Thứ Sáu, 22/11/2024, 12:45 (GMT+7)
LTS: Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được ví như “căn bệnh” trầm kha của ngành Thủy sản Việt Nam, tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của các nguồn lợi thủy sản, môi trường, đa dạng sinh học biển và phát triển kinh tế đất nước. Vì thế, phòng, chống, “điều trị” tận gốc “căn bệnh” này là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng, địa phương ven biển và mọi ngư dân trong thời điểm hiện nay. Trong đó, việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chung tay gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu chùm bài “Cảnh sát biển Việt Nam chung tay gỡ thẻ vàng IUU” của nhóm tác giả Nguyễn Quang - Lê Minh - Liên Nhâm.
I. Tổ quốc nhìn từ hướng biển
Việt Nam là quốc gia biển, với hơn 3.260 ki lô mét bờ biển, trải dài từ Bắc xuống Nam, diện tích vùng biển rộng hơn một triệu ki lô mét vuông, có vị trí địa chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng hàng đầu trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố rải rác dọc theo bờ biển và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ tạo tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, mà còn hình thành thế trận, tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Điều đáng nói là một số đảo, như: Hòn Nhạn, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tài, đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ,… tạo thành hệ thống các điểm mốc tọa độ, khẳng định vị trí, phạm vi đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, bảo đảm phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng biển nước ta là bộ phận không thể tách rời và luôn gắn liền với sự trường tồn của dân tộc, tạo nên giá trị truyền thống, văn hóa lâu đời, giàu bản sắc. Biển Đông chính là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao thương quốc tế, động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phần lớn nhân dân lao động ở 28 tỉnh, thành phố ven biển làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển nên đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội,… gắn liền với biển. Từ xa xưa, nghề biển đã đi vào thơ ca, hò vè để ca ngợi tinh thần hăng say lao động của người dân miền biển: “Làng tôi nghề biển, nghề sông/ Những hôm trời lặng cá trong, cá ngoài”; “Ra đi sóng biển mịt mù/ Trời cho lưới nặng dô hò ta kéo lên”, v.v.
Từ kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, Việt Nam có vùng biển giàu tiềm năng, với nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản đa dạng, phong phú; trữ lượng nguồn nhiên liệu, như: dầu khí, quặng thiếc, băng cháy,… dồi dào, triển vọng. Ngư trường đánh bắt, khai thác thủy sản rộng lớn, với hơn 2.000 loài cá; trong đó, khoảng 100 loài cá có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn hàng nghìn loài giáp xác, nhuyễn thể, rong biển1, v.v. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trữ lượng nguồn lợi thủy sản bình quân hằng năm của nước ta ước tính khoảng hơn 4,3 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi thủy sản tại các vùng biển sâu, gò nổi và thềm lục địa. Nếu tính theo vị trí của các vùng biển, nguồn lợi thủy sản ở ven bờ chiếm khoảng 12%, vùng lộng khoảng 19% và vùng khơi là 69%. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển với diện tích khoảng 500.000 ha, chủ yếu nằm ở các vùng vịnh kín ven bờ, ven các đảo gần bờ và các bãi triều thấp. Bên cạnh đó, nước ta có đường bờ biển dài với nhiều bãi cát, vịnh, hang động tự nhiên đẹp,… mở ra cơ hội phát triển du lịch. Hơn thế, do đặc thù địa lý, vùng biển Việt Nam nằm kề với các tuyến đường biển quốc tế quan trọng của thế giới, có những vịnh sâu kín gió là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển, mở rộng giao lưu quốc tế, v.v.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược và các văn bản pháp luật về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển bền vững kinh tế biển. Đáng chú ý là, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục khẳng định: biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”2. Đây là những định hướng cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược đối với việc phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước ta trên hướng biển. Điểm cốt lõi được Đảng ta nhất quán là: phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ môi trường biển, không phát triển bằng mọi giá. Đồng thời, nhấn mạnh sự phát triển này phải dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, v.v.
