Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:56 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho lực lượng Cảnh sát biển không chỉ giúp khai thác và sử dụng hiệu quả trang bị, vũ khí, khí tài quân sự hiện đại, mà còn trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển cũng như góp phần xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam “tiến thẳng lên hiện đại”. Vì vậy, nghiên cứu, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho lực lượng Cảnh sát biển có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài.
Quán triệt quan điểm, đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo nói chung, đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nói riêng, nhất là đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên biển. Theo đó, Đảng ủy Cảnh sát biển ra Nghị quyết chuyên đề số 519-NQ/ĐU, ngày 28/5/2014 về “Lãnh đạo việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”; Tư lệnh Cảnh sát biển ban hành Chỉ thị số 3238/CT-BTL, ngày 21/11/2018 về “Tăng cường đào tạo ngoại ngữ và khuyến khích tự học ngoại ngữ trong lực lượng Cảnh sát biển”, v.v. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc học tập, bồi dưỡng ngoại ngữ cho đơn vị mình; kịp thời khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ bằng các hình thức phù hợp. Thực hiện chủ trương đó, giai đoạn 2015 - 2020, các cơ quan, đơn vị đã mở 30 lớp bồi dưỡng tiếng Anh với hơn 1.560 người học; đồng thời, đề nghị hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo ngoại ngữ tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài Quân đội; trong đó, một số đồng chí được học ngoại ngữ chuyên ngành nâng cao tại các nước: Mỹ, Australia, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, v.v. Nhờ đó, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển không ngừng nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ trong lực lượng Cảnh sát biển còn bộc lộ một số hạn chế, như: một số đơn vị xác định mục tiêu, đối tượng, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng chưa phù hợp; coi trọng số lượng hơn chất lượng. Các loại hình bồi dưỡng, đào tạo tuy đa dạng, song chủ yếu là các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, vừa học, vừa làm và không cấp chứng chỉ. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Khmer cơ bản và chuyên ngành của toàn lực lượng mỗi năm khoảng gần 600 người, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Hiện nay, toàn lực lượng có 9,4% cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng sử dụng thông thạo một trong số các ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc và tiếng Khmer; 27% sử dụng ở mức cơ bản; 63,6% sử dụng ở mức kém. Trong đó, những đồng chí có trình độ tiếng Anh được cấp chứng chỉ theo chuẩn châu Âu (CEFR) với trình độ B1 và B2 chỉ chiếm tỷ lệ trên 20%.
Thực tế đó đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mang tính đột phá trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, làm cơ sở để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao”. Để đạt hiệu quả, theo chúng tôi, cần tập trung nghiên cứu, vận dụng tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao tri thức, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên chiến sĩ trong toàn lực lượng, bởi chỉ trên cở sở nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của vấn đề này, mới tạo sự thống nhất về quyết tâm và hành động trong thực tiễn. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt một cách sâu kỹ các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch của cấp trên, cấp mình về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền. Trực tiếp là: Nghị quyết số 519-NQ/ĐU, ngày 28/4/2014 của Đảng ủy Cảnh sát biển; Chỉ thị số 10222/CT-BTL, ngày 11/8/2020 của Tư lệnh Cảnh sát biển về “Tăng cường học tập ngoại ngữ trong lực lượng Cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và Kế hoạch số 11281/KH-BTL, ngày 30/8/2020 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030”. Qua đó, làm cho mọi người nhất là lãnh đạo, chỉ huy các cấp nhận thức sâu sắc việc học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ là yêu cầu tất yếu, điều kiện không thể thiếu để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo phong trào, hình thành môi trường học tập, rèn luyện, sử dụng ngoại ngữ ở các cơ quan, đơn vị.
Hai là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ sát với thực tiễn đơn vị, gắn với xây dựng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ nói chung vốn là vấn đề khó khăn, phức tạp, đối với lực lượng Cảnh sát biển lại càng khó khăn, phức tạp hơn, bởi độ tuổi, trình độ đối tượng được bồi dưỡng không đồng đều; phải tiến hành đan xen với thực hiện nhiệm vụ chính trị, lực lượng phân tán; phạm vi ngôn ngữ liên quan đến nhiều lĩnh vực, thậm chí có tính đặc thù,… nên rất khó tiếp thu để hình thành kỹ năng. Vì thế, trên cơ sở tổ chức, biên chế, từng cơ quan, đơn vị lựa chọn, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên phù hợp trong thời gian trước mắt và đến năm 2030. Trong đó, chú trọng kế hoạch sắp xếp, luân chuyển để có đủ nguồn cán bộ tham gia đào tạo hằng năm theo mục tiêu đã xác định, bảo đảm hài hòa giữa cử đi đào tạo với lực lượng bồi dưỡng tại đơn vị. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển và tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành dài hạn tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Về lâu dài có thể nghiên cứu, đề xuất với trên để đưa bộ môn ngoại ngữ trở thành môn học chính của Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển.
Cùng với đó, cần tiến hành tốt công tác bổ sung, kiện toàn đội ngũ giáo viên ngoại ngữ; trong đó, chú trọng cân đối đội ngũ này phù hợp giữa các ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Khmer,…và được phân bổ đều từ Cơ quan Bộ Tư lệnh tới các vùng, hải đoàn, các đoàn, hải đội, tàu, xuồng; lấy Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển làm hạt nhân. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn trình độ bậc 4, 100% cán bộ tham gia bồi dưỡng ngoại ngữ đạt chuẩn trình độ bậc 3; đến năm 2030, có 100% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn trình độ bậc 5 quốc tế, 100% cán bộ tham gia bồi dưỡng ngoại ngữ đạt chuẩn trình độ bậc 4. Để thực hiện mục tiêu đó, về lâu dài, cần kết hợp giữa xây dựng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ bằng nguồn của đơn vị với thực hiện tốt công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ xã hội theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Ba là, tích cực đổi mới cơ chế, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ. Thực tiễn những năm qua cho thấy, cùng với các giải pháp khác, việc xây dựng động cơ, ý thức tự giác học tập, rèn luyện của từng cá nhân đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp, xây dựng tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với từng chức danh cán bộ; đưa tiêu chí ngoại ngữ trở thành một trong những điều kiện bắt buộc khi đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, nhận xét cán bộ, xét nâng lương, thăng quân hàm, v.v. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần lấy kết quả học tập ngoại ngữ là một tiêu chí trong bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm để khuyến khích, động viên mọi quân nhân tự giác học tập. Thường xuyên phối hợp giữa Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển với Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Khoa học quân sự, Đại học Sư phạm Hà Nội,... để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo chuẩn chức danh cho các đối tượng (cả tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Khmer). Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước: Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc,… để đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ chuyên sâu. Khuyến khích xã hội hóa các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, như: tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ, lớp ngoại ngữ trực tuyến để tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, v.v. Tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên tổ chức hội thi, hội thao; kịp thời khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân đạt thành tích tốt trong đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và thi đạt các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS 6.0 trở lên và tương đương).
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học trong đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ. Trước hết, bằng nhiều biện pháp, cần đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu nghiên cứu; biên soạn hệ thống bài giảng điện tử, xây dựng kho dữ liệu học tập. Trong đó, có thể xúc tiến việc liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước có năng lực, uy tín tham gia sát hạch, đánh giá các chương trình, tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong lực lượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ; nghiên cứu, xây dựng, phát triển phần mềm ứng dụng học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Khmer chuyên ngành Cảnh sát biển.
Cùng với đó, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị học ngoại ngữ ở từng vùng, hải đoàn, đoàn, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn giảng dạy, học tập, sát hạch trình độ ngoại ngữ theo quy định. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn nhiều hạn hẹp, việc đầu tư cho nhiệm vụ này nên theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, có thể tập trung lắp đặt thêm các phòng học ngoại ngữ đa phương tiện (phòng Lab) với tiêu chuẩn mỗi phòng có khoảng 35 đến 40 bàn học đồng bộ với máy tính được kết nối mạng LAN, máy chiếu, bảng tương tác, hệ thống tai nghe, v.v. Về lâu dài, cần đầu tư đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, như: liên kết đào tạo, tổ chức bồi dưỡng ở đơn vị và khuyến khích tự học tập là chính. Đẩy mạnh bồi dưỡng ngoại ngữ trực tuyến, bảo đảm phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc của đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp trong toàn lực lượng.
Các giải pháp trên là thể thống nhất, đồng bộ, xin được trao đổi cùng bạn đọc, nhằm góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên Cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Chính ủy Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển
Cảnh sát biển Việt Nam,chất lượng đào tạo,bồi dưỡng ngoại ngữ,
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc