Thứ Tư, 27/11/2024, 04:07 (GMT+7)
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016. Với truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, phát huy trách nhiệm chính trị và quyền lợi công dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân cần quán triệt, thực hiện tốt công tác bầu cử, góp phần đảm bảo cho cuộc bầu cử thành công và thực sự là ngày hội lớn của dân tộc.
Là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam ý thức rất rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, toàn quân đã chủ động quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 04-01-2016 của Bộ Chính trị (khóa XI), Chỉ thị 01/CT-Ttg, ngày 13-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13, ngày 18-01-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết liên tịch 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN về hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cuộc bầu cử lần này là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong những năm tới. Đặc biệt, Cuộc bầu cử lại diễn ra vào thời điểm Đại hội XII của Đảng vừa được tổ chức thành công rực rỡ, sẽ càng tạo động lực và niềm tin đối với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Tổ chức thành công Cuộc bầu cử sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ tới. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự tham gia tích cực, trách nhiệm của mọi công dân, của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình cuộc bầu cử cũng có không ít khó khăn, thách thức; trong đó, đáng chú ý là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị. Để lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất công tác bầu cử trong toàn quân, ngày 20-02-2016, Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị 105-CT/QUTW và tiếp đó ngày 26-02-2016, Tổng cục Chính trị ban hành Hướng dẫn 309/HD-CT. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016. Đến nay, các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương để hoàn thành công tác chuẩn bị cho Cuộc bầu cử theo đúng lộ trình, quy định, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm cao. Ngày bầu cử đang đến gần (22-5-2016), thời gian tới, các đơn vị, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp khẩn trương hoàn thành những công việc còn lại, góp phần đảm bảo cho Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Trong đó, tập trung thực hiện tốt những nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Công tác tuyên truyền bầu cử phải được tiến hành thường xuyên, sâu rộng, bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú, sinh động, để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc bầu cử. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền về đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về Quốc hội (cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất), Hội đồng nhân dân các cấp (cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương) và những thành tựu đạt được trong thực hiện chức năng của Quốc hội, nhất là việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Phải tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ thực hiện tốt Cuộc bầu cử sẽ góp phần tạo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, v.v. Cùng với đó, cần chú trọng tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật Bầu cử, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thấy rõ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mọi công dân thực hiện quyền làm chủ của mình, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Việc tham gia tích cực bầu cử của mỗi cử tri vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm chính trị, thể hiện sâu sắc lòng yêu nước và niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự tham gia tích cực, trách nhiệm của cử tri là một trong những nhân tố quyết định thành công của cuộc bầu cử; đồng thời, là minh chứng thuyết phục nhất, bác bỏ mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm phá hoại bầu cử. Với tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần nắm vững định hướng, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần vào sự thành công của Cuộc bầu cử.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức tốt bầu cử. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục phối hợp với địa phương để phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nắm vững các thủ tục bầu cử, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đại biểu, nhất là tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thông tin đầy đủ về các ứng cử đại biểu được giới thiệu trong danh sách bầu cử để lựa chọn những người có đủ đức, tài bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước ở các địa phương và trực tiếp đi bỏ phiếu thực hiện nghĩa vụ công dân. Đồng thời, phối hợp với địa phương lập tổ bầu cử, chuẩn bị tốt nhất công tác bầu cử theo đúng hướng dẫn của trên, nhất là các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Theo Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tập trung kiểm tra, rà soát lại tất cả các khâu chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của đơn vị mình, đảm bảo cho công tác bầu cử diễn ra đúng thời gian, tiết kiệm, an toàn, đúng Luật. Theo Hướng dẫn 309/HD-CT của Tổng cục Chính trị, các đơn vị quân đội được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng hoặc có thể phối hợp thành kế hoạch đảm bảo chung một khu vực bỏ phiếu đối với những đơn vị đóng quân gần nhau, lấy đơn vị có số cử tri nhiều hơn làm điểm bỏ phiếu chung. Những đơn vị không đủ điều kiện lập khu vực bỏ phiếu riêng thì tham gia bỏ phiếu chung với nhân dân địa phương nơi đóng quân. Những đơn vị do điều kiện đóng quân đặc biệt khó khăn, như: hải đảo, đồn biên phòng, trạm ra-đa ở trên đỉnh núi,... cần bầu cử sớm thì lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chủ động liên hệ, báo cáo với ủy ban bầu cử địa phương nơi đóng quân báo cáo Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét quyết định. Các điểm bầu cử của đơn vị quân đội phải được trang trí, khánh tiết, tổ chức các hoạt động tuyên truyền bầu cử và tổ chức cho cử tri tham gia bầu cử phải thật sự nghiêm túc, mẫu mực về tổ chức bầu cử, số lượng, tỷ lệ cử tri đi bầu và thời gian hoàn thành.
