Thứ Năm, 24/04/2025, 03:11 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Cách đây nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến công chói lọi đó, Bộ đội Tăng thiết giáp đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc, xứng đáng là lực lượng “đột kích quan trọng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên và cuối cùng là trận quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Trong đội hình của đoàn quân làm nên thắng lợi vĩ đại ấy, lực lượng tăng thiết giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định sức mạnh đột kích trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, cùng các binh đoàn chủ lực cơ động chọc thẳng vào các đô thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch, tiêu diệt, đập vỡ từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng, lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm truyền thống vẻ vang, oanh liệt của Bộ đội Tăng thiết giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, lần đầu tiên ta sử dụng một trung đoàn tăng thiết giáp tham gia chiến đấu. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là nghi binh, giữ bí mật, Trung đoàn xe tăng 273 đã cùng với bộ binh liên tục tiến công, hình thành những mũi đột kích mạnh, táo bạo, bất ngờ, thọc sâu, áp đảo quân địch ngay từ đầu và nhanh chóng giành thắng lợi, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Ngay sau đó, Trung đoàn tiếp tục phối hợp với các lực lượng, đập tan cuộc phản kích của địch ở Nông Trại, Phước An và truy kích tiêu diệt địch rút chạy trên Đường số 7, góp phần giải phóng hoàn toàn 05 tỉnh Tây Nguyên. Thắng lợi quan trọng đó đã tạo lực, tạo thế, mở ra thời cơ chiến lược để quân và dân ta xốc tới Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, Lữ đoàn xe tăng 203 nằm trong đội hình Quân đoàn 2 đã phối hợp cùng các lực lượng tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế; Trung đoàn xe tăng 574 cùng với các đơn vị bạn giải phóng tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trên đà thắng lợi, với sức mạnh như vũ bão, Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn xe tăng 574 cùng với các đơn vị binh chủng hợp thành đập tan tuyến phòng thủ của địch, xóa sổ Quân đoàn 1 và Quân khu 1 của chúng, giải phóng thành phố Đà Nẵng, làm thay đổi tương quan chiến lược, tạo bước nhảy vọt về cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta. Tiếp nối chiến công, Bộ đội Tăng thiết giáp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, chi viện cho Sư đoàn 304 giải phóng Hàm Tân. Trên chiến trường Đông Nam Bộ, Đoàn M26 tham gia tiến công địch trên 03 hướng: Tây sông Vàm Cỏ Đông, Đường 13 và Đường 20, giải phóng một khu vực rộng lớn thuộc tỉnh Tây Ninh và Lâm Đồng, tạo điều kiện cho các cánh quân triển khai thế trận áp sát sào huyệt cuối cùng của địch ở phía Tây và Tây Bắc Sài Gòn.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã sử dụng khoảng 400 xe tăng thiết giáp. Lực lượng tăng thiết giáp là lực lượng dẫn đầu trong đội hình tiến công của các binh đoàn chủ lực trên 05 hướng, nhanh chóng thọc sâu vào sào huyệt cuối cùng của địch, chiếm giữ các mục tiêu: Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dinh Tổng thống ngụy, Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Sân bay Tân Sơn Nhất. Hình ảnh hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 của Lữ đoàn xe tăng 203 dẫn đầu đội hình tiến công, dũng mãnh húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng của sức mạnh chiến thắng.
Nhìn lại lịch sử cho thấy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng tăng thiết giáp đã được sử dụng với số lượng lớn nhất. Các trận đánh có lực lượng tăng thiết giáp tham gia đều có hiệu suất chiến đấu cao, tốc độ tiến công nhanh, giành thắng lợi giòn giã và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về tổ chức xây dựng lực lượng, về nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp, về chỉ huy, bảo đảm, hiệp đồng chiến đấu giữa xe tăng với bộ binh và các binh chủng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với toàn quân nói chung, lực lượng tăng thiết giáp nói riêng. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ là cuộc chiến tranh hiện đại, tăng thiết giáp vẫn là lực lượng đột kích quan trọng, chủ yếu của ta trên chiến trường. Từ vai trò quan trọng và kinh nghiệm sử dụng tăng thiết giáp trong Đại thắng mùa Xuân 1975; từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang gần đây trên thế giới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng tăng thiết giáp “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại. Đây là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu toàn quân, trước hết là Binh chủng Tăng thiết giáp phải triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau.
