Thứ Hai, 25/11/2024, 10:09 (GMT+7)
I. Tổ quốc nhìn từ hướng biển
II. “Căn bệnh” trầm kha và cảnh báo IUU
Nhận thức sâu sắc nguy cơ, tác động tiêu cực của việc khai thác IUU đối với việc bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và sự phát triển bền vững của các quốc gia, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực đối phó với tình trạng này thông qua việc thống nhất ban hành, thực hiện các điều ước quốc tế và cơ chế hợp tác đa phương. Điều đó được thể hiện rõ trong Chương trình hành động quốc tế về ngăn ngừa, chấm dứt, loại bỏ hoạt động khai thác IUU; trong đó đã quy định rõ nội hàm của các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; yêu cầu các quốc gia, tổ chức, cá nhân có hoạt động nghề cá tuân thủ, thực hiện.
Quán triệt, tuân thủ các quy tắc, luật pháp, điều ước quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống nạn khai thác này. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của các lực lượng chức năng với tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xử lý hành chính theo quy định với những chế tài nghiêm khắc. Điển hình như Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản với mức xử phạt lên đến một tỉ đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (tàu cá) đối với hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức Nghề cá khu vực mà không có giấy phép, giấy phép hết hạn, không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận đã hết hạn,... nhằm quản lý, xử lý, khắc phục, giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác IUU. Tuy nhiên, trên thực tế, những nỗ lực đó là chưa đủ để ngăn chặn, chấm dứt vi phạm, thậm chí nạn khai thác IUU trên Biển Đông đang có những diễn biến mới, phức tạp. Đối với Việt Nam, tình trạng khai thác IUU đang diễn ra theo các chiều hướng sau.
Thứ nhất, hoạt động khai thác IUU của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam. Theo quy định hiện hành, hoạt động đánh bắt của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam được điều chỉnh bởi một số văn bản luật, như: Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2019, v.v. Đơn cử, theo quy định tại Điều 55, Luật Thủy sản năm 2017 thì các tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu được cấp phép hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện nhất định, như: thực hiện trên cơ sở thỏa thuận quốc tế; có giấy phép của quốc gia có tàu; có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc có dự án hợp tác do Việt Nam cấp; có thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Bên cạnh đó, Luật Thủy sản còn quy định rõ 14 nhóm hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Mặc dù có quy định pháp lý rõ ràng và được công khai rộng khắp, nhưng nạn khai thác IUU của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam thời gian gần đây vẫn diễn ra thường xuyên, với tính chất, mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đó, hằng ngày, họ tổ chức thành các nhóm tàu, đội tàu, ban ngày kéo lưới khai thác thủy hải sản bình thường trong vùng biển cho phép, chờ màn đêm buông xuống mới thả trôi, xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. Khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, tuyên truyền, xua đuổi thì nhóm tàu này tản ra xa nhau hoặc chia làm nhiều tốp, cơ động theo nhiều hướng để đối phó. Quá trình khai thác thủy sản bất hợp pháp, các tàu nước ngoài thường kéo rèm che kín cửa kính cabin tàu, đóng cửa sổ mạn tàu, chây ỳ, không chấp hành ngay hiệu lệnh của các tàu công vụ Cảnh sát biển Việt Nam. Sau đó, khi có cơ hội, nhất là vào ban đêm tiếp tục di chuyển vào sâu hơn để đánh bắt hải sản trái phép1. Thậm chí, ngay trên ngư trường, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, một số tàu cá nước ngoài còn ngang nhiên tranh giành, đâm va với tàu cá của ngư dân ta, gây thiệt hại cả về tính mạng và tài sản.
Thứ hai, hoạt động khai thác IUU của tàu cá Việt Nam trên vùng biển nước ngoài cũng không kém phần sôi động và diễn biến hết sức phức tạp. Theo phương hướng chung về thực hiện “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” và “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích các địa phương ven biển phát triển đội tàu cá cả về số lượng, chất lượng2, tích cực tham gia khai thác hải sản tại các ngư trường truyền thống, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, do nghiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan (chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan), mà vấn nạn khai thác IUU trở thành “căn bệnh” trầm kha trong khai thác hải sản, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia có chỉ số đánh bắt cá IUU cao trên thế giới.
