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), việc sử dụng lực lượng trong các loại hình tác chiến chiến lược nói chung, tác chiến phòng thủ chiến lược nói riêng là nội dung quan trọng, quyết định đến cục diện chiến trường, chiến tranh. Vì thế, việc nghiên cứu nội dung này cần được tiến hành nghiêm túc, ngay từ thời bình, cả về lý luận và thực tiễn.
Tác chiến phòng thủ chiến lược là một trong những loại hình tác chiến cơ bản, quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bởi nó phù hợp với khả năng, điều kiện của ta; đồng thời, thể hiện một cách tập trung nhất nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là loại hình tác chiến được tiến hành ngay từ thời kỳ đầu, trong quá trình chiến tranh, trên phạm vi cả nước hoặc trên một số hướng chiến lược và kết thúc khi chuyển sang phản công, tiến công chiến lược. Đặc trưng cơ bản của loại hình tác chiến này là sự liên kết hoạt động tác chiến của các khu vực phòng thủ địa phương, tác chiến phòng thủ quân khu với tác chiến của các binh đoàn cơ động chiến lược bằng các quy mô, hình thức thích hợp; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với các mặt đấu tranh khác; trong đó, đấu tranh quân sự là chủ yếu, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Tác chiến phòng thủ chiến lược được thực hiện theo một ý định, kế hoạch tổng thể, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự điều hành của Nhà nước và chỉ huy tập trung, thống nhất của Bộ Quốc phòng. Mục đích của tác chiến phòng thủ chiến lược là phòng tránh, đánh trả có hiệu quả đòn tiến công bằng hỏa lực của đối phương; sát thương lớn, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân địch đổ bộ đường biển, đường không, tiến công trên bộ; kịp thời dập tắt bạo loạn tại các địa phương; bảo vệ tiềm lực quân sự, quốc phòng, các mục tiêu trọng điểm quốc gia, địa bàn chiến lược quan trọng; ngăn chặn làm chậm tốc độ, phá thế tiến công của địch, giữ vững thế trận của ta, tạo điều kiện, thời cơ cho phản công, tiến công chiến lược.
Đối tượng của tác chiến phòng thủ chiến lược là lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch phối hợp với lực lượng phản động trong nước, tiến hành các đòn tiến công từ bên ngoài vào bằng phương thức tác chiến mới, kết hợp với hoạt động bạo loạn, lật đổ trong nội địa. Mục đích tiến công của địch nhằm tiêu diệt các lực lượng chiến lược, phá hoại tiềm lực quân sự, kinh tế của ta, đánh chiếm các trung tâm chính trị, các khu vực địa hình có giá trị chiến lược, chia cắt đất nước, hỗ trợ lực lượng phản động gây bạo loạn lật đổ ở một số địa phương,… buộc ta phải khuất phục. Chính vì thế, tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ có nhiều lực lượng tham gia, với đa dạng các loại hình tác chiến, trải qua nhiều giai đoạn và diễn biến hết sức phức tạp.
Để đối phó kịp thời, hiệu quả với phương thức tác chiến mới của địch, trên cơ sở nghiên cứu các cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây, truyền thống, kinh nghiệm quân sự của dân tộc, nhất là kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến vừa qua và tình hình thực tiễn của lực lượng vũ trang, kinh tế đất nước, bài viết xin nêu một số nội dung về sử dụng lực lượng theo các giai đoạn chủ yếu trong tác chiến phòng thủ chiến lược để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Trước hết, trong giai đoạn địch tiến công hỏa lực, cơ động triển khai lực lượng, kích động bạo loạn vũ trang, việc sử dụng lực lượng tác chiến phòng thủ chiến lược phải quán triệt tư tưởng: phòng tránh là cơ bản, đánh trả có lựa chọn, kết hợp đấu tranh trên các mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao,… trong đó, lấy đấu tranh quân sự làm nòng cốt. Quá trình sử dụng phải tùy tình hình cụ thể để vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo tính toàn diện, nhưng phải hướng vào các địa bàn trọng điểm, v.v. Theo đó, cùng với tổ chức phân tán, sơ tán các lực lượng, di chuyển các bộ phận quan trọng ra khỏi khu vực trọng điểm đánh phá, cần có kế hoạch sử dụng lực lượng phòng không ba thứ quân hình thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, chủ động đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm tiêu hao, tiêu diệt rộng rãi các phương tiện tiến công đường không của địch. Trong trường hợp buộc phải bảo vệ các mục tiêu chiến lược trọng yếu, có thể sử dụng một bộ phận phòng không quốc gia, kết hợp với phòng không địa phương mở chiến dịch phòng không ở quy mô thích hợp để đánh bại đòn tiến công của địch. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình và diễn biến cụ thể, có thể sử dụng một bộ phận lực lượng không quân, tên lửa, đặc công đánh phá các mục tiêu ở hậu phương địch; sử dụng lực lượng tác chiến điện tử chuyên trách, tác chiến điện tử nhân dân tiến hành các biện pháp đấu tranh điện tử, hạn chế đòn tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch.
