QPTD -Thứ Tư, 13/09/2023, 10:07 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU

I. Tổ quốc nhìn từ hướng biển

II.“Căn bệnh” trầm kha và cảnh báo IUU

III. Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU - Mệnh lệnh từ trái tim

Mặc dù được EC đánh giá cao về những nỗ lực trong triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, nhưng do đặc thù vùng biển nước ta rộng, có nhiều khu vực chồng lấn với các nước khác, số lượng phương tiện tàu cá hoạt động trên biển rất lớn; trong khi đó, lực lượng, phương tiện quản lý, thực thi pháp luật trên biển của ta có hạn, nên mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của EC trong năm 2023 vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, bằng cả tấm lòng, nhiệt huyết, trách nhiệm và quyết tâm trong phòng, chống khai thác IUU, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Trước hết, vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa quyết định nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân và tính hiệu quả, sức răn đe của các chế tài pháp luật. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định tới thành công trong gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam, bởi chỉ có nhận thức đúng, mới có hành động đúng; chỉ có trên cơ sở hệ thống pháp luật chặt chẽ, đầy đủ và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để vượt qua những cám dỗ của lợi ích kinh tế cục bộ, trước mắt, hướng tới lợi ích toàn cục, lâu dài, bền vững cho đất nước, dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế chúng ta mới có động lực và sức mạnh để đi đến thành công. Với nhận thức đó, trên cơ sở sơ kết đợt cao điểm chống khai thác IUU sáu tháng đầu năm 2023, Cảnh sát biển Việt Nam tích cực tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành hệ thống văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách pháp luật về khai thác thủy sản; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác hải sản theo khu vực biển; xây dựng, vận hành Trung tâm giám sát tàu cá; trong đó, chú trọng triển khai và thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát, định vị GPS, thông tin liên lạc ICOM, quy định khai báo trước, trong và sau mỗi lần ra khơi,… tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý để ngư dân dễ dàng thực hiện, cũng như tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, duy trì trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.

Cấp phát tờ rơi, tuyên truyền về chống khai thác IUU cho bà con ngư dân

Trước mắt, tập trung nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP bảo đảm sát với thực tiễn hoạt động nghề cá tại Việt Nam và các quy định của quốc tế; rà soát điều chỉnh, xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2025. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đảm bảo chủ tàu, thuyền viên không thể can thiệp được vào thiết bị,… trong suốt hành trình đánh bắt thủy sản trên biển. Về lâu dài, Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế trong khai thác thủy sản theo hướng duy trì và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản tự nhiên bền vững, lâu dài. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, nhằm giảm dần cường độ, sản lượng khai thác nhưng vẫn bảo đảm thu nhập và sinh kế cho ngư dân, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Rà soát, hoàn thiện, xây dựng một số chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng tại các khu vực cấm khai thác có thời hạn nhằm phục hồi và cải tạo nguồn lợi thủy sản; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác chọn lọc, thân thiện môi trường và hỗ trợ chuyển đổi kinh tế sang các ngành nghề khác và một số chính sách khác có liên quan.

Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phối hợp với lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư và chính quyền địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về khai thác thủy sản, về chế tài xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU nói chung và vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản trái phép nói riêng,... làm cho mọi người dân nhận thức sâu sắc việc chống khai thác IUU không phải là hình thức đối phó nhất thời với EC, mà vì lợi ích lâu dài của chính người dân, của đất nước và giữ gìn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Để nâng cao hiệu quả công tác quan trọng này, trên cơ sở Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” với 28 tỉnh, thành phố ven biển đã được ký kết và Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật  trực tiếp cho ngư dân. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương xây dựng, đăng phát tin, bài, phóng sự, video clip về kết quả, kinh nghiệm chống khai thác IUU của các địa phương, cũng như thông tin kịp thời các vụ vi phạm phải xử lý để tăng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; trong đó, lồng ghép nội dung chống khai thác IUU, nhằm lan tỏa sâu rộng vấn đề này trong thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, v.v. Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ và pháp luật tổ chức điều tra cơ bản, bàn giao cho Ủy ban nhân dân các địa phương xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm IUU theo thẩm quyền, góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về đánh bắt, khai thác hải sản bền vững của ngư dân.

