Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 23/01/2025, 09:40 (GMT+7)
Bàn về xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ trong tác chiến phòng thủ quân khu

Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, vững chắc cho các lực lượng là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định kết quả tác chiến nói chung, tác chiến phòng thủ quân khu nói riêng. Để thực hiện mục tiêu đó cần tiến hành tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp lập thế, tạo lực, tổ chức chỉ huy bảo đảm thông tin liên lạc...; trong đó, xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu.

Tác chiến phòng thủ quân khu là hoạt động tác chiến mang tính tổng hợp cao, do quân và dân trên địa bàn quân khu tiến hành, có thể có lực lượng của Bộ tham gia, lấy lực lượng vũ trang quân khu làm nòng cốt. Hoạt động tác chiến phòng thủ quân khu diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, binh địch vận;… trong đó, đấu tranh quân sự là chủ yếu, gồm tổng hợp các hoạt động tác chiến phòng thủ, phòng ngự, tiến công, phản công ở quy mô chiến thuật, chiến dịch, tiến hành ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh, trên nhiều hướng, nhiều khu vực, diễn biến nhanh, tình huống phức tạp. Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc rất đa dạng và nặng nề, cùng lúc phải bảo đảm cho nhiều thành phần, lực lượng, nhiệm vụ, hình thức tác chiến, trên phạm vi rộng, v.v. Điều đó đòi hỏi việc bảo đảm thông tin liên lạc phải tiến hành tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận thông tin liên lạc vững mạnh ngay từ thời bình; trong đó, xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ là một trong những yếu tố quan trọng, tạo cơ sở thực hiện tốt bảo đảm thông tin liên lạc tại chỗ theo khu vực một cách vững chắc.

Lữ đoàn 132, Binh chủng Thông tin huấn luyện triển khai, thu hồi các xe Bộ Tổng trạm Thông tin cơ  động.

Lực lượng thông tin cơ động của quân khu biên chế thuộc lữ đoàn thông tin, được trang bị 01 bộ xe tổng trạm thông tin cơ động, một số xe thông tin chuyên dụng và các phương tiện thông tin mang xách trang bị cho cá nhân; thực hiện nhiều hình thức liên lạc (thoại, truyền số liệu, truyền hình, fax,…). Trong đó, tổng trạm thông tin cơ động là trung tâm kết nối, tiếp hợp các phương tiện thông tin; đồng thời, là nơi bắt đầu và kết thúc đường truyền tin hoặc làm nhiệm vụ chuyển tiếp, phân phối kênh thông tin đi các hướng, các đơn vị; là tổ hợp về tổ chức, kỹ thuật của lực lượng, phương tiện thông tin và thiết bị tự động hóa chỉ huy, được triển khai và bảo đảm thông tin liên lạc khi cơ động di chuyển sở chỉ huy hoặc tăng cường chỉ huy trên các hướng, khu vực tác chiến và xử trí các tình huống.

Tác chiến phòng thủ quân khu (nếu xảy ra), đối tượng địch có ưu thế về hỏa lực, sử dụng vũ khí công nghệ cao, trinh sát hiện đại, chế áp điện tử mạnh; do đó, thông tin liên lạc của ta, nhất là các tổng trạm, xe (đài),... là một trong những mục tiêu địch tập trung phát hiện, đánh phá ác liệt. Vì vậy, xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là yêu cầu cấp thiết. Phạm vi bài viết xin đề cập một số giải pháp chủ yếu về xây dựng lực lượng này để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Tập trung xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ về chính trị. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng lực lượng quan trọng này, bởi nhiệm vụ của lực lượng thông tin cơ động trong tác chiến phòng thủ quân khu là bảo đảm cho thông tin sở chỉ huy các cấp, xử trí các tình huống đột xuất, rất khẩn trương, khó khăn và phức tạp. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng này phải có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Nếu không như vậy, khi gặp điều kiện gian khổ, ác liệt, hy sinh, lực lượng thông tin cơ động không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ, mà còn gây hệ quả khôn lường. Để thực hiện tốt vấn đề này, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thông tin cần tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, sự giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng, lợi ích của giai cấp, dân tộc cho bộ đội. Để có yếu tố chính trị tinh thần đạt đến mức tinh nhuệ, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thông tin cơ động. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của Đảng, của dân tộc, Quân đội và của Bộ đội Thông tin liên lạc. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng trong tình hình mới, xây dựng lực lượng thông tin cơ động có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; nhận thức rõ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xả thân để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các tình huống, kịch bản, phương án cơ động bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện khó khăn, phức tạp, trên nhiều loại địa hình, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cả ban ngày lẫn ban đêm, thời gian gấp, dưới tác động của trinh sát và chế áp điện tử của địch,… đưa vào huấn luyện, luyện tập, diễn tập để lực lượng thông tin cơ động được tôi luyện cả về bản lĩnh, tư tưởng, tâm thế.

2. Xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh gọn về tổ chức, biên chế, hiện đại về trang bị, phương tiện. Ngay từ thời bình, cơ quan thông tin quân khu và lữ đoàn thông tin cần tham mưu, đề xuất với quân khu xây dựng lực lượng thông tin cơ động “tinh, gọn, mạnh”, có chất lượng cao, được trang bị phương tiện hiện đại, đủ sức bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện địch chiếm ưu thế về tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng và sử dụng vũ khí công nghệ cao. Theo đó, đối với tiểu đoàn thông tin cơ động (thuộc lữ đoàn thông tin quân khu) cần tiếp tục nghiên cứu tinh chỉnh về tổ chức, biên chế theo hướng gọn, nhẹ, đa năng, một người có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại phương tiện được trang bị trên các tổng trạm, các xe thông tin cơ động. Đối với các đơn vị khác trong quân khu, song song với xây dựng lực lượng thông tin nói chung, cần nghiên cứu tổ chức lực lượng dự bị hợp lý, bảo đảm thông tin cơ động cho sở chỉ huy các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong tác chiến (khi hệ thống thông tin cố định bị địch chế áp, không phát huy được hiệu quả).

