Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

QPTD -Thứ Tư, 16/04/2025, 22:07 (GMT+7)
Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn Quân khu 7

Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng vũ trang Quân khu 7 cùng nhân dân đoàn kết chiến đấu, hy sinh anh dũng, góp phần làm nên Đại thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy oanh liệt của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam nói chung, miền Đông Nam Bộ nói riêng, để lại nhiều bài học quý được lực lượng vũ trang Quân khu 7 kế thừa, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu trao thưởng cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, với trận then chốt là Buôn Ma Thuột, tạo bước chuyển mới về chiến lược đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Nắm bắt thời cơ lịch sử đó, Đảng ta quyết định dốc toàn lực cho hai chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn vùng duyên hải miền Trung và đã giành thắng lợi giòn giã. Cùng trong thời điểm này, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã liên tiếp mở hai chiến dịch ở Lộ số 333, Lộ số 2 và Quốc lộ 1. Các chiến dịch đã hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Miền giao, giải phóng ấp chiến lược Gia Ray, Suối Cát, Bảo Bình,... tạo thế bao vây áp sát thị xã Xuân Lộc, cả phía Bắc và phía Nam. Sau khi các đơn vị Quân khu 7 tách khỏi Chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh để chuyển sang Chiến dịch Lộ 2, các đơn vị Quân khu 6 cùng bộ đội địa phương Bình Thuận, Bình Tuy tiếp tục Chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh, giải phóng hoàn toàn hai huyện Hoài Đức, Tánh Linh, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, góp phần chia cắt Quân khu 2 và Quân khu 3 của địch, nối liền vùng giải phóng cực Nam Trung Bộ với Đông Nam Bộ.

Cuối tháng 3/1975, Quân đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang các địa phương thừa thắng tiến tới liên tiếp giải phóng hàng loạt các tỉnh miền Trung, buộc quân ngụy rút về lập các tuyến phòng thủ ở Tây Ninh, Xuân Lộc, Phan Rang để bảo vệ mảnh đất còn lại ở Nam Bộ, nhưng các tuyến phòng ngự mới được thiết lập vội vã không ngăn được sức mạnh của các binh đoàn chủ lực của ta đang tiến về miền Đông Nam Bộ. Ngày 08/4, Sư đoàn 6 (Quân khu 7) trong đội hình phối thuộc của Quân đoàn 4 tiến công tuyến phòng thủ vững chắc, được mệnh danh là “cánh cửa thép” của quân ngụy ở Xuân Lộc để mở cửa hướng Đông vào Sài Gòn, đến ngày 21/4 quân ta đã giải phóng Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh, mở toang cánh cửa hướng Đông vào Sài Gòn. Về phía Quân khu 6, các lực lượng vũ trang địa phương được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực Quân đoàn 2 đã giải phóng Bình Thuận (19/4) và Bình Tuy (23/4). Ở Sài Gòn - Gia Định, từ 08/4 đến 20/4, toàn bộ lực lượng vũ trang Thành đội chiếm lĩnh các địa bàn xuất phát, chuẩn bị xong chiến trường và vật chất, sẵn sàng cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ban Chỉ huy Thành đội chia làm hai cánh Bắc - Nam để tổ chức hiệp đồng với các cánh quân chủ lực.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, 04 quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) và Binh đoàn Tây Nam (232) tiến công Sài Gòn từ các hướng Bắc, Đông, Tây Bắc và Nam, Tây Nam. Sư đoàn 6 (Quân khu 7) trong đội hình Quân đoàn 4 tiến đánh trên trục Lộ số 1, thị xã Biên Hòa, cùng Sư đoàn 341 đánh chiếm các mục tiêu: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 không quân và sân bay Biên Hòa, sau đó tiến về mục tiêu Dinh Độc Lập. Sư đoàn 5 (Quân khu 7) trong đội hình Binh đoàn 232 tiến công xuống Tân An, Thủ Thừa, cắt đứt Lộ 4 từ Bến Lức đi Tân An, chặn đường rút chạy của địch về Đồng bằng sông Cửu Long. Lực lượng vũ trang Thành đội Sài Gòn - Gia Định phối hợp với chủ lực, đặc công, biệt động phát triển đánh chiếm trên các hướng vùng ven về Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn và chốt chặn cửa sông Nhà Bè. 05 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, các cánh quân của ta đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn, 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh dấu một mốc son chói lọi, một biểu tượng sáng ngời của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là bài học mẫu mực về xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, bài học lịch sử cho lực lượng vũ trang Quân khu 7 hôm nay trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI, XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh cả về bề rộng và chiều sâu bằng những giải pháp trọng tâm:

Huấn luyện bắn súng cho chiến sĩ ở Sư đoàn Bộ binh 5.

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Xác định đây là giải pháp tiền đề, quan trọng, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực, giúp Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp nâng cao hiệu quả giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh; chú trọng việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ bối cảnh quốc tế, khu vực, tình hình đất nước, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch; thấu suốt quan điểm, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò “Đội quân công tác”, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực bám sát cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo, dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; không nghe các thế lực thù địch, phản động xúi giục, không tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Cùng với đó, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”1,... góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xây dựng địa bàn vững mạnh về chính trị.

