QPTD -Thứ Hai, 07/01/2019, 18:23 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng

Năm tháng trôi qua, nhưng chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng-Xary còn mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca về ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương Tây Nam Bộ và lực lượng vũ trang Quân khu 9 nói riêng.

Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm và cứu trợ đồng bào Cam-pu-chia
ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng (Ảnh tư liệu)

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc ta đã trở thành hiện thực. Trong khi lực lượng vũ trang Quân khu 9 và cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thì tập đoàn Pôn Pốt – Iêng-Xary đã gây hấn, đưa quân xâm chiếm một số địa bàn vùng Tây Nam Bộ, tàn sát hàng nghìn dân thường, đốt phá nhiều làng mạc, phá hoại cuộc sống hòa bình của nhân dân ta. Chấp hành mệnh lệnh của trên, từ 15-5-1975 đến 14-6-1975, Quân khu đã tổ chức lực lượng chiến đấu giành lại các địa bàn bị địch chiếm giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ giữa tháng 5-1975, Pôn Pốt đưa quân xâm lấn biên giới với tính chất, quy mô ngày càng nguy hiểm. Chúng tìm cách thọc sâu vào lãnh thổ nước ta, nhổ cột mốc, tàn sát dân lành và tung dư luận “sẽ lấy lại 06 tỉnh Tây Nam Bộ”. Trước hành động đó của địch, ngày 04-6-1975, Quân khu sử dụng một bộ phận lực lượng của Sư đoàn 4 và Trung đoàn 101, kết hợp với lực lượng tại chỗ, tổ chức tiến công đẩy địch ra khỏi biên giới. Đồng thời, tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, kiên trì ngăn ngừa, tránh mọi khiêu khích vũ trang. Với tinh thần đó, Quân khu đã rút lực lượng chủ lực, các trận địa pháo bố trí dọc biên giới về phía sau, chỉ để lại các đồn biên phòng, lực lượng dân quân du kích và duy trì ban liên lạc của các tỉnh biên giới hai nước. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, kẻ địch càng lấn tới, đêm 30-4-1977, địch bất ngờ nổ súng tiến công vào lãnh thổ Việt Nam.

Trên địa bàn Quân khu, địch tiến công vào 14/16 xã dọc biên giới, từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương (An Giang), nhưng bị lực lượng tại chỗ của ta chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Ngay trong đêm 30-4-1977, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định điều động Trung đoàn Hải quân 962 đưa 4 tàu PCF lên Phú Châu; Trung đoàn 1( Sư đoàn 330) sẵn sàng cơ động đánh địch; báo động lực lượng vũ trang các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An sẵn sàng tổ chức lực lượng đối phó với mọi tình huống. Ngày 04-5-1977, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 330) lên biên giới, phối hợp với 2 tiểu đoàn của tỉnh An Giang đánh địch, khôi phục được khu vực Bắc và Tây sông Bình Di cùng toàn bộ biên giới từ Phú Châu - Bắc Đay đến Long Bình (dài 11 km).

Tuy nhiên, đến ngày 11-6-1977, địch chuyển hướng tiến công sang phía Kiên Giang, đánh vào khu vực Bắc Hà Tiên và tuyến Giang Thành - Vĩnh Điều, với mục đích tạo bàn đạp đánh chiếm Hà Tiên. Ở đoạn Vĩnh Điều - Đầm Chích, địch đã chiếm 03 km biên giới nước ta. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu điều Sư đoàn 330 (thiếu) cùng một bộ phận của Sư đoàn 4, có xe M113 và không quân chi viện tổ chức tiến công, đẩy địch về đất Cam-pu-chia từ 03 đến 05 km. Sau khi giành lại khu vực biên giới tuyến Vĩnh Điều - Đầm Chích, lực lượng ta rút về hình thành các chốt chặn vững chắc. Nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: những hành động xâm lấn đất đai, giết hại đồng bào ta và tàn sát nhân dân Cam-pu-chia của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng-Xary sẽ còn tiếp diễn. Vì thế, đầu tháng 12-1977, Quân khu mở chiến dịch tiến công sâu sang đất Cam-pu-chia. Mục đích của chiến dịch là nhằm: tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận sinh lực địch, bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình của nhân dân ta; đồng thời, đánh phá bàn đạp xuất phát tiến công của địch, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia nổi dậy. Theo đó, Quân khu phân chia chiến trường biên giới thành 02 khu vực trọng điểm: Trọng điểm 1 (hướng chủ yếu): biên giới tỉnh An Giang. Trọng điểm 2 (hướng thứ yếu): biên giới Kiên Giang; diện phối hợp là tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp. Với phương châm: chủ động đánh nhanh, đánh mạnh; đột phá đúng điểm yếu của địch; thực hành tiến công liên tục cả phía trước và phía sau, thọc sâu, chia cắt, bao vây, vu hồi, kết hợp giữa tiến công và phản công, lực lượng vũ trang Quân khu đã lập nhiều chiến công xuất sắc, hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Sau khi chiến dịch kết thúc, chấp hành mệnh lệnh của trên, Quân khu rút toàn bộ lực lượng về biên giới, lập thế trận, tổ chức lực lượng sẵn sàng đánh địch khi chúng tiến công xâm lược.