Cùng với đó, cần chú trọng tham mưu, đề xuất đầu tư, mua sắm các bộ xe tổng trạm thông tin, xe truyền dẫn, đầu cuối, xe vô tuyến điện hiện đại, đa năng, có khả năng cơ động cao, đáp ứng yêu cầu di chuyển liên tục, kịp thời trong những điều kiện khẩn trương, khó khăn như địa hình chia cắt, thời tiết phức tạp, địch đánh phá ác liệt, nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các phương tiện thông tin. Đối với các phương tiện thông tin trang bị trên xe và mang theo người, cần bảo đảm nhỏ gọn, bền chắc, có nhiều tính năng và loại hình dịch vụ, phương thức liên lạc; có khả năng phòng, chống trinh sát tác chiến điện tử, bảo đảm thông tin liên lạc vững chắc trong mọi điều kiện, nhất là khi địch tiến hành gây nhiễu mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để hiện đại hóa phương tiện, trang bị; tích hợp nhiều phương tiện thông tin, như: vệ tinh, vô tuyến điện, trunking trên xe thông tin, tạo thành xe thông tin đa năng để cung cấp được nhiều phương thức liên lạc, có khả năng kết nối với mạng viễn thông cố định của quân sự, dân sự. Quá trình tích hợp các phương tiện thông tin cần bảo đảm có dung lượng hợp lý, tiếp hợp với hệ thống thông tin tại chỗ hết sức linh hoạt; dễ triển khai, thu hồi, cơ động nhanh, bảo đảm liên lạc cả tĩnh tại và cơ động một cách vững chắc, bí mật trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm thông tin trong tác chiến phòng thủ quân khu.

3. Tập trung huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho lực lượng thông tin cơ động theo hướng “tinh nhuệ, đa năng”. Tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ được tiến hành trong điều kiện hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử rộng rãi. Lực lượng thông tin liên lạc cùng lúc sẽ phải bảo đảm cho nhiều thành phần lực lượng, nhiều nhiệm vụ, hình thức, diễn ra đồng thời trên nhiều hướng, nhiều khu vực, nhu cầu bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm rất lớn và khẩn trương. Để hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan thông tin quân khu cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng thông tin cơ động cả về năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành bảo đảm thông tin liên lạc và phối hợp hiệp đồng với các lực lượng, xử trí thuần thục các tình huống, linh hoạt trong bố trí lực lượng, phương triện theo từng tình huống; nâng cao khả năng khai thác, làm chủ các loại xe thông tin hiện đại, cũng như kỹ năng sử dụng thành thạo các loại trang bị, phương tiện thông tin, như: thiết bị tổng đài, vệ tinh, vi-ba, Trunking, vô tuyến điện, máy tính điện tử, v.v. Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin cơ động phục vụ sở chỉ huy các cấp xử trí các tình huống trong tác chiến phòng thủ quân khu, ngay thời bình, lữ đoàn thông tin quân khu cần tập trung huấn luyện tiểu đoàn thông tin cơ động về khả năng, kỹ năng bổ sung một số tuyến trục thông tin và thiết lập các tổng trạm thông tin trong tác chiến, trọng tâm là việc thiết lập tổng trạm thông tin sở chỉ huy (cơ bản, dự bị, phía trước, phía sau, bổ trợ), v.v. Đồng thời, huấn luyện nâng cao khả năng triển khai, thiết lập các trạm trung gian chuyển tiếp vô tuyến điện sóng cực ngắn, chuyển tiếp quân bưu, trạm Radio Trunking,... và các đường truyền dẫn kết nối các tổng trạm, trạm thông tin của chiến trường với các đơn vị cấp dưới, tạo thành hệ thống thông tin hoàn chỉnh, phù hợp với quyết tâm tác chiến, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho quân khu lãnh đạo, chỉ huy, điều hành các hoạt động tác chiến của mọi lực lượng trên toàn địa bàn. Với các đơn vị thông tin khác trong quân khu, trên cơ sở lực lượng thông tin dự kiến đảm nhiệm phân đội cơ động (khi tác chiến xảy ra), tập trung huấn luyện các phương án bảo đảm cho sở chỉ huy, dự kiến các tuyến đường cơ động, vị trí triển khai lực lượng, phương án phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng thông tin khác trên từng hướng, khu vực, v.v. Cùng với đó, tăng cường tổ chức luyện tập, diễn tập bảo đảm thông tin cơ động trong mỗi hình thức tác chiến, tình huống giả định, trên các loại địa hình, điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, sát với điều kiện thực tế trong thời bình và thời chiến để không ngừng nâng cao trình độ, khả năng của lực lượng thông tin cơ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ trong tác chiến phòng thủ quân khu là vấn đề quan trọng cần được đầu tư nghiên cứu. Trên đây là những nghiên cứu ban đầu làm cơ sở cho việc xác định phương hướng tổ chức xây dựng lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành các tình huống khẩn cấp trong thời bình và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra).

Đại tá, ThS. ĐỖ ĐỨC CƯỜNG, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.