QPTD -Thứ Hai, 07/01/2019, 07:59 (GMT+7)
Nghệ thuật tạo lập thế trận trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc

Cách đây 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả. Thắng lợi đó đã để lại nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự, trong đó nổi bật là nghệ thuật tạo lập thế trận.

Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa. Từ lâu, nhân dân hai nước đã xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết, kề vai sát cánh chống kẻ thù chung để giành độc lập, tự do cho mỗi dân tộc. Tuy nhiên, do bị các thế lực phản động, thù địch nước ngoài kích động, những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân Pôn Pốt đã tiến hành một số vụ bắt cóc, giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Cam-pu-chia, gây chia rẽ và làm tổn hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc. Đặc biệt, sau khi nắm quyền lãnh đạo đất nước Cam-pu-chia, chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xari đã lộ rõ bản chất phản động, dã man và tàn bạo. Một mặt, chúng thi hành chính sách diệt chủng tàn khốc ở trong nước; mặt khác, công khai phản bội trắng trợn tình đoàn kết truyền thống giữa hai dân tộc, thực thi chính sách đối ngoại hiếu chiến và liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ phía Tây Nam nước ta1. Về phía ta, sau khi đất nước giải phóng, khát vọng lớn lao của nhân dân Việt Nam là hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Song, trước mưu đồ đen tối và những hành động xâm lược vô cùng tàn bạo của chính quyền và quân đội tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, quân và dân Việt Nam buộc phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; đồng thời, cùng quân dân Cam-pu-chia đập tan chế độ độc tài, diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân. Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc (07-01-1979) đã để lại nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự; trong đó, nghệ thuật tạo lập thế trận được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau.

Một là, tích cực xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ biên giới, từng bước giành quyền chủ động, thực hành phản công giành thắng lợi. Bất chấp Công ước quốc tế và thiện chí hòa bình của Việt Nam, đêm 30-4-1977, quân Pôn Pốt bất ngờ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước hành động bạo ngược, cướp phá, giết hại dân ta hết sức man rợ của địch, ngày 23-5-1977, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang phía Nam: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Cam-pu-chia vào lãnh thổ ta”2. Bộ Tổng Tham mưu nhanh chóng chỉ đạo Quân khu 5, 7, 9 củng cố trận địa phòng thủ trên toàn tuyến biên giới; kịp thời điều chỉnh lực lượng các quân chủng, binh chủng, sẵn sàng đánh địch trên các hướng, giành quyền chủ động trong tác chiến bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các quân khu phía Nam đã cùng với từng địa phương tập trung giáo dục, tuyên truyền cho lực lượng vũ trang và nhân dân xác định rõ đối tượng tác chiến, nhận diện âm mưu, bản chất của kẻ thù; tổ chức phát triển lực lượng tại chỗ chiến đấu bảo vệ địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng làng, bản, ấp, xã chiến đấu; tiến hành truy quét, triệt phá các tổ chức phản động nội địa, không để chúng phối hợp với bên ngoài. Trên tuyến biên giới, các đơn vị và địa phương tăng cường củng cố, xây dựng trận địa phòng ngự; tích cực tận dụng kênh rạch, mương máng, đắp những dải đất nổi, tổ chức rào lấp biên giới, bố trí hệ thống vật cản hiểm hóc3 hình thành thế trận phòng thủ, phòng ngự liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, nhằm ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt, đẩy lùi các đợt tiến công, lấn chiếm của quân Pôn Pốt, hạn chế khả năng luồn lách phân đội nhỏ của địch tập kích các khu vực dân cư, phá hoại sản xuất kinh tế, giao thông của ta. Để thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược của Đảng, Bộ Quốc phòng đã kịp thời tăng cường lực lượng cơ động chiến lược phối hợp với các quân khu phía Nam đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch trên khu vực biên giới, giành lại địa bàn bị lấn chiếm; chủ động mở chiến dịch phản công trên các hướng đường số 07, 01, 02, truy kích quân Pôn Pốt, đánh thiệt hại 05 sư đoàn, làm phá sản kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.

