QPTD -Thứ Sáu, 04/01/2019, 21:23 (GMT+7)
Giúp bạn xóa bỏ chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ khẳng định truyền thống đoàn kết chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia

Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, có những nét tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hai dân tộc cũng đã nhiều lần có kẻ thù chung nên sớm đoàn kết bên nhau cùng bảo vệ độc lập, tự do của mỗi nước.

Đài Hữu nghị Việt Nam Cam-pu-chia ở thủ đô Phnôm Pênh. (Ảnh: TTXVN)

Thật vậy! Khi thực dân Pháp thực hiện cuộc xâm lăng lần thứ nhất, các dân tộc ở bán đảo Đông Dương đã tỏ rõ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc mình cũng như đối với vận mệnh của các dân tộc anh em. Liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung ngay lập tức xuất hiện cùng với cuộc chiến đấu chống xâm lược ở mỗi nước, đáp ứng những đòi hỏi khách quan của lịch sử. Đó là sự hưởng ứng của nhân dân miền Đông Nam Bộ Việt Nam đối với cuộc khởi nghĩa Acha Soa ở Kam-pốt (1864-1866), là khối liên minh chiến đấu Trương Quyền – Pu-côm-pô trên địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, có sự tham gia của nghĩa quân Lào (1866-1867), là sự chia sẻ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc khởi nghĩa của Hoàng thân Xi-vô-tha ở Công-pông Chàm (1855-1891)… vào nửa cuối thế kỷ XIX.

Bước sang những thập niên đầu của thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương có bước phát triển mới. Các xu hướng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản xuất hiện ở Việt Nam; hoạt động chống Pháp mang màu sắc cải lương của Thái tử Yucantor ở Cam-pu-chia. Tuy nhiên, vẫn chưa xây dựng được liên minh giữa hai nước trong chiến đấu chống kẻ thù chung. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung giữa nhân dân ba nước Đông Dương, trong đó có quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Cam-pu-chia mới được xây dựng bền chặt; sự phối hợp đấu tranh giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia ngày càng thể hiện rõ nét. Những thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã cổ vũ nhân dân Cam-pu-chia đứng lên đấu tranh. Ngược lại, các cuộc đấu tranh của nhân dân Cam-pu-chia đã làm gia tăng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương tại đất nước Chùa Tháp và kết nối phong trào đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương cùng chống thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh khó khăn do địch khủng bố, nhiều cán bộ, đảng viên Việt Nam đã tạm lánh sang Cam-pu-chia, được nhân dân nơi đây che chở, đùm bọc. Đồng thời, họ cũng đã hoạt động, xây dựng cơ sở yêu nước và cách mạng ở Cam-pu-chia, đặt tiền đề quan trọng cho bước phát triển sau này.

Tháng 8-1945, nhân dân Việt Nam chớp thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa thành công, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Không chấp nhận thất bại, thực dân Pháp tiến hành cuộc xâm lược Đông Dương lần thứ hai, đặt nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia vào cùng chiến tuyến. Cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung cũng như giải quyết vấn đề nội bộ của phong trào đấu tranh ở mỗi nước đặt ra yêu cầu liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương nói chung, hai nước Việt Nam, Cam-pu-chia nói riêng, nhằm giành độc lập và thống nhất thật sự. Tiêu biểu trong đó là hoạt động phối hợp chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Ít-xa-rắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương trở thành dấu mốc quan trọng trong quá trình củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia. Năm 1960, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố: “Chúng ta hoan nghênh và ủng hộ đường lối hòa bình, trung lập của Cam-pu-chia và sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị với Vương quốc Cam-pu-chia”1. Tiếp đó, tháng 3-1964, trong Báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với Vương quốc Cam-pu-chia, chúng ta luôn chủ trương xây dựng những mối quan hệ láng giềng, hữu nghị. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ thái độ kiên quyết của Chính phủ Cam-pu-chia chống lại sự khiêu khích và đe dọa xâm lược của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Chúng ta đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ và sẵn sàng tham dự hội nghị quốc tế để bảo đảm nền trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Cam-pu-chia do Thái tử Quốc trưởng Xi-ha-núc đề nghị”2. Đáp lại thiện chí và tình cảm của nhân dân Việt Nam, tháng 3-1964, Chính phủ Cam-pu-chia tuyên bố cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Chính quyền Sài Gòn. Đồng thời, cho phép các loại phương tiện vận chuyển vũ khí, vật tư hậu cần, đưa đón người ra vào cảng Xi-ha-núc-vin và cho phép lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam được đứng chân trên vùng biên giới giáp ranh với Việt Nam. Nhờ đó, đến năm 1969, tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn có điều kiện thuận lợi vươn tới vùng Đông Bắc Cam-pu-chia.