Theo nghiên cứu của IUU Fishing Index 2021, Việt Nam có chỉ số IUU cao hơn mức bình quân chung của thế giới (2,48 so với 2,24). Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng biển giáp ranh với các nước: Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan với nhiều hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, như: sử dụng các tàu hết hạn đăng kiểm, bị xóa đăng ký để thực hiện hành vi đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài với sự trợ giúp của các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và thu mua hải sản). Những tàu này thường lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu, tắt đèn và thiết bị giám sát hành trình (VMS) để trốn tránh lực lượng chức năng, đưa tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác, khi bị phát hiện thường cố tình chống đối, bỏ chạy. Tinh vi hơn, các chủ thể khai thác IUU còn tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình để gửi lên bờ hoặc gửi sang tàu cá khác đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam để đánh lạc hướng; xóa dữ liệu hoặc can thiệp làm sai lệch thông tin trên thiết bị giám sát hành trình để trốn tránh hoặc “đánh lừa” sự theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng,... gây nhức nhối trong khai thác hải sản trên biển. Theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, ở nhiều cấp độ khác nhau cùng sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, lực lượng, địa phương, nhất là các địa phương ven biển nhưng tình trạng khai thác IUU tuy có giảm nhưng chưa vững chắc và vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Có thể nêu ra một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến “căn bệnh” khai thác IUU diễn ra trong thời gian dài, chưa được ngăn chặn triệt để, xóa bỏ tận gốc.
Một là, việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với tàu cá vi phạm của các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương còn thiếu sự đồng bộ và chưa đủ sức răn đe.
Hai là, hiệu quả ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU của các lực lượng chấp pháp trên biển chưa cao do vùng biển được giao quản lý rộng, trong khi lực lượng, phương tiện còn mỏng, hạn chế.
Ba là, một số văn bản pháp luật còn có những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Việc quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảnh sát biển chưa rõ, vẫn còn nhiều bất cập.
Bốn là, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên biển trong đăng ký, quản lý, xử lý tàu cá trên biển còn thiếu đồng bộ, có thời điểm hiệu quả chưa cao, v.v.
Năm là, thực tiễn số lượng tàu cá của các địa phương hiện nay tương đối lớn, trong khi đó, sản lượng đánh bắt cũng như trữ lượng thủy sản trên các ngư trường truyền thống, vùng biển Việt Nam có xu hướng giảm nhưng ở vùng biển nước ngoài thì tiềm năng đánh bắt lớn. Thậm chí trong ngư dân còn truyền khẩu một “thông điệp” rằng, một ngày đánh bắt cá trên vùng biển nước ngoài bằng 10 ngày khai thác ở vùng biển Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân căn cốt nhất dẫn đến một bộ phận ngư dân chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình vượt sang vùng biển nước ngoài khai thác IUU.
Những nguyên nhân và vấn đề đặt ra từ thực tiễn nêu trên cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét, giải quyết nghiêm túc, thấu đáo. Bởi, nếu Việt Nam không sớm gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành Thủy sản mà tiếp tục bị cảnh báo “thẻ đỏ” thì sẽ vô cùng nguy hiểm và mang lại hậu quả khôn lường. Khi đó sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hoàn toàn sang thị trường châu Âu. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến việc khai thác thủy sản của Việt Nam mà còn tác động gián tiếp đến sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Đồng thời, không tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Mặt khác, thị trường châu Âu vốn là thị trường có uy tín, lớn thứ 2 thế giới về nhập khẩu thủy sản, nên các thị trường khác hoàn toàn có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự, thậm chí “tẩy chay” sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Khi thủy sản không xuất khẩu được, giá thấp, ngư dân sẽ hạn chế hoặc không ra khơi đánh bắt thủy sản nữa, điều này sẽ tác động lớn tới việc thực hiện các chiến lược, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về biển cũng như việc thực thi, tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển xa bờ. Không dừng lại ở đó, “thẻ vàng” cảnh báo đối với ngành Thủy sản còn tác động đến yếu tố chính trị, quan hệ ngoại giao của Việt Nam, nhất là với các nước láng giềng và các nước Liên minh châu Âu, ảnh hưởng đến vị thế, uy tín, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, v.v.
Điều đó cho thấy “thẻ vàng” về khai thác IUU thực sự đang gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn nguy đối với ngành Thủy sản Việt Nam. Đây là thách thức lớn, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng, địa phương ven biển,... với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, chung sức, đồng lòng nhằm thực hiện cho được mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU là vấn đề quan trọng hàng đầu, thiết thực góp phần phát triển kinh tế biển bền vững, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Số sau - Tiếp theo và hết : III. Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU - Mệnh lệnh từ trái tim)
NGUYỄN QUANG - LÊ MINH - LIÊN NHÂM _______________
1 - Năm 2022, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, tổ chức tuyên truyền, xua đuổi 829 lượt/chiếc tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, giảm 502 lượt/chiếc so với năm 2021.
2 - Hiện nay, nước ta có khoảng 2,5 triệu ngư dân và người lao động làm các dịch vụ hậu cần tại Biển Đông, với hơn 170.000 tàu cá các loại tham gia đánh bắt trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam,vai trò nòng cốt,“thẻ vàng” IUU,“Căn bệnh” trầm kha
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An