Như vậy, dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu do hành động liều lĩnh, manh động của địch cũng như việc quán triệt ý định chiến lược trong thế trận phòng thủ biên giới chưa sâu, song về căn bản, ta đã giữ vững địa bàn, bảo vệ được nhân dân dọc biên giới, kết hợp vừa tác chiến, vừa xây dựng lực lượng, thế trận vùng biên giới. Tích cực vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, biện pháp tác chiến, đánh địch từ xa tới gần, đánh địch ngay khi chúng chuẩn bị tiến công, đánh bại các đợt tiến công của địch từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, gây cho chúng nhiều tổn thất. Qua đó, giành lại thế chủ động, củng cố công sự, trận địa phòng ngự; điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các hướng, hình thành thế trận bảo vệ biên giới vững chắc, sẵn sàng cho các hoạt động phản công, tiến công giành thắng lợi.

Hai là, nắm chắc thời cơ, chủ động chuyển hóa thế trận linh hoạt từ phòng ngự, phản công sang tiến công, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế. Sau khi ta sử dụng một số sư đoàn chủ lực cơ động đánh lui quân Pôn Pốt ra khỏi biên giới và truy kích sâu vào căn cứ xuất phát tiến công, tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm chúng suy yếu, buộc phải rút quân về phòng thủ trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Với đòn quân sự này, ta đã giành được thế có lợi, tạo bàn đạp cho các đơn vị chủ lực tiếp tục triển khai lực lượng để đẩy mạnh hoạt động tác chiến bảo vệ biên giới. Cùng với đó, sau cuộc nổi dậy của lực lượng cách mạng Cam-pu-chia ở Quân khu Đông đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ chống chế độ độc tài phát xít trên khắp nước Bạn. Ở nhiều nơi quan trọng, lực lượng nổi dậy lập được căn cứ, phát triển lực lượng vũ trang. Trong khi đó, việc nghi ngờ, thanh trừng lẫn nhau khiến tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari bị phân hóa nghiêm trọng; quân đội của chúng bị phân tán do vừa phải chống đỡ trước sức mạnh phản công của ta trên khu vực biên giới, vừa phải đối phó với lực lượng cách mạng Cam-pu-chia nổi dậy ở khắp nơi. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, nắm chắc thời cơ chiến lược, ta đã kịp thời điều chỉnh Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 trên hướng Tây Ninh tăng cường Quân đoàn 2 (thiếu) trên hướng Quân đoàn 9; điều Sư đoàn 5 (Quân khu 7) lên chiến đấu ở Bắc Kà Tum; chuyển một số đơn vị đang xây dựng kinh tế sang sẵn sàng chiến đấu, đứng chân trên các khu vực trọng điểm ở biên giới Tây Nam. Bộ Tư lệnh Công an vũ trang cùng với lực lượng vũ trang tại chỗ ở các vùng biên giới cũng điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, tăng cường củng cố, xây dựng trận địa và các công trình phòng thủ trên dọc tuyến biên giới. Cùng với tăng cường lực lượng của Bộ, Tổng cục Hậu cần triển khai hệ thống kho tàng thiết yếu bảo đảm yêu cầu chiến đấu; các binh chủng nhanh chóng triển khai một số đơn vị chiến đấu trên các hướng; mạng thông tin liên lạc từ các quân khu, quân đoàn đến các đồn, chốt biên giới được tăng cường lực lượng, phương tiện, v.v. Đây là sự chuyển hóa thế trận rất kịp thời, linh hoạt, nhằm tạo ra thế và lực tổng hợp, đánh địch có hiệu quả trên các hướng. Nhờ thế trận đó, ta đã chủ động đánh bại nhiều đợt tấn công quy mô lớn của địch trên toàn tuyến biên giới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ba là, kết hợp chặt chẽ thế tiến công của lực lượng vũ trang ta và Bạn với nổi dậy của quần chúng nhân dân Cam-pu-chia, tạo sức mạnh trong tổng phản công địch, giành thắng lợi. Đặc điểm cơ bản cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc chính là sự kết hợp giữa chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta với chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Cam-pu-chia. Chính vì thế, ngay sau khi xác định tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari là đối tượng tác chiến của Quân đội ta, Đảng ta đã nhận định chính xác rằng, nếu không đánh đổ tận gốc tập đoàn phản động này thì không chỉ cách mạng Cam-pu-chia gặp tổn thất, mà an ninh của đất nước ta sẽ thường xuyên bị xâm hại. Điều đó có nghĩa là, để giải quyết tận gốc cuộc chiến tranh này, chúng ta vừa phải thực hiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vừa phải làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương đó, đòi hỏi phương thức tiến hành chiến tranh nói chung, thế trận đánh địch nói riêng phải được vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo. Theo đó, khi đánh địch xâm lược nước ta, cần phải dùng lực lượng quân sự (là chủ yếu) để đánh đuổi chúng ra khỏi biên giới. Nhưng khi làm nhiệm vụ quốc tế, phải phối hợp chặt chẽ với nổi dậy của quần chúng nhân dân nước Bạn, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh thắng địch. Đây là một trong những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự trong tổng thể cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình, quân và dân ta vừa tích cực xây dựng thế trận phòng ngự - phản công, đánh bại các đợt tiến công xâm lược của địch, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của đất nước, vừa chủ động triển khai giúp cách mạng Cam-pu-chia trên các lĩnh vực, tạo thế trận vững chắc tại chỗ để tiến công, làm suy yếu tập đoàn Pôn Pốt. Chỉ tính riêng từ tháng 5 đến tháng 11-1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia phát triển được 15 tiểu đoàn, 05 khung tiểu đoàn, hàng chục đội công tác cùng các tổ chức đảng, cơ sở chính trị phát triển rộng khắp, v.v. Nhờ đó, ngày 02-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia được thành lập và công bố cương lĩnh cách mạng 11 điểm. Trong đó, nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân; đồng thời, khẳng định tình đoàn kết, cùng chiến đấu với nhân dân Việt Nam chống kẻ thù chung.

