Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

QPTD -Thứ Hai, 21/04/2025, 07:09 (GMT+7)
Công tác hậu cần, kỹ thuật trong Đại thắng mùa Xuân 1975 - Giá trị lý luận và thực tiễn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngành Hậu cần - Kỹ thuật Quân đội đã sát cánh cùng quân và dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên kỳ tích trong công tác bảo đảm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cần kế thừa, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi vĩ đại này đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong đó có công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành Hậu cần - Kỹ thuật phải bảo đảm cho trận quyết chiến chiến lược có quy mô lớn chưa từng có, trong điều kiện thần tốc, các chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn diễn ra kế tiếp nhau, trên khắp chiến trường miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, đặt ra cho công tác hậu cần, kỹ thuật nhiệm vụ hết sức to lớn, mới mẻ, khẩn trương. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và quyết tâm cao độ, hậu cần, kỹ thuật các cấp đã chủ động phối hợp với các lực lượng, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, để lại nhiều bài học quý.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải đã vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu/TTXVN

1. Chủ động xây dựng thế trận hậu cần - kỹ thuật liên hoàn, vững chắc trên từng hướng, địa bàn chiến lược, kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 18/12/1972, Tổng cục Hậu cần đã xây dựng kế hoạch hậu cần ba năm (1973 - 1975), chủ động chuẩn bị cho thời cơ lớn. Theo đó, ta đẩy mạnh xây dựng, phát triển các tuyến giao thông vận tải chiến lược, chiến dịch và chuẩn bị chiến trường về hậu cần, kỹ thuật1. Từ đầu năm 1973 đến hết tháng 4/1975, hậu cần chiến lược đã vận chuyển cho các chiến trường lượng vật chất gấp gần hai lần khối lượng vận chuyển của 13 năm trước đó, tạo dự trữ lớn, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến quy mô lớn khi có thời cơ. Tháng 9/1974, Tổng cục Kỹ thuật được thành lập, hình thành cơ quan tham mưu, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật ở tầm chiến lược. Sau khi Bộ Chính trị xác định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975 - 1976), rồi quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật đã nhanh chóng chỉ đạo điều chỉnh tổ chức, lực lượng, thế bố trí hậu cần - kỹ thuật trên từng chiến trường phù hợp với yêu cầu tác chiến mới, trước hết là chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên. Theo đó, Hậu cần Quân khu Trị - Thiên sáp nhập với Hậu cần B5 (Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị) triển khai ở ba căn cứ (A Sầu, A Lưới và Ba Lòng). Hậu cần Quân khu 5 củng cố, tăng cường lực lượng cho căn cứ H1 ở Đại Lộc (Quảng Nam), căn cứ H2 ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), căn cứ H3 ở Hóc Đèn - Bắc Đường số 19 (Bình Định). Trên Mặt trận Tây Nguyên cũng tăng cường lực lượng và điều chỉnh thế bố trí các căn cứ hậu cần - kỹ thuật: căn cứ hậu cần cánh Bắc ở Tà Xẻng - Đắk Tô bảo đảm hướng Kon Tum; căn cứ cánh Trung ở Chưplô - Phunơ bảo đảm hướng Plâyku; căn cứ cánh Nam ở Plâyme - Chư Pông bảo đảm hướng tiến công Nam Đường số 19; tổ chức Kho K10 ở Ia Súc và Kho K20 ở Bắc Đức Lập bảo đảm cho tiến công Đức Cơ (sau chuyển sang tiến công Buôn Ma Thuột), v.v. Đồng thời, chuyển phần lớn lực lượng Hậu cần B2 (Nam Bộ) từ Campuchia về miền Nam Việt Nam, bổ sung lực lượng hậu cần - kỹ thuật cho Quân khu 8 và Quân khu 9. Cùng với đó, Tổng cục Kỹ thuật quyết định thành lập thêm một số kho mới, như: L850, L852 và L854 được bố trí ở hai tỉnh Hòa Bình và Nghệ An. Các kho này có trữ lượng từ 06 nghìn đến 12 nghìn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, sẵn sàng cấp phát để chi viện chiến trường miền Nam, bảo đảm cho các quân khu, lực lượng cơ động của Bộ và Quân đội nhân dân Lào2,... tạo thế trận hậu cần - kỹ thuật liên hoàn, vững chắc, làm cơ sở nền tảng để tổ chức hậu cần - kỹ thuật cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở thế trận và lực lượng hậu cần - kỹ thuật của chiến trường Nam Bộ, được Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật chi viện tối đa về mọi mặt, Hậu cần - Kỹ thuật Chiến dịch đã gấp rút điều chỉnh thế trận, bổ sung lực lượng, vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Hậu cần Miền với hậu cần - kỹ thuật các quân khu, quân đoàn và hậu cần nhân dân, tạo nên thế vững, lực mạnh, nâng cao khả năng bảo đảm trên từng khu vực, hình thành thế trận hậu cần - kỹ thuật liên hoàn, vững chắc, cơ động cao, bảo đảm cho 05 hướng tiến công vào Sài Gòn giành thắng lợi.