Hai là, tăng cường đoàn kết, gắn bó, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền các địa phương và tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Để đạt hiệu quả cao, Quân khu và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố ký kết quy chế phối hợp về công tác quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ. Cấp ủy, chính quyền 09 tỉnh, thành phố luôn đồng thuận, ủng hộ tất cả các chủ trương, đề án, mô hình mới có tính chiến lược và ý nghĩa chính trị - xã hội do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đề ra, như: xây dựng đường tuần tra biên giới; chốt dân quân thường trực biên giới đất liền; điểm dân cư liền kề chốt dân quân và đồn, trạm biên phòng biên giới; xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, v.v. Những năm qua, Quân khu đã xây dựng, kiên cố hóa 63 chốt dân quân thường trực biên giới với kinh phí hơn 120 tỉ đồng; hoàn thành hơn 300 km đường tuần tra biên giới, kinh phí gần 2.000 tỉ đồng; xây dựng, bàn giao 58 điểm với 722 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm, chốt biên phòng với tổng kinh phí 216 tỉ đồng, v.v. Các địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư ngân sách cho quốc phòng (riêng năm 2024 đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng); đến nay đã quy hoạch, xây dựng khu căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 31.000 ha, kinh phí trên 800 tỉ đồng, đảm bảo cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước củng cố tiềm lực hậu cần - kỹ thuật vững chắc trên địa bàn Quân khu.

Ba là, chú trọng phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Quân khu 7 là địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31,96% số dân; 15 tôn giáo với gần 8.000 cơ sở thờ tự và hơn 10 triệu tín đồ. Vì thế, việc phát huy vai trò của các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chú trọng triển khai với nhiều cách làm hiệu quả. Nổi bật là thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo”. Đến nay, Quân khu đã phối hợp xây tặng 1.937 căn nhà tình nghĩa quân - dân, kinh phí hơn 153 tỉ đồng, 166 công trình văn hóa, thể dục thể thao trong các cơ sở tôn giáo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí gần 64 tỉ đồng. Quân khu và các địa phương định kỳ tổ chức gặp mặt kết hợp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, trưởng họ tộc. Các đoàn kinh tế - quốc phòng của Quân khu, đặc biệt là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây tặng hàng trăm căn nhà và vận động gần 600 đồng bào S’tiêng sống du canh, du cư về ở tại các khu định cư thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Trong các dịp lễ trọng của các tôn giáo, Bộ Tư lệnh Quân khu và các đơn vị, địa phương tổ chức các đoàn thăm, chúc mừng. Qua đó, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng vũ trang Quân khu và các tôn giáo ngày càng gắn bó; chức sắc, chức việc luôn đồng hành cùng lực lượng vũ trang Quân khu, tích cực vận động tín đồ thể hiện trách nhiệm của mình giữa “đạo” và “đời”, giữa phát triển đạo với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Nhằm xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu theo hướng “tinh, gọn, mạnh” phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới, Quân khu triển khai các quyết định thành lập, giải thể, đổi tên, tổ chức lại, ban hành biểu tổ chức biên chế các đơn vị thuộc Quân khu. Đến nay, quân số lực lượng thường trực đạt 98,36%; trong đó, sư đoàn bộ binh và trung đoàn bộ binh đủ quân đạt 100% so với biên chế; lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ 1,32% so với tổng dân số; lực lượng dự bị động viên đủ số lượng, chất lượng, sắp xếp đạt 100% đầu mối các đơn vị dự bị động viên, quân số đạt 99,79% so với nhu cầu biên chế. Trong huấn luyện, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với địa bàn, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, nhiệm vụ của đơn vị, lấy huấn luyện cán bộ là then chốt. Xây dựng, quản lý chương trình huấn luyện khoa học, hiệu quả, bảo đảm “3 thực chất”, “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”2, có lệnh là ứng phó thắng lợi các tình huống. Đồng thời, xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện cho Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đại đội dân quân thường trực các địa phương nâng cao khả năng sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống an ninh chính trị trên địa bàn; lực lượng dân quân các chốt trên tuyến biên giới, tự vệ trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất nâng cao hiệu quả hoạt động,… nhằm bổ sung, phát triển lý luận, thực tiễn về xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quyết định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về điều chỉnh chỉ tiêu xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; công tác đăng ký, quản lý nguồn quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật nền kinh tế quốc dân. Tổ chức sắp xếp các đơn vị quân số đạt 99,63%, đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 84,86%. Tổ chức huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đạt chỉ tiêu được giao. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, tổ chức, biên chế đơn vị đúng, đủ thành phần theo quy định, góp phần xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tưởng nhớ, khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu hôm nay nguyện đoàn kết một lòng, phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Đại thắng mùa Xuân 1975, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, mãi xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trung tướng NGUYỄN TRƯỜNG THẮNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu
______________________
        

1 - Riêng năm 2024, Quân khu tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền trên 251 tỉ đồng. Các đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu phụng dưỡng 286 Mẹ Việt Nam anh hùng, v.v.

2 - “3 thực chất”: dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất; “3 sẵn sàng”: người sẵn sàng, vũ khí trang bị sẵn sàng và phương án sẵn sàng; “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bản hùng ca của Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vang mãi trong lòng dân tộc và mỗi người dân Việt Nam. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, bản hùng ca ấy lại tiếp tục vang lên trên mặt trận lao động, sản xuất, chống đói nghèo, lạc hậu; bảo vệ vững chắc biên cương và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc;...