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên về điều chỉnh tổ chức, biên chế. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, yếu tố quan trọng tạo nên những đòn đột kích mạnh, đập tan các tuyến phòng ngự của địch đó là việc tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng tăng thiết giáp hợp lý, phù hợp với quy mô từng chiến dịch, bảo đảm mạnh cả về số lượng và chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Kế thừa, phát huy bài học kinh nghiệm đó, Binh chủng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng tăng thiết giáp toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại1; đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm lộ trình, kế hoạch đã xác định, bảo đảm khoa học, cân đối, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và vũ khí, trang bị hiện có, tạo tiền đề xây dựng lực lượng tăng thiết giáp “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Với chức năng là Chủ nhiệm Tăng thiết giáp toàn quân, Bộ Tư lệnh Binh chủng tiếp tục nghiên cứu, rà soát, báo cáo, đề xuất với cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bất cập, những vấn đề mới phát sinh liên quan đến điều chỉnh tổ chức, biên chế, thế bố trí lực lượng, phù hợp với tổ chức Quân đội trong tình hình mới, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của tăng thiết giáp. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị; biểu tổ chức, biên chế trong cả thời bình và thời chiến; xác định rõ chức trách, trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng vị trí, không để chồng chéo; giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho bộ đội, giữ ổn định đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tập trung xây dựng lực lượng tăng thiết giáp vững mạnh về chính trị. Sức mạnh của lực lượng tăng thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được hội tụ bởi nhiều yếu tố, trong đó bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm là nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hy sinh, gian khổ, “quyết chiến, quyết thắng”, lập nên những chiến công hiển hách. Vận dụng sáng tạo bài học quý đó, trước hết, các cơ quan, đơn vị tăng thiết giáp trong toàn quân phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp, coi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tạo nền tảng vững chắc để lực lượng tăng thiết giáp tiến lên hiện đại. Tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, không ngừng củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “chất thép” của Bộ đội Tăng thiết giáp; thường xuyên giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ niềm vinh dự, tự hào, truyền thống vẻ vang của Bộ đội Tăng thiết giáp anh hùng, có niềm tin vào vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến tăng thiết giáp, quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật quân sự, bảo đảm an ninh, cơ quan, đơn vị an toàn tuyệt đối; xây dựng tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân vững mạnh; tăng cường mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh,... tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo “đã ra quân là đánh thắng”. Để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tác chiến hiệp đồng binh chủng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nhất là tham gia thực hiện các trận then chốt, then chốt quyết định chiến dịch, các trung đoàn Tăng thiết giáp 202, 203,… đã tập trung huấn luyện kỹ cho bộ đội nắm chắc cả về kỹ thuật, chiến thuật và hiệp đồng chiến đấu binh chủng trên nhiều loại địa hình khác nhau. Nhờ đó, mặc dù phải thao tác chiến đấu trong không gian chật hẹp, tầm quan sát rất hạn chế, song những “cỗ chiến xa” đã được Bộ đội Tăng thiết giáp sử dụng phát huy hiệu quả cao trong chiến đấu, luôn đi đầu đội hình tiến công, thực hiện cản phá, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng thọc sâu tiến công các mục tiêu trọng yếu, giành thắng lợi quyết định của chiến dịch.
Kế thừa những kinh nghiệm đó, các cơ quan, đơn vị tăng thiết giáp trong toàn quân tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, trọng tâm là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết số 17-NQ/ĐU, ngày 30/3/2023 của Đảng ủy Binh chủng về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp huấn luyện, phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có và sự phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở quán triệt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiện huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát nhiệm vụ, địa bàn, sẵn sàng ứng phó thắng lợi các hình thái chiến tranh và điều kiện tác chiến mới. Chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị hiện có, nhất là trang bị mới, hiện đại; nâng cao khả năng cơ động, phòng, chống địch trinh sát, tác chiến điện tử và sử dụng vũ khí công nghệ cao, khả năng phối hợp tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Kết hợp chặt chẽ huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, giữa huấn luyện với diễn tập; huấn luyện với rèn luyện thể lực, v.v. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng diễn tập, nhất là diễn tập bắn đạn thật; tăng cường diễn tập đối kháng, tham gia diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Để tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc trong huấn luyện, Binh chủng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phúc tra huấn luyện; đẩy mạnh hội thi, hội thao, nhất là tham gia Hội thao quân sự Quốc tế (Army Games). Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo đồng bộ về con người, vũ khí, trang bị, phương tiện, các mặt bảo đảm; chú trọng luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu, luyện tập vượt sông, cơ động trên các loại địa hình, trong điều kiện thời tiết phức tạp, nhằm rèn luyện nâng cao năng lực chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của người chỉ huy, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, v.v.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và chuyển đổi số, tạo tiền đề xây dựng lực lượng tăng thiết giáp hiện đại. Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công trình, đề tài về nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự vào thực tiễn; trọng tâm là tổng kết thực tiễn, nhất là nghiên cứu sử dụng xe tăng trong tác chiến hiện đại qua các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang trên thế giới, nhằm đúc rút lý luận, phát triển nghệ thuật sử dụng lực lượng, cách đánh của tăng thiết giáp trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, v.v. Thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị mới, hiện đại; bảo quản, bảo dưỡng và nâng cao vòng đời của các loại vũ khí, trang bị hiện có. Tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị có khả năng phòng, chống vũ khí công nghệ cao, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng tăng thiết giáp “tinh, gọn, mạnh”, hiện đại. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có băng thông lớn; đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, phần mềm bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, an toàn thông tin; xây dựng các trung tâm mô phỏng huấn luyện, đào tạo; mô phỏng vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, v.v. Duy trì, nâng cao khả năng khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nền tảng số phục vụ chỉ đạo, điều hành huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu cũng như giám sát thực hiện nhiệm vụ.
Những chiến công vẻ vang của Bộ đội Tăng thiết giáp trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là nguồn động lực to lớn, nền tảng quan trọng để xây dựng lực lượng tăng thiết giáp “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, viết tiếp truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp ______________________
1 - Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 1228/KH-BQP, ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Lực lượng Tăng thiết giáp,Tổng tiến công,nổi dậy mùa Xuân 1975,đặc biệt xuất sắc,đột kích quan trọng
Chủ tịch nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt 23/04/2025
Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội 23/04/2025
Sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 23/04/2025
Chương trình giao lưu nghệ thuật - Tọa đàm thanh niên “Viết tiếp bản hùng ca toàn thắng” 23/04/2025
Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” 23/04/2025
Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình 22/04/2025
Nhân tố chính trị - tinh thần trong tiến công chiến lược 1975 và vấn đề xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới 22/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu 21/04/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm, động viên các khối diễu binh, diễu hành 21/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” 21/04/2025
Sức mạnh chiến tranh nhân dân - Nhân tố làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
Vai trò của Bộ đội Đặc công trong Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng lực lượng đặc công trong tình hình mới
Quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Giải phóng Trường Sa - Chiến công có ý nghĩa chiến lược trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân quân tự vệ
Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn Quân khu 7