2. Kịp thời bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các đơn vị “thần tốc” cơ động lực lượng tham gia Chiến dịch. Trước diễn biến rất nhanh của tình hình chiến trường, đặc biệt là sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, công tác hậu cần, kỹ thuật đã tập trung huy động, bảo đảm cơ động chiến lược, kịp thời đưa các binh đoàn, sư đoàn chủ lực cùng binh khí kỹ thuật và hàng chục nghìn tấn vật chất đến các hướng chiến trường, đáp ứng thời cơ chiến lược và yêu cầu “thần tốc”, “chắc thắng”. Trước khi tham gia Chiến dịch, Quân đoàn 1 được Cục Quân khí bổ sung cán bộ, nhân viên kỹ thuật đạt 76,72% quân số theo biên chế. Đồng thời, Tổng cục Kỹ thuật chi viện lực lượng để tổ chức bảo dưỡng, kiểm tra kỹ thuật và sửa chữa 100% vũ khí, khí tài, đạn dược, xe máy, xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn. Với Quân đoàn 2, được tăng cường Trạm T153 của Tổng cục Kỹ thuật, Cục Quân khí bổ sung trang thiết bị vật tư kỹ thuật và cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho trạm sửa chữa để bảo đảm cho yêu cầu cơ động. Được sự hỗ trợ, Quân đoàn đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa hầu hết súng pháo, khí tài, bảo đảm hệ số kỹ thuật từ 0,93 đến 1,00 trước khi bước vào Chiến dịch. Quân đoàn 3 thành lập sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, được Tổng cục Kỹ thuật tăng cường 02 đội sửa chữa cơ động, cùng các xe công trình, trang bị phương tiện vật tư kỹ thuật, dụng cụ sửa chữa, trực tiếp phục vụ trên hai hướng tiến công của Quân đoàn trong Chiến dịch. Quân đoàn 4 được tăng cường Xưởng OX1 và Xưởng OX2 vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, bảo đảm cho ngành Kỹ thuật của Quân đoàn tổ chức các đội sửa chữa cơ động ở tuyến trước, có trang bị xe công trình phục vụ cho các hướng tiến công của Quân đoàn trong Chiến dịch, v.v.

Có thể thấy, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngành Hậu cần - Kỹ thuật linh hoạt điều chỉnh tổ chức, chuyển hóa thế bố trí, vận dụng sáng tạo các phương thức, bảo đảm kịp thời cho các cuộc hành quân thần tốc, đòn tiến công chiến lược của các binh đoàn chủ lực và tiến công, nổi dậy ở địa phương, cơ sở trên khắp miền Nam. Đây là bước trưởng thành về trình độ tổ chức, chỉ huy bảo đảm cơ động của ngành Hậu cần - Kỹ thuật. Đánh giá về thành công đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng nêu rõ: “Các lực lượng hậu cần, kỹ thuật đã ra sức vươn lên khắc phục mọi khó khăn, phát huy sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Thành công rất đáng tự hào của việc bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm cơ động... đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của các binh đoàn chi viện chiến lược của ta”3.

3. Huy động lực lượng toàn dân, toàn quân tham gia bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Trung ương Đảng, Nhà nước đã huy động cao nhất mọi khả năng, lực lượng của toàn dân, toàn quân phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam. Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác bảo đảm cho quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị thành lập Hội đồng chi viện Trung ương do Đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Căn cứ vào các yêu cầu của chiến trường, Hội đồng quyết định những chủ trương, kế hoạch, biện pháp tích cực nhất, hiệu quả nhất để huy động sức người, sức của, kịp thời tăng cường cho tiền tuyến. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ở miền Bắc, nhiều công trường, nhà máy, cơ quan huy động từ 30% đến 50% quân số để phục vụ. Lực lượng vận tải quân sự, dân sự được huy động để vận chuyển lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật,... vào chiến trường. Đến giữa tháng 4/1975, các lực lượng vận tải quân sự, dân sự đã vận chuyển 24 nghìn tấn vũ khí, trang bị đảm bảo cho Chiến dịch4.

