Thứ Năm, 24/04/2025, 03:11 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, với nghệ thuật phân tích, đánh giá, gạn lọc tình huống xuất sắc, ta đã loại trừ các tình huống nguy hại, chỉ còn để diễn ra các tình huống dễ đối phó, nên liên tiếp giành thắng lợi các trận then chốt, then chốt quyết định của Chiến dịch, tạo ra đột biến chiến dịch, chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với quy mô chưa từng có, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc tiến công chiến lược thần tốc và thắng lợi vẻ vang ấy, ta đã liên tiếp tiến hành 03 đòn đánh tiêu diệt lớn về chiến lược ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. Trong đó, Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch chiến lược mở đầu, tiêu diệt lớn lực lượng chủ yếu của một quân đoàn địch, giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Thắng lợi của Chiến dịch đã tạo ra đột biến về chiến dịch và từ đột biến về chiến dịch dẫn tới đột biến về chiến lược; mở ra thời cơ chiến lược, tạo thế và lực mới có lợi cho ta tiến hành các chiến dịch chiến lược và chiến dịch quyết chiến chiến lược tiếp sau, đánh tiêu diệt về chiến lược lớn hơn, hoàn thành xuất sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thắng lợi vang dội đó hội tụ bởi nhiều yếu tố về nghệ thuật tác chiến chiến dịch, như: đánh tiêu diệt về chiến lược, tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tổ chức thế trận, chọn hướng, mục tiêu,... trong đó, nghệ thuật phân tích, đánh giá, gạn lọc, loại trừ tình huống là nét nổi bật. Khi đề cập đến nghệ thuật độc đáo này, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã khẳng định: “Một điểm nổi rõ trong nghệ thuật chiến dịch ở Tây Nguyên là ta đã chủ động điều khiển tình huống đã có mưu kế để gạn lọc và loại trừ những tình huống phức tạp, làm cho những tình huống phức tạp ít có khả năng xảy ra, vì thế, chiến dịch diễn ra cũng giản đơn bớt đi, thuận lợi cho việc xử trí chỉ huy”1.
Gạn lọc, loại trừ tình huống là một cuộc đấu trí, đối chọi gay go và quyết liệt giữa ta và địch, đòi hỏi phải có nhiều mưu kế, sáng suốt, tỉnh táo, bình tĩnh, nhạy bén và quả cảm. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, bằng các hoạt động tác chiến và phi tác chiến, ta đã thực hiện sáng tạo các mưu kế chiến dịch, không cho các tình huống phức tạp xảy ra. Nhờ đó, ta đã tạo ra các tình huống có lợi và chủ động hành động ở các tình huống có lợi ấy, buộc địch phải hành động ở thế trận và thời cơ bất lợi, lúng túng, bị động đối phó, ta nhanh chóng đạt được mục tiêu Chiến dịch đề ra, được thể hiện trong một số hoạt động tác chiến chủ yếu sau:
Một là, đánh trận then chốt quyết định mở đầu chiến dịch. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở đầu Chiến dịch. Đây là sự lựa chọn hoàn hảo về nghệ thuật chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch và sự chỉ đạo chiến lược về chọn hướng, mục tiêu tác chiến chiến lược. Bởi, tiến công Buôn Ma Thuột là trận then chốt mở đầu nhưng cũng là trận then chốt quyết định của Chiến dịch, chỉ có giành thắng lợi mới tạo ra đột biến về chiến dịch, từ đó dẫn đến đột biến về chiến lược. Để nắm quyền chủ động tiến công, Bộ Tư lệnh Chiến dịch dự kiến một số tình huống (phương án), trong đó tập trung vào 02 tình huống chính: đánh quân địch chưa có phòng ngự dự phòng và đánh quân địch đã có lực lượng tăng cường phòng ngự dự phòng. Trong đó, ta xác địch đánh quân địch chưa có phòng ngự dự phòng sẽ thuận lợi hơn, khi lực lượng địch phòng ngự ở Buôn Ma Thuột chỉ có: hậu cứ của Sư đoàn Bộ binh 23, hậu cứ của các đơn vị trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 23, 01 trung đoàn bộ binh, 02 chi đoàn thiết giáp, 02 tiểu đoàn pháo binh cùng các lực lượng biệt động quân, địa phương quân, v.v. Vì thế, ta chỉ cần sử dụng 01 sư đoàn bộ binh tăng cường cùng đặc công, xe tăng, pháo binh và các lực lượng khác tiến công có thể nhanh chóng giành thắng lợi. Tuy nhiên, phương án đánh địch có tăng cường lực lượng phòng ngự dự phòng là tình huống đánh địch khó khăn, phức tạp hơn, tổn thất sẽ lớn hơn. Trong tình huống này, nếu ta không giữ được bí mật ý định tiến công, để địch phát hiện hoặc phán đoán đúng ý định ta tiến công Buôn Ma Thuột, chúng sẽ tăng cường từ 01 đến 02 trung đoàn bộ binh, 01 thiết đoàn tăng thiết giáp, từ 01 đến 02 tiểu đoàn pháo binh và một số lực lượng khác. Khi đó, ta phải sử dụng lực lượng lớn hơn từ 02 đến 03 sư đoàn bộ binh cùng lực lượng của các binh chủng khác, liên tục đột phá vào Buôn Ma Thuột mới có thể giành thắng lợi. Đứng trước các tình huống nêu trên, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã vận dụng rất sáng tạo, kiên quyết, triệt để các mưu kế chiến dịch, nhất là các mưu kế nghi binh lừa địch, điều địch trên hướng Đường 14, Đường 19, giam chân địch ở Pleiku và Kon Tum. Các lực lượng tham gia Chiến dịch tuyệt đối giữ bí mật ý định, hành động tiến công Buôn Ma Thuột. Theo đó, ta sử dụng Sư đoàn 320 đánh chiếm Đường 14 để ngăn chặn Sư đoàn 23 (thiếu) và các liên đoàn của địch từ Pleiku cơ động bằng đường bộ xuống; sử dụng lực lượng đánh chiếm Đường 19, để loại trừ khả năng tăng viện từ Quy Nhơn lên. Cùng với nghi binh “lừa dụ địch”, ta còn đẩy mạnh các hoạt động lập thế trận chiến dịch, làm cho quân địch lúng túng, phán đoán sai ý định tiến công của ta. Đến ngày nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột mà địch vẫn phán đoán ta sẽ đánh Pleiku hoặc Kon Tum là chủ yếu, nên chưa có phòng ngự dự phòng. Như vậy, bằng mưu kế linh hoạt, sâu, hiểm và tạo lập thế trận hiểm, sắc, ta đã loại trừ được tình huống phức tạp là đánh địch có phòng ngự dự phòng, buộc chúng điều động một bộ phận lực lượng cơ động của Quân đoàn 2 lên Bắc Tây Nguyên và bị giam chân ở đó. Đến lúc này thế trận tiến công ta tạo ra đã thực sự hoàn chỉnh, quân địch ở Buôn Ma Thuột đang bộc lộ thế trận và lực lượng yếu nhất, sơ hở nhất. Bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, ta nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ trận đánh then chốt quyết định mở đầu Chiến dịch, góp phần mở ra thế trận và thời cơ mới có lợi về chiến dịch, chiến lược để đẩy mạnh các hoạt động tác chiến và đấu tranh tiếp theo.
Hai là, đánh địch tăng viện phản kích. Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã dự kiến một số tình huống địch tăng viện phản kích sau khi ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột. Có nhiều tình huống có thể xảy ra, nhưng với quân địch tăng viện phản kích có 02 tình huống cơ bản là: tăng viện phản kích bằng đường bộ và tăng viện phản kích bằng đổ bộ đường không; trong đó, xác định đánh địch tăng viện phản kích bằng đường bộ, địch mạnh hơn và ta sẽ tác chiến khó khăn, phức tạp hơn. Đánh địch đổ bộ đường không, quân địch thường yếu hơn (không có hoặc có rất ít vũ khí hạng nặng, nhất là từ khi quân Mỹ không còn trực tiếp tác chiến ở Việt Nam, khả năng đổ bộ đường không của quân ngụy rất hạn chế), tác chiến của ta thường thuận lợi hơn. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các mưu kế chiến dịch kết hợp các mưu kế chiến lược nhằm loại trừ tình huống địch tăng viện phản kích bằng đường bộ để tập trung đánh địch đổ bộ đường không.
