Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:42 (GMT+7)
Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ để lại những trang lịch sử đen tối về một đất nước bị tàn phá tan hoang và một dân tộc bị sát hại đến cùng cực. Chính phủ và nhân dân Campuchia cùng dư luận thế giới đòi hỏi phải đưa ra ánh sáng công lý những tội ác diệt chủng, chống lại loài người của bọn cầm đầu chế độ Campuchia Dân chủ. Những tên đồ tề Khmer Đỏ cùng những thế lực hậu thuẫn của chúng ra sức chối tội, tìm mọi cách ngăn cản việc vạch trần tội ác khủng khiếp do bọn chúng gây nên. Nhưng cuối cùng, Tòa án quốc tế xét xử tội ác của Khmer Đỏ đã được thành lập, viết tắt là ECCC (Extraordinary Chambers in the Courts of Cambodia). Đây là tòa án đặc biệt do Liên hợp quốc và Chính phủ Campuchia lập ra từ năm 2006, nhằm xét xử tội ác diệt chủng do tập đoàn lãnh đạo Khmer Đỏ gây ra. Hơn 10 năm sau, vào tháng 11-2018, Tòa án đã đưa ra bản phán quyết cuối cùng và tuyên án những tên đầu sỏ của chế độ Campuchia Dân chủ.
Nhiệm vụ của Toà án là xem xét những vi phạm nghiêm trọng luật hình sự, bộ luật nhân quyền quốc tế và phong tục tập quán của Campuchia cùng những vi phạm các công ước quốc tế đã từng xảy ra trong khoảng thời gian Khmer Đỏ cầm quyền (từ ngày 17-4-1975 đến ngày 06-01-1979). Điều này bao gồm các tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh và diệt chủng. Qua đó cung cấp căn cứ pháp lý cho những công dân là nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ trong cuộc đấu tranh giành lại quyền con người và các quyền lợi khác.
Hơn một thập kỷ xét xử
Quá trình xét xử Khmer Đỏ liên tục gặp trắc trở do các vấn đề về thủ tục, bảo lãnh, kháng cáo và nguồn kinh phí cung cấp cho hoạt động của Tòa án. Cũng không thể không đặt câu hỏi về ý đồ của một số thế lực bên ngoài đã từng tiếp tay cho tội ác không muốn bị phanh phui trước dư luận thế giới. Nhiều ý kiến lo ngại do tuổi cao, các bị cáo có thể sẽ chết trước khi tòa tuyên án. Trong số những tên cầm đầu Khmer Đỏ có Pol Pot, nắm chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Campuchia (CPK) từ năm 1963. Trong giai đoạn cuối của Khmer Đỏ, y đã chết trong rừng vào tháng 4-1998, trước khi bị đưa ra xét xử và tuyên án.
Đợt xét xử thứ nhất được tiến hành vào ngày 17-2-2009. Kaing Guek Eav có biệt danh Duch, 66 tuổi là bị cáo đầu tiên của chế độ Khmer Đỏ bị đưa ra xét xử, và bị kết án 30 năm tù. Ngày 3-2-2012, trong phán quyết phúc thẩm cuối cùng, Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã nâng mức án thành tù chung thân đối với Kaing Guek Eav. Ông Kong Srim, người đứng đầu Phòng xử án tối cao (cơ quan phúc thẩm cao nhất của ECCC) khi đó đã nhấn mạnh tội ác của "Duch" nằm trong số những tội ác ghê tởm nhất trong lịch sử nhân loại và đáng phải chịu mức án cao nhất có thể.
Kaing Guek Eav là kẻ đứng đầu ngành an ninh của Khmer Đỏ, chỉ huy Trung tâm an ninh S-21, thường gọi là nhà tù Tuol Sleng tại Phnom Penh trong bốn năm, sau khi Khmer Đỏ lên cầm quyền. Y đã trực tiếp giám sát và chỉ đạo việc tra tấn có hệ thống khoảng 17.000 tù nhân (có tài liệu nêu con số 20.000) bằng những cách thức man rợ nhất. Các dấu vết cùng hiện vật lưu giữ và trưng bày tại nhà tù Tuol Sleng (từng là trường học trước khi bị Khmer Đỏ biến thành nhà tù), nay là Bảo tàng Diệt chủng đã nói lên tội ác khủng khiếp, không thể chối cãi của chế độ Khmer Đỏ.
Đợt xét xử thứ hai được tiến hành ngày 27-6-2011, kéo dài bốn ngày. Bốn can phạm là Nuon Chea, 86 tuổi, Phó Tổng bí thư CPK; Khieu Samphan, 80 tuổi, cựu Chủ tịch nước; Ieng Sary, 86 tuổi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và vợ của y là Ieng Thirith, 79 tuổi, cựu Bộ trưởng Hoạt động xã hội. Cả bốn bị can xuất hiện trước tòa đều là những nhân vật lãnh đạo CPK, chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của chế độ Khmer Đỏ. Nhưng sau đó, việc khởi tố Ieng Thirith bị đình chỉ vì thị mắc bệnh mất trí nhớ, không thể ra hầu tòa, sau đó qua đời năm 2015. Chồng của thị là Ieng Sary cũng đã chết vào năm 2013.
Trong đợt xét xử thứ hai này, Hội đồng xét xử giới hạn các vấn đề đưa ra nhằm vào các tội ác chống lại loài người, gồm cuộc di dân Phnom Penh ngày 17-4-1975 (giai đoạn 1), quá trình di dân các vùng khác của Campuchia từ tháng 9-1975 đến tháng 12-1977 (giai đoạn 2), và các cáo buộc liên quan đến việc hành quyết các quan chức thuộc chính quyền Cộng hòa Khmer tại Toul Po Chrey. Hội đồng xét xử xác định các tội ác chống lại loài người, vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva (năm 1949) và tội ác diệt chủng đã diễn ra tại một số hợp tác xã, công trường, Trung tâm an ninh S-21 và nhà tù Choeung Ek, nhằm vào các nhóm người Chăm, người Việt, các Phật tử và cựu quan chức của chế độ Cộng hòa Khmer.
Đợt xét xử thứ ba bắt đầu từ ngày 17-10-2014, kéo dài trong 24 tháng. Hội đồng đã nghe lời khai của 185 cá nhân, bao gồm 114 nhân chứng, 63 nhóm dân sự và tám chuyên gia. Gần 5.000 tài liệu chứng cứ đã được kiểm tra và ghi nhận với tổng số 82 nghìn trang giấy. Nếu tính cả hồ sơ những lần trước, số tài liệu chứng cứ lên tới 304 nghìn trang. Phiên tòa kết thúc ngày 11-01-2017 sau 274 ngày xét xử.
Hai bị cáo chính trong các phiên tòa đợt này là Nuon Chea đã từng là Phó Tổng bí thư CPK, Chủ tịch Quốc hội, có lúc là Thủ tướng lâm thời; Khieu Samphan, Ủy viên Thường vụ CPK, Chủ tịch nước Campuchia Dân chủ. Đó là những kẻ chịu trách nhiệm chính về những tội ác của Khmer Đỏ trong sự câu kết với Pol Pot - Tổng bí thư CPK. Với mục tiêu bảo vệ chế độ Khmer Đỏ, chúng đề ra năm chính sách, gồm: Di dân liên tục từ thị trấn, thành phố tới khu vực nông thôn, cũng như từ vùng nông thôn này sang vùng nông thôn khác; Thành lập và điều hành các hợp tác xã và công trường; Thành lập và vận hành các Trung tâm an ninh và các địa điểm hành quyết; Nhằm mục tiêu tấn công vào các nhóm người Chăm và người Việt Nam, các nhóm Phật tử và cựu quan chức chế độ Cộng hòa Khmer cùng gia đình và thân nhân của họ; Thực hiện chính sách hôn nhân cưỡng bức.
Thi hành những chính sách trên, bè lũ cầm đầu Khmer Đỏ phải chịu trách nhiệm về sự chỉ đạo và trực tiếp nhúng tay vào các tội ác chống lại loài người, vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva.
Luận tội bè lũ diệt chủng
Để đưa ra Bản án dành cho bè lũ cầm đầu Khmer Đỏ, Hội đồng xét xử đã phân tích từng mặt hoạt động của chúng, dựa trên các nét chính như sau:
Giới cầm quyền Khmer Đỏ đã tiến hành cuộc tấn công trên diện rộng về phạm vi địa lý và về số lượng nạn nhân, có quy mô lớn và có hệ thống nhằm vào thường dân Campuchia bằng nhiều hình thức như nô dịch, di dân cưỡng bức, giết người, diệt chủng, bắt cóc thủ tiêu, chà đạp nhân phẩm và đàn áp chính trị. Nhiều Trung tâm An ninh được thành lập ở các nơi, điển hình là Trung tâm An ninh S-21 (nhà tù Tuol Sleng), là nơi giam giữ những người bị coi là chống lại Angkar (tổ chức). Các tù nhân bị thẩm vấn, tra tấn bằng những biện pháp rất dã man, bị còng tay, bịt mắt, xích chân, bị đánh bằng gậy gộc, roi da, sốc điện và nhiều dụng cụ khác… Xác tù nhân bị ném xuống những cái hố chôn chung, lấp cạn. Chỉ tính riêng ở Trung tâm An ninh S-21 (nhà tù Tuol Sleng) đã có ít nhất 11.742 tù nhân chịu chung số phận như vậy.
Chính sách thành lập và vận hành các hợp tác xã và các công trường trong thời kỳ Campuchia Dân chủ được coi là công cụ chính để tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp và tạo nên một lực lượng lao động sản xuất từ những người bị kiểm soát chặt chẽ. Họ là những người dân bị dồn từ các thị trấn, thành phố về, phải lao động cưỡng bức trong môi trường bị đe dọa, bị hành hạ, thiếu lương thực và thậm chí bị chết đói hoặc chết vì đuối sức, bệnh tật. Người dân bị hạn chế di chuyển, bị tước bỏ mọi hoạt động tôn giáo, phải tham gia các buổi họp mang tính chất vạch tội lẫn nhau. Họ sống trong sợ hãi, luôn bị đe dọa gửi đi cải tạo hoặc đột nhiên mất tích. Mọi ý kiến khác biệt đều bị coi là chống lại Angkar, và bị trừng phạt, đánh đập, thậm chí bị giết hại ngay trước mặt mọi người.
Giới cầm quyền Khmer Đỏ thi hành chính sách phân biệt chủng tộc và tôn giáo rất nặng nề bằng những biện pháp khắc nghiệt, chĩa mũi nhọn vào các cộng đồng người Chăm, người Việt, đàn áp các Phật tử và các cựu quan chức, quân nhân của chế độ Cộng hòa Khmer.
Trong đó, do sự khác biệt về chủng tộc và tôn giáo, lại thêm sự chống đối chính sách tàn bạo của chính quyền Khmer Đỏ, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi ở miền đông (Campuchia) bị đối xử tàn tệ nhất. Họ bị di cư cưỡng bức, phân tán vào các làng xã Khmer để phá tan mối liên hệ chủng tộc. Họ bị cấm cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo, cấm nói tiếng dân tộc … và tàn bạo hơn cả, họ đứng trước nguy cơ bị đánh đập và giết hại vì bất cứ lý do gì.
Cộng đồng người Việt Nam là nhóm đối tượng thứ hai bị giới cầm quyền Khmer Đỏ thi hành chính sách phân biệt chủng tộc tàn ác. Trong hai năm 1977 và 1978, nhiều vụ sát hại các cộng đồng thường dân Việt Nam đã xảy ra ở vùng biển Campuchia, ở Svay Riêng, Kampong Chnang, Siamreap, Kratie… Những vụ giết người có chủ ý này diễn ra trên quy mô lớn, được tổ chức có hệ thống và có sự chỉ đạo sát sao của bè lũ cầm đầu. Trong các Trung tâm an ninh, tù nhân người Việt không có bất cứ biện pháp nào để tự bảo vệ, họ bị tước quyền bào chữa và buộc phải nhận tội là gián điệp, là kẻ thù và cuối cùng đều bị xử tử. Bản phán quyết của Toàn án ECCC nhận định, “cho đến cuối năm 1976, người Việt Nam bị trục xuất nhưng từ tháng 4-1977 họ là nạn nhân của chính sách diệt chủng”.
Đại đa số người dân Campuchia theo đạo Phật, các chùa chiền Phật giáo là một nét đẹp trong nền văn hóa của đất nước Chùa Tháp. Nhưng chính quyền Khmer Đỏ ra lệnh cấm các hoạt động tôn giáo, nhiều biểu tượng đạo Phật bị phá hủy, các nhà sư bị khinh miệt, phải hoàn tục và lao động bắt buộc trong các công trường hay hợp tác xã. Chính quyền Khmer Đỏ đã phạm tội ác chống lại loài người vì lý do tôn giáo mà nạn nhân chủ yếu là các nhà tu hành và các Phật tử.
Các cựu viên chức và sĩ quan dưới chế độ Cộng hòa Khmer đều bị tập trung lao động tại các công trường và hợp tác xã. Họ bị sàng lọc qua các bản tự kê khai, nhiều người phải nhận tội làm gián điệp, bị tra tấn đến chết hoặc bỗng nhiên bị mất tích. Những người trong gia đình họ cũng chịu chung số phận.
Khác với truyền thống hôn nhân tự nguyện với vai trò của gia đình và dòng họ, chính quyền Khmer Đỏ thực hiện chính sách hôn nhân cưỡng bức theo sự sắp xếp của Angkar, không tính đến ý nguyện riêng của các đôi nam nữ. Họ buộc phải kết hôn theo chỉ thị và sinh con cái với mục đích tăng nhanh dân số trong vòng 10 - 15 năm. Do vậy, các cá nhân kết hôn trong bầu không khí sợ hãi bị trừng phạt. Sau nghi lễ đám cưới, chính quyền sắp xếp cho họ ngủ ở một địa điểm dưới sự kiểm soát của dân quân. Trong nhiều trường hợp do bị ép buộc, họ không muốn có quan hệ tình dục thì lập tức được “giáo dục lại”, bị đe dọa hoặc bị trừng phạt đến chết.