Cùng với hậu phương lớn miền Bắc, hậu cần - kỹ thuật Miền, trong 02 năm (1973 - 1974) hậu cần - kỹ thuật các quân khu đã phối hợp với các địa phương miền Nam tích cực xây dựng lực lượng, tạo nguồn bảo đảm tại chỗ, gồm: 70 nghìn tấn đạn, trên 107 nghìn tấn lương thực, thực phẩm. Hậu cần - kỹ thuật Miền tổ chức 6 tuyến vận tải chiến dịch, từ các căn cứ hậu cần phía sau của Miền ở Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Đồng Xoài tới các căn cứ phía trước, theo các hướng tấn công của bộ đội, v.v. Hậu cần - kỹ thuật các quân khu Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào căn cứ đã xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần, kết hợp với hậu cần địa phương, hậu cần nhân dân để tổ chức bảo đảm cho lực lượng vũ trang các quân khu tiến công các mục tiêu chủ yếu. Hậu cần - kỹ thuật các đơn vị, địa phương phát huy ý thức tự lực, tự cường; đồng thời, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, khả năng lực lượng của nhân dân hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật các đơn vị, nhất là về cung cấp lương thực, thực phẩm, nấu ăn tiếp tế cho bộ đội; triển khai mạng lưới quân dân y kết hợp, tổ chức cấp cứu, chăm sóc thương binh; huy động ghe, xuồng tham gia vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ chiến đấu, v.v.

Thành công của công tác hậu cần, kỹ thuật trong Đại thắng mùa Xuân 1975 để lại nhiều bài học quý đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần, kỹ thuật, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW và Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần, kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Ngành Hậu cần - Kỹ thuật Quân đội tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, đề xuất, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần, kỹ thuật. Trọng tâm vào nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện hậu cần phù hợp với khả năng ngân sách, lộ trình hiện đại hóa Quân đội; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về hậu cần - kỹ thuật. Đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần - kỹ thuật các cấp vững mạnh, lấy hậu cần, kỹ thuật nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần - kỹ thuật phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) làm nền tảng, hậu cần - kỹ thuật Quân đội làm nòng cốt, v.v. Đồng thời, đẩy nhanh việc nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch huy động, động viên hậu cần, kỹ thuật và làm tốt công tác dự trữ quốc gia cho quốc phòng.

Hai là, tập trung thực hiện và hoàn thành điều chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng ngành Hậu cần - Kỹ thuật Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Đẩy nhanh việc kiện toàn, xây dựng hậu cần - kỹ thuật các cấp chính quy, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đồng bộ từ cấp chiến lược đến cơ sở, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các nhà trường Quân đội tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo số lượng, chất lượng, nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần, kỹ thuật. Giải quyết kịp thời bất cập, mất cân đối giữa cơ quan với đơn vị cơ sở về thiếu hụt cán bộ, nhân viên hậu cần, kỹ thuật ở một số chuyên ngành.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật. Tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, huy động các nguồn lực hậu cần, kỹ thuật. Đồng thời, hoàn thiện phương thức bảo đảm; tích cực khai thác các nguồn lực, bảo đảm kịp thời, đầy đủ hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất; trong đó, chú trọng ưu tiên lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng trời, biên giới, biển, đảo, địa bàn trọng điểm, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Lực lượng hậu cần, kỹ thuật các cấp duy trì nghiêm quy định về lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia tích cực, kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Bốn là, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng, cũng như bảo đảm cho các hình thái chiến tranh, hình thức tác chiến phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị, môi trường tác chiến của các lực lượng, trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Nghiên cứu nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động hậu cần, kỹ thuật khu vực phòng thủ gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, đồng bộ với quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội trên từng hướng, địa bàn, tạo thế liên hoàn, vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, vừa góp phần phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh.

Năm là, tích cực huy động các nguồn lực, kết quả nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong công tác hậu cần, kỹ thuật. Tích cực nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện hậu cần, kỹ thuật theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát thực tiễn, đối tượng; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy, chỉ đạo, quản lý, tổ chức bảo đảm, khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị hậu cần, kỹ thuật các cấp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trung tướng TRẦN MINH ĐỨC, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật
___________________
       

1 - Trong hai năm (1973 - 1974), ta đã mở hơn 6.000 km đường chiến dịch, 5.560 km đường chiến lược Trường Sơn.

2 - Tổng cục Kỹ thuật – Lịch sử Tổng cục Kỹ thuật (1974 - 2024), Nxb QĐND, H. 2024, tr. 17.

3 - Võ Nguyên Giáp - Văn Tiến Dũng, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Đại thắng mùa Xuân 1975, Tạp chí Học tập, Số 6/1975, tr. 45.

4 - Tổng cục Kỹ thuật – Lịch sử Tổng cục Kỹ thuật (1974 - 2024), Nxb QĐND, H. 2024, tr. 35.

Ý kiến bạn đọc (0)

Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bản hùng ca của Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vang mãi trong lòng dân tộc và mỗi người dân Việt Nam. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, bản hùng ca ấy lại tiếp tục vang lên trên mặt trận lao động, sản xuất, chống đói nghèo, lạc hậu; bảo vệ vững chắc biên cương và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc;...