Với bản chất hiếu chiến, phản động, lại được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực phản động quốc tế, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng-Xary không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Tháng 12-1978, chúng huy động 10 sư đoàn mở cuộc tổng tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: giúp bạn là tự giúp mình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu cùng với các lực lượng khác mở chiến dịch tổng phản công trên hướng chủ yếu, đánh thẳng vào Thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia, phát triển, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu khác. Trong chiến dịch, lực lượng vũ trang Quân khu đã nêu cao truyền thống “Quân dân đoàn kết, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu”, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, góp phần đập tan bộ máy cai trị độc tài của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng-Xary, cứu giúp người dân đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt chủng. Qua đó, thiết thực tô thắm thêm truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu, góp phần làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội Nhà Phật” tỏa sáng, khắc sâu vào tâm khảm nhân dân Cam-pu-chia và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Thực tiễn cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và tham gia tổng phản công đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng-Xary đã để lại cho lực lượng vũ trang Quân khu nói riêng, toàn quân nói chung những bài học kinh nghiệm quý trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc hôm nay:

Một là, thường xuyên nâng cao cảnh giác, đánh giá đúng tình hình, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Đây là bài học lớn, có giá trị thực tiễn sâu sắc, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực phức tạp, diễn biến mau lẹ, khó lường, đối tượng, đối tác đan xen như hiện nay. Vận dụng tốt bài học này sẽ giúp Đảng, Nhà nước, Quân đội thực hiện hiệu quả phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, do chúng ta chưa nhận rõ bản chất, âm mưu của kẻ thù, nắm chưa chắc tình hình, nên có lúc còn lơ là, mất cảnh giác, thiếu sự đề phòng và bất ngờ khi địch tiến công, dẫn tới những tổn thất không đáng có. Nhưng ngay sau đó, quân và dân Quân khu đã nhanh chóng triển khai các biện pháp giành quyền chủ động và tích cực điều chỉnh, củng cố lực lượng, tạo lập thế trận phòng thủ, phản công, tiến công tiêu diệt địch. Theo đó, Quân khu đã xây dựng được một số công trình phòng thủ trọng điểm; kết hợp giữa trận địa phòng ngự và cơ động lực lượng, tập trung từng mũi, từng hướng, ngăn chặn địch tiến công sâu vào nội địa ta, khôi phục các khu vực bị địch chiếm; từng bước chuyển từ thế bị động sang thế chủ động tiến công tiêu diệt địch.

Vận dụng bài học này, đòi hỏi chúng ta hơn bao giờ hết phải thường xuyên đề cao cảnh giác cách mạng, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của địch, không mơ hồ, ảo tưởng; chủ động nắm, dự báo đúng tình hình, nhất là ở tầm chiến lược Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi, chúng ta quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhạy bén, sáng tạo, đánh giá chính xác tình hình, xác định rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam; dự kiến các tình huống chiến lược có thể xảy ra, v.v. Từ đó, đề xuất chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp, nhằm ngăn ngừa, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống về quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển đất nước.

 Hai là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực chính trị, lực lượng chiến đấu đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Vì vậy, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” là vấn đề tất yếu khách quan, cơ bản, thường xuyên và cấp bách hiện nay. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, lực lượng, trước hết là của cấp ủy, các bộ chủ trì. Thực tế chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam cho thấy, nhờ được quan tâm chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang Quân khu đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, phát huy vai trò nòng cốt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của toàn dân trên cơ sở kết hợp sức mạnh chính trị, tinh thần, kinh tế, khoa học công nghệ và phát huy sức mạnh thời đại; trong đó, lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt. Nhận thức rõ điều đó, lực lượng vũ trang Quân khu đã và đang tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; đẩy mạnh thực hiện đột phá về tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu tinh, gọn, mạnh, cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao, có cơ cấu, thành phần hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, đặc điểm địa bàn, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn được giao.

Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương vững mạnh. Thực tiễn của quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam trên địa bàn Quân khu cho thấy: do thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn thường xuyên được củng cố, nên khi có tình huống xảy ra chúng ta đã huy động và phát huy tốt vai trò của các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Vì thế, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, rộng khắp trên cơ sở nền tảng “thế trận lòng dân” vững chắc là vấn đề căn cốt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận chiến tranh nhân dân và vận dụng vào địa phương, đơn vị mình một cách sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Trong đó, cần coi trọng công tác tổ chức xây dựng, bố trí lực lượng, huấn luyện, diễn tập bằng các phương án; thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra. Đặc biệt, trên những hướng trọng điểm biên giới, cần chủ động quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ quan trọng. Đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, nhằm thực hiện tốt phương châm “xã giữ vững xã, huyện giữ vững huyện, tỉnh giữ vững tỉnh”, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ địa phương và đất nước.

Những chiến công hào hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc của lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã tô thắm thêm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của “Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội Tây Nam Bộ” và là động lực tinh thần to lớn để xây dựng Đảng bộ Quân khu trong sạch, vững mạnh, lực lượng vũ trang Quân khu “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN HOÀNG THỦY, Tư lệnh Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)