Nét đặc sắc của nghệ thuật tạo lập thế trận chiến tranh còn được thể hiện, trong quá trình phản công, tiến công, ta hết sức chú trọng củng cố lực lượng, xây dựng cơ sở địa bàn để Bạn tự đứng vững, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lâu dài. Thực tiễn chiến tranh cho thấy, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia và trên nền tảng thế trận chính trị, quân sự, ngoại giao,… liên hoàn, vững chắc, lực lượng vũ trang ta đã phối hợp cùng quân dân Cam-pu-chia mở cuộc tổng phản công, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn phản động Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng bạo tàn nhất trong lịch sử loài người, làm hồi sinh đất nước Chùa Tháp.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nghệ thuật tạo lập thế trận trong chiến tranh bảo vệ ở biên giới Tây Nam Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn sâu sắc, cần được kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Đại tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG, Phó Viện trưởng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
______________

1 - Tháng 5-1975, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã cho quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc, Thổ Chu, lấn chiếm biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Cuối tháng 4-1977, địch ồ ạt tiến công đánh chiếm một số địa bàn quan trọng trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Cuối năm 1978, chúng điều động 19/20 sư đoàn bộ binh tiến công vào lãnh thổ Việt Nam và tàn sát nhiều người dân vô tội.

2 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Việt Nam thế kỷ XX - Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, H. 2001, tr. 532.

3 - Đến tháng 10-1978, trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, ta đã đắp lũy các loại được 422km (trong tổng số 1.205km); đào được 184.339m chiến hào, giao thông hào; xây dựng thêm 26 điểm tựa, cụm điểm tựa; bố trí 54.932 quả mìn, cắm được khoảng 22.500.000 cây chông tre; đặt trên 1.600.000 bàn chông sắt.

Ý kiến bạn đọc (0)