Đi đôi với đánh trả có lựa chọn đòn tiến công đường không và trên cơ sở nắm chắc tình hình, chủ động sử dụng lực lượng vũ trang tại chỗ, phối hợp với các lực lượng khác nhanh chóng dập tắt âm mưu, hành động bạo loạn lật đổ trên từng địa bàn; triển khai tác chiến bảo vệ biên giới. Khi cần thiết, có thể sử dụng lực lượng hải quân phối hợp với đặc công nước, không quân, pháo binh, tên lửa chiến lược và lực lượng vũ trang các quân khu ven biển tổ chức thành các “cụm lực lượng” có quy mô thích hợp, thực hiện đánh cắt giao thông trên biển, chống địch phong tỏa và chi viện hỏa lực yểm trợ lực lượng đổ bộ lên các đảo, giữ vững thế trận phòng thủ, phá thế tiến công của địch. Đồng thời, huy động, phối hợp các lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, tâm lý, tư tưởng,… nhằm củng cố ý chí, quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta trong giai đoạn đầu của tác chiến phòng thủ chiến lược.
Cùng với đó, việc sử dụng lực lượng thực hành đánh địch, bảo vệ khu vực phòng thủ chủ yếu của các quân khu và địa bàn chiến lược trọng yếu, làm thất bại tiến công của cụm lực lượng thê đội 1 chiến lược địch, tạo thế cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo giữ vai trò quyết định đến thắng lợi của tác chiến phòng thủ chiến lược. Thực tiễn của các cuộc chiến tranh cho thấy, bản chất cốt lõi của tác chiến phòng thủ chiến lược suy đến cùng là phải bảo vệ bằng được các khu vực, mục tiêu phòng thủ chủ yếu, giữ vững sự ổn định thế trận phòng thủ, tạo sức mạnh tổng hợp đánh bại địch tiến công. Vì thế, việc bảo vệ địa bàn nói chung, các mục tiêu trọng yếu trong giai đoạn này nói riêng, trước hết phải sử dụng lực lượng của khu vực phòng thủ các cấp, các chốt chiến dịch, chiến lược đã được chuẩn bị trước từ thời bình, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng đánh địch rộng khắp. Đồng thời, sử dụng một cách hợp lý lực lượng cơ động của Bộ, tiến hành các chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công trên các hướng, nhất là trong đánh địch đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm cấp chiến dịch,… làm giảm áp lực tiến công của địch vào khu vực, mục tiêu phòng thủ chủ yếu của ta. Đây là vấn đề mang tính sống còn của tác chiến phòng thủ chiến lược, đòi hỏi chúng ta cần tập trung nỗ lực cao nhất cho các hướng chiến trường tác chiến, nhất là đối với hướng, khu vực phòng thủ chiến lược chủ yếu. Vì thế, quá trình sử dụng cần thấu hiểu tình hình mọi mặt, nắm vững thời cơ,… để sử dụng lực lượng một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Cùng với sử dụng lực lượng bảo vệ khu vực, mục tiêu phòng thủ trọng yếu, cần chú trọng sử dụng lực lượng tại chỗ, rộng khắp, với quy mô vừa và nhỏ, tổ chức đánh vào bên sườn, phía sau đội hình tiến công của địch, buộc chúng phải căng ra đối phó, làm giảm khả năng cơ động, triển khai tiến công, nhất là đối với các đơn vị trên hướng biển hoặc thuộc cụm lực lượng tác chiến chiến lược phía sau của địch. Đồng thời, coi trọng sử dụng các đơn vị chuyên trách, luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, phát động chiến tranh nhân dân, thực hiện các đòn đánh đau, hiểm,… khiến địch bị suy yếu, sa lầy. Khi có điều kiện và thời cơ giành thắng lợi quyết định, cần sử dụng lực lượng cơ động chiến lược của Bộ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng thủ tiến hành các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược, tiêu