QPTD -Thứ Hai, 14/04/2025, 08:43 (GMT+7)
Hải đoàn 42 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật   

Nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, Hải đoàn 42 Vùng Cảnh sát biển 4 đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, an toàn trên vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Hải đoàn 42 (Vùng Cảnh sát biển 4) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, an toàn trên vùng biển, đảo từ bờ Bắc cửa Định An (Trà Vinh) đến vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang). Mặc dù vùng biển quản lý rộng, đơn vị đóng quân phân tán; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhưng Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân tại Cảng cá Sông Đốc.

Nổi bật là, Hải đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và người dân trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành pháp luật; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, nhất là Phòng Pháp luật/Bộ Tư lệnh Vùng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý theo đúng quy định các tàu, thuyền của ngư dân và tàu thuyền của nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam; mạng lưới cơ sở, nắm bắt, trao đổi thông tin được xây dựng, phát triển, hoạt động hiệu quả; công tác theo dõi, nắm bắt tình hình trên các vùng biển trọng điểm, khu vực giáp ranh, chồng lấn, được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định1.

Dự báo thời gian tới, tình hình an ninh, an toàn trên vùng biển, đảo phía Tây Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Tàu của nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, tàu cá của ngư dân ta vi phạm các quy định trong đánh bắt, khai thác hải sản còn diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên biển, nhất là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán xăng dầu, buôn bán ma túy,… ngày càng tinh vi. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm không ngừng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, trọng tâm là các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đây là giải pháp rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ cũng như ý thức, trách nhiệm của nhân dân. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các xã ven biển khu vực đơn vị đóng quân, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi và chấp hành pháp luật. Nội dung tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các chỉ thị, hướng dẫn, quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên biển; vi phạm quy định về đánh bắt, khai thác hải sản1, v.v.

Để thực hiện tốt vấn đề này, Hải đoàn chỉ đạo cơ quan chính trị, các hải đội đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phù hợp với từng nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn. Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục trên hệ thống pano, áp phích, truyền thanh nội bộ, thông qua giao ban, hội họp, học tập tập trung, trao đổi, nói chuyện chuyên đề, Hải đoàn tiếp tục biên soạn nội dung tuyên truyền bằng tờ rơi, thông qua mạng xã hội, phối hợp với huyện Năm Căn, thành phố Phú Quốc đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, hướng dẫn, quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Phối hợp với các địa phương tổ chức tốt cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” trong các nhà trường và chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, v.v. Qua đó, giúp ngư dân ngày càng hiểu rõ các quy định của pháp luật và thấy rõ trách nhiệm công dân đối với nhiệm vụ khai thác, đánh bắt hải sản kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo, v.v.

Kiểm tra tàu thuyền chở hàng hóa vi phạm.

