QPTD -Thứ Hai, 07/01/2019, 07:02 (GMT+7)
Kinh nghiệm xây dựng thế trận trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hướng kế thừa, phát triển

Sau chiến thắng ngày 17-4-1975 ở Cam-pu-chia, Chính quyền Pôn Pốt – Iêng-Xary được sự hậu thuẫn từ nước ngoài ngày càng lộ rõ bộ mặt phản động. Chúng tăng cường xây dựng lực lượng, gây xung đột biên giới trên bộ và trên biển đối với Việt Nam. Trước hành động ngang ngược đó, Đảng, Nhà nước ta đã kiên trì tìm giải pháp hòa bình, nhưng chúng càng hiếu chiến, trắng trợn phát động chiến tranh xâm lược với mức độ quyết liệt, quy mô nhiều sư đoàn. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã từng bước xây dựng, củng cố thế trận trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, nhằm ngăn chặn và đánh bại quân xâm lược.

Bộ đội Hải quân phối hợp hiệp đồng đổ bộ đánh chiếm các quân cảng của Quân đội Pol Pot (Ảnh tư liệu).

Cuối năm 1976 đầu năm 1977, trước tình hình biên giới Tây Nam ngày càng phức tạp, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các quân khu phía Nam tăng cường lực lượng cho các địa phương trên tuyến biên giới. Ngày 23-5-1977, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang ở phía Nam: "Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Cam-pu-chia vào lãnh thổ ta; đồng thời, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Cam-pu-chia"1.

Để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Pôn Pốt, ngày 01-5-1977, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu tại Châu Đốc để chỉ huy các lực lượng chiến đấu ở phía trước và chỉ thị cho các đơn vị phải kiên quyết giáng trả đẩy lùi quân xâm lược. Quân khu 7 tổ chức lại 3 trung đoàn biên phòng (201, 205, 5); đồng thời, chuyển ba trung đoàn pháo 105 mm (11, 19, 22) từ nhiệm vụ xây dựng kinh tế sang huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới. Theo chỉ đạo của Bộ, Quân đoàn 4 điều 02 tiểu đoàn bộ binh và 01 tiểu đoàn pháo thuộc Sư đoàn 9 tăng cường cho Quân khu 7.

Ngày 22-5-1977, Bộ Tổng Tham mưu đã ra Chỉ thị số 122 tăng cường 4.000 quân cho Quân khu 5 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới; bảo đảm hệ thống mạng thông tin liên lạc từ Quân khu tới các đồn, chốt biên phòng, phục vụ công tác chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 kiện toàn Sư đoàn 10 làm lực lượng cơ động chủ yếu của Bộ trên địa bàn Tây Nguyên, hỗ trợ lực lượng vũ trang các địa phương sẵn sàng đánh địch trên các hướng.

Mặc dù các quân khu 5, 7, 9 đã triển khai một bộ phận lực lượng trên tuyến biên giới với Cam-pu-chia, nhưng do chưa kịp thời đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng-Xary, chậm xác định rõ đối tượng tác chiến, nên ở nhiều nơi ta chưa chủ động chấn chỉnh lực lượng; khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của một số đơn vị còn thấp; việc tổ chức cảnh giới, canh gác, bố phòng trên tuyến biên giới còn bộc lộ nhiều sơ hở, gặp khó khăn trước các đợt tiến công xâm lấn của địch, v.v. Trước tình hình trên, ngày 27 và 28-7-1977, Thường trực Quân ủy Trung ương đã triệu tập Hội nghị bàn về xây dựng và bảo vệ biên giới. Bên cạnh đánh giá những kết quả đã đạt được trong triển khai kế hoạch phòng thủ biên giới, Hội nghị cũng chỉ rõ: do không lường hết thủ đoạn của kẻ thù, nên có trường hợp mất cảnh giác, để xảy ra những thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân mà không đối phó kịp thời,… cần đề ra một kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ biên giới theo hướng cơ bản, lâu dài2. Theo đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tăng cường thế trận và lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu theo hai phương án: Một là, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương phòng thủ, chiến đấu tại chỗ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ biên giới. Hai là, huy động các đơn vị của Quân khu kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương và Quân đoàn 4 tổ chức đánh vừa, đánh lớn tiêu diệt quân Pôn Pốt xâm lấn. Tháng 9-1977, ngoài 3 trung đoàn biên phòng và một số đơn vị bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, Quân khu điều một tiểu đoàn của Sư đoàn 5 cùng một số đơn vị xe tăng, thiết giáp, pháo binh phối thuộc cho Tây Ninh; tăng cường Trung đoàn 205 và và Tiểu đoàn pháo binh 22 cho tỉnh Sông Bé, sẵn sàng cơ động chi viện cho lực lượng trực tiếp kiểm soát biên giới và lực lượng vũ trang địa phương đánh trả địch.

Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đề ra biện pháp cấp bách nhằm nâng cao khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân trên tuyến biên giới: Một là, nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị. Hai là, hoàn thiện các phương án chiến đấu bảo vệ các khu vực trọng điểm và kế hoạch hiệp đồng tác chiến, sử dụng lực lượng giữa các đơn vị. Ba là, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng chủ lực cơ động, trước mắt củng cố tuyến phòng ngự, đánh trả kịp thời lực lượng địch lấn chiếm. Quân khu xây dựng thêm 5 trung đoàn biên phòng, 1 tiểu đoàn pháo 105mm và một tiểu đoàn pháo cao xạ. Sư đoàn 4 và Sư đoàn 8 chủ lực của Quân khu chuyển một bộ phận làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Tháng 3-1978, Bộ Quốc phòng xây dựng thêm Sư đoàn 339 tăng cường cho Quân khu 9 đánh địch.

Quân đoàn 4 kiện toàn Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 đủ quân số, sẵn sàng chiến đấu. Cuối tháng 8 đầu tháng 9-1977, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Quân đoàn 4 điều Trung đoàn 141 và 209 (Sư đoàn 7), Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341), một đại đội thiết giáp của Lữ đoàn 22 phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 9 chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam.

Trước tình hình quân Pôn Pốt ngày càng leo thang mở rộng chiến tranh xâm lược, tháng 6-1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp đánh giá tình hình biên giới Tây Nam và các hướng khác, nêu quyết tâm: Kiên quyết phấn đấu giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam càng sớm càng tốt; phối hợp tác chiến quân sự, chính trị, ngoại giao, ra sức giúp đỡ lực lượng cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ tập đoàn phản động đang nắm quyền ở Cam-pu-chia.

Ngày 27-7-1978, Hội nghị Trung ương 4 (Khóa IV) họp bàn về tình hình, nhiệm vụ chống âm mưu xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt và các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Hội nghị xác định: tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, đánh thắng chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới là: khẩn trương xây dựng, rèn luyện bộ đội chủ lực tinh nhuệ, cơ động; tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ huy cho bộ đội địa phương, xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp có chất lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu cao. Ở những nơi chưa có chiến sự, Quân đội phải sẵn sàng chiến đấu, tích cực làm tốt nhiệm vụ xây dựng kinh tế; tổ chức lãnh đạo, chỉ huy thống nhất công tác quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn huyện, tỉnh và từng mặt trận.

Có thể nói, trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các quân khu, đơn vị phía Nam chuyển hướng nhiệm vụ, nhanh chóng kiện toàn, bổ sung lực lượng, điều chỉnh thế bố trí, đảm bảo có chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phía trước với phía sau, giữa lực lượng tại chỗ (bộ đội biên phòng, lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh, huyện biên giới) với lực lượng cơ động (chủ lực của các quân khu, lực lượng cơ động của Bộ), tập trung trên các khu vực, hướng trọng điểm, hình thành thế trận phòng thủ liên hoàn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Với thế trận được xây dựng khá hoàn chỉnh, chúng ta đã linh hoạt chuyển từ phòng thủ sang phản công, tiến công, đáp ứng yêu cầu tác chiến, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của quân Khơ-me Đỏ ở biên giới Tây Nam và phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia đập tan bộ máy cai trị độc tài của tập đoàn phản động Pôn pốt - Iêng-xary, giải phóng đất nước và nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng vào ngày 07-01-1979.

Từ thực tiễn triển khai, xây dựng thế trận trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, rút ra một số bài học kinh nghiệm, làm cơ sở nghiên cứu, kế thừa, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đó là:

Thứ nhất, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù để nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, xây dựng thế trận phù hợp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia đã cùng sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung; là những người bạn bè, đồng chí anh em láng giềng. Vì thế, nhận thức về đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nhất là những hành động ngang ngược của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng-Xary thì việc nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù là yêu cầu đặt lên hàng đầu, làm cơ sở để xây dựng, điều chỉnh lực lượng, vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến, xây dựng thế trận.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trước xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác, hội nhập, phát triển, đan xen cả những thuận lợi và tiềm ẩn nguy cơ khó lường đã và đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; xác định đúng đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Ngay từ thời bình phải chủ động chuẩn bị tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên từng khu vực, địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm, hướng chiến lược. Trên cơ sở đó, linh hoạt điều chỉnh bố trí lực lượng, chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thứ hai, xây dựng thế trận tác chiến phòng thủ khu vực vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, linh hoạt, có chiều sâu.

Từ thực tiễn chiến tranh biên giới Tây Nam, quân Pôn Pốt tiến công trên toàn tuyến biên giới vào những địa bàn trọng điểm, có thời điểm chúng thọc sâu vào lãnh thổ nước ta đến 20 km. Do lực lượng, thế trận tại chỗ của ta có nơi mỏng, yếu, sơ hở, chưa kịp thời điều chỉnh dẫn đến những tổn thất về người và tài sản. Vì vậy, việc xây dựng thế trận tác chiến phòng thủ khu vực vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, linh hoạt có chiều sâu, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với tiến công của địch là việc làm rất cần thiết.