Địch tăng viện phản kích bằng đường bộ dự kiến có thể xảy ra 02 trường hợp, tăng viện phản kích bằng lực lượng tổng dự bị chiến lược từ các chiến trường khác vào Tây Nguyên và tăng viện phản kích bằng lực lượng cơ động chiến dịch của Quân đoàn 2 ở Tây Nguyên. Ở trường hợp thứ nhất, trong chỉ đạo chiến lược, ta đã tổ chức thế trận chiến lược, bố trí lực lượng chiến lược và tổ chức tiến công chiến lược, đánh tiêu hao, tiêu diệt bộ phận quân địch, kìm giữ, giam chân lực lượng tổng dự bị chiến lược tinh nhuệ nhất của địch ở Quân khu 1 và sau này là ở Quân khu 3. Ngoài ra, cùng với thế trận chia cắt chiến dịch, cắt đứt các trục đường huyết mạch lên Tây Nguyên, chúng ta đã loại trừ được tình huống địch tăng viện phản kích bằng lực lượng cơ động chiến lược lên Tây Nguyên. Như vậy, bằng thế trận chiến lược sâu, hiểm ta đã loại bỏ được tình huống khó khăn nhất, nguy hiểm nhất là địch sử dụng lực lượng tổng dự bị chiến lược tinh nhuệ đi ứng cứu, giải tỏa cho chiến trường Tây Nguyên. Trong trường hợp thứ 2, địch tăng viện phản kích đường bộ bằng lực lượng cơ động của Quân đoàn 2 tại chiến trường Tây Nguyên, do các trục đường cơ bản đã bị chia cắt, khả năng tăng viện phản kích đường bộ của Quân đoàn 2 địch chủ yếu thực hiện theo trục Đường 14 từ Bắc Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum) xuống Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk). Nắm rõ điều đó, ta đã bố trí Sư đoàn 320 hoạt động trên trục Đường 14, nên quân địch khó có thể vượt qua kể cả khi có lực lượng mạnh. Như vậy, bằng mưu kế chiến dịch, chiến lược và thế trận chiến dịch, chiến lược được hình thành trong quá trình tác chiến, ta đã loại trừ được tình huống phức tạp là địch tăng viện phản kích đường bộ, để tập trung xử trí tình huống ít phức tạp hơn là đánh địch đổ bộ đường không. Vì vậy, khi địch lần lượt đổ bộ Sư đoàn Bộ binh 23 (thiếu) xuống Đông Buôn Ma Thuột, khu vực Phước An, Nông Trại, Chư Cúc, do đã chủ động dự kiến và chuẩn bị trước, với khí thế “quyết chiến, quyết thắng” và thế trận có lợi, ta đã tập trung lực lượng mạnh gồm bộ binh (Sư đoàn 10, Trung đoàn 25), xe tăng và chi viện mạnh của pháo binh, liên tục tiến công, tiêu diệt cơ bản lực lượng Sư đoàn Bộ binh 23 (thiếu), hoàn thành xuất sắc trận then chốt thứ hai của Chiến dịch.
