Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng

QPTD -Thứ Năm, 07/02/2013, 10:21 (GMT+7)
Chuyện về “cái gương”, “cái mẫu”
Tôi có hai người bạn thân từ nhỏ; một người là giáo viên vật lý của một trường trung học phổ thông; còn người kia là sĩ quan chỉ huy ở một đơn vị quân đội. Mặc dù làm công việc khác nhau, nhưng cả ba chúng tôi luôn “tâm đầu ý hợp” mỗi khi có dịp trò chuyện. Trong buổi gặp mặt cuối năm, tôi đề xuất mỗi người phải tự nói một “kỷ niệm sâu sắc” hay “ấn tượng đáng nhớ nhất” trong năm. Hai người đồng ý ngay.

Anh bạn là giáo viên vật lý lên tiếng trước:

- Trong một giờ học môn vật lý, tớ giảng giải kỹ lưỡng về “cái gương” với các em học sinh: “Trên góc độ bộ môn vật lý, “gương” là một vật có mặt nhẵn bóng, có thể phản chiếu ánh sáng được. Về phương diện đồ dùng phục vụ sinh hoạt, “gương” là một cái kính có tráng bạc ở mặt sau dùng để soi. Còn nhìn từ giác độ tâm lý - xã hội, “gương” thường được hiểu là một nhân tố tiêu biểu, điển hình để người khác noi theo. Như vậy, nhìn tổng thể thì “gương” là một cái rất có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người”. Đang lúc hứng thú, tớ giải thích tiếp: “Nếu gương không nhẵn nhụi, bóng bẩy, mịn màng thì không thể phản chiếu được ánh sáng một cách rõ ràng, sắc nét. Cái gương mà chúng ta soi hằng ngày luôn đòi hỏi phải có độ trung thực, chính xác cao về sự phản chiếu. Một cái gương có đủ các phẩm chất: “thật, trong, sáng, sắc, nét” thì chúng ta mới soi vào để biết “mình như thế nào” và cái gương đó mới có giá trị sử dụng tốt. Ngược lại, các loại: gương lệch, gương mờ, gương xạm, gương nhòe, gương thô sẽ khó cho chúng ta một “hình ảnh trung thực” về bản thân mình và không chấp nhận được. Cũng như trong tập thể lớp chúng ta, những học sinh siêng năng, chăm học, chăm làm, biết vâng lời cha mẹ, kính thầy yêu bạn, sống nhân nghĩa, thủy chung với mọi người, thì đó là những tấm gương sáng có sức lan tỏa, thuyết phục đối với mọi người. Còn những học sinh lười nhác trong học tập, tu dưỡng, thiếu ý thức vươn lên, chưa biết khép mình vào khuôn phép, sống thờ ơ với mọi người thì chẳng khác mấy những cái “gương mờ”, ít có giá trị đối với cuộc sống”. Những ánh mắt học sinh trong lớp thể hiện sự thích thú khi nghe giảng hôm đó, tớ nhớ như in.

Tiếp đó, người bạn là sĩ quan chỉ huy đã kể câu chuyện của mình bằng những ngôn từ cũng thú vị không kém:

- Trong huấn luyện một số nội dung quân sự, giáo viên thường sử dụng đội mẫu. Một lần, trước khi vào nội dung chính huấn luyện Điều lệnh đội ngũ, tớ nói với chiến sĩ: “Như chúng ta đã biết, “mẫu” là cái được nêu lên để người ta bắt chước, làm theo. Còn trong cuộc sống, “mẫu” được hiểu là người có những ưu điểm nổi bật so với tập thể hay cộng đồng, đáng để người khác học tập, trân trọng và tôn vinh. Đã là “mẫu” thì bao giờ cũng phải “hoàn chỉnh”. Trong đơn vị chúng ta, một quân nhân được coi là “mẫu” thì phải hội tụ đủ các yếu tố, như: bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; lối sống lành mạnh, trung thực; ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; học tập, lao động và công tác đạt kết quả cao; sống quý nghĩa trọng tình, biết giúp đỡ người khác và có nhiều công lao đóng góp cho sự trưởng thành của đơn vị. Đó là “mẫu người” rất đáng được chúng ta học tập, ngưỡng mộ”. Thật không ngờ, buổi huấn luyện hôm đó đạt kết quả ngoài sự tưởng tượng của tớ.

Đang miên man theo dòng suy nghĩ về những câu chuyện mà các bạn của tôi vừa kể, thì anh bạn giáo viên giục tôi: “Còn cậu, có chuyện gì đáng kể cho chúng tớ nghe không”? Tôi cười và bảo:

- Tớ muốn nói đến từ “gương mẫu”; nhưng may quá, được các bạn phân tích, giải thích rất hay về hai từ “gương” và “mẫu” theo con mắt nghề nghiệp của mình rồi, nên bây giờ tớ chỉ mạo muội nói thêm rằng, đúng là trong cuộc sống, “cái gương” và “cái mẫu” (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) đều rất cần thiết và quan trọng. Sâu xa hơn, phấn đấu trở thành “tấm gương”, “hình mẫu” để mọi người noi theo là yêu cầu không thể thiếu của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Tớ và các cậu mỗi đứa một nghề, song đều là cán bộ, là đảng viên. Vì thế, nếu còn mặt nào khiếm khuyết trong cuộc sống, công tác thì phải cố gắng thành tâm rèn luyện, tu dưỡng, học tập nhiều hơn nữa, để đạt được những tiêu chí cơ bản như “cái gương” và “cái mẫu”, đúng không?

Chúng tôi nhìn nhau cười tán thành và cùng nâng ly chúc mừng cuộc hội ngộ vui vẻ!
 
NGUYỄN VĂN HẢI
 
Ý kiến bạn đọc (0)