Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 24/02/2025, 07:41 (GMT+7)
Nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lần đầu tiên, bằng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, ta đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh quan trọng ngay sát Sài Gòn. Đây là sự hội tụ của nhiều nhân tố trong tiến hành thắng lợi “đòn trinh sát chiến lược”; trong đó, nghệ thuật sử dụng lực lượng là nét nổi bật.

Bước vào mùa khô năm 1974 - 1975, trước thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp của ta trên toàn chiến trường miền Nam, địch buộc phải co về giữ các vị trí trọng yếu, trục đường giao thông quan trọng để bảo vệ các thành phố, thị xã, lộ ra những sơ hở ở vùng nông thôn và rừng núi. Trong khi đó, viện trợ mọi mặt của Mỹ dành cho ngụy quyền Sài Gòn, nhất là về quân sự giảm sút mạnh, làm cho thế và lực của địch ngày càng bị suy yếu nghiêm trọng. Để tạo thành “lá chắn thép” vững chắc, bảo vệ Sài Gòn từ xa, trên địa bàn chiến lược Đường 14 - Phước Long, địch tập trung lớn lực lượng, phương tiện, bố trí thành 03 khu vực phòng ngự: dọc theo Đường 14 đoạn từ Bù Đăng đến Đồng Xoài (gồm chi khu Bù Đăng, chi khu Đồng Xoài, yếu khu Bù Na); chi khu Bù Đốp và một số đồn bốt dọc theo Đường 311 (đoạn nối Đường 14 và thị xã Phước Long); tam giác Phước Bình - Bà Rá - Phước Long.

Đánh chiếm Bộ Chỉ huy Cảnh sát quốc gia tỉnh Phước Long.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, ta nhanh chóng khôi phục hầu hết các vùng giải phóng bị địch lấn chiếm và mở thêm một số vùng mới. So sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, ta mạnh hơn địch, tuy chưa áp đảo nhưng có khả năng mở những cuộc tiến công lớn trên một số hướng chiến lược. Trong thời gian Bộ Chính trị họp hội nghị xác định quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, chấp hành Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng khu vực dân cư dọc Đường số 14, mở rộng đầu cầu tuyến vận tải chiến lược, tạo thêm bàn đạp để tiến về Sài Gòn. Với nghệ thuật quân sự độc đáo, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng nên chỉ trong thời gian ngắn, ta liên tục giành thắng lợi ở những trận then chốt chiến dịch, làm cho địch không thể chống đỡ và chịu những thất bại cay đắng. Thắng lợi quan trọng này đánh dấu bước sụp đổ của quân ngụy Sài Gòn, biểu hiện rõ lực lượng của địch đã suy yếu nghiêm trọng, không đủ sức phản kích để giành lại những địa bàn chiến lược quan trọng đã mất. Đồng thời, cho thấy ý đồ và khả năng của đế quốc Mỹ khó can thiệp trở lại bằng quân sự vào miền Nam Việt Nam khi ta đánh lớn và thắng lớn, góp phần củng cố vững chắc quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam của Bộ Chính trị. Đây là chiến thắng được hội tụ bởi nhiều yếu tố của nghệ thuật tác chiến chiến dịch; trong đó, nghệ thuật sử dụng lực lượng là nét nổi bật.