Ba là, đánh địch rút chạy. Quá trình nghiên cứu, có ý kiến cho rằng: Địch rút chạy khỏi Tây Nguyên là do sai lầm về chiến lược, ta chưa có dự kiến về địch rút bỏ địa bàn chiến lược này, hoặc nhấn mạnh về sai lầm của địch mà không thấy được nỗ lực chủ quan của Bộ Tư lệnh Chiến dịch về vận dụng mưu kế, thế trận chiến dịch, tạo ra áp lực cực lớn buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên. Theo Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, sau khi loại trừ tình huống địch tăng viện phản kích đường bộ, ta dự kiến 03 tình huống: “một là quân địch tăng viện, phản kích bằng đường không; hai là chúng co cụm lớn, ngoan cố chống cự trong công sự vững chắc và ba là chúng liều lĩnh phá vây rút chạy”2. Như vậy, ta có dự kiến tình huống địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Việc địch rút chạy khỏi Tây Nguyên phần nào đó có nguyên nhân từ bản lĩnh, năng lực chỉ huy, điều hành chiến tranh yếu kém của chỉ huy cấp chiến lược địch. Nhưng chủ yếu vẫn do thắng lợi của các trận đánh then chốt chiến dịch của ta và mưu kế chiến dịch của Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng như chỉ đạo chiến lược trong phân tích, đánh giá, gạn lọc, loại trừ, xử trí các tình huống, tạo ra áp lực cực mạnh, buộc địch phải rút chạy. Thứ nhất, ta đã đánh chiếm một thị xã lớn của Tây Nguyên, phá vỡ thế trận liên hoàn, vững chắc của địch. Thứ hai, ta đã đánh tiêu diệt lớn Sư đoàn Bộ binh 23, lực lượng cơ động chủ yếu, còn lại của chúng ở Tây Nguyên, tuy đông nhưng không mạnh, khó có thể là đối trọng xứng tầm với các lực lượng chủ lực cơ động của ta ở Tây Nguyên. Thứ ba, lực lượng tổng dự bị của địch bị kìm giữ, giam chân ở các chiến trường khác, khó có thể tăng viện phản kích cho Tây Nguyên. Thứ tư, lực lượng địch ở Pleiku và Kon Tum không đủ sức chống đỡ với tiến công của ta trong một thế trận rất có lợi cho ta, nếu địch co cụm chống đỡ trong công sự vững chắc, sẽ bị tiến công tiêu diệt. Thứ năm, địa bàn chiến lược Tây Nguyên có nhiều lợi thế cho các hoạt động tác chiến của ta, không có lợi cho tác chiến của địch. Với phân tích, đánh giá như vậy, chúng ta đã gạn lọc, loại trừ cơ bản các tình huống, dồn địch rơi vào cảnh “thế cùng, lực tận”, buộc phải rút bỏ Tây Nguyên. Nhờ tạo lập thế trận hiểm, sắc, ta đã cắt đứt hoàn toàn các con đường huyết mạch nối Tây Nguyên với đồng bằng ven biển miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, địch chỉ còn lựa chọn duy nhất là rút chạy theo Đường số 7, con đường cũ, đã bỏ từ lâu không thuận lợi cho các hoạt động quân sự. Với lực lượng cơ động mạnh, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, ta tiến công tiêu diệt cơ bản quân địch rút chạy, hoàn thành trận then chốt thứ 3 của Chiến dịch. Như vậy, ta đã vận dụng các mưu kế chiến dịch, đẩy địch vào tình thế khốn quẫn buộc phải rút chạy và ta đánh địch ở tình huống có lợi nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi đã mở ra điều kiện thuận lợi và thời cơ mới cho các chiến dịch tiếp theo giành thắng lợi, đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến dịch Tây Nguyên, nhất là nghệ thuật phân tích, đánh giá, gạn lọc, loại trừ tình huống tác chiến cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc./.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH __________________
1 - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo – Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 168.
2 - Sđd, tr. 169.
Nghệ thuật phân tích,đánh giá,gạn lọc,loại trừ tình huống,Chiến dịch Tây Nguyên 1975
Chủ tịch nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt 23/04/2025
Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội 23/04/2025
Sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 23/04/2025
Chương trình giao lưu nghệ thuật - Tọa đàm thanh niên “Viết tiếp bản hùng ca toàn thắng” 23/04/2025
Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” 23/04/2025
Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình 22/04/2025
Nhân tố chính trị - tinh thần trong tiến công chiến lược 1975 và vấn đề xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới 22/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu 21/04/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm, động viên các khối diễu binh, diễu hành 21/04/2025
Lực lượng Tăng thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 21/04/2025
Sức mạnh chiến tranh nhân dân - Nhân tố làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
Vai trò của Bộ đội Đặc công trong Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng lực lượng đặc công trong tình hình mới
Quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Giải phóng Trường Sa - Chiến công có ý nghĩa chiến lược trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân quân tự vệ
Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn Quân khu 7