Ba là, duy trì nghiêm các chế độ trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn cho bầu cử. Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch đã xác định, các đơn vị cần chủ động phối hợp với địa phương và các lực lượng trên địa bàn, nhất là lực lượng Công an để xây dựng, luyện tập, triển khai các phương án bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các khu vực bầu cử; kịp thời phát hiện, xử lý có hiệu quả mọi âm mưu, hành động gây rối, phá hoại bầu cử. Mặt khác, cần phát hiện, uốn nắn những biểu hiện xem nhẹ công tác tuyên truyền, phối hợp giữa đơn vị với địa phương; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cùng các quy định khác của pháp luật liên quan đến bầu cử. Thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động nhân dân nâng cao trách nhiệm, hăng hái tham gia bầu cử; gắn công tác tuyên truyền, cổ động với đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao; phát động thi đua với chủ đề: “Phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021” để thiết thực chào mừng sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Cùng với việc phối hợp với địa phương và các lực lượng trên địa bàn bảo vệ an ninh, trật tự tại các điểm bầu cử, các đơn vị quân đội phải có kế hoạch bảo vệ an toàn đơn vị, có phương án phòng, chống cháy, nổ, gây rối,… để xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống xảy ra trong suốt quá trình tổ chức bầu cử. Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và nhận thức rõ việc bảo đảm an toàn cho bầu cử là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thiết thực góp phần vào thành công của Cuộc bầu cử. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải đề cao trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, sát sao, tuyệt đối không để xảy ra mất an toàn, hoặc sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; qua đó, góp phần đảm bảo cho ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Bốn là, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị phá hoại Cuộc bầu cử. Chúng ta đều biết, Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh vừa có thuận lợi, vừa có thách thức, khó khăn. Thách thức lớn nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, những khó khăn, hạn chế của ta trong tổ chức, điều hành xã hội để kích động, chia rẽ, phá hoại Cuộc bầu cử. Họ tung lên các trang mạng đủ loại thông tin xấu độc, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, Đảng ta cùng nhiều tài liệu kích động rằng Quy chế bầu cử Quốc hội chỉ là “hình thức”. Không những thế, họ còn tán phát nhiều tài liệu hòng cổ súy cho quyền tự ứng cử của một số phần tử cơ hội, bất mãn, tạo ra lực lượng đối trọng trong Quốc hội; lớn tiếng tung hô, ủng hộ cho người này, người kia; xuyên tạc, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội; phản đối kết quả hội nghị hiệp thương khi người tự ứng cử bị loại do không đủ điều kiện, v.v. Mục đích của họ là gây phân tâm, chia rẽ, kích động người dân “tẩy chay”, phá hoại Cuộc bầu cử. Vì thế, cùng với hệ thống chính trị, Quân đội phải tích cực và chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động của các thế lực thù địch. Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt để mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá Cuộc bầu cử; nâng cao tinh thần cảnh giác; tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, không nghe, không làm theo sự xúi giục, kích động của những phần tử xấu. Các cơ quan chức năng cần bám sát sự kiện và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để tham mưu, định hướng đấu tranh kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, các cơ quan thông tin, báo chí trong Quân đội cần chủ động thông tin tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục và có những bài viết sắc bén, tính chiến đấu cao để phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Các đơn vị cần theo dõi, nắm chắc tình hình và xử lý có hiệu quả mọi tình huống xảy ra, tạo môi trường thuận lợi đảm bảo cho Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.
Phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cán bộ, chiến sĩ Quân đội cần tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo cho Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Thực hiện tốt điều đó, thiết thực góp phần xây dựng Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vững mạnh, đưa ra các quyết sách thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng.
Trung tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ đội Cụ Hồ,chuẩn bị bầu cử
Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021
Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021
Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021
Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021
Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021
Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021
Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021
Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021
Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021