diệt lớn lực lượng chiến lược của địch, làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường và chiến tranh, tạo tiền đề để chuyển sang các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo, giành thắng lợi quyết định trong cả cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tác chiến trên các địa bàn, kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao,... trong quá trình tác chiến phòng thủ chiến lược, vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, nhằm tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến được giao. Do đặc điểm tác chiến có nhiều thành phần, lực lượng tham gia1 và đa dạng các hình thức đấu tranh; trong điều kiện địch luôn tìm cách phân tuyến, chia cắt địa bàn chiến lược, đội hình tác chiến, cô lập lực lượng và tập trung tìm diệt các đơn vị chủ lực (cơ động) mạnh, phá vỡ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của ta, nên ta cần tập trung xây dựng, thực hiện hiệu quả các kế hoạch, quy chế phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng liên quan trong giữ vững khu vực phòng thủ then chốt, chủ yếu các tỉnh (thành phố), quân khu, các chốt chiến dịch, chiến lược trên địa bàn ngay từ thời bình. Chú trọng phối hợp giữ vững các khu vực, mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trọng điểm quốc gia theo Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Nội dung phối hợp, hiệp đồng, bảo đảm đầy đủ, toàn diện; trong đó, trọng tâm là phối hợp, hiệp đồng trong huy động các tiềm lực cho chiến tranh; hành động tác chiến của các lực lượng đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao; công tác bảo đảm hậu cần, hậu phương chiến dịch, chiến lược, chính sách hậu phương Quân đội, bảo đảm trật tự, trị an thời chiến, v.v. Cần tăng cường phối hợp, hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, lục quân với không quân và hải quân, tác chiến không gian mạng; lực lượng chiến đấu với lượng lượng bảo đảm trong từng giai đoạn, nhiệm vụ, từng chiến dịch, chiến dịch quyết chiến - chiến lược. Để đối phó với khả năng tác chiến “liên hợp” của địch, chúng ta cần coi trọng công tác hiệp đồng giữa các đơn vị, lực lượng đứng chân trên địa bàn quân khu theo hướng hình thành “cụm tác chiến tổng hợp”. Phát huy tối đa yếu tố nghệ thuật quân sự, nhất là khả năng, cách đánh sở trường của từng lực lượng, bảo đảm yêu cầu: chi viện, hỗ trợ đắc lực cho nhau trong quá trình tác chiến theo phương châm “đánh địch rộng khắp, tiến công địch toàn diện, làm cho địch từ chủ động trở thành bị động, phân tán và sa lầy”. Phương pháp phối hợp, hiệp đồng là tiến hành trong thời bình và sẵn sàng điều chỉnh, bổ sung khi có chiến tranh.
Tác chiến phòng thủ chiến lược là giai đoạn hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tiến trình vận động, phát triển của cục diện chiến tranh, nên rất cần tiếp tục được nghiên cứu một cách toàn diện, công phu và nghiêm túc. Trên đây chỉ là một số nghiên cứu bước đầu về sử dụng lực lượng của loại hình tác chiến chiến lược quan trọng này, xin được trao đổi cùng bạn đọc.
Đại tá, ThS. NGUYỄN QUỐC THANH - Trung tá, ThS. VŨ HUY TRỌNG
_______________
1 - Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, công an, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân.
sử dụng lực lượng,tác chiến chiến lược,bảo vệ Tổ quốc,phòng thủ
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc