QPTD -Thứ Năm, 07/01/2016, 21:47 (GMT+7)
Những sắc lệnh về bầu cử - cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ năm 1946

Trong bối cảnh mới giành được chính quyền, còn muôn vàn khó khăn, thách thức, để bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã ban hành một loạt sắc lệnh về bầu cử. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ.

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I, năm 1946. (Ảnh tư liệu)

Ngày 03-9-1945, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay Cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”1. Trong bối cảnh tình hình trong nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, phức tạp về chính trị - xã hội, nhiều đảng phái, tổ chức khác nhau; thù trong, giặc ngoài dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ vẫn quyết tâm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra đại biểu Quốc hội. Dư luận trên thế giới đã đánh giá đây là quyết định “dũng cảm”, “táo bạo” của Đảng ta; nhiều bạn bè còn lo ngại về sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử .

Để bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử thành công, Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành một loạt sắc lệnh, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ và thành công.

Mở đầu là Sắc lệnh số 14, ban hành ngày 08-9-1945 do đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ ký. Sắc lệnh gồm 7 điều, quy định rõ trong thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu đại biểu Quốc hội. Sắc lệnh nêu rõ: tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường (Điều 2). Số đại biểu của Quốc hội được quy định là 300 người; Quốc hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sắc lệnh cũng quy định thành lập một ủy ban để dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử và một ủy ban khởi thảo Hiến pháp.

Tiếp đó, ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 39 về thành lập Uỷ ban Dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử, gồm 9 thành viên đại diện cho các ngành, các giới, là: Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đặng, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Hữu Tiêu, Lê Văn Giang và Cô Tám Kinh. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi, Ủy ban này đã soạn thảo xong bản Dự thảo để Chính phủ lâm thời thông qua. Sắc lệnh 39 nêu rõ: khi đã nhận được danh sách đại biểu toàn quốc, Chính phủ lâm thời sẽ phải định ngày triệu tập họp Quốc hội tại Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền phụ trách thi hành Sắc lệnh này.

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử. Đây là sắc lệnh quan trọng nhất, cụ thể và đầy đủ nhất, gồm 12 khoản, 70 điều. Trong đó, Sắc lệnh ấn định ngày 23-12-1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để bầu đại biểu Quốc hội. Sắc lệnh quy định Tổng tuyển cử tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc tự do bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trên báo Cứu Quốc ngày 31-12-1945: "Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó"2. Trong quy định về vận động tuyển cử, Sắc lệnh 51 xác định: mọi cá nhân và tổ chức được tự do vận động tuyển cử, nhưng cuộc vận động không được trái với nền Dân chủ Cộng hòa. Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an đều bị cấm (Điều 3), v.v. Kèm theo Sắc lệnh này là bảng ấn định số đại biểu các tỉnh và thành phố được bầu. Danh sách bầu cử sẽ do ủy ban nhân dân địa phương lập nên. Điều 17 Sắc lệnh 51 quy định: Mỗi cử tri chỉ được đi bầu một nơi hoặc ở nguyên quán, hoặc ở một nơi mà cử tri đã trú ngụ ít nhất là 3 tháng tính đến ngày bầu cử. Binh lính, thợ thuyền, công chức thì bầu cử tại nơi mình đang làm việc (Điều 19). Các chủ xưởng, nhà máy phải gửi danh sách các thợ đến ủy ban nhân dân trước thời điểm bỏ phiếu 15 ngày. Sắc lệnh còn quy định rõ: chậm nhất là 10 hôm trước ngày bỏ phiếu, ủy ban nhân dân làng, tỉnh, lỵ (hay khu phố) phải yết danh sách tất cả các người có quyền đi bầu cử (cử tri) trong làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) ở những nơi công cộng. Tên trong danh sách xếp theo thứ tự a, b, c,... Sau khi niêm yết danh sách bầu cử, trong hạn 3 ngày mọi người có quyền khiếu nại; chậm nhất là 5 ngày trước ngày bỏ phiếu phải sửa đổi; chậm nhất 2 ngày trước ngày bầu cử, ủy ban nhân dân phải cấp thẻ cho những người có tên trong danh sách, có đóng dấu của ủy ban nhân dân. Về quyền lợi và nghĩa vụ của người bầu cử đối với mỗi lá phiếu của mình, Điều 31 của Sắc lệnh quy định: mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư, v.v.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện Sắc lệnh 51, nhận thấy cần phải bổ sung một số vấn đề cho hoàn chỉnh, ngày 02-12-1945, Chính phủ lâm thời tiếp tục ban hành Sắc lệnh số 71 và Sắc lệnh số 72 (do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký) để sửa đổi về thủ tục ứng cử, tạo thuận lợi nhiều hơn cho người ứng cử; bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh, nâng tổng số đại biểu Quốc hội do dân bầu lên 330 người.

Theo Sắc lệnh 51, ngày bầu cử được ấn định là 23-12-1945. Tuy nhiên, xét thấy còn có những nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không đủ thời gian để nộp đơn, vận động bầu cử và đề nghị của tướng Trần Tu Hòa (thay mặt Bộ tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam3), ngày 18-12-1945, Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 76 để hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 06-01-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử cho đến ngày 27-12-1945. Do điều kiện thông tin, giao thông còn khó khăn, Sắc lệnh 76 có bổ sung thêm: nơi nào lệnh hoãn không đến kịp, Chính phủ vẫn cho phép tiến hành Tổng tuyển cử theo quy định cũ là ngày 23-12-1945 và sẽ báo cáo ngay kết quả với Bộ Nội vụ. Cùng với các sắc lệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có nhiều bài viết, lời kêu gọi về bầu cử. Trong lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, đăng trên Báo Cứu quốc, Người viết: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng thụ quyền dân chủ của mình”; “Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.”4

Như vậy, để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 06-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ban hành một loạt các sắc lệnh để quy định về một cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ, cũng như tuyên truyền những thông tin cần thiết để người dân có thể nắm rõ được quy trình, quy định, cách thức bầu cử. Đây là nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng để làm nên sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên thật sự tự do, dân chủ, bất chấp sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Kết quả, số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 89%; trong khi đó, theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (25%) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Đặc biệt là, địa phương nào cũng có người tự ứng cử; các tỉnh miền núi cũng có ít nhất 20 ứng cử viên, tỉnh Hưng Yên có 40 ứng cử viên, Hà Nội có 74 ứng cử viên, v.v. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu5, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu là người dân tộc thiểu số6.

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một sự kiện trọng đại của dân tộc. Quốc hội ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội có đại biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam; có đại diện của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội, tôn giáo, dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và các đảng phái chính trị khác nhau. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Nguyên tắc bầu cử bình đẳng, không phân biệt nam, nữ mà các sắc lệnh về Tổng tuyển cử 06-01-1946 quy định có ý nghĩa và giá trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người phụ nữ Việt Nam được hưởng quyền bầu cử, ứng cử như nam giới - điều mà chỉ một số ít các nước tiên tiến đương thời có nền pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ mới làm được. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người chủ thực sự của một nước tự do, độc lập. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử còn khẳng định niềm tin tuyệt đối của nhân dân ta vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh dấu bước trưởng thành của Đảng, Nhà nước cách mạng, mở ra một thời kỳ mới của đất nước với một hệ thống tổ chức lập pháp, hành pháp đầy đủ về mặt pháp lý. Đồng thời, khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn đường lối dựng xây chế độ xã hội mới

Ngày nay, trong điều kiện đất nước phát triển, hệ thống văn bản pháp lý về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khá hoàn chỉnh, song những sắc lệnh về Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 do Chính phủ lâm thời ban hành vẫn còn nguyên giá trị.

Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG
_______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 7.

2 - Sđd, tr. 153.

3 - Sđd, tr. 137.

4 – Sđd, tr. 166.

5 - Tổng số đại biểu là 403 gồm: 333 đại biểu do nhân dân bầu và 70 đại biểu không qua bầu cử (20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng).

6 - Văn phòng Quốc hội - 70 năm (6/1/1946 - 6/1/2016) ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, tài liệu tuyên truyền, H. 2015, tr. 46.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021

Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021

Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021

Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021

Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021

Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021

Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021

Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021

Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021

Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc
Ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn nhanh báo chí về sự kiện trọng đại này.