Thứ Tư, 11/09/2024, 00:23 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có giá trị quan trọng về quốc phòng trong hệ thống phòng thủ Quân khu 9. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa đó, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Những năm qua, trên cơ sở phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên coi trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đạt được kết quả quan trọng.
Trong quá trình thực hiện, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ toàn diện, vững chắc về chiều sâu, có tiềm lực ngày càng mạnh theo đúng quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng được nêu trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Trước hết, về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Tỉnh ủy lãnh đạo cấp ủy các cấp tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh, gọn; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý các mặt công tác, nhất là quản lý nhà nước về quốc phòng, tạo cơ sở để triển khai nghiêm túc, đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ.
Thực tiễn cho thấy, sự bất cập về kiến thức, ý thức quốc phòng và an ninh của một số cán bộ, viên chức, công chức là một trong những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế đến kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ. Vì vậy, Tỉnh ủy rất coi trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Ban Tuyên giáo Tỉnh chỉ đạo báo, đài phát thanh - truyền hình của Tỉnh và phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, quốc phòng và an ninh, pháp luật, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc,... cho nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, Tỉnh hết sức coi trọng tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động bằng các nội dung, hình thức linh hoạt, phù hợp, gắn với tuyên truyền về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, nhằm tăng cường “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Về xây dựng tiềm lực kinh tế; kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh. Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, Tỉnh xác định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Theo đó, Tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh, qua đó không ngừng tăng cường nguồn lực vật chất, kỹ thuật cho khu vực phòng thủ. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh chú trọng phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp trong khảo sát, thẩm định và triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, khu vực quan trọng về quốc phòng. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư, nâng cấp, như: tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, hệ thống đê, kè, cảng biển, v.v. Đến nay, 100% tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn, hệ thống thủy lợi được nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và bảo đảm cho hoạt động của khu vực phòng thủ khi có tình huống. Phát huy lợi thế, Tỉnh xây dựng các khu, cụm công nghiệp: An Nghiệp, Trần Đề,… cảng biển Trần Đề; phát triển các dự án điện gió, nhiệt điện, vừa góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương, xóa đói, giảm nghèo; vừa chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ nhu cầu quốc phòng và an ninh. Trong nuôi trồng, chế biến nông - thủy sản, Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã; quy hoạch, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, khu nuôi trồng, chế biến tập trung ven biển; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi mùa vụ, cơ cấu vật nuôi, cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, v.v. Năm 2016, sản lượng thuỷ sản của Tỉnh đạt 236.000 tấn, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt 141 triệu đồng. Cùng với đó, Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào “Xây dựng nông thôn mới” nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, nhất là người dân tộc thiểu số, khu vực biển đảo.
Về xây dựng tiềm lực quân sự, an ninh. Đây là nội dung cốt lõi về xây dựng tiềm lực của khu vực phòng thủ, được Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Theo đó, các cơ quan quân sự, công an được kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng: “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng. Đồng thời, xây dựng các cơ quan này vững mạnh về chính trị, giỏi về chuyên môn, có kiến thức toàn diện, đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện công tác quốc phòng và an ninh. Để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng thuộc lực lượng quân sự, công an, biên phòng tăng cường lãnh đạo tổ chức huấn luyện theo kế hoạch, sát với thực tế địa phương. Đối với lực lượng bộ đội thường trực, tổ chức huấn luyện theo phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với đối tượng tác chiến trên địa hình sông nước, ven biển. Với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, tổ chức xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, “gần, gọn địa bàn”, đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các tình huống quốc phòng và an ninh; tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý. Hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh đạt tỷ lệ trên 1,46% dân số, trong đó có hơn 21% là đảng viên; lực lượng dự bị động viên sắp xếp vào các đơn vị đạt hơn 95%, có gần 13% là đảng viên. Cùng với đó, Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa Quân đội, Công an, Biên phòng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; trên cơ sở đó, Tỉnh xây dựng và thực hiện tốt quyết tâm bảo vệ biên giới, vùng biển. Đồng thời, các lực lượng sử dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc, tình huống quốc phòng, an ninh, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển đảm nhiệm.
Cùng với xây dựng các tiềm lực, Tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng thế trận quân sự, đảm bảo liên hoàn, vững chắc ở từng khu vực và trên toàn địa bàn. Hiện nay, Sóc Trăng đang thực hiện Đề án Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của địa phương. Trước mắt, Tỉnh tập trung đầu tư các công trình cấp thiết, mang tính lưỡng dụng, như: hạ tầng các công trình quốc phòng của khu vực phòng thủ, các tuyến giao thông quan trọng, tuyến ven sông, ven biển, vừa tạo lập thế trận vững chắc, có chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động của khu vực phòng thủ trong thời bình cũng như thời chiến, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế. Trong đó, có công trình với mục tiêu phát triển kinh tế là trọng tâm, kết hợp với đảm bảo quốc phòng, nhưng cũng có công trình lấy mục tiêu đảm bảo cho quốc phòng là chính, kết hợp với đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Quá trình triển khai, các công trình quân sự quan trọng, phục vụ trực tiếp và thường xuyên cho hoạt động của khu vực phòng thủ được xây dựng trước, như: hệ thống cụm điểm tựa ven biển, thao trường huấn luyện, trụ sở đồn biên phòng, cơ quan quân sự cấp xã, v.v. Cùng với đó, Tỉnh triệt để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng có sẵn, địa hình tự nhiên để giảm bớt chi phí và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tuy là địa phương có tiềm lực kinh tế chưa lớn, nhưng những năm qua, Tỉnh đã cân đối ngân sách hợp lý, đầu tư đúng mức, dành hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình quốc phòng và an ninh, thiết thực xây dựng thế trận quân sự toàn diện, liên hoàn, vững chắc, v.v.
Cùng với đó, Tỉnh đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ; xác định đây là nguyên tắc có tính quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ. Hoạt động của khu vực phòng thủ luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của cấp ủy, sự chỉ đạo thống nhất của ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan quân sự phối hợp với cơ quan công an và các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu, tổ chức thực hiện. Để vận hành tốt cơ chế đó, đảm bảo cho khả năng đấu tranh quốc phòng, phòng thủ dân sự địa phương trong thời bình, sẵn sàng chuyển sang thời chiến khi có tình huống chiến tranh, Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh, huyện; diễn tập chiến đấu - trị an cấp xã; diễn tập phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo đúng kế hoạch. Năm 2016, Tỉnh chỉ đạo thị xã Ngã Năm và huyện Kế Sách diễn tập khu vực phòng thủ; qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động tác chiến khu vực phòng thủ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, Tỉnh rút ra các bài học kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn để kịp thời khắc phục những thiếu sót, bất cập; bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án để tiếp tục chỉ đạo diễn tập ở 04 huyện trong năm 2017 và xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
TS. NGUYỄN VĂN THỂ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
tỉnh Sóc Trăng,khu vực phòng thủ,tập trung lãnh đạo
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Ngành Điều tra hình sự Quân đội nâng cao chất lượng phòng, chống vi phạm, tội phạm trong tình hình mới 27/06/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo