QPTD -Thứ Hai, 05/06/2017, 08:28 (GMT+7)
Xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Trong chiến tranh tương lai, dự báo khi xâm lược nước ta, kẻ địch sẽ tiến hành chia cắt chiến lược giữa các vùng, miền, nhằm phá vỡ thế liên kết trong tác chiến phòng thủ của ta, tạo thuận lợi cho những hoạt động tác chiến kế tiếp để nhanh chóng giành thắng lợi. Vì thế, nghiên cứu xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược là vấn đề cấp thiết hiện nay. 

Chiến tranh xâm lược Việt Nam (nếu xảy ra), địch có thể tiến hành nhiều phương thức khác nhau, dù bằng phương thức nào thì biện pháp chia cắt chiến lược cũng thường được chúng vận dụng, nhằm phá vỡ thế trận tác chiến chiến lược, chia cắt các vùng, miền, chiến trường, hướng chiến lược, buộc đối phương rơi vào thế cô lập, khó khăn trong phối hợp, chi viện lẫn nhau. Lợi dụng tình thế đó, chúng có thể tập trung lực lượng tiến công chiếm các địa bàn trọng điểm, mục tiêu chiến lược chủ yếu, nhanh chóng giành thắng lợi. Chia cắt chiến lược có thể được tiến hành ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh hoặc trong quá trình chiến tranh. Địch có nhiều ưu thế về công nghệ, cơ động, tác chiến liên hợp, hiệp đồng quân chủng, binh chủng thực hành tiến công hỏa lực, đổ bộ đường không, đường biển, tiến công trên bộ kết hợp với tác chiến không gian mạng, chiến tranh thông tin, v.v. Địa hình nước ta có chiều dài dọc theo hướng Bắc - Nam, nhiều khu vực có chiều ngang hẹp, ngăn cách tự nhiên giữa rừng núi và đồng bằng, ven biển; địch có thể chia cắt chiến lược theo hướng Đông - Tây ở khu vực miền Trung là nơi có chiều ngang hẹp nhất. Thực tế hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thế kỷ XX, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều đánh chiếm miền Trung và chia cắt chiến lược. Trong chiến tranh, Mỹ thường sử dụng không quân, hải quân đánh phá ác liệt Khu 4 nhằm chia cắt hai miền Nam, Bắc. Vì thế, chống chia cắt chiến lược là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Để chống chia cắt chiến lược, chúng ta cần tiến hành đồng thời nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược có vị trí, ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, buộc địch phải phân tán, sa lầy; giữ vững thế trận, các địa bàn trọng điểm, bảo vệ mục tiêu chủ yếu, giành và giữ quyền chủ động chiến lược, chuyển hóa thế trận, giành thắng lợi.

Xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược cần thực hiện tốt 5 yêu cầu cơ bản. Một là, xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược đồng bộ, liên hoàn, vững chắc, bí mật, bất ngờ, nằm trong tổng thể thế trận phòng thủ chiến lược của chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Hai là, chuẩn bị, xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược trước một bước từ thời bình, kịp thời bổ sung, điều chỉnh khi xảy ra chiến tranh. Ba là, dựa trên nền tảng thế trận phòng thủ quân khu, tỉnh (thành phố); phát huy cao nhất khả năng tác chiến độc lập của lực lượng tại chỗ, tạo thuận lợi cho phối hợp, hiệp đồng, cơ động, chi viện, sẵn sàng xử trí mọi tình huống. Bốn là, khai thác có hiệu quả các yếu tố tự nhiên, công trình lưỡng dụng, kết hợp với xây dựng hệ thống trận địa, công trình phòng thủ, vật cản,... theo một kế hoạch tổng thể. Năm là, vừa tác chiến, vừa củng cố thế trận của ta, phá thế của địch; kịp thời chuyển hóa thế trận, tạo điều kiện chuyển sang phản công, tiến công, đánh bại các biện pháp tác chiến chiến lược của địch.

Xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, xây dựng thế trận tác chiến phòng thủ quân khu vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, linh hoạt, có chiều sâu. Trên cơ sở dự kiến khu vực chia cắt chiến lược của địch, các trục, hướng tiến công, khu vực đổ bộ đường không, đường biển, các quân khu cần lựa chọn những khu vực địa hình có lợi, điểm cao khống chế, tổ chức hệ thống trận địa tác chiến phòng thủ quân khu kết hợp với hệ thống vật cản, đường cơ động; tổ chức các cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự cấp trung đoàn, sư đoàn; liên kết các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), hình thành thế trận phòng ngự vững chắc, thế tiến công linh hoạt, thế đánh rộng khắp, thế bao vây, chia cắt; đủ khả năng đánh trả có hiệu quả đòn tiến công hỏa lực, đánh địch đổ bộ đường không, chống phong tỏa đường không, đường biển, tiến công trên bộ, v.v. Trên các địa bàn trọng điểm, hướng dự kiến địch đổ bộ đường không, tiến công đường bộ, xây dựng “chốt chiến dịch”, khu vực triển khai lực lượng đánh địch trong các giai đoạn đổ bộ đường không. Khu vực chống chia cắt chiến lược có thể nằm ở địa bàn giáp ranh giữa các quân khu, chiến trường, nên cần có sự phối hợp, hiệp đồng ngay từ thời bình.

Thứ hai, tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh toàn diện. Để làm được điều đó, các địa phương cần lựa chọn khu vực địa hình có giá trị chiến dịch, chiến thuật, phù hợp với thế trận phòng thủ chung, xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt, có trận địa phòng thủ, phòng ngự vững chắc; các điểm tựa, cụm điểm tựa độc lập, v.v. Trên các địa bàn trọng điểm, hướng dự kiến địch đổ bộ đường không, tiến công đường bộ, cần xây dựng các trận địa chốt chặn kiên cố; hệ thống vật cản chống tăng, chống bộ binh cơ giới, trận địa và khu vực phá hoại đường ngăn chặn, chia cắt của địch; trận địa triển khai lực lượng tại chỗ đánh địch đổ bộ đường không; hệ thống trận địa pháo binh; trận địa hỏa lực phòng không phục kích, đón lõng đánh máy bay bay thấp, tên lửa hành trình và trực thăng vũ trang chở quân của địch, hình thành thế trận đánh địch đổ bộ đường không rộng khắp, có trọng điểm. Trên các địa bàn dự kiến địch chia cắt bằng đổ bộ đường biển, cần xây dựng hệ thống vật cản, các bãi mìn chống đổ bộ; tận dụng địa hình có lợi, các dãy núi sát biển, các điểm cao để xây dựng hệ thống hỏa lực pháo binh, súng máy, v.v. Xây dựng khu vực phòng thủ huyện (quận) vững chắc, nhất là trên các địa bàn trọng điểm; liên kết chặt chẽ các căn cứ chiến đấu, công trình phòng thủ với làng, xã chiến đấu và với các nhà máy, công ty, nông - lâm trường, xí nghiệp,… đáp ứng yêu cầu bám trụ, đánh quần lộn và xen kẽ với địch, thực hiện giam chân, buộc địch sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực cơ động tập trung đánh địch chia cắt chiến lược trên địa bàn trọng yếu.