Ngày 17-3-1970, Mỹ hậu thuẫn Lon Non – Xi-rích Ma-tắc, tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ của Xi-ha-núc, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa liền ra tuyên bố: “Trên tinh thần tôn trọng đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, nhân dân Việt Nam hết lòng, hết sức ủng hộ nhân dân Khơ-me trong cuộc đấu tranh chính nghĩa cho đến thắng lợi cuối cùng”3. Theo đó, Việt Nam đã làm hết sức mình để giúp bạn xây dựng và phát triển thực lực kháng chiến. Do vậy, lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ngày càng lớn mạnh, vùng giải phóng không ngừng mở rộng, hòa chung vào sự phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập trên bán đảo Đông Dương. Sự cố gắng và hy sinh xương máu của nhân dân ba nước Đông Dương đã có được một kết quả xứng đáng vào mùa Xuân năm 1975. Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia được hoàn toàn giải phóng. Với thắng lợi của ba dân tộc trong một thời gian tương đối gần nhau, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương đã kết thúc vẻ vang. Đây là “thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc”4.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi hai nước hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập đoàn Pôn Pôt – Iêng Xary – Khiêu Săm-phon đã phản bội lại truyền thống đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Cam-pu-chia và xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam. Sự tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt trong một thời gian ngắn đã biến đất nước Chùa Tháp xinh đẹp với nền văn minh Ăng-ko rực rỡ thành đống đổ nát, hoang tàn, chết chóc. Với nước láng giềng Việt Nam đã từng “sớm tối có nhau”, chính quyền Pôn Pốt tiến hành các cuộc xâm lấn, đánh chiếm biên giới trong thời gian dài với cường độ, tần suất ngày càng gia tăng. Hàng loạt các cuộc tàn sát, thảm sát dọc biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia do tập đoàn Pôn Pốt gây ra không chỉ hủy hoại tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở Đông Dương cũng như trong khu vực Đông Nam Á. Hành động ngang ngược của tập đoàn Pôn Pốt đã vượt quá giới hạn, nhưng vì mục tiêu gìn giữ hòa bình, gìn giữ quan hệ láng giềng hòa hiếu, gìn giữ tình hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mong muốn hai bên giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa bình. Nhưng mọi nỗ lực của Việt Nam đều rơi vào vô vọng. Chính quyền Pôn Pốt liên tục khước từ và không ngừng mở rộng phạm vi đánh phá, tiến công các điểm dân cư dọc biên giới hai nước, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Sự áp bức tàn bạo của tập đoàn Pôn Pôt – Iêng Xary đã buộc nhân dân Cam-pu-chia phải nổi dậy hành động quyết liệt. Các cuộc phản kháng nổ ra ở nhiều vùng, miền và ở ngay trong hàng ngũ cán bộ, binh sĩ Quân đội Khơ-me Đỏ. Trước đòi hỏi cấp bách của tình thế, tháng 12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia ra đời. Ngày 26-12-1978, Bộ Chỉ huy Quân đội cách mạng, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia quyết định phát động phong trào nổi dậy của quần chúng; đồng thời, kêu gọi nhân dân Việt Nam giúp đỡ tiêu diệt chế độ diệt chủng, giành chính quyền cho cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia. Đáp lại lời kêu gọi chính đáng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Cam-pu-chia, Quân tình nguyện Việt Nam bao gồm các quân đoàn: 2, 3, 4 và một số đơn vị của các quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân, các quân khu: 5, 7, 9 phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia mở cuộc phản công, tiến công quân Pôn Pốt liên tục, trên nhiều hướng. Ngày 07-01-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, từ ngày 12 đến ngày 17-01-1979, Quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia tiếp tục phối hợp tiến công giải phóng tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng nông thôn rộng lớn. Từ đây, nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và bước vào thời kỳ mới.

Chiến thắng ngày 07-01-1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn đối với vận mệnh của đất nước Cam-pu-chia. Ngày 08-01, Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia được thành lập do ông Hêng Xomrin làm Chủ tịch, tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn Pôt – Iêng Xary, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia. Thắng lợi vĩ đại ngày 07-01-1979 thêm một lần nữa thể hiện truyền thống gắn bó, đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Đây là thắng lợi chung mà nhân dân hai nước đã đoàn kết cùng nhau lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn bạo, cứu đất nước, dân tộc và nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước và nhân dân Cam-pu-chia. Công lao và sự hy sinh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh cao cả đó, đặc biệt là sự giúp đỡ hào hiệp, vô tư của Việt Nam, trực tiếp là Quân tình nguyện Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, khép lại một trang sử đen tối, đau thương, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển. Thắng lợi này một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung và ngày 07-01-1979 tiếp tục trở thành mốc son lịch sử tô thắm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, trong sáng, thủy chung, luôn giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn của hai dân tộc Việt Nam – Cam-pu-chia.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
________
__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 940.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 283.

3 - “Tuyên bố của Chính phủ ta về cuộc đấu tranh yêu nước hiện nay của Cam-pu-chia”, Báo Quân đội nhân dân, số 3178 ngày 26 tháng 3 năm 1970.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 475.

Ý kiến bạn đọc (0)