Hai là, xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, năng lực đấu tranh, kỹ năng xử lý các tình huống cho bộ đội. Thực tiễn cho thấy, lực lượng Cảnh sát biển hoạt động mang tính độc lập rất cao, các vụ việc, tình huống diễn ra trên biển trong điều kiện sóng gió phức tạp, bất kể ban ngày, ban đêm, đối tượng phạm tội có nhiều thủ đoạn rất tinh vi, nếu cán bộ, chiến sĩ không có bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ tinh thông, nắm chắc pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn bị mua chuộc, lôi kéo, tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Chính vì vậy, Hải đoàn tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát biển cũng như chức trách, nhiệm vụ được giao; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức của người quân nhân cách mạng; có tư duy độc lập, sáng tạo, phương pháp làm việc khoa học,… sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Hải đoàn chỉ đạo các hải đội tăng cường tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các tình huống trên biển cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, mới ra trường. Quá trình thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa tập huấn, bồi dưỡng về lý luận với thực hành, theo hướng cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, tự học, tự rèn với tự bồi dưỡng lẫn nhau; kết hợp giữa huấn luyện, luyện tập, sẵn sàng chiến đấu với thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, qua đó nâng cao năng lực thực tiễn cho bộ đội. Ngoài ra, Hải đoàn tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, Kiểm sát,… trên địa bàn huyện Năm Căn, thành phố Phú Quốc bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật chuyên ngành, quy trình xử lý một vụ án, vụ việc cho cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên báo cáo, đề đạt với cấp có thẩm quyền, tuyển chọn đội ngũ cán bộ, nhân viên về công tác tại đơn vị dựa trên kết quả học tập, rèn luyện tại các trường và quá trình công tác tại các cơ quan, đơn vị trong Vùng.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện hoạt động trên vùng biển quản lý, tiến hành đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Để thực hiện tốt giải pháp này, Hải đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hải đội phối hợp chặt chẽ với lực lượng: Công an, Biên phòng, Hải quan,… xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên biển, hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trái phép. Chủ động trao đổi thông tin, kịp thời nắm chắc tình hình hoạt động của các loại đối tượng, phương tiện xâm phạm an ninh chủ quyền biển, đảo để có biện pháp xử lý kiên quyết, phù hợp theo quy định của pháp luật và quy chế đã ký kết. Thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các tàu, thuyền của ngư dân trước khi ra khơi và phương tiện qua lại vùng biển do Hải đoàn kiểm soát. Tổ chức các đợt tấn công, trấn áp tội phạm trên biển, nhất là tội phạm về ma túy, buôn bán xăng dầu trái phép, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc,… nhất là vào các dịp lễ, Tết, giai đoạn có các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Quân đội.

Tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình hoạt động khai thác thủy, hải sản của ngư dân trên các vùng biển; rà soát phân loại các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, tàu cá của ngư dân không có giám sát hải trình, không đủ điều kiện ra khơi để có biện pháp xử lý, theo dõi, quản lý. Khi phát hiện ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tranh chấp ngư trường, Hải đoàn triển khai lực lượng, phối hợp với cơ quan chức năng, kịp thời xác minh, làm rõ, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Sau mỗi vụ việc, đợt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp thực thi pháp luật trên biển trong thời gian tiếp theo.

Bốn là, xây dựng mạng lưới cơ sở cung cấp thông tin có chất lượng. Đảm nhiệm quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn trên vùng biển rộng, trong điều kiện lực lượng, phương tiện có hạn, nên công tác xây dựng mạng lưới cơ sở cung cấp thông tin là yếu tố cơ bản, quan trọng, bảo đảm cho Hải đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật. Theo đó, Hải đoàn tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng lựa chọn cá nhân có uy tín trong cộng đồng, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nắm và cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm, hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, khai thác thủy hải sản trái phép,… hình thành các cơ sở cung cấp thông tin tin cậy; trong đó, coi trọng phát huy “tai mắt” của nhân dân và lực lượng hoạt động trên biển trong việc nắm và thông báo tình hình. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch cử cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh, kinh nghiệm thực thi pháp luật tham gia lao động giúp đỡ ngư dân tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy, hải sản để lựa chọn lực lượng xây dựng cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng có các biện pháp xác minh chất lượng nguồn thông tin, nhất là thông tin trên các khu vực biển trọng điểm; các tàu nghiên cứu thăm dò, tàu quân sự, tàu chấp pháp, tàu cá của nước ngoài trong khu vực vùng biển đơn vị quản lý cũng như hoạt động của tàu cá Việt Nam ở khu vực giáp ranh, chồng lấn; chú trọng thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình đã ký với các đơn vị, địa phương, đồng thời tiếp tục xây dựng các mối quan hệ phối hợp công tác.

Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 42 luôn vững niềm tin, chắc ý chí trong mọi hải trình thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh, an toàn trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá LÊ ĐỨC TUẤN, Hải đoàn trưởng
____________________
        

1 - Năm 2024, đã triển khai 94 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử phạt 95 tàu cá vi phạm pháp luật; phát hiện và bắt giữ 01 đối tượng truy nã nguy hiểm bàn giao cho công an xử lý, v.v.

2 - Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)