QPTD -Thứ Năm, 21/08/2014, 09:31 (GMT+7)
Cục Cứu hộ - Cứu nạn trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Cục Cứu hộ - Cứu nạn có vị trí quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn của Quân đội. Ý thức rõ điều đó, 10 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Cục luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới.

Kíp trực ở Trung tâm Chỉ huy Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn đang xử lý
 thông tin từ các lực lượng tìm kiếm ngoài hiện trường báo về. 
(Nguồn: thanhnien.com.vn)

Những năm qua, sự biến đổi phức tạp không theo quy luật của thời tiết, khí hậu đã gây hậu quả thiên tai, tai nạn, sự cố gia tăng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và ổn định quốc phòng - an ninh của đất nước. Nhằm để chủ động ứng phó với tình hình đó, ngày 09-8-2004, Bộ Quốc phòng (BQP) ra Quyết định 109/QĐ-BQP về thành lập Cục Cứu hộ - Cứu nạn (CH-CN). Chức năng chủ yếu của Cục là tham mưu giúp Quân ủy Trung ương (QUTƯ), BQP, và Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); quản lý, chỉ đạo về chuyên môn các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời, thực hiện chức năng Văn phòng của Ủy ban Quốc gia (UBQG) TKCN và trung tâm quốc gia chỉ huy, điều hành TKCN.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Cục thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, QUTƯ, BQP, BTTM; trên cơ sở đó, đẩy mạnh kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng Đảng bộ Cục trong sạch, vững mạnh (TS,VM), Cục vững mạnh toàn diện (VMTD), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, Cục đã chủ động nắm vững tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tham mưu giúp UBQG TKCN, Thủ trưởng BQP ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TKCN; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị toàn quân huy động, điều phối lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra. Công tác quản lý, chỉ đạo về xây dựng lực lượng, huấn luyện, diễn tập và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các đơn vị làm nhiệm vụ chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng phổ thông toàn quân có nhiều chuyển biến và đạt kết quả quan trọng. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TKCN từng bước được mở rộng, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế1. Đến nay, Cục đã tham mưu và chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương kiện toàn 63 Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy TKCN ở các tỉnh, thành phố; củng cố, nâng cấp các phòng, ban CH-CN của các đơn vị toàn quân; xây dựng và đưa vào sử dụng các trung tâm quốc gia về TKCN đường không, đường biển, cấp cứu mỏ và ứng phó sự cố tràn dầu trên các khu vực, nâng cao một bước về năng lực trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đặc biệt, 10 năm qua, với chức năng là Văn phòng thường trực của UBQG TKCN, Cục đã tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo, huy động gần 1,5 triệu lượt người cùng hơn 71.000 lượt phương tiện tham gia xử lý có hiệu quả hàng trăm vụ thiên tai, sự cố xảy ra; cứu được hơn 28.700 người và gần 3.400 phương tiện các loại. Trong đó, Cục đã tham mưu cho BTTM huy động gần 1,3 triệu lượt người với hơn 40.000 lượt phương tiện tham gia, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, của các tổ chức và nhân dân. Qua đó, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố và TKCN. Với những thành tích xuất sắc, năm 2013, Cục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Thời gian tới, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cùng những nguy cơ tiềm ẩn về sự cố trong quá trình CNH,HĐH đất nước đặt ra cho công tác CH-CN những yêu cầu mới đa dạng, phức tạp và nặng nề hơn. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác; trong đó, chú trọng thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung nâng cao năng lực làm tham mưu về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và CH-CN. Đây là một chức năng cơ bản của Cục, nhằm giúp cho UBQG TKCN, QUTƯ, BQP, BTTM đề ra các quyết sách, chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố và TKCN trong mọi tình huống. Để nâng cao năng lực tham mưu, Đảng ủy, chỉ huy Cục xác định, một mặt, tiếp tục quán triệt, nắm vững các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của QUTƯ, BQP, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mặt khác, Cục đẩy mạnh việc bồi dưỡng, trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng nắm bắt tình hình và nghiên cứu, dự báo cho đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm tham mưu đúng, trúng, kịp thời trên từng mặt công tác được giao.

Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cùng với việc tham mưu cho UBQG TKCN và BQP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và đơn vị điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó trên từng khu vực; kiện toàn tổ chức biên chế ngành CH-CN toàn quân, Cục tập trung nghiên cứu, tham mưu về xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn trên lĩnh vực TKCN; đề xuất một số giải pháp phòng, chống đối với các thảm họa lớn, như: siêu bão, động đất, sập đổ công trình,… không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trước mắt, Cục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng giúp QUTƯ xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và CH-CN, làm cơ sở định hướng cho toàn quân triển khai thực hiện. Đồng thời, Cục chủ động tham mưu cho Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Đề án Trung tâm đào tạo, huấn luyện gắn với thao trường tổng hợp TKCN; Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia trong các tình huống cơ bản. Trong quá trình tham mưu, Cục coi trọng phát huy trí tuệ tập thể; nâng cao khả năng nghiên cứu, dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chiến lược ở trong và ngoài nước để trao đổi thông tin, thống nhất nhận định, đánh giá, bảo đảm tính khách quan, khoa học.

2. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CH-CN trên các địa bàn. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất của hoạt động CH-CN vừa nguy hiểm, phức tạp, vừa đòi hỏi tính cẩn trọng và kỹ thuật cao, có thể diễn ra ở nhiều địa bàn, với nhiều lực lượng tham gia; do đó, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ này đóng vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định 172/QĐ-TTg, ngày 16-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020”, Cục chủ động rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng của từng đơn vị về phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN trên từng địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Qua đó, có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án CH-CN; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập và giúp các địa phương chỉ đạo, điều hành, vận hành cơ chế linh hoạt khi có tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra. Trong đó, việc chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, phương án của các cơ quan, đơn vị bảo đảm thống nhất theo phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với đặc điểm địa bàn và điều kiện của đơn vị, địa phương. Đối với công tác huấn luyện, diễn tập về phòng, chống lụt bão, phòng, chống cháy nổ, TKCN, Cục chỉ đạo các đơn vị đổi mới ở từng khâu, từng công đoạn; thực hiện vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, bảo đảm độ vững chắc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Riêng đối với lực lượng chuyên trách, cần tập trung huấn luyện theo hướng cơ bản, chuyên sâu; nâng cao trình độ chỉ huy, phối hợp hiệp đồng; biết sử dụng thành thạo các trang bị, phương tiện chuyên dụng trong các tình huống phức tạp, làm nòng cốt trong CH-CN.

Bên cạnh đó, Cục tích cực chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng công tác chuyên môn; duy trì nghiêm chế độ trực các cấp để theo dõi, nắm vững thông tin về dự báo, cảnh báo. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các quy định, quy chế trong quan hệ hợp tác với các nước để giao lưu, học hỏi, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong hoạt động TKCN trên biển, ứng cứu sập đổ công trình, ứng phó sự cố tràn dầu và cứu trợ thảm họa y tế, bảo đảm đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.

3. Đẩy mạnh xây dựng cơ quan Cục vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Là cơ quan đầu ngành toàn quân về CH-CN, bên cạnh việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Cục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nhằm xây dựng Đảng bộ TS,VM, cơ quan VMTD, coi đó là nhân tố quan trọng, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của Đơn vị. Hằng năm, Cục chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan, nhất là các phòng, ban mới thành lập; chủ động xây dựng và ban hành chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận; quy chế làm việc, điều hành của cơ quan. Đồng thời, tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị 917/1999/CT-QP của Bộ trưởng BQP về xây dựng đơn vị VMTD, Cục đẩy mạnh xây dựng Đơn vị vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Cục phấn đấu hằng năm, có 100% tổ chức đảng đạt TS,VM, 97% trở lên đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đi đôi với nâng cao bản lĩnh chính trị, Cục tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; kết hợp chặt chẽ giữa cử đi đào tạo cơ bản ở các nhà trường (trong và ngoài Quân đội) với tăng cường bồi dưỡng tại chỗ thông qua hoạt động thực tiễn, nhằm không ngừng nâng cao năng lực làm tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Cục đẩy mạnh xây dựng cơ quan chính quy, mẫu mực; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính quân sự, trọng tâm là đổi mới tác phong và phương pháp công tác chính quy, khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tiến trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cục chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; phát huy dân chủ ở cơ sở và sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp; đồng thời, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo chuyển biến mới, vững chắc để Cục hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về CH-CN.

Thiếu tướng PHẠM HOÀI GIANG, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn
_____________________

1 - Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng Công binh, Quân y tham gia Diễn tập hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa (tại Bru-nây); đăng cai Diễn tập ứng phó thảm họa, cứu trợ nhân đạo khu vực ASEAN, được UBQG TKCN, BQP, các nước trong khu vực và quốc tế đánh giá cao.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.