Một là, tập trung lực lượng cho trận then chốt mở đầu chiến dịch, bảo đảm chắc thắng. Sử dụng lực lượng tập trung là nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong tác chiến nói chung, chiến dịch tiến công nói riêng, nhằm tạo ra sức mạnh ưu thế hơn hẳn địch ở một thời điểm, trên một hướng hoặc một khu vực tác chiến nhất định, nhanh chóng tiêu diệt, đánh chiếm mục tiêu, phá vỡ một phần hoặc toàn bộ thế trận của địch, tạo thế trận có lợi để chiến dịch phát triển. Quán triệt và vận dụng sáng tạo nguyên tắc đó, trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, để bảo đảm chắc thắng cho trận then chốt mở đầu chiến dịch - tiến công mục tiêu chủ yếu chi khu Bù Đăng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng Sư đoàn 3 (thiếu), được tăng cường Trung đoàn bộ binh 165 (thiếu 01 tiểu đoàn), Tiểu đoàn Đặc công 14, Tiểu đoàn Công binh 280 (thiếu) và một số phân đội hỏa lực mạnh1. Ngoài ra, ta còn sử dụng Đoàn Hậu cần 770 và 814 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương vận chuyển lượng vật chất lớn tập kết ở khu vực Bù Đăng và dọc theo Đường 14 từ Bù Đăng đến Đồng Xoài, bảo đảm đủ lương thực, vũ khí, đạn dược, trang bị chiến đấu để bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Trong khi đó, trên hướng tiến công thứ yếu Bù Na, ta chỉ sử dụng 02 tiểu đoàn của Sư đoàn 7, 02 tiểu đoàn của Trung đoàn Đặc công 429, 01 tiểu đoàn của Trung đoàn 201, hỏa lực chỉ có 01 khẩu pháo 85mm, 01 khẩu cối 120mm. Đây là cách sử dụng lực lượng hoàn toàn chính xác, thể hiện tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu, đánh giá sát, đúng tình hình mọi mặt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Bởi vì, Bù Đăng được coi là mắt xích quan trọng, điểm tựa phòng ngự vững chắc trên trục Đường 14 của địch, “lá chắn vòng ngoài” mà ta cần phải “xuyên thủng” bằng mọi giá. Chỉ có tập trung lớn lực lượng, nhanh chóng đập tan chi khu Bù Đăng thì ta mới tạo bàn đạp vững chắc để uy hiếp và dễ dàng “tiến thẳng” vào các cứ điểm Bù Na, Đồng Xoài, Phước Long. Giành thắng lợi ở chi khu Bù Đăng sẽ gây đột biến chiến dịch, tạo phản ứng dây chuyền, thúc đẩy Chiến dịch giành thắng lợi cuối cùng. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, nhờ vận dụng linh hoạt nghệ thuật sử dụng tập trung lực lượng, tạo sức mạnh hơn địch, ta đã nhanh chóng “xóa sổ” chi khu Bù Đăng, làm cho địch không thể chống đỡ. Chi khu Bù Đăng nhanh chóng “thất thủ” đã tạo phản ứng dây chuyền, uy hiếp mạnh làm cho lực lượng địch phòng ngự ở Bù Na hoảng hốt rút chạy, ta giải phóng khu vực rộng lớn dọc theo Đường 14. Thắng lợi của trận then chốt mở đầu đã “mở toang” cánh cửa tiến vào Đồng Xoài, Phước Long, tạo lực, lập thế trận có lợi cho Chiến dịch thực hiện các trận then chốt tiếp theo giành thắng lợi.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, đánh bại các biện pháp tác chiến của địch. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra trong không gian rộng, lực lượng tham gia và khả năng bảo đảm các mặt còn hạn chế. Vì vậy, các đơn vị chủ lực đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương nhằm tạo lực, lập thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch, đánh bại các biện pháp tác chiến của chúng, giành thắng lợi. Để làm tốt công tác chuẩn bị, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho Đảng bộ tỉnh Phước Long lãnh đạo đẩy mạnh 03 mũi giáp công để kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ, buộc khối cơ động chủ lực của chúng phải căng kéo, phân tán lực lượng trên diện rộng; sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực, phát động quần chúng nổi dậy, giải phóng Tỉnh khi thời cơ tới.

Tượng đài Chiến thắng Phước Long tại tỉnh Bình Phước.

