Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:49 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Lợi dụng mâu thuẫn hàng ngũ kẻ thù là một thành công của Đảng ta về lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thành công đó, đã để lại bài học kinh nghiệm quý, cần được tiếp tục phát huy trong điều kiện mới.
Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù vừa là yêu cầu khách quan, vừa là một nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. Vì rằng: Thứ nhất, sự tồn tại, phát triển mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù là tất yếu, do chúng luôn như những “con thú" tranh nhau một miếng mồi. Thứ hai, cách mạng vô sản, nhất là ở nước thuộc địa thường phải chống lại những kẻ thù lớn mạnh và có khi phải chống lại nhiều kẻ thù cùng một lúc, trong khi lực lượng cách mạng ban đầu thường chưa mạnh hơn kẻ thù.
Ở Việt Nam, suốt thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, những năm 1930-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phân tích đúng các kẻ thù, trong từng giai đoạn, thời điểm; phát hiện và kịp thời lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn giữa chúng và trong nội bộ chúng; do đó, làm phân hoá, giảm sức mạnh, tiến tới làm suy yếu kẻ thù; tạo điều kiện thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho sự phát triển của cách mạng.
Trong cả thời kỳ đó, nhân dân ta đã phải đồng thời chống cả thực dân Pháp và giai cấp phong kiến. Những năm 1940-1945, ta phải chống thêm kẻ thù nguy hiểm và tàn bạo hơn, là phát-xít Nhật. Ngay từ khi ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta xác định kẻ thù cơ bản của cách mạng là đế quốc và phong kiến. Đồng thời, chia giai cấp địa chủ phong kiến ra thành nhiều hạng: địa chủ lớn, địa chủ vừa, địa chủ nhỏ và đánh giá: giữa chúng có mâu thuẫn. Từ đó, Đảng chủ trương, trước mắt tập trung lực lượng toàn thể dân tộc đánh vào thực dân Pháp và bọn địa chủ lớn, bọn Việt gian tay sai phản động, một mặt để cô lập kẻ thù, mặt khác thúc đẩy và khoét sâu mâu thuẫn trong hàng ngũ địch.
Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai thực hiện chủ trương này còn một số bất cập, hạn chế vì nhiều nguyên, nhất là về nhận thức, tư tưởng; chỉ dừng ở xác định kẻ thù cơ bản của cách mạng Việt Nam là đế quốc và phong kiến. Trong Đảng và quần chúng tích cực còn tồn tại nhận thức rằng: đã là địa chủ đều là “cừu địch” của giai cấp nông dân, của cách mạng, cần phải kiên quyết đánh đổ toàn bộ. Thậm chí ở một số địa phương bộc lộ tư tưởng “tả” khuynh, phiến diện. Vì thế, thời gian này, ta chưa tập hợp được lực lượng rộng rãi, chưa phân hoá được kẻ thù để tập trung chống kẻ thù chủ yếu trước mắt là bọn đế quốc xâm lược và bọn tay sai phản động trong giai cấp địa chủ phong kiến.
Những năm 1936-1939, trước sự biến đổi sâu sắc của tình hình thế giới, tình hình Đông Dương và trong nước, nhất là sự xuất hiện của chủ nghĩa phát-xít và nguy cơ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đảng ta đã phân tích, chỉ rõ mâu thuẫn trong hàng ngũ bọn thống trị Pháp ở Đông Dương là giữa phái Cộng hòa dân chủ với phái phát-xít. Trong hàng ngũ tay sai, quan lại Nam triều là mâu thuẫn giữa phái chủ trương theo chế độ trực trị được thực dân Pháp tin dùng với phái đòi trở lại chế độ bảo hộ. Từ đó, Đảng chủ trương hướng vào thực hiện mục tiêu trực tiếp, trước mắt là chống chế độ phản động thuộc địa, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ, hòa bình; tập trung mũi vào kẻ thù chủ yếu là bọn phản động thuộc địa và bọn tay sai bán nước. Chủ trương này đã tạo được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các thành phần, thu hút cả những người thuộc tầng lớp trên, như: người Pháp dân chủ, địa chủ vừa và nhỏ,… tạo sức mạnh to lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp.