Hiện nay, trên cơ sở dự kiến về địch và các tình huống, phương án tác chiến được giao, các đơn vị cần chủ động chuẩn bị chiến trường về mặt thế trận, thiết bị chiến trường. Việc xây dựng thế trận tác chiến phải đặt trong tổng thể thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đã được chuẩn bị trước từ thời bình. Từ kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, các quân khu, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ, đảm bảo “xã giữ vững xã, huyện giữ vững huyện, tỉnh giữ vững tỉnh”. Theo đó, cần đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng tiềm lực, từng bước quy hoạch, xây dựng thế trận quân sự, trọng tâm là: căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu, chốt chiến dịch, đường cơ động, công trình phòng thủ, trận địa làm sẵn, hình thành thế trận phòng thủ, phòng ngự vững chắc, thế tiến công linh hoạt, thế đánh rộng khắp, kết hợp chặt chẽ giữa tại chỗ và cơ động trên từng địa bàn, hướng, khu vực, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, việc xây dựng thế trận phải đảm bảo rộng khắp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, liên kết chặt chẽ các căn cứ chiến đấu, công trình phòng thủ với làng, xã chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bám trụ, tác chiến rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương, nhằm căng kéo, giam chân địch, buộc địch sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực cơ động mở các chiến dịch, đánh trận then chốt, then chốt quyết định tiêu diệt địch.

Thứ ba, điều chỉnh lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng thế trận quân sự hợp lý, chặt chẽ, vững chắc, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, mặc dù lúc đầu ta còn gặp lúng túng, đối phó bị động do chưa đánh giá đúng âm mưu, bản chất của địch, chậm xác định đối tượng tác chiến, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các quân khu phía Nam đã có sự điều chỉnh lực lượng hợp lý, tạo thế trận bảo vệ biên giới liên hoàn, vững chắc, có sự gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng ba thứ quân, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vùng biên giới, chủ động cả trong phản công và tiến công tiêu diệt địch.

Từ kinh nghiệm đó, trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở thế bố trí chiến lược phòng thủ chung của đất nước và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đã được xây dựng, cần tập trung bố trí thế trận quân sự hợp lý, chặt chẽ, tạo ra thế trận liên hoàn, vững chắc, bảo đảm cho hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực trong tác chiến chiến lược, chiến dịch và các hoạt động khác đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.    

Quân đội nhân dân phải được tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu hợp lý giữa các quân chủng, binh chủng, giữa lực lượng thường trực và dự bị động viên, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Trên cơ sở đó, điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các vùng, miền, nhất là khu vực có tầm chiến lược quan trọng; tổ chức, sử dụng lực lượng tại chỗ linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và loại hình tác chiến; nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức, sử dụng lực lượng cơ động chiến lược trong tình hình mới.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng các công trình quân sự - quốc phòng, căn cứ hậu phương, hậu cần - kỹ thuật trên từng hướng chiến trường, khu vực phòng thủ.

Thực tiễn chiến tranh biên giới Tây Nam cho thấy, cùng với điều chỉnh và tăng cường lực lượng tạo thành thế trận vững chắc, chúng ta đã coi trọng việc củng cố, xây dựng các công trình hầm hào, hệ thống công sự, rào lấp biên giới, tạo các chốt phòng thủ kiên cố, sẵn sàng đẩy lui các cuộc tiến công của địch. Cùng với đó, hệ thống căn cứ hậu cần - kỹ thuật cũng được xây dựng cơ bản, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến trước, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến, chiến đấu. Hệ thống đường giao thông ra tuyến trước được củng cố liên thông; các đơn vị vận tải được kiện toàn và thành lập mới. Nhờ đó, khi ta tổ chức phản công, tiến công tiêu diệt địch, công tác hậu cần, kỹ thuật đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, cùng với xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, hệ thống các công trình phòng thủ kiên cố, liên hoàn, bảo đảm bí mật, cần coi trọng xây dựng thế trận hậu cần - kỹ thuật trên từng hướng chiến trường, khu vực phòng thủ. Trọng tâm là, quy hoạch bố trí, xây dựng căn cứ hậu cần - kỹ thuật chiến lược, chiến dịch, căn cứ, cơ sở hậu cần - kỹ thuật của các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, v.v. Đồng thời, chủ động tổ chức dự trữ hợp lý, có chiều sâu ở các cấp; kết nối liên hoàn hệ thống căn cứ hậu cần - kỹ thuật, kho tàng các cấp bằng cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không, nhằm bảo đảm liên tục, kịp thời cho tác chiến trong mọi tình huống. Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng lực lượng hậu cần - kỹ thuật (cả thường trực và dự bị động viên) vững mạnh; chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực bổ sung, hoàn thiện cơ chế khai thác, huy động nguồn lực tại chỗ khi có tình huống xảy ra.

40 năm đã qua đi, nhưng những bài học kinh nghiệm về xây dựng thế trận trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Trưởng Phòng Quản lý khoa học

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
____________

1 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Việt Nam trong thế kỷ XX - Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, H. 2001, tr. 532.

2 - Kết luận của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị bàn về xây dựng và bảo vệ biên giới. Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ 973.

Ý kiến bạn đọc (0)