Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:19 (GMT+7)
40 năm trước, lịch sử nhân loại đã ghi nhận một sự kiện đặc biệt, có lẽ duy nhất trên thế giới, trong quan hệ giữa hai dân tộc, hai nước: Việt Nam – Cam-pu-chia. Với sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Quân tình nguyện đã giúp nhân dân Cam-pu-chia giải phóng, thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng-Xary, khôi phục đời sống xã hội, làm hồi sinh đất nước Ăng-co tươi đẹp.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ (17-4-1975), nhân dân Cam-pu-chia đang tràn đầy niềm tin hướng tới cuộc sống trong độc lập, hòa bình, xây dựng đất nước phát triển, nhưng đã bị chính quyền Pôn Pốt phản bội, tước đoạt, với cách thức tổ chức đời sống xã hội, sản xuất kỳ dị. Pôn Pốt chủ trương xây dựng xã hội: không chợ, không tiền, không trường học, không trí thức, không tôn giáo, không đô thị. Chúng buộc tất cả nhân dân phải rời khỏi thành phố về vùng nông thôn, sống tập trung trong những trại lao động tập thể, đàn ông ở riêng, đàn bà ở riêng, đồ dùng sinh hoạt, lao động bằng những thứ rất thô sơ, như: gáo dừa thay cho bát ăn, cuốc ruộng thay cho máy móc, kéo cày thay cho gia súc, v.v. Hơn thế, chúng còn tiến hành thảm sát, gây ra nạn diệt chủng khủng khiếp đối với dân tộc mình. Người dân không có quyền nói, phải cúi đầu tuân lệnh Ăngka và hồi hộp, lo âu, chờ đợi cái chết đến với mình bất cứ lúc nào. Theo thống kê của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, trong thời gian Pôn Pốt cầm quyền, chúng đã giết hại gần 3 triệu người dân vô tội, trong đó nhiều người là đảng viên, cán bộ quân đội, trí thức, bác sĩ, văn nghệ sĩ; phá hủy nhiều trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà chùa, v.v.
Đối với Việt Nam, tập đoàn phản động Pôn Pốt đã chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc. Khi miền Nam vừa được giải phóng, nhân dân ta đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, thì chúng đã tiến hành những hoạt động quân sự chống phá nước ta, mở đầu là đổ quân vào đảo Phú Quốc, rồi đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt đi và thủ tiêu 500 dân thường. Đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 2 năm giải phóng miền Nam (30-4-1977), quân Pôn Pốt đã đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia. Từ tháng 5-1975 – 3-1978, chúng đã giết hại và làm bị thương hơn 10.000 dân thường Việt Nam; hàng ngàn trường học, bệnh viện, nhà cửa, ruộng vườn, trâu, bò, bị chúng cướp, phá, đốt sạch.
Thời điểm đó, Việt Nam mặc dù có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt quân xâm lược, nhưng xuất phát từ truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, nên Đảng, Nhà nước ta đã kiên trì tìm cách cứu vãn hòa bình. Song, tập đoàn Pôn Pốt đã cự tuyệt, đẩy mạnh lấn chiếm biên giới, tàn sát đồng bào ta, công khai thực hiện chính sách thù hận đối với Việt Nam.
Trước nguy cơ dân tộc bị diệt vong và thấy rõ bản chất của chính quyền Pôn Pốt, nhiều cán bộ, đảng viên cộng sản chân chính, những người con ưu tú của nhân dân Cam-pu-chia đã chọn Việt Nam là nơi đặt niềm tin, địa bàn để xây dựng Đảng Nhân dân và thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia. Đồng thời, chính thức đề nghị Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Ban đầu ta chưa hiểu sự thực những gì đang diễn ra ở Cam-pu-chia, nhưng khi được nghe tiếng nói của những người cách mạng chân chính và ý nguyện của nhân dân Cam-pu-chia; nhất là khi biết được sự thật, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia và với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, ngày 23-12-1978, quân và dân ta đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tấn công toàn tuyến biên giới của quân Pôn Pốt, sau đó chuyển sang phối hợp cùng các lực lượng vũ trang mới được xây dựng của Bạn, đồng loạt tiến công vào sào huyệt của chúng. Sau 25 ngày đêm chiến đấu gian khổ, hy sinh của Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Bạn, chế độ diệt chủng bị đánh bại, lực lượng cách mạng đã làm chủ tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước Cam-pu-chia.
Cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đi tới đâu cũng được nhân dân đón tiếp bằng sự vui mừng khôn xiết; nhiều người, già có, trẻ có, tuy chưa thoát khỏi nỗi kinh hoàng, nhưng sẵn sàng giúp Quân tình nguyện truy đuổi tàn quân Pôn Pốt. Quân tình nguyện Việt Nam rất xúc động trước sự đau khổ cùng cực của nhân dân Cam-pu-chia. Đặc biệt, trước những gì đã xảy ra lại càng thấy khủng khiếp gấp bội, ngoài sức tưởng tượng về sự dã man của chế độ Pôn Pốt. Điều đó càng thôi thúc, nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Chế độ Pôn Pốt tuy đã sụp đổ, nhưng lực lượng còn lại của chúng, một số chạy thoát tản vào rừng núi, một số trà trộn vào dân cư, quay lại phản kích, khủng bố nhân dân, nguy cơ chế độ diệt chủng quay trở lại hằng ngày đè nặng lên tâm lý nhân dân Cam-pu-chia. Do đó, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia đã yêu cầu Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ở lại để giúp Bạn ổn định đời sống, củng cố chính quyền, xây dựng đất nước.
Sau gần 4 năm cầm quyền, với đường lối cực đoan, chính quyền Pôn Pốt đã đẩy đất nước Cam-pu-chia rơi vào tình trạng hoang tàn, vô cùng khó khăn; cơ sở vật chất, phương tiện và công cụ sản xuất bị phá hoại, nạn đói diễn ra rất nghiêm trọng. Vì vậy, một trong những vấn đề cấp bách, cần khẩn trương giải quyết sau giải phóng là khắc phục nạn đói, đưa người dân trở về quê hương, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống xã hội.
Mặc dù vào thời gian này, Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì đất nước và nhân dân Cam-pu-chia, Chính phủ Việt Nam đã mở chiến dịch vận chuyển cứu đói và phục vụ sản xuất nông nghiệp trước mắt cho Cam-pu-chia. Với sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam, nhất là nhân dân của các tỉnh thuộc các quân khu: 5, 7, 9, đã có hàng nghìn tấn lương thực, dụng cụ sinh hoạt, phương tiện sản xuất được vận chuyển sang giúp nhân dân Cam-pu-chia. Quân tình nguyện Việt Nam vừa làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt, bảo vệ người dân, vừa tham gia vận chuyển cứu đói, giúp chính quyền các cấp tổ chức, vận động nhân dân làm mùa và trồng các loại rau màu, cây lương thực ngắn ngày để giải quyết nạn đói; đồng thời, trực tiếp tham gia sản xuất cùng nhân dân Bạn. Nhờ sự giúp sức của nhân dân Việt Nam, nhất là các chuyên gia và Bộ đội tình nguyện mà nạn đói từng bước được đẩy lùi, đời sống nhân dân Cam-pu-chia dần ổn định ngay trong những ngày đầu, tháng đầu được giải phóng.
Cùng với đó, Quân tình nguyện sử dụng mọi phương tiện vận chuyển, đưa người dân đang chịu cảnh màn trời, chiếu đất trở về quê sinh sống. Đối với những nơi chưa có điều kiện, ta động viên bà con tạm ở lại làm ăn, khi tình hình cho phép sẽ đưa họ trở về quê hương. Các đơn vị Quân tình nguyện còn cùng chuyên gia y tế giúp nhân dân vệ sinh thôn, bản, phố phường, phòng chống dịch bệnh, kịp thời khắc phục dịch bệnh hoành hành khắp nơi; từng bước khôi phục hệ thống chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Cứu đói, chữa bệnh, cấp con giống giúp dân phát triển sản xuất tưởng như là việc bình thường, nhưng ở vào thời điểm mà mọi sức lực của người dân Cam-pu-chia đã cạn kiệt, trong khi kẻ thù ra sức gieo rắc tâm lý hoang mang, thù địch và tìm mọi cách chia rẽ, thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, hoạt động của các đội công tác vô cùng nặng nề và nguy hiểm, thì những thành công trên đã minh chứng cho tinh thần quốc tế, tình đoàn kết, hữu nghị trong sáng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vấn đề quan trọng là giúp Bạn xây dựng lực lượng vũ trang, hệ thống chính quyền, tiến tới tự bảo vệ, quản lý, xây dựng đất nước. Theo đó, lúc đầu ta đưa Bạn vào các đơn vị của ta để kèm cặp, dìu dắt, sau đó tách ra thành các đơn vị độc lập được trang bị vũ khí, huấn luyện về mọi mặt, đồng thời giúp Bạn xây dựng lực lượng dân quân du kích ở cơ sở. Cùng với đó, ta đã cử nhiều chuyên gia giúp Cam-pu-chia xây dựng hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp và xây dựng các tổ chức: công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên. Nhờ đó, lực lượng cách mạng và vũ trang cách mạng Cam-pu-chia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự bảo vệ, xây dựng đất nước. Đây là cơ sở quan trọng, để theo thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước, năm 1989, Việt Nam rút Quân tình nguyện và chuyên gia về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Hơn 10 năm giúp cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia là quá trình phấn đấu, vượt qua bao gian khổ, khó khăn, thiếu thốn, trong đó hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh, hoặc để lại một phần xương máu trên đất Bạn. Hình ảnh cao đẹp của Quân tình nguyện Việt Nam mãi mãi đọng lại trong trái tim người dân Cam-pu-chia, góp phần tô thắm tình đoàn kết hữa nghị giữa hai quân đội, nhân dân hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia, được nhân dân nơi đây thân thương gọi là “Bộ đội nhà Phật”.
Thắng lợi của Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng đã đánh dấu bước phát triển mới trong bản chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của Quân đội ta. Yếu tố quyết định thắng lợi đó, trước hết là đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh: “giúp bạn là tự giúp mình”; truyền thống đoàn kết của nhân dân Việt Nam với nhân dân Cam-pu-chia; tinh thần chiến đấu, hy sinh của Quân tình nguyện Việt Nam, sự giúp đỡ có hiệu quả của nhân dân và các lực lượng vũ trang Cam-pu-chia trong cuộc chiến đấu chung chống tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary. Thắng lợi này cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng nhân dân Cam-pu-chia trong xây dựng lực lượng, tập hợp quần chúng, đề ra được cương lĩnh, đường lối xây dựng đất nước đúng đắn. Đây cũng là cơ sở để phản bác những quan điểm sai trái, thù địch hòng phủ nhận vai trò của Đảng nhân dân Cam-pu-chia và Quân tình nguyện Việt Nam trong sự kiện ở Cam-pu-chia cách đây 40 năm.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hoàng gia, nhân dân Cam-pu-chia đang giành nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, phồn vinh của dân tộc và đoàn kết, hợp tác quốc tế. Hệ thống chính trị trong nước ngày càng được củng cố vững chắc. Nền kinh tế Cam-pu-chia từ con số không, sau 40 năm đã hồi sinh và phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Cam-pu-chia đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực. Các ngành kinh tế mũi nhọn, như: xuất khẩu hàng dệt may, du lịch, nông nghiệp và xây dựng,… đều có sự phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế. Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những bất ổn, nhưng kinh tế Cam-pu-chia không ngừng phát triển, duy trì mức tăng trưởng bền vững, trung bình đạt 7,7% trong hai thập niên qua. Nhờ đó, đời sống của nhân dân Cam-pu-chia được nâng lên một bước. Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Cam-pu-chia trong năm 2018 - 2019 duy trì mức tăng trưởng trung bình là 7%/năm. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, trách nhiệm của Cam-pu-chia trên trường quốc tế được nâng lên. Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Cam-pu-chia không ngừng được củng cố, phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào sự ổn định của khu vực và trên thế giới.
Kỷ niệm 40 năm Ngày nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt (07-01-1979 – 07-01-2019) là dịp để hai nước cùng ôn lại, trân trọng lịch sử, sát cánh bên nhau anh dũng chiến đấu vì sự hồi sinh của dân tộc, của đất nước Ăng-co tươi đẹp. Vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời. Dù trải qua bao thử thách, cam go, nhưng tình đoàn kết Việt Nam – Cam-pu-chia luôn bền vững như dòng Mê-kông nối liền hai nước. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nhân dân, thế hệ trẻ hai nước hiểu rõ ý nghĩa, giá trị to lớn đó, tiếp tục giữ gìn, phát huy mối quan hệ: Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam – Cam-pu-chia. Việt Nam mãi mãi là người Bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một với nhân dân Cam-pu-chia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
LÊ KHẢ PHIÊU, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
đất nước Cam-pu-chia,diệt chủng Pôn Pốt,sự hồi sinh
Campuchia kỷ niệm trọng thể 40 năm ngày lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ 08/01/2019
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng 07/01/2019
Chiến thắng của Chân lý và lương tri loài người 07/01/2019
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam 07/01/2019
Điện mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cam-pu-chia 07/01/2019
Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Cam-pu-chia - điểm sáng của lực lượng vũ trang Quân khu 7 07/01/2019
Nghệ thuật tạo lập thế trận trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc 07/01/2019
Kinh nghiệm xây dựng thế trận trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hướng kế thừa, phát triển 07/01/2019
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam - bài học cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước 05/01/2019
Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (07-01-1979 – 07-01-2019) 05/01/2019