Trong cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lợi dụng triệt để những mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc, đại diện là Anh, Mỹ, Pháp với chủ nghĩa phát-xít: Đức, Ý, Nhật; giữa bọn tay sai của Pháp với bọn tay sai của Nhật và giữa các phe phái trong chính phủ Pháp. Đặc biệt, ta đã phân tích mâu thuẫn giữa phát-xít Nhật với thực dân Pháp ở Đông Dương và đi đến nhận định: mâu thuẫn giữa chúng lúc này cũng giống như hai con thú đang tranh nhau một miếng mồi, cùng giành giật, cắn xé lẫn nhau và kết cục sẽ tự suy yếu. Từ nhận định đó, trong Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khẳng định: “Hai con chó đế quốc không thể ăn chung một miếng mồi béo bở như Đông Dương… Nhật phải hạ Pháp để trừ cái họa bị Pháp đánh sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ”[1]. Như vậy, trên cơ sở đánh giá kẻ thù, Đảng ta đã xác định đúng kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể: từ năm 1939 đến tháng 8-1940, tập trung chống bọn thực dân Pháp và bọn tay sai; từ tháng 9-1940 đến năm 1943 là cả thực dân Pháp, phát-xít Nhật và bọn tay sai phản động. Từ năm 1943 đến tháng 3-1945, mục tiêu của cách mạng là tập trung chống phát-xít Nhật - Pháp và tay sai, bằng chủ trương liên minh có điều kiện với tất cả các lực lượng, bao gồm: Mỹ, Anh và phái Pháp Đờ-gôn để lập mặt trận rộng rãi chống phát-xít. Sau khi Nhật tiến hành đảo chính, lật đổ chính quyền cai trị của Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), Đảng ta xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là phát-xít Nhật và tay sai. Vì vậy, Đảng đã quyết định thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”, tạm gác khẩu hiệu “tịch thu toàn bộ ruộng đất của địa chủ phong kiến”, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và bọn địa chủ làm tay sai cho đế quốc, phát-xít. Chủ trương này nhằm triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa đế quốc, phát xít với giai cấp địa chủ phong kiến, phân hóa nội bộ giai cấp địa chủ có lợi cho việc mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc, tập trung chống kẻ thù chủ yếu (phát-xít Nhật), giành chính quyền về tay nhân dân.
Tiếp tục chủ trương kết hợp nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thời gian này, Đảng ta hướng vào nhiệm vụ chủ yếu, hàng đầu là chống phát xít Nhật và tay sai. Thông qua các tổ chức, như: Công hội Cứu quốc, Nông hội Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc,… ta đã tập hợp được đông đảo lực lượng yêu nước, lôi cuốn được mọi lực lượng của toàn dân tộc (cả những người có tinh thần chống phát xít trong giai cấp tư sản, địa chủ), củng cố lòng tin của giai cấp nông dân, công nhân. Trên cơ sở động viên, tập hợp được sức mạnh của toàn dân, Đảng chủ trương lấy liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân làm nòng cốt, tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi xuất hiện thời cơ chín muồi, đó là: quân Nhật ở Đông Dương đang hoang mang cực độ, các đế quốc Anh, Tưởng chưa kịp vào giải giáp quân Nhật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã đồng loạt đứng lên khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền về tay mình.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của đường lối, chủ trương và sách lược đúng đắn, khôn khéo dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù là một nghệ thuật chỉ đạo cách mạng điển hình, đặc sắc. Đây là bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn cả hôm nay và mai sau, cần được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Đại tá, PGS,TS. NGUYỄN XUÂN TÚ
Học viện Chính trị
[1] - ĐCSVN - Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr.364-365.
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966