Thứ Ba, 17/09/2024, 23:51 (GMT+7)
Chính sách hậu phương Quân đội có vai trò quan trọng trong xây dựng hậu phương Quân đội vững mạnh; tác động trực tiếp đến các đối tượng đã, đang công tác trong Quân đội và lực lượng làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Vì thế, đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp.
Trong suốt các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng; đồng thời, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chính sách này, bảo đảm đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, nhất là đối với lực lượng làm nhiệm vụ mới, đặc thù; chế độ, chính sách đối với người có công và gia đình quân nhân. Kết quả nổi bật là:
Các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ không ngừng được hoàn thiện và thực hiện chu đáo, đúng quy định, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần gia đình cán bộ, chiến sĩ và gia đình chính sách. Chính sách nhà ở, đất ở đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng được quan tâm và từng bước được cải thiện. Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở chính sách, nhà ở xã hội. Các cơ quan, đơn vị đã tích cực, chủ động tạo nguồn, phối hợp, quan hệ với địa phương nơi đóng quân hỗ trợ quỹ đất và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển nhà ở chính sách, nhà ở xã hội phù hợp với đặc thù đơn vị, địa phương, đúng quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Việc thực hiện chính sách này được đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao.
Các hoạt động thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, từng bước xã hội hóa chính sách hậu phương Quân đội1. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả, làm tốt việc tuyên truyền, vận động, cung cấp và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh; thường xuyên kiện toàn tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ2. Ngành Chính sách Quân đội chủ động khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần; huy động được các nguồn lực hỗ trợ điều trị hoặc nhận nuôi con nuôi đối với người hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong Quân đội. Từng bước thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và quan tâm chăm sóc đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng. Các đơn vị phối hợp thực hiện tốt Chương trình “Quân - dân y kết hợp”, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, tích cực giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt Đề án dạy nghề, giới thiệu việc làm đối với thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo và Đề án tuyển chọn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương để quy hoạch đào tạo, bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn3, v.v.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách hậu phương Quân đội ở một số đơn vị, địa phương có mặt còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác này chưa thường xuyên, sâu rộng. Việc chăm sóc, hỗ trợ người có công, người tham gia kháng chiến, người có hoàn cảnh khó khăn và gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo,… có nội dung chưa thiết thực, kịp thời. Thực hiện một số chế độ, chính sách đã ban hành còn chậm, thiếu chủ động, giải quyết các chính sách có nơi còn lúng túng; chưa có nhiều giải pháp sáng tạo trong tổ chức thực hiện, v.v.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu ngày càng cao. Nhiệm vụ của Quân đội không ngừng phát triển, có những nhiệm vụ mới; nhiều vấn đề về chế độ, chính sách hậu phương Quân đội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, còn tồn đọng, vướng mắc, phức tạp. Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách hậu phương Quân đội, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tốt vai trò của các cơ quan truyền thông trong và ngoài Quân đội, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, nhất là cấp ủy, người đứng đầu các cấp về công tác chính sách hậu phương Quân đội. Đồng thời, hướng dẫn, giải đáp các chế độ, chính sách để mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đối tượng chính sách hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chế độ, chính sách mới ban hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đề cao trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội.
2. Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn, ngành Chính sách Quân đội chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp trong Quân đội. Tập trung ưu tiên nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với lực lượng mới, nhiệm vụ đặc thù; lực lượng làm nhiệm vụ ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, quốc tế; lực lượng tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; chính sách giữ gìn, thu hút, khuyến khích người tài, người có nhiều cống hiến, cán bộ khoa học, đội ngũ thợ lành nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội. Chủ động đề xuất và thực hiện tốt chế độ, chính sách theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Pháp lệnh về Cảnh sát biển Việt Nam (tới đây là Luật Cảnh sát biển). Đồng thời, khảo sát, nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với lực lượng đã và đang công tác tại các vùng bị nhiễm chất độc Da cam/Điôxin; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đã ban hành sao cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ.
3. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; ưu tiên hỗ trợ gia đình các đối tượng làm nhiệm vụ ở nơi khó khăn, gian khổ. Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động mọi nguồn lực, sự quan tâm của các cấp, các ngành, hỗ trợ gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất bảo đảm chính sách về nhà ở cho gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ. Chủ động phối hợp, tham mưu, đề xuất, tạo nguồn quỹ đất, thực hiện có hiệu quả các dự án nhà ở chính sách, nhà ở xã hội; triển khai các dự án nhà ở trên các khu đất quốc phòng được Bộ Quốc phòng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng; ưu tiên hỗ trợ người có công, người có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến, người có thu nhập thấp, đặc biệt khó khăn về nhà ở.
4. Thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng và Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương rà soát, giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng sau chiến tranh; kịp thời xác nhận thương binh, bệnh binh, liệt sĩ đối với các trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.
5. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 1237 của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực thực hiện, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và bản đồ tìm kiếm, quy tập; phát huy sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức và bảo đảm, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước. Đồng thời, mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, hoàn thành cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Campuchia và nước ngoài.
6. Kiện toàn tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ cơ quan chính sách và cán bộ chính sách các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng Quy chế về công tác chính sách trong Quân đội; quản lý, duy trì và thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ công tác; đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước chuẩn hóa quy trình công tác Ngành. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong thực hiện công tác chính sách; quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả Cổng Thông tin điện tử Ngành Chính sách Quân đội. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác chính sách; bồi dưỡng kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm; nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Chính sách.
Quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nét đẹp truyền thống, văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện công tác này, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh.
Thiếu tướng TRẦN QUỐC DŨNG, Cục trưởng Cục Chính sách ______________
1 - Từ năm 2013 đến tháng 6 - 2018, vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Bộ Quốc phòng với số tiền 176.165.000.000 đồng; xây tặng 6.396 Nhà Tình nghĩa; tặng 5.479 sổ tiết kiệm, với số tiền 13.120.000.000 đồng; phụng dưỡng 2.820 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ tặng các trung tâm thương binh xe ô tô cứu thương, trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung, với số tiền 71.747.000.000 đồng; tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 340 người là con thương binh nặng đang điều trị tại các trung tâm; xác nhận 1.278 người bị địch bắt tù đày, 635 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 11 Anh hùng Lao động, v.v.
2 - Từ năm 2013 đến nay, toàn quân đã tìm kiếm, quy tập được 11.298 hài cốt liệt sĩ; trong đó, ở trong nước: 5.028, ở nước ngoài: 6.270 hài cốt liệt sĩ.
3 - Hằng năm, có hơn 1.200.000 thân nhân quân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; hỗ trợ kinh phí, đào tạo, cấp thẻ học nghề, giới thiệu việc làm cho gần 1.000 quân nhân xuất ngũ.
hậu phương Quân đội,ngành chính sách
Thủ tướng trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 442 gia đình liệt sĩ 27/07/2018
Lực lượng vũ trang Quân khu 3 phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội 26/07/2018
Tạp chí Quốc phòng toàn dân phối hợp với Ban Phụ nữ Quân đội gặp mặt phụ nữ các gia đình chính sách tiêu biểu xã Tân Linh 23/07/2018
Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc 23/07/2018
Chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng 23/07/2018
Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2018 20/07/2018
Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong tình hình hiện nay 16/07/2018
Bộ Quốc phòng gặp mặt đoàn đại biểu Người có công tỉnh Đồng Nai 14/06/2018
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công thành phố Cần Thơ 12/06/2018
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Tiền Giang 06/06/2018