Thứ ba, xây dựng thế trận tác chiến của lực lượng cơ động để tiến hành các trận đánh, chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công địch chia cắt chiến lược. Dựa vào thế trận tại chỗ của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), thế trận tác chiến phòng thủ quân khu và phương án tác chiến để xây dựng thế trận của lực lượng cơ động của quân khu và Bộ cho phù hợp. Dự kiến các khu vực tập kết, bố trí lực lượng cơ động ở địa hình kín đáo, bí mật, an toàn; phù hợp với phương pháp tác chiến, trên từng loại địa hình, thuận tiện cho cơ động triển khai trên các hướng, hình thành thế trận có lợi, chủ động đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, đường biển; chi viện nhanh chóng cho các lực lượng trong tác chiến phòng thủ quân khu, cho các hướng phòng thủ chiến lược đủ sức ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch; đồng thời chi viện kịp thời, có hiệu quả cho các chiến trường, các hướng tác chiến chiến lược. Dự kiến các khu vực tiến hành chiến dịch, chiến dịch có ý nghĩa chiến lược (nếu có) phản công địch chia cắt chiến lược. Căn cứ vào phương án sử dụng lực lượng cơ động đánh địch chia cắt chiến lược trên các địa bàn trọng yếu để xây dựng hệ thống trận địa xuất phát tiến công, trận địa hỏa lực phòng không, pháo binh, súng cối,... chi viện trực tiếp cho lực lượng cơ động tác chiến. Chuẩn bị các trục đường dọc, ngang cho lực lượng cơ động của quân khu và Bộ, nhất là mạng đường cơ động lực lượng pháo binh, xe tăng, tên lửa,… nhằm phân tán lực lượng, giảm mật độ cơ động trên các trục đường, hạn chế khả năng trinh sát, phát hiện mục tiêu và đánh phá của địch. Dựa vào hệ thống đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, đường lâm trường, nông trường,... để củng cố, bổ sung phù hợp với khu vực tập kết và khu vực triển khai đánh địch. Một số địa bàn có địa hình phức tạp như đường độc đạo, đồi núi cao hoặc sình lầy ven biển phải dự kiến và chuẩn bị nhiều đường, vật liệu khắc phục tắc đường, sử dụng lực lượng tại chỗ tham gia bảo đảm chi viện cho lực lượng cơ động triển khai bí mật, an toàn, đúng thời gian.

Thứ tư, xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật trên từng chiến trường, khu vực phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc. Điều chỉnh, bố trí hợp lý và cân đối hệ thống kho tàng, chú trọng kho hàng quân sự các loại; phân cấp dự trữ, bảo đảm có đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật và lượng dự trữ phù hợp cho các lực lượng, các cấp. Hệ thống kho tàng phải được kết nối với nhau bằng nhiều đường: đường bộ, đường sông, có thể cả đường không, v.v. Có kế hoạch xây dựng lực lượng: bảo vệ, cấp phát, vận chuyển; thậm chí xây dựng lực lượng sẵn sàng huy động nguồn lực tại chỗ của các khu vực phòng thủ khi cần thiết. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, quy hoạch sản xuất phù hợp ở từng vùng, miền, tự đảm bảo lương thực không những cho các thành phần trong khu vực phòng thủ, mà còn đảm bảo cho quân chủ lực cơ động chiến đấu trên địa bàn. Điều chuyển, bố trí lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp lưỡng dụng giữa các vùng, miền, chiến trường, hướng chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo đảm tác chiến và nhu cầu dân sinh trong điều kiện địch chia cắt chiến lươc.

Để xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nội dung nêu trên, cần tiếp tục thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Thường xuyên nắm chắc tình hình, dự kiến sát, đúng âm mưu, phương thức tiến hành chiến tranh, ý định chia cắt chiến lược của địch để chuẩn bị kế hoạch, xây dựng một số thành phần cơ bản của thế trận chống chia cắt chiến lược, sẵn sàng bổ sung, hoàn chỉnh khi có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trong đó, quan trọng nhất là dự kiến chính xác hướng, khu vực, thời cơ và phương thức, thủ đoạn tiến hành chia cắt chiến lược của địch. Đây là cơ sở rất quan trọng để chúng ta chủ động xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược một cách đồng bộ, vững chắc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

2. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc và thực hiện đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chú trọng kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, khu vực, hướng dự kiến địch thực hành chia cắt chiến lược. Trong đó, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội phải tính đến kết hợp chặt chẽ giữa phân vùng chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội gắn với phân vùng chiến lược về quốc phòng - an ninh trên từng khu vực, địa bàn và phạm vi cả nước.

3. Tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy chống chia cắt chiến lược trên từng vùng, miền, chiến trường, hướng chiến lược, đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất ngay từ thời bình. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, triển khai xây dựng các công trình thiết yếu của hệ thống sở chỉ huy tác chiến chiến lược, hệ thống thông tin liên lạc trong thời bình và bổ sung, hoàn chỉnh khi có nguy cơ xảy ra chiến tranh xâm lược.

4. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, diễn tập, trong đó có nội dung chống chia cắt chiến lược phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thông qua diễn tập, rút kinh nghiệm, bổ sung điều chỉnh nội dung và biện pháp tổ chức xây dựng thế trận chống chia cắt chiến lược ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, đánh bại thủ đoạn chia cắt chiến lược của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC HẢI, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.