Hội đồng xét xử của ECCC nhận định, chính sách cưỡng hôn và cưỡng hiếp trong bối cảnh hôn nhân bắt buộc dưới thời thống trị của Khmer Đỏ là tội ác của các hành vi vô nhân đạo chống lại loài người.
Tuyên án
Cuối cùng, sau hơn một thập kỷ xét xử, tại phiên tòa thứ tư, ngày 16-11-2018, Phán quyết của Tòa đã được công bố tại phòng xử án chính của ECCC ở Phnom Penh. Từ việc phân tích các hành động của Nuon Chea và Khieu Samphan trong thời kỳ thống trị của Khmer Đỏ, Hội đồng xét xử đã kết luận những vi phạm pháp luật của bọn chúng, bao gồm:
Bè lũ cầm đầu Khmer Đỏ đã thực hiện các tội ác chống lại loài người, bao gồm giết người, diệt chủng, trục xuất, nô dịch, tù đày, tra tấn, đàn áp chính trị, tôn giáo và chủng tộc, và những hành vi vô nhân đạo khác thông qua việc chà đạp nhân phẩm, bắt cóc thủ tiêu, di dân cưỡng bức, cưỡng hôn và cưỡng hiếp trong bối cảnh hôn nhân bắt buộc.
Thực hiện tội ác diệt chủng bằng cách giết các thành viên của nhóm sắc tộc, quốc gia và chủng tộc Việt Nam.
Vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva về tội giết người, tra tấn, đối xử vô nhân đạo, cố tình gây đau khổ hoặc tổn thương nghiêm trọng cơ thể hoặc sức khỏe, tước quyền được xét xử công bằng, thường xuyên và giam cầm bất hợp pháp đối với những người được bảo vệ theo Công ước Geneva tại Trung tâm an ninh S-21;
Trợ giúp và xúi giục tội ác chống lại loài người có tính chất cố ý tại các hợp tác xã, các công trường, khuyến khích và trợ giúp về mặt tinh thần, thúc giục bọn tay sai thực hiện các chính sách của giới lãnh đạo… Những hoạt động đó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thực hiện tội phạm.
Nuon Chea và Khieu Samphan là những nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của Khmer Đỏ, đã cùng Pol Pot thực thi quyền quyết định cuối cùng, có quyền kỷ luật các thành viên không tuân thủ sự chỉ đạo. Cho nên bọn chúng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với tư cách là cấp trên đối với việc thực thi các chính sách của Khmer Đỏ. Từ những căn cứ đó, Hội đồng xét xử đã tuyên án chung thân đối với Nuon Chea và Khieu Samphan.
***
Phải 40 năm sau khi chế độ Campuchia Dân chủ sụp đổ, Tòa án quốc tế xét xử những tên cầm đầu Khmer Đỏ mới được tiến hành, và bản cáo trạng mới được công bố. Qua đó, tội ác diệt chủng, chống lại loài người của bè lũ Khmer Đỏ đã bị phơi bày trên những căn cứ pháp lý, những kẻ trùm sỏ đã bị kết án.
Điều đó càng khẳng định rằng, cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam cùng nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ, cùng công cuộc giúp đỡ hồi sinh đất nước Campuchia “từ con số không”, là sự nghiệp chính nghĩa và nhân đạo.
Cuối cùng, chân lý đã sáng tỏ, lương tri nhân loại đã giành được thắng lợi. Bài học về sự cảnh giác đối với tội ác diệt chủng vẫn mang ý nghĩa thực tiễn trong phạm vi khu vực và trên bình diện thế giới.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân VŨ DƯƠNG NINH
Nguồn: nhandan.com.vn
Chiến thắng của Chân lý,lương tri loài người,chế độ diệt chủng,Khmer Đỏ
Campuchia kỷ niệm trọng thể 40 năm ngày lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ 08/01/2019
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng 07/01/2019
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam 07/01/2019
Điện mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cam-pu-chia 07/01/2019
Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Cam-pu-chia - điểm sáng của lực lượng vũ trang Quân khu 7 07/01/2019
Nghệ thuật tạo lập thế trận trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc 07/01/2019
Kinh nghiệm xây dựng thế trận trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hướng kế thừa, phát triển 07/01/2019
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam - bài học cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước 05/01/2019
Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (07-01-1979 – 07-01-2019) 05/01/2019
Biểu tượng cao đẹp của quan hệ hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa hai dân tộc Việt Nam – Cam-pu-chia 05/01/2019