Nhằm tạo sự thống nhất cao cả về nhận thức, hành động cũng như huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải tiếp tục: “thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo”3. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển đã đẩy mạnh quán triệt, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế biển. Nhờ đó, kinh tế biển đã có chuyển biến rõ nét, thu được kết quả đáng khích lệ, như: du lịch biển, đảo mang lại khoảng 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước; vận tải hàng hóa đạt hơn 85,1 triệu tấn; sản lượng khai thác quy đổi ra dầu đạt 18,43 triệu tấn; sản lượng khai thác thủy hải sản đạt hơn 3,9 triệu tấn; nuôi trồng thủy hải sản đạt hơn 4,8 triệu tấn; tỷ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển đã đóng góp khoảng hơn 48% GDP của cả nước, góp phần quan trọng nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cùng với những lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế, vùng biển Việt Nam còn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã minh chứng nhiều cuộc xâm lăng của kẻ thù từ hướng biển gắn liền với chiến công hiển hách của cha ông ta. Kế thừa truyền thống của dân tộc, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”4. Lời dạy của Bác chính là “cẩm nang” trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn, phát triển biển, đảo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như: Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam,… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, bảo vệ vững chắc “phên giậu” Tổ quốc từ hướng biển. Đồng thời, có chính sách động viên, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt, khai thác hải sản, trở thành những “cột mốc sống” tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Tuy nhiên, đi liền với tiềm năng, cơ hội phát triển từ biển, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen. Với vị trí đặc biệt quan trọng, Biển Đông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, khó lường, nhất là sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn; tình trạng tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn ra ngày càng gay gắt, khó dự báo. Cùng với đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, thiên tai, thảm họa có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) khiến tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với ngành Thủy sản Việt Nam kéo theo đó là tác động dây chuyền đối với hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân, các hoạt động dịch vụ nghề cá, dịch vụ chế biến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản khai thác vào thị trường châu Âu, làm cho đời sống, thu nhập của hàng trăm nghìn lao động chính thức và phi chính thức liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến thủy sản giảm sút, bấp bênh. Theo báo cáo của Cục Thủy sản, sản lượng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm liên tục qua các năm (năm 2018 giảm 6%, đến năm 2021 giảm 14%). Mặc dù năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng đến 6 tháng đầu năm 2023 lại sụt giảm nghiêm trọng. Mặt khác, thời gian thông quan các sản phẩm thủy sản vào thị trường châu Âu hiện nay lâu hơn, khó khăn hơn so với trước đây do các nước tiến hành truy xuất kỹ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm, phát sinh chi phí lớn, v.v.
Đứng trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp và huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp cùng chung sức, đồng lòng “gỡ thẻ vàng” của EC. Là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan, các cấp, ngành, địa phương ven biển triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp chống khai thác IUU, quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng này. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tích cực tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý tàu cá; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác hải sản theo khu vực biển; xây dựng, vận hành trung tâm giám sát tàu cá; quy định kích thước tàu, thuyền hoạt động trên các vùng biển; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, định vị GPS, thông tin liên lạc ICOM, quy định khai báo trước, trong và sau khi ra khơi,… tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, duy trì trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU; xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Cục Thủy sản,… quản lý, nắm chắc tình hình trên biển, kiểm tra, xác minh thông tin hành trình, phạm vi hoạt động của tàu cá; tăng cường theo dõi, phát hiện tàu cá vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình (VMS). Thường xuyên trao đổi, phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác IUU và vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ để có biện pháp quản lý, xử lý đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam. Tích cực tham gia giải quyết các tranh chấp về ngư trường, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ tàu cá và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển với phương châm “Bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển”.
Cùng với đó, các đơn vị Cảnh sát biển thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện tại các vùng biển trọng điểm, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát dọc các đường phân định biển (đặc biệt là các vùng biển trọng điểm, chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia). Chú trọng kết hợp giữa tuần tra, kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền, vận động và các biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống, ngăn chặn tình trạng khai thác IUU. Đẩy mạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức phong phú, v.v. Nhờ đó, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép đã giảm rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã bắt giữ, dẫn giải, bàn giao hồ sơ, phương tiện vi phạm cho địa phương xử lý 06 vụ/08 tàu vi phạm khai thác IUU, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là những cám dỗ của lợi ích kinh tế trước mắt, tình trạng vi phạm khai thác IUU của ngư dân ta vẫn chưa chấm dứt, thậm chí xuất hiện những khó khăn, phức tạp mới. Điều đó cho thấy, muốn gỡ “thẻ vàng” của EC, cần sớm làm rõ căn nguyên sâu sa, gốc rễ của “căn bệnh” trầm kha cũng như những tác hại của nó. Từ đó, đề xuất những giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong tình hình mới.
(Số sau: II. “Căn bệnh” trầm kha và cảnh báo IUU)
NGUYỄN QUANG - LÊ MINH - LIÊN NHÂM ___________________
1 - Sách giáo khoa Địa lý, Lớp 12, Nxb GDVN, H. 2019, tr. 100 - 101.
2 - Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3 - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. CTQGST, H. 2021, tr. 125.
4 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQGST, H. 2011, tr. 311.
Tổ quốc nhìn từ hướng biển,Cảnh sát biển Việt Nam,chung tay,gỡ “thẻ vàng” IUU
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An