Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Tư, 17/08/2016, 08:41 (GMT+7)
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý, nổi bật là bài học về phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Bài học đó còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ngày 09-3-1945, phát xít Nhật hất cẳng Pháp giành quyền cai trị toàn cõi Đông Dương. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng kịp thời ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để chỉ đạo mọi mặt công tác chuẩn bị và làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Để chỉ đạo cách mạng, đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang lấy Tân Trào làm căn cứ địa cách mạng và chuẩn bị Đại hội Quốc dân. Ngày 04-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Chỉ huy lâm thời. Kể từ đây, Việt Bắc không chỉ là căn cứ địa cách mạng mà còn là trung tâm đầu não của cả nước. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua nhiều quyết sách quan trọng: “10 chính sách lớn của Việt Minh”; “Lệnh Tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời). Trước thời cơ “ngàn năm có một”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước Tổng khởi nghĩa; trong đó, chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi tầng lớp nhân dân nhất tề vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 14 đến 25-8, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra đồng loạt ở các địa phương từ Bắc vào Nam và ra tận Côn Đảo. Điển hình là, ba thành phố lớn: Hà Nội, Huế và Sài Gòn - Gia Định. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã thắng lợi trọn vẹn. Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân làm chủ vận mệnh đất nước. Có được kết quả trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm và quan trọng nhất, đó là: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ cùng với vai trò to lớn của nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra ở hầu khắp các địa phương, tạo sự cộng hưởng sức mạnh như triều dâng, thác đổ, buộc phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn đầu hàng vô điều kiện.

Trước hết, sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh cực kỳ to lớn, vô địch nhấn chìm tất cả kẻ xâm lược và bè lũ bán nước. Để thúc đẩy cao trào kháng Nhật, cứu nước phát triển mạnh mẽ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời xác định nhiều vấn đề chiến lược, như: xác định kẻ thù chính, chủ yếu và khẩu hiệu đấu tranh; tổ chức lực lượng; thành lập căn cứ địa, Ủy ban nhân dân cách mạng; thống nhất các chiến khu, v.v. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân; tổ chức Mặt trận Việt Minh, v.v. Cùng với đó, chủ động, tích cực chuẩn bị nhiều phương án sẵn sàng chớp thời cơ khởi nghĩa, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhờ có đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi lực lượng của toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp cho khởi nghĩa giành chính quyền. Mặc dù, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước, nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn coi trọng việc xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, rèn luyện phương pháp đấu tranh và lãnh đạo cách mạng, bảo đảm cho tổ chức đảng và đảng viên phát triển ngang tầm nhiệm vụ. Vì thế, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từng bước được nâng cao, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giao phó khi mới 15 tuổi. Sự lãnh đạo của Đảng là hạt nhân hội tụ sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại làm hồi sinh đất nước. Đó là bài học quý báu cho nhiệm vụ xây dựng Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, vai trò to lớn của nhân dân trong Tổng khởi nghĩa năm 1945. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc -  kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh của toàn dân tộc được hội tụ trong các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh: Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc ở khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng quân Đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến. Đảng ta phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa. Đáp lại lời kêu gọi đó, đồng bào cả nước đồng loạt đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở khắp các địa phương; trong đó, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội là một điển hình về phát huy sức mạnh của nhân dân.

Sáng 19-8-1945, theo kế hoạch đã định, hàng vạn nông dân và dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ ở Láng, Mọc, tiến ra Ngã Tư Sở, rồi tiến lên chiếm Đại lý Hoàn Long trước khi vào nội thành, cả Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Sau đó, cuộc mít-tinh với gần 20 vạn người chuyển thành biểu tình thị uy của quần chúng (có các đơn vị tự vệ, Tuyên truyền xung phong dẫn đầu), chia thành hai khối lớn chiếm các vị trí theo kế hoạch đã định. Một khối quần chúng chiếm phủ Khâm sai, giành được thắng lợi mau lẹ; một khối chiếm trại Bảo An, lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm các vị trí quan trọng trong Trại. Chúng ta thực hiện đấu tranh vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo; trước áp lực của quần chúng, đến 5 giờ chiều ngày 19-8, quân Nhật buộc phải rút khỏi Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa của cả nước giành thắng lợi quyết định của cuộc Tổng khởi nghĩa. Cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi chứng minh chân lý: “quần chúng là người làm nên lịch sử”, “Cách mạng là ngày hội của quần chúng lao động”. Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng thành công trong 30 năm bền bỉ đấu tranh giải phóng dân tộc (1945 - 1975) và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, các địa phương đồng loạt khởi nghĩa cộng hưởng tạo sức mạnh hồi sinh đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền; trong đó, một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa, nhưng căn cứ vào chủ trương của Đảng và trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địa bàn, khu vực có lợi đã chớp thời cơ “ngàn năm có một”, tự quyết định khởi nghĩa giành chính quyền. Cụ thể, từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra ở Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Sóc Trăng, Biên Hòa, v.v. Ngày 19-8, Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Với lực lượng chính trị áp đảo của quần chúng cách mạng làm cho Quân đội Nhật không kịp phản ứng. Phương thức khởi nghĩa độc đáo của Hà Nội trở thành phương thức khởi nghĩa của hầu hết các địa phương trong cả nước. Tiếp đó, ngày 23-8-1945, hàng vạn nhân dân thành phố Huế và các huyện lân cận mít-tinh, tuần hành buộc chính quyền Trung ương của địch phải đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Phong kiến ở Việt Nam. Ngày 25-8, hàng triệu nhân dân nội và ngoại thành Sài Gòn tổ chức cuộc mít-tinh, tuần hành gồm nhiều lực lượng; trong đó “Thanh niên Tiền phong” làm xung kích, lật đổ Chính quyền tay sai Nhật ở Sài Gòn, lập Chính quyền cách mạng. Dưới áp lực rất mạnh của các tầng lớp nhân dân, không chỉ Quân đội Nhật “án binh bất động”, mà chính quyền bù nhìn cũng hết sức hoang mang, lo sợ. Một số người cầm đầu các tôn giáo, dân tộc thiểu số và phú nông, địa chủ, tư sản đi theo cách mạng, tìm cách liên hệ với Việt Minh sẵn sàng trao chính quyền cho nhân dân. Ngày 30-8-1945, Bảo Đại thoái vị, trao ấn, kiếm cho Việt Minh, “ưng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”. Không những vậy, Ông còn kêu gọi Hoàng tộc và toàn dân đoàn kết, bởi lẽ “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc đã làm nên cuộc cách mạng thần kỳ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của dân, do dân, vì dân và cũng là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại nước Việt Nam của người Việt Nam. Giá trị và ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại đó là vô cùng to lớn, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, vì thế nó cần được tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 Đại tá PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.