QPTD -Thứ Sáu, 04/01/2019, 20:04 (GMT+7)
Thực hiện tốt chính sách đối với Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia

Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn-pốt – Iêng-Xary, song cũng phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Để tri ân sự hy sinh to lớn đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn chăm lo công tác chính sách đối với những người thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả này.

Trong những năm tháng sát cánh cùng quân và dân Cam-pu-chia chiến đấu chống kẻ thù chung, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai dân tộc. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “Đền ơn đáp nghĩa”, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đối tượng chính sách và thân nhân liệt sĩ, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định thỏa thuận về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Cam-pu-chia. Trong triển khai thực hiện, cơ quan chức năng của hai Chính phủ đã tiếp nhận và xử lý các nguồn thông tin cung cấp từ nhân dân, phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, quy tập, cất bốc, bảo quản hài cốt và tổ chức trang trọng các buổi lễ tiễn, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Cam-pu-chia về nước. Kết quả đó có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thể hiện thái độ, trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người có công với cách mạng, tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ hữu nghị, láng giềng truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia.

Tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Cam-pu-chia tại Nghĩa trang liệt sĩ
huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, ngành Chính sách Quân đội luôn chủ động bám sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ của Quân đội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, chủ động tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ; công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội nói chung và chế độ, chính sách đối với Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia nói riêng. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngành Chính sách Quân đội đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, ngày 09-11-2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; tham gia cùng với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 57/2013/QĐ-TTg, ngày 14-10-2013 về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia giúp Lào và Cam-pu-chia. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Cán sự đảng Chính phủ, ngành Chính sách Quân đội đã tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị Đề án về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Trên cơ sở nội dung Đề án và kết luận của Bộ Chính trị, Ngành đã nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015 để triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng nêu trên. Ngoài ra, Ngành còn phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội nghiên cứu, đề xuất Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đang công tác trong Quân đội, thương bệnh binh nặng, chăm sóc người có công với cách mạng; khai thác, huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách, chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện nghiêm, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định việc xác nhận, quản lý và chi trả chế độ đối với các đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (phần thuộc trách nhiệm của các đơn vị Quân đội). Kết quả thực hiện từ năm 2016 đến nay, cả nước đã tiếp nhận, lập hồ sơ, đề nghị xác nhận cho 275 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho 2.556 trường hợp và 240 trường hợp bệnh binh, bảo đảm chặt chẽ, chính xác, đúng chế độ, đối tượng; xét duyệt, giải quyết cho hơn 2.207.250 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần và 1.570 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, với số tiền hơn 7.146 tỷ đồng. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Cam-pu-chia và đã đưa về nước được 2.362 hài cốt liệt sĩ; tổ chức lễ tiễn đưa, bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ chu đáo, trang nghiêm, thắm tình hữu nghị giữa các cấp chính quyền và nhân dân Việt Nam - Cam-pu-chia.

Cùng với đó, ngành Chính sách Quân đội còn tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn quân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, v.v. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2016 - 2018), toàn quân đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn lực đóng góp cho các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 222 tỷ đồng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 533.000 lượt người; nhận đỡ đầu, tạo việc làm cho 877 con thương binh, liệt sĩ và đối tượng chính sách; xây dựng 3.171 nhà tình nghĩa, v.v. Thông qua đó, đã trực tiếp góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nói chung, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia nói riêng; thể hiện cao về trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu đậm, thủy chung.

Những kết quả đạt được trong thực hiện công tác chính sách của các cơ quan, đơn vị Quân đội và địa phương trong cả nước đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực chính trị - tinh thần cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn rất nặng nề. Những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh còn nhiều, đa dạng và phức tạp; đồng thời, trong quá trình thực hiện tinh giảm tổ chức, biên chế của Quân đội, nhiều đơn vị giải thể, sáp nhập, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, bị thất lạc. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; một số nội dung chính sách giải quyết chưa kịp thời, tiến độ còn chậm, v.v. Để khắc phục những hạn chế, bất cập, thực hiện tốt hơn nữa công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng nói chung, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia nói riêng, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Trước hết, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với nước. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh. Trên cơ sở đó, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp thành hành động cách mạng cụ thể, thiết thực trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn quân; đẩy mạnh xã hội hóa, toàn dân cùng chăm sóc người có công với cách mạng, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, làm cho mỗi gia đình người có công được bảo đảm ngày càng tốt hơn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, gia đình chính sách tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi đóng quân thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vận động nhân dân trong và ngoài nước cung cấp thông tin, hỗ trợ các đội công tác chuyên trách của Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở nước bạn Lào và Cam-pu-chia.

Bốn là, thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con của các đối tượng chính sách; khai thác, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài Quân đội giúp đỡ và lồng ghép các chính sách xã hội (xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần,…), bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách, nhất là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đối tượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Năm là, bám sát thực tiễn tình hình đất nước, Quân đội, đề cao trách nhiệm, chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ, giải quyết cơ bản những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh. Đồng thời, tiến hành tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách; kịp thời phổ biến, nhân rộng cách làm hay, ý tưởng sáng tạo và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch và kiểm tra, giám sát của nhân dân trong thực hiện các chế độ, chính sách ngay từ ở địa phương, cơ sở.

Quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, nhất là đối với Quân tình nguyện, chuyên gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia chính là thể hiện bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó cũng chính là cơ sở quan trọng, trực tiếp tạo động lực trong xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng là Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.

Thiếu tướng TRẦN QUỐC DŨNG, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị

Ý kiến bạn đọc (0)