Khi Chiến dịch diễn ra, để giữ bí mật, bất ngờ về ý định tiến công của chủ lực vào chi khu Bù Đăng, ta sử dụng Đại đội Đặc công Bình Phước bất ngờ nổ súng tiến công vào Bù Đốp. Với đòn tiến công bí mật, bất ngờ này, ta cắt trục giao thông huyết mạch kết nối giữa Bù Đăng với Phước Bình, Phước Long ra làm đôi; đồng thời, đánh lạc hướng chú ý của địch, tạo thời cơ thuận lợi cho các đơn vị chủ lực cơ động, triển khai đội hình tiến công chi khu Bù Đăng đảm bảo bí mật, an toàn, đúng kế hoạch, bất ngờ giáng những đòn sấm sét, nhanh chóng xóa sổ cứ điểm quan trọng này. Trên đà thắng lợi của trận then chốt mở đầu tiến công chi khu Bù Đăng, theo kế hoạch hiệp đồng với bộ đội chủ lực, Đảng bộ Bù Đăng lãnh đạo lực lượng vũ trang địa phương chớp thời cơ, kịp thời phát động quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, truy bắt tàn binh địch, nhanh chóng đập tan ngụy quyền trên địa bàn. Các chi bộ đảng ấp Hòa Đồng 1, Hòa Đồng 2, ấp Bù Môn lãnh đạo quần chúng làm tốt công tác binh vận, kêu gọi thành công 03 trung đội dân vệ, 08 toán phòng vệ dân sự bỏ hàng ngũ địch quay về với cách mạng. Để đảm bảo chắc thắng cho trận then chốt quyết định tiến công thị xã Phước Long, phối hợp với các đơn vị chủ lực, trên hướng thứ yếu, Tiểu đoàn 208 địa phương nổ súng tiến công cứ điểm Phước Lộc, kịp thời căng kéo, hạn chế khả năng ứng cứu, giải tỏa, chi viện lẫn nhau giữa các cứ điểm của địch, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, giải phóng thị xã Phước Long, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Ba là, bám sát diễn biến chiến đấu, kịp thời điều chỉnh lực lượng, sử dụng bộ phận dự bị đúng thời cơ, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Với mục tiêu đảm bảo chắc thắng cho các trận then chốt, trận đánh trước tạo lực, tạo thế và thời cơ cho trận đánh sau, Bộ Tư lệnh Chiến dịch luôn bám sát diễn biến chiến đấu, kịp thời điều chỉnh lực lượng, chuyển hóa thế trận linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, trong trận then chốt quyết định của Chiến dịch tiến công vào chi khu Phước Bình và thị xã Phước Long, nhận thấy địch phòng ngự đô thị rất vững chắc, ta không có nhiều thời gian để làm công tác chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã thay đổi cách thức sử dụng lực lượng so với các trận đánh trước, tổ chức cụm lực lượng binh chủng hợp thành tiến công theo các trục đường, đột phá liên tục từ ngoài vào, ép địch vào giữa để tiêu diệt. Trong đó, mỗi cụm sử dụng 01 trung đoàn bộ binh làm nòng cốt, được tăng cường binh khí kỹ thuật đảm nhiệm một hướng tiến công vào một khu vực mục tiêu (từ 02 đến 03 khu phố hoặc từ 02 đến 03 mục tiêu quân sự). Mỗi hướng tổ chức thành 02 mũi tiến công, mỗi tiểu đoàn bộ binh được tăng cường pháo binh, xe tăng đảm nhiệm một mũi. Quá trình tiến công trên các hướng, ta sử dụng lực lượng kết hợp, bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, liên tục tiến công, đột phá mạnh, không cho địch kịp củng cố, tăng viện; kết hợp sử dụng lực lượng tiến công và chốt giữ để đánh địch phản kích. Cùng với sử dụng lực lượng tiến công trên các hướng, ta sử 01 trung đội xe tăng thọc sâu và trụ lại ở Ty Ngân khố đánh địch phản kích. Với việc sử dụng lực lượng độc đáo đó không chỉ tạo sức mạnh giành thắng lợi trong trận then chốt quyết định Chiến dịch, mà còn là những kinh nghiệm quý, làm tiền đề khi tổ chức các binh đoàn tiến công trong hành tiến đánh vào các thị xã, thành phố trong các chiến dịch tiếp theo, nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cùng với kịp thời điều chỉnh sử dụng lực lượng, ta còn chọn đúng thời cơ đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu. Trong trận then chốt quyết định tiến công vào thị xã Phước Long, sau khi dồn ép địch vào 1/3 ở phía Bắc thị xã, để giành thắng lợi hoàn toàn, không cho địch có thời gian củng cố, phục hồi, tăng viện từ nơi khác đến, ta nhanh chóng đưa lực lượng dự bị của Chiến dịch - Trung đoàn bộ binh 2 (Sư đoàn bộ binh 9) bước vào chiến đấu. Nhờ đưa dự bị vào đúng thời cơ, ta đã tạo ra sự thay đổi tương quan lực lượng một cách đột biến, làm cho địch không kịp trở tay, tạo ưu thế vượt trội, nhanh chóng kết thúc thắng lợi trận đánh.

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long đã tạo lực, tạo thế và thời cơ có lợi cho ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến dịch, nhất là nghệ thuật sử dụng lực lượng cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN QUYỂN, Học viện Lục quân
______________________
        

1 - Tiểu đoàn 34 pháo 85mm (có 06 khẩu đội), Tiểu đoàn 86 pháo cao xạ (01 đại đội pháo 57mm, 02 đại đội pháo 37mm), Tiểu đoàn 8 (thiếu) pháo cao xạ 37mm, 04 xe tăng T59.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.