Đi liền với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tập trung nâng cao năng lực phối hợp, hiệp đồng thực thi pháp luật trên biển, đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ các tàu cá từ trong bờ đến ngoài khơi. Để thực hiện tốt nội dung này, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về khai thác hải sản, trọng tâm là: Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4; Kế hoạch số 127/KH-CQTT, ngày 05/01/2023 của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác IUU năm 2023 và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, cùng các văn bản pháp luật liên quan, thông tin cảnh báo “thẻ vàng”, khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, không ngại hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tàu Cảnh sát biển tiếp cận xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU

Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng địa phương, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Chi cục Thủy sản,… để kịp thời cập nhật tình hình, xác minh cụ thể, chính xác các vụ việc tàu cá vi phạm pháp luật; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, thu thập thông tin có liên quan đến các hành vi vi phạm IUU và những hành vi vi phạm khác trên biển. Trong đó, tập trung nắm các hành vi khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài và hành vi môi giới đưa người, phương tiện sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; hành vi vi phạm của các chủ thể tàu cá trong sử dụng, vận hành, gửi thiết bị giám sát hành trình,… để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện canh, trực tại các vùng biển trọng điểm và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát dọc các đường phân định biển (đặc biệt là các vùng biển trọng điểm, chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia). Quá trình thực hiện, chú trọng kết hợp giữa tuần tra, kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền, vận động và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng chống, ngăn chặn tình trạng khai thác IUU. Tiếp tục tham mưu, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực huy động các nguồn lực đầu tư áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hóa trong công tác quản lý giám sát hoạt động nghề cá đồng bộ từ bờ đến tàu, bảo đảm cho các lực lượng, phương tiện trên biển cùng khai thác, chia sẻ thông tin kịp thời. Đồng thời, có các biện pháp kỹ thuật và pháp lý để ngư dân không can thiệp vào hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá (tháo, gửi, ngắt nguồn điện, sai lệch thông tin, làm giảm hoặc mất khả năng thu - phát thông báo tín hiệu xác định vị trí tàu,...), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đấu tranh với các vi phạm IUU.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Cảnh sát biển Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, xây dựng tổ chức lực lượng “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2023 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, v.v. Trên cơ sở đó, tiếp tục đầu tư mua sắm, đóng mới phương tiện, vũ khí, trang bị đồng bộ, hiện đại theo Đề án “Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2025 và những năm tiếp theo” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chiến sĩ Cảnh sát biển giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có phương pháp tác phong công tác khoa học, ứng xử văn minh.

Tích cực tham mưu, đề xuất Chính phủ sớm ký kết các văn bản giữa Việt Nam và các nước liên quan, nhất là đối với những tồn tại về vùng chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và phát sinh tranh chấp các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền,… tạo cơ sở hành lang pháp lý cho nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển cũng như việc hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân. Tăng cường phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực, để chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của nhau. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc tổ chức kiểm tra liên hợp nghề cá tại vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ; thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác với Cục Biên giới biển và Ủy ban Quốc gia an ninh hàng hải Campuchia về thiết lập hệ thống cung cấp thông tin, trao đổi hợp tác vấn đề ngư dân trên biển. Phối hợp với lực lượng chức năng các nước trong khu vực giải quyết các vụ việc liên quan đến ngư dân ta; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ, trợ giúp, bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động khai thác hợp pháp, tạo chỗ dựa, củng cố niềm tin để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với đời sống, sinh kế của ngư dân, mà còn tác động sâu sắc tới nền kinh tế của đất nước. Do vậy, thực hiện thắng lợi mục tiêu này vào cuối năm 2023 đã, đang là yêu cầu cấp bách - mệnh lệnh từ trái tim của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, của các tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, nhất là của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần quan trọng phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, vị thế, uy tín đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

NGUYỄN QUANG - LÊ MINH - LIÊN NHÂM

Ý kiến bạn đọc (0)

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử giới thiệu toàn văn